Thứ Hai, 2025-01-20, 8:47 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Chín » 13 » Bài phát biểu của Bộ Trưởng Tư Pháp Anh về việc phát triển dựa trên Pháp quyền
1:06 PM
Bài phát biểu của Bộ Trưởng Tư Pháp Anh về việc phát triển dựa trên Pháp quyền

VietCatholic News (Thứ Sáu 12/09/2008 14:48)

LTS: Sau đâylà bài phát biểu của Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Anh tại Trường Đại Học Hà Nội hôm qua 11/9/2008, chúng tôi mong muốn Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng Thứ trưởng Công An Việt Nam và Ông Nguyễn Đức Nhanh Giám Đốc Công An Hà Nội đọc để tham khảo, hiểu biết, và học hỏi thêm người Anh nói gì về Luật pháp và nền Pháp trị tại Việt Nam. (Phần chú thích mầu là của chúng tôi)


Vị trí của Việt Nam trong thế kỷ Châu Á

Bài phát biểu của Bộ Trưởng Tư Pháp Anh Jack Straw
Tại trường Đại học Luật Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2008

MỞ ĐẦU

Thưa ông Lê Minh Tâm, thưa các quý vị đại biểu, các vị lãnh đạo, giáo viên và sinh viên của trường Đại học Luật Hà Nội, trường Đại học Quốc gia Hà Nội, và các sinh viên của chương trình học bổng Chevening.

Tôi rất vui được có mặt tại đây hôm nay để trò chuyện cùng các bạn và chuyển tới các bạn lời chào từ Thủ tướng Anh Gordon Brown và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh David Miliband.

Tôi đã có hân hạnh được gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và một vài Bộ trưởng trong chuyến thăm nước Anh của Thủ tướng vào tháng ba năm nay. Tôi cũng đã gặp Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường vào tháng 6 vừa qua tại London. Nhưng tôi lấy làm tiếc mà thú nhận rằng mặc dù tôi đã từng đi nhiều nơi trên thế giới trong suốt thời gian công tác, tôi chưa từng đến thăm Việt Nam.

Đó thực sự là một điều đáng tiếc, đặc biệt là khi tôi đã có những cảm nhận sâu sắc về những gì đã xảy ra tại Việt Nam cách đây 40 năm. Khi đó tôi còn là một sinh viên và là Chủ tịch Hội Liên hiệp Sinh viên Quốc gia, tôi đã tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối chống lại cuộc chiến tranh mà tôi tin là phi nghĩa.

40 năm đã trôi qua, và Việt Nam đã hoàn toàn đổi khác so với những tháng ngày đen tối ấy.

Chỉ cần nhìn quanh Hà Nội hôm nay ta sẽ nhận thấy sự chuyển biến đáng kinh ngạc từ cũ sang mới.

Sự phát triển của Việt Nam đang in dấu trên bầu trời. Kiến trúc thời Pháp thuộc xen lẫn những công trình xây dựng của thời cận đại và những thời kỳ lịch sử xa xưa hơn đang sát cánh cùng những tòa nhà cao tầng và các cao ốc văn phòng hiện đại như báo hiệu việc Việt Nam tiến vào thế kỷ 21.

Kể từ khi hai dân tộc chúng ta thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 35 năm, Việt Nam đã đạt được nhịp độ phát triển phi thường.

Trong buổi nói chuyện chiều nay, tôi muốn xem xét sự phát triển của Việt Nam, làm sao để sự phát triển này có thể được củng cố và phát huy thông qua việc xây dựng các hệ thống và thể chế pháp lý và tư pháp vững mạnh và hình thành một nền văn hóa dựa trên pháp quyền.


THẾ KỶ CHÂU Á


Nếu như thế kỷ 20, trong một chừng mực nào đó, được coi là thế kỷ của phương Tây thì thế kỷ 21 chắc chắn là thế kỷ của Châu Á.

Châu Á đã được xác định là “khu vực siêu tăng trưởng” của nền kinh tế thế giới. Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành một siêu cường mới. Ấn Độ, đất nước mà tôi sẽ đến thăm sau Việt Nam, đã là trung tâm quốc tế về công nghiệp và công nghệ.

Việt Nam cũng đang tiến những bước tiến dài theo hướng đó, với một chỗ đứng ngày càng chắc chắn trong thị trường kinh tế toàn cầu. Đất nước này giờ đây đã trở thành một trong những nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất của Châu Á và đã hạ quyết tâm gia nhập vào hàng ngũ những nước mà Việt Nam gọi là “các nước công nghiệp hiện đại” trong vòng 12 năm tới.

