Thứ Tư, 2024-12-18, 10:49 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Chín » 13 » Từ Phạm Văn Đồng tới Nguyễn Tấn Dũng
7:16 AM
Từ Phạm Văn Đồng tới Nguyễn Tấn Dũng

Ngô Nhân Dụng

Ông Nguyễn Tấn Dũng có thể sửa chữa một sai lầm mà ông Phạm Văn Ðồng đã phạm trước đây 50 năm. Nếu ông Dũng can đảm.

Ngày mai, 14 Tháng Chín 2008 đánh dấu 50 năm lá thư của ông Phạm Văn Ðồng gửi ông Chu Ân Lai, tổng lý quốc vụ viện (tức là thủ tướng) Trung Quốc. Trong lá thư này, ông thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tức là miền Bắc Việt Nam lúc đó, đã tỏ ý “tán thành” lập trường Trung Quốc về hải phận của họ.

Chính phủ Bắc Kinh bây giờ vẫn vin vào lá thư đó để chứng minh chính quyền cộng sản Việt Nam đã công nhận các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc từ ngày 14 Tháng Chín oan nghiệt này.

Bây giờ, muốn phủ nhận ý kiến đó, ông Nguyễn Tấn Dũng hãy viết một công hàm khác, gửi Thủ Tướng Ôn Gia Bảo, giải thích rằng bức thư của ông Phạm Văn Ðồng không hàm chứa ý công nhận chủ quyền Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa. Hãy viết một lá thư ngắn gọn, rõ ràng, quả quyết, không ai hiểu lầm được, khác với lối văn mập mờ nửa trắng nửa đen của ông Phạm Văn Ðồng trước đây.

Bức thư Phạm Văn Ðồng chỉ có hai đoạn chính, ngoài hai câu thưa gửi và chào hỏi thường lệ ở đầu và cuối thư. Trong đoạn thứ nhất, ông Ðồng viết chính phủ của ông “tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, quyết định về hải phận Trung Quốc.” Ðây là những lời lẽ rất tổng quát, cũng như câu mở đầu đoạn sau viết “Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tôn trọng quyết định ấy ...” Ðây là những câu văn oan nghiệt ghi tên Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Phạm Văn Ðồng vào sổ đen của lịch sử Việt Nam chép tên những người bán nước trong lúc đang nắm giữ chính quyền. Vì “bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa” xác định các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của nước họ. Tán thành bản tuyên bố đó là công nhận Trường Sa và Hoàng Sa thuộc Trung Quốc!

Nêu tên những người cầm đầu như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Phạm Văn Ðồng cũng chỉ là những tên tuổi tiêu biểu thôi, còn tất cả Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm chung. Bây giờ đảng Cộng Sản có trách nhiệm phải nói và làm ngược lại để rửa cái tiếng xấu muôn đời đó. Và họ có thể biện hộ, giải thích lá thư Phạm Văn Ðồng gửi Chu Ân Lai theo cách khác.

Vì trong đoạn chính thứ nhì của bức thư, ông Phạm Văn Ðồng lại viết tiếp một câu cụ thể hơn, nói rõ hơn: “Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa trên mặt bể.”

Bây giờ ông Nguyễn Tấn Dũng có thể vin vào đoạn thứ nhì này để giải thích lại bức thư của Phạm Văn Ðồng. Có thể giải thích rằng đoạn trước chỉ là một lời tuyên bố tổng quát tỏ tình hữu hảo, còn đoạn sau mới là nội dung thật của bức công hàm. Nội dung chính yếu khi nói “tán thành” và “tôn trọng” lập trường của Trung Quốc là sẽ “triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc.” Và chỉ có thế thôi, không có gì khác. Trong bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 về hải phận của Trung Quốc có rất nhiều chi tiết, vấn đề hải phận 12 hải lý chỉ là một. Tại sao bức thư lại nhấn mạnh tới việc “triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc?” Chỉ vì đó là điều duy nhất trong cả bản tuyên bố mà phía Hà Nội muốn nói trong văn thư này.

Hãy phân tích cả câu văn liên tục, nói rằng chính quyền Hà Nội “tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc.” Hãy giải thích hai động từ “tôn trọng” và “chỉ thị” nối nhau bằng chữ “và” để giải thích rằng mệnh đề sau chú thích ý trong mệnh đề trước. Mệnh đề trước nói đến ý “tôn trọng quyết định ấy” và mệnh đề sau cho biết sẽ “chỉ thị” một hành động chứng tỏ sự “tôn trọng.” Tức là phía Hà Nội chỉ tôn trọng một điều trong quyết định của bản tuyên bố ngày 4 Tháng Chín mà thôi, đó là hải phận 12 hải lý. Tôn trọng hải phận 12 lý là ý chính và ý duy nhất của cả bức thư. Còn những vấn đề như chủ quyền trên các quần đảo ở Biển Ðông không được nêu lên trong lá thư, tức là chưa “tán thành” cũng chưa muốn “tôn trọng.” Nếu Phạm Văn Ðồng định nói là Hà Nội “tán thành” và “tôn trọng” tất cả các chi tiết trong “bản tuyên bố” của Trung Quốc thì tại sao ông ta lại phải nêu lên riêng “điều khoản 12 hải lý” này làm gì?