Đầu tư nước ngoài đang đổ vào Việt Nam, đó một bằng chứng cụ thể rằng các quốc gia khác vẫn có niềm tin vững chắc vào tương lai của đất nước. Thực vậy, Vương quốc Anh hiện đang là một trong ba quốc gia Châu Âu đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, với tổng giá trị các hợp đồng lên đến gần 6,5 tỷ đôla Mỹ trong nửa đầu năm nay của các công ty Anh như BP, International Power và nhiều công ty khác. Có thể dễ dàng hiểu tại sao nhiều nhà đầu tư lại bị đất nước xinh đẹp này hấp dẫn đến vậy.

Đó là những thành tựu rất đáng chú ý. Bởi vậy, việc Việt Nam được mời trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới không phải là điều đáng ngạc nhiên và hoàn toàn xứng đáng.

Song song với những tiến bộ về kinh tế, chúng ta cũng nhận thấy cuộc sống của người Việt đang nhanh chóng thay đổi theo hướng tích cực. Việt Nam đã đạt được những thành công tuyệt vời trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Việt Nam đã vượt xa các nước khác trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, chỉ trong hơn một thập kỷ đã cắt giảm số người nghèo từ 60% xuống còn 16%. Nhưng tôi biết rằng chính phủ của các bạn còn chưa hài lòng mà vẫn quyết tâm tiếp tục phát huy thành công này.

Việt Nam đã tiến vào vũ đài quốc tế một cách ngoạn mục và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam như một lực lượng kinh tế đã được toàn thế giới công nhận.

Việc trở thành một phần của cộng đồng quốc tế có những mặt tích cực nhưng cũng kèm theo những tác động tiêu cực. Những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu có tác động đến Việt Nam cũng giống như đến nhiều nước khác. Năm nay đang là một năm đầy thử thách đối với nền kinh tế Việt Nam, cũng giống như đối với nền kinh tế Anh.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA PHÁP QUYỀN


Một điều tôi đã học được từ thời làm Bộ trưởng Ngoại giao là sức mạnh và sự giàu có của một quốc gia – cũng như khả năng đối mặt với khó khăn – được quyết định rất lớn bởi sự vững mạnh của các thể chế, và cam kết của chính phủ và người dân về pháp quyền. Những yếu tố đó cũng có vai trò quan trọng không kém những yếu tố như tài nguyên thiên nhiên, khí hậu hoặc địa lý của quốc gia đó.

Pháp quyền không chỉ là một loạt những quy định được ghi nhận trong luật pháp nhằm quản lý công dân của một quốc gia, mà đó là một cách thức tổ chức xã hội trên cơ sở bình đẳng trước pháp luật, tất cả mọi người đều phải tuân thủ và được hưởng lợi từ luật pháp. Pháp quyền là một loạt những giá trị chung gắn kết một quốc gia.


Tôi không biết liệu có ai đã từng viết về vấn đề này hay hơn Aristotle, một triết gia vĩ đại của phương Tây cách đây gần 2500 năm.

“Con người, khi hoàn thiện, là loài động vật tiến bộ nhất, nhưng khi tách rời khỏi luật pháp và công lý thì lại là loài động vật xấu xa nhất.”
[Chính trị học, Quyển 1, Phần II]

Pháp quyền có thể mang lại những ích lợi đáng kể cho các nước như Việt Nam trong toàn bộ các hoạt động của con người. Pháp quyền khiến cho hoạt động của chính phủ trở nên minh bạch và dễ đoán trước. Nó tạo nên môi trường thuận lợi cho đầu tư, thương mại và hợp tác quốc tế. Pháp quyền tạo điều kiện cho cạnh tranh công bằng và bình đẳng. Nó cũng giúp cho người dân được làm chủ cuộc sống dựa trên những hiểu biết đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình.

Nhưng có lẽ bằng chứng rõ ràng nhất về giá trị của pháp quyền là một thực tế rằng những nước duy trì được sự ổn định lâu dài về kinh tế, xã hội và chính trị cũng chính là những nước tuân theo tinh thần của pháp quyền.

Nói ngắn gọn, pháp quyền là công cụ để một quốc gia duy trì được cuộc sống ấm no trong nước cũng như củng cố vị thế trên trường quốc tế.


Nhưng tôi nói vậy không có nghĩa rằng pháp quyền là tốt chỉ vì nó đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Như Amartya Sen đã từng nhấn mạnh, chúng ta nên:

“coi trọng sự hình thành và hoàn thiện một hệ thống luật pháp và tư pháp hữu hiệu vì đó là một phần quan trọng của bản thân quá trình phát triển, chứ không phải coi trọng nó vì nó có thể giúp kinh tế, chính trị… phát triển.”

Vì vậy, chúng ta không nên đánh giá thấp tầm quan trọng tự thân của pháp quyền, cũng giống như chúng ta cũng không bao giờ quên được những lợi ích về vật chất và xã hội đáng kể mà nó đem lại.

TIẾN BỘ ĐẠT ĐƯỢC


Lý do tôi trình bày phần này là vì tầm quan trọng của vấn đề chứ không phải vì các bạn chưa biết điều đó. Chính phủ Việt Nam cũng thừa nhận những mục tiêu quan trọng của việc phát triển một hệ thống luật pháp vững mạnh.

Nghị quyết 48 của Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nêu rõ: “hiệu lực của luật pháp là để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế quốc gia, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, mạnh mẽ, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020.”

Đó là những chủ trương đúng đắn.

Người Anh có câu tục ngữ “bánh có ngon phải ăn mới biết”. Phải thông qua cách luật pháp thể hiện hiệu lực, cách công dân cảm nhận được quyền lực của luật pháp chúng ta mới đánh giá được những chủ trương đúng đắn đó đã thất bại hay thành công. Ở Việt Nam, người dân trong nước cũng như các nhà đầu tư và chính phủ nước ngoài cần được tận mắt chứng kiến những tiến bộ mà Việt Nam đang đạt được.


Giờ đây, Việt Nam cần đảm bảo rằng những tiến bộ trong lĩnh vực “quyền con người và dân chủ” và “quyền tự do của công dân” phát triển cùng một tốc độ với mức “tăng trưởng kinh tế đất nước” và “hội nhập quốc tế”.

Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực củng cố pháp quyền làm cơ sở cho một hệ thống luật pháp vững mạnh, và giải quyết các vấn đề có thể làm suy giảm niềm tin của công chúng và cộng đồng quốc tế đối với đất nước.


Những tài liệu chính định hướng cải cách – Nghị quyết 48 và 49 – đã trao cho Bộ Tư pháp Việt Nam một nhiệm vụ to lớn: xem xét lại toàn bộ và hiện đại hóa hệ thống pháp luật và tư pháp Việt Nam.

Khi tôi chuẩn bị cho chuyến thăm này, tôi bắt gặp câu tục ngữ “đục nước béo cò”. Theo tôi hiểu, bài học ở đây là khi nước vẩn bùn không trong trẻo, sẽ có nhiều cơ hội cho tham nhũng và tư lợi nảy sinh.


Tôi rất ấn tượng trước giá trị và tính phù hợp của câu tục ngữ này trong bối cảnh hiện tại. Pháp quyền chỉ có thể có hiệu quả nếu có cơ chế quản lý hành chính và các thể chế rõ ràng, rành mạch.

Chính phủ Việt Nam cũng đã thừa nhận tầm quan trọng của vấn đề này – bằng chứng là lập trường của chính phủ Việt Nam trong công cuộc chống tham nhũng, là việc ban hành luật thương mại, và việc soạn thảo luật mới về tiếp cận thông tin.

Nhưng điều quan trọng nhất là những chủ trương tốt đẹp của Chính phủ Việt Nam cần được hiện thực hóa bằng những thay đổi cụ thể. Cũng như đối với pháp quyền, chỉ khi nào các nguyên tắc được thực hiện thì người ta mới nhận thấy lợi ích của chúng.


QUAN HỆ SONG PHƯƠNG


Tất cả những điều này thể hiện quyết tâm nâng cao vị trí của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế và xây dựng những mối quan hệ đông tây mới.

Một trong những mục đích của chuyến thăm này của tôi là giúp tăng cường hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Một quá trình hợp tác song phương rộng mở đã bắt đầu, một quá trình mà Thủ tướng Gordon Brown ủng hộ hết mình. Chuyến thăm của tôi, cũng như các vấn để cụ thể mà Bộ Tư pháp đang nghiên cứu, đều là một phần của quá trình đó. Tôi cảm thấy rất vui được sang thăm Việt Nam tuần này và tận mắt nhìn thấy một vài kết quả của quan hệ hợp tác đó.

Trong một thế giới nơi biên giới không còn là rào cản và khoảng cách không còn là trở ngại, các quốc gia phải cùng nhau phối hợp để tìm ra cách giải quyết những vấn đề do toàn cầu hóa gây ra.

Sự chuyển dịch mạnh mẽ của con người và tiền tệ vòng quanh thế giới cũng có nghĩa là các quốc gia phải hợp tác để đảm bảo rằng các công dân của mình được bảo vệ và luật pháp được tôn trọng.