Ðó là những lý lẽ để đảng Cộng Sản Việt Nam có thể nói ngược lại, phủ nhận những lời giải thích lợi cho Trung Quốc về lá thư của Phạm Văn Ðồng. Lá thư trên có thể được viết ra với dụng ý “mập mờ;” đó là “nghề” của các cán bộ cộng sản. Lối nói mập mờ đó đã đánh lừa được rất nhiều người, thí dụ như khi gọi mọi người đi trình diện để “học tập” với lời nhắn hãy “mang theo lương thực đủ ăn một tháng!” Cả nước Việt Nam từ Bắc chí Nam đã từng bị đánh lừa kiểu đó hơn nửa thế kỷ nay, và thói ăn nói lừa đảo này bây giờ vẫn còn được sử dụng. Nhưng kẻ lừa đảo thế nào cũng có ngày gặp những tay lừa đảo giỏi hơn, cho nên Bắc Kinh đã lấy “gậy ông đập lưng ông” bằng lá thư của Phạm Văn Ðồng.

Tất nhiên, phân tích chữ nghĩa chẻ sợi tóc làm tư như trên sẽ không buộc được chính phủ Bắc Kinh thay đổi quan điểm của họ. Vì Bắc Kinh sẽ đưa ra những bằng cớ khác, cho thấy đảng Cộng Sản Việt Nam đã nhắm mắt công nhận Trường Sa và Hoàng Sa trong những hành động khác nữa.

Chính quyền Bắc Kinh đã nêu lên những bằng cớ cho thấy đảng Cộng Sản Việt Nam “tán thành” họ một cách nhiệt liệt hơn một lá thư của Phạm Văn Ðồng. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết ngày 6 tháng 9 năm 1958 báo Nhân Dân ở Hà Nội đã đăng đầy đủ chi tiết cả bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 của họ. Ðiều đó chứng tỏ chính quyền Hà Nội không những gửi thư tán thành mà còn nhiệt liệt tán thành, cho nên mới bắt dân chúng đọc báo Nhân Dân học tập để hiểu rõ quan điểm của Trung Quốc! Chưa hết, Bắc Kinh còn trưng ra một cuốn sách giáo khoa môn địa lý in ở Hà Nội năm 1974, trong đó ghi các quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tên người Trung Hoa gọi Trường Sa và Hoàng Sa) cùng với đảo Hải Nam nằm trong vòng đai phòng thủ của Trung Quốc.

Trước những chứng cớ đó, thật khó cãi tội bán nước. Nhưng trong việc ngoại giao, nói gì được thì vẫn cứ phải nói. Nước lớn nêu lý của nước lớn, nước nhỏ cũng phải hô lên những lý lẽ của nước nhỏ, cho bàn dân thiên hạ nghe! Cứ việc giải thích ngược lại bức thư của Phạm Văn Ðồng, Trung Quốc họ có đồng ý hay không mặc kệ họ, nhưng sẽ có nhiều nước, nhiều người khác họ lắng nghe. Ai ghét mình thì không đồng ý, ai thương thì sẽ đồng ý. Cuối cùng, thế ngoại giao của một nước dựa trên những sức mạnh khác chứ không chỉ dựa trên lời nói.

Cho nên nói được gì cứ nói. Bây giờ, ông Nguyễn Tấn Dũng, lấy danh nghĩa một người thừa kế ông Phạm Văn Ðồng, hãy viết một lá thư giải thích lại bức thư ngày 14 tháng 9 trước đây 50 năm. Nói quả quyết là ông Ðồng chỉ cho biết ý kiến tán thành hải phận 12 lý mà thôi. Tất cả các vấn đề khác không nói tới, tức là cứ để đó, sẽ còn bàn cãi!

Và bây giờ đúng là lúc cần bàn cãi nhiều chuyện, sau khi Bắc Kinh đe dọa công ty dầu khí ExxonMobil của Mỹ không được thăm dò ở thềm lục địa Việt Nam mà Trung Quốc coi là thuộc hải phận của họ. Hà Nội đã dám phản đối lời đe dọa của Trung Quốc. Công ty ExxonMobil cũng nói cứng, khác hẳn với công ty BP năm ngoái mới nghe dọa đã rút lui. Ông thứ trưởng ngoại giao Mỹ Negroponte đến Việt Nam cũng nói nửa kín nửa hở rằng các công ty Mỹ có quyền quyết định thăm dò dầu ở đâu cũng được miễn là có nước chủ nhà đồng ý.

Lâu nay Trung Quốc vẫn bác bỏ những hội nghị các quốc gia tranh chấp vùng Biển Ðông. Họ chỉ muốn nói chuyện tay đôi với từng nước một, vì họ biết rằng mối tranh chấp lớn nhất là với Việt Nam. họ cũng biết rằng cộng sản Việt Nam sợ họ từ lâu rồi. Bây giờ là lúc nên chứng tỏ Việt Nam không sợ! Ðảng cộng sản Việt Nam phải chứng tỏ nước mình không sợ thật chứ không phải chỉ phản đối chiếu lệ, yếu ớt, việc Bắc Kinh đe dọa các công ty dầu quốc tế. Cho nên ông Nguyễn Tấn Dũng nên nhân ngày 14 tháng 9 mà viết một lá thư phủ nhận những ý kiến của ông Phạm Văn Ðồng mà Bắc Kinh đang giải thích lợi cho họ. Có như vậy mới giúp cho các công ty dầu khí khác không lo lắng quá, để họ dám tới thăm dò và khai thác những vùng biển mà Trung Quốc còn coi là đang tranh chấp.

Những tranh chấp này sẽ còn diễn ra nhiều lần nữa, không những giữa Việt Nam và Trung Quốc mà còn giữa Trung Quốc với 4, 5 nước khác trong vùng, kể cả Ðài Loan. Ðài Loan họ còn không sợ, việc gì mình phải sợ?

Như vậy thì người Việt Nam càng nên nói lời cứng rắn, để chứng tỏ cho cả thế giới thấy mình không khiếp nhược. Ðây là lúc nên đọc lại Bình Ngô Ðại Cáo của Nguyễn Trãi: “Duy ngã Ðại Việt chi quốc - Thực vi văn hiến chi bang! Sơn xuyên chi phong vực ký thù - Nam Bắc chi phong tục diệc dị” (Duy nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu - Sơn hà cương vực đã chia - phong tục Bắc Nam cũng khác).

Trong bang giao quốc tế, mỗi quốc gia không có bạn, cũng không có kẻ thù, mà chỉ có quyền lợi phải bảo vệ. Nước càng nhỏ thì càng phải dựa vào các thế lực quốc tế mà tự bảo vệ mình, không thể kết bạn hay gây thù chuốc oán với nước nào cả. Những nước nhỏ như Ukraine, Lithuiana nằm bên cạnh con gấu Nga mà cũng không sợ, vì biết trong thế giới ngày nay không dễ gì một nước lớn có thể lấy thịt đè người. Nga không dám đánh Estonia hoặc Ba Lan, thì Trung Quốc cũng không dám tấn công Việc Nam, như họ đang để cho người Trung Hoa trình bày, trên mạng lưới Sina, “kế hoạch tấn công chiếm đóng” Việt Nam trong 31 ngày. Người phát ngôn chính phủ Trung Quốc nói rằng đó chỉ là ý tưởng đùa chơi của mấy cá nhân, không phản ảnh ý kiến của nhà nước. Họ làm như thể đảng Cộng Sản ở bên Trung Quốc biết tôn trọng quyền tự do ngôn luận của dân lắm! Nếu vậy thì tại sao lại Cộng Sản Việt Nam nhịn nhục? Tại sao các mạng lưới chống việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa lại bị chính quyền Hà Nội cấm và phá rối? Tại sao lại bỏ tù nhà báo Ðiếu Cầy Hoàng Hải? Chịu nhục với nước “đồng chí anh em” nhưng lại vẫn hống hách đe dọa người dân nước mình, để làm gì?

Nước ta và Trung Quốc đã sống bên cạnh nhau mấy ngàn năm rồi, bang giao có lúc nóng lúc lạnh, ai cũng biết. Việt Nam không dại gì khiêu khích Trung Quốc. Sau khi đánh đuổi quân Nguyên hoặc quân Minh, các vị vua như Trần Nhân Tôn, Lê Thái Tổ vẫn “dâng biểu tạ tội,” cho dân chúng được yên thân. Nhưng các vị minh quân đó không bao giờ “tán thành” để một tấc đất nào của tổ tiên rơi vào tay giặc.

Trong thế giới bây giờ không phải chỉ có Trung Quốc là nước lớn. Chính vì mình là nước nhỏ cho nên phải tỏ ra tự trọng, cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia. Có như thế các nước khác mới kính nể, để khi có tranh chấp thì nhiều nước sẽ đứng ra bênh vực mình.


Nguồn
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=84132&z=7
Category: Chính trị | Views: 1168 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 33
Khách: 33
Thành Viên: 0