Trong tuần này chúng tôi sẽ ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Chúng tôi cũng sẽ ký Hiệp định chuyển giao người bị kết án để tạo điều kiện cho các tù nhân thực hiện nốt án phạt tù tại quê hương. Trong thời gian sắp tới, cán bộ của hai nước sẽ gặp nhau để hoàn thành Hiệp định hỗ trợ pháp lý, giúp tăng cường hợp tác giữa cảnh sát Anh và Việt Nam.

Hai nước chúng ta đang phối hợp chặt chẽ cả trên cơ sở những biên bản ghi nhớ chính thức và thông qua trao đổi thông tin không chính thức nhằm đấu tranh chống một vài loại hình tội phạm mới và ngày càng tinh vi mà cả hai nước đang phải đối mặt.

Tuy nhiên quan hệ hợp tác Anh-Việt không chỉ giới hạn trong lĩnh vực hình sự. Bộ Phát triển Quốc tế Anh đang nỗ lực giúp Chính phủ Việt Nam thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và nâng mức sống của người dân.

Hai chính phủ có thể hợp tác. Các cán bộ hai nước có thể gặp gỡ và trao đổi ý kiến. Nhưng sự gắn kết có thể nảy sinh giữa các cá nhân sinh sống và học tập tại nước ngoài lại thường là hình thức quan hệ tồn tại lâu dài nhất.

Vì thế, chúng ta sẽ tiếp tục xây đắp mối quan hệ chặt chẽ trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục. Hội Đồng Anh giờ đây đã có văn phòng tại cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Sự có mặt của các sinh viên và cựu sinh viên của chương trình học bổng Chevening tại đây hôm nay là minh chứng cho sự thành công của một chương trình dành cho các bạn trẻ, tạo điều kiện cho các bạn được đào tạo tại Vương Quốc Anh và tiếp thu những kiến thức, kỹ năng để đóng góp vào sự phát triển của nước nhà.

KẾT LUẬN


Các bạn thân mến, chúng ta đang đứng trên đỉnh của thế kỷ Châu Á - thế kỷ mà Việt Nam và các bạn, với tư cách những lãnh đạo tương lai, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành.

Có thể nhiều người có xu hướng coi pháp quyền chỉ là một khái niệm hàn lâm trừu tượng, khô khan và không quan trọng bằng những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội cụ thể. Nhưng chiều nay tôi đã cố gắng chứng minh ngược lại.

Để có thể phát triển và tăng trưởng kinh tế một cách bền vững cũng như trở thành một thành viên chính thức và hiệu quả của cộng đồng thế giới, Việt Nam cần duy trì ổn định tình hình trong nước. Cam kết xây dựng nhà nước pháp quyền sẽ tạo nên những điều kiện trong nước thuận lợi để các bạn mở rộng ảnh hưởng ra ngoài nước.


Bốn mươi năm trước người Việt mới chỉ hy vọng có hòa bình, chứ chưa nghĩ đến thịnh vượng. Bốn mươi năm sau, khi hòa bình được thiết lập, câu hỏi sẽ không chỉ đơn thuần là cần đạt được thịnh vượng chung chung, mà là thịnh vượng ở mức độ nào. Đối với một quốc gia, để có thể được gọi là hiện đại, sự thịnh vượng cần được đo lường thông qua sự giàu có của xã hội và sức mạnh của nền kinh tế.

Tôi hy vọng là trong bốn mươi năm tới, Việt Nam có thể khẳng định vị trí trên thế giới như là một lực lượng tiến bộ vì những thay đổi mang tính xã hội cũng như sự phát triển kinh tế, dựa trên nền tảng pháp quyền và tôn trọng quyền con người.


Trên đây tôi đã trích lời một trong những triết gia phương Tây lỗi lạc nhất. Để kết thúc, cho phép tôi trích lời của một trong những người thầy vĩ đại trong lịch sử Châu Á cổ đại:

Trả lời câu hỏi: “Có một chữ nào có thể dẫn dắt hành xử trọn đời không?”, Khổng Tử nói: “Đó là chữ “thứ” - sự đồng cảm, hiểu biết và nhân nhượng lẫn nhau. Cái gì mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác..” [Luận ngữ]

Cho dù là phương Tây hay phương Đông, cổ đại hay hiện đại, “thứ” là một nguyên tắc quan trọng cho tất cả chúng ta. Pháp quyền sẽ giúp nguyên tắc này trở nên hiệu quả và biến nó thành nền tảng cho một xã hội hòa hiếu, thịnh vượng và công bình.

Xin cảm ơn

(Nguồn: http://www.viet-studies.info/kinhte/JackStraw_VN_Speech.htm)
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1184 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 21
Khách: 21
Thành Viên: 0