Bất Ổn Xã Hội Thách Thức Chính Phủ Hà Nội
Trong lúc Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng còn bận rộn với 8 giải pháp cứu
nguy nền kinh tế, thì chính phủ của ông cũng đồng thời mạnh tay đối phó với
phong trào nhà thờ đòi đất, vô hiệu hoá những người bất đồng chính kiến,
những người sử dụng diễn đàn trên mạng như một hình thức báo chí tự do của
công dân.
Trung tuần tháng 8-2008, các linh mục và giáo dân Thái Hà đã tiếp nối phong
trào tập trung đông người cầu nguyện đòi lại đất đai của nhà thờ bị nhà cầm
quyền cộng sản tịch thu trong thập niên 1960.
Khởi đi từ Giáng Sinh năm ngoái, hàng ngàn người ngày đêm cầu nguyện, để yêu
cầu chính phủ giao trả lại trụ sở khâm sứ toà thánh trước kia ở phố Nhà
chung Hà Nội. Tình hình này sau đó đã lắng diụ do các khuyến cáo từ các giới
chức giáo hội cấp trên.
Nay sự kiện Thái Hà bùng lên, lớn rộng hơn trước và được các giám mục linh
mục cũng như giáo dân tham gia đông đảo.
Báo chí truyền thông do nhà nước kiểm soát đã liên tiếp đưa tin, bình luận
cáo buộc các linh mục giáo xứ Thái Hà xách động giáo dân về điều họ gọi là,
kích động, lợi dụng đức tin, xâm phạm tài sản Nhà nước thống nhất quản lý ở
khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng.
Tờ Hà Nội Mới - cơ quan ngôn luận hức của đảng bộ đảng cộng sản thành phố Hà
Nội - xem sự kiện Thái Hà là sự thách thức quyền lực Nhà nước một cách
nghiêm trọng. Tờ báo đưa tin là đêm 9/9 vừa qua đã có tới 600 linh mục, giáo
sĩ và hàng nghìn giáo dân kéo sâu và bên trong khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng
để dựng tượng Chúa.
Trong thời gian trước, có lúc đã xảy ra xô xát kèm theo hơi cay và đạn cao
su chống biểu tình. Tuy nhiên Bộ Công An đã bác bỏ sự kiện này. Chúng tôi
xin trích lời Linh Mục Vũ Khởi Phụng chánh xứ Thái Hà trên đài Á Châu Tự Do
về quá trình yêu cầu chính quyền trả lại đất nhà thờ:
Tất cả những phương pháp gì mà luật pháp qui định thì chúng tôi đều dùng cả.
Còn chuyện bà con cầu nguyện thì ngoài chuyện pháp lý ra, đó là niềm tin và
sự bức xúc của người về các vấn đề công bằng xã hội mà khiến người ta đến
cầu nguyện. Mấy ngày hôm nay thì những người đến cầu nguyện không phải chỉ
là những người thuộc về giáo xứ chúng tôi, mà những người cầu nguyện là
những người hiện nay đến từ những tỉnh rất xa bởi vì người ta có một sự đồng
cảm rằng là còn nhiều khuất tất trong những vấn đề đất đai, đặc biệt là
những đất đai của tôn giáo, của giáo hội.
Trong suốt lịch sử của Nhà nước XHCN, chính quyền chưa từng phải đối phó với
những vụ việc tương tự như ở phố Nhà Chung hay ở giáo xứ Thái Hà. Trong dịp
trả lời đài Á Châu Tự Do, ông Trần Phong Vũ, chủ bút nguyệt san Diễn Đàn
Giáo Dân trụ sở ở California Hoa Kỳ đã nhận định vụ Thái Hà và trước đó vụ
Toà Khâm Sứ là một bước ngoặt mang tính quần chúng:
Từ trước tới nay những đấu tranh, kể cả những đấu tranh ở bên ngoài của
những nhà dân chủ, thì nó có tính cách cá nhân thôi và người cộng sản rất là
sợ quần chúng. Lần này thì nó đã có sự tham gia của quần chúng từ năm bảy
ngàn người, lúc cầu nguyện để mà đòi lại Toà Khâm Sứ cũ và lúc này cũng
vậy. Tôi được biết trong những ngày vừa đây tôi vừa được đọc một lá thư riêng
của một người bạn từ Hà Nội gởi qua, cho thấy con số những người từ khắp nơi
kéo về càng lúc càng nhiều và nhất là những cơ quan truyền thông của nhà
nước tìm mọi cách để bóp méo sự việc, xúc phạm tới uy tín của giáo hội nói
chung và tín hữu công giáo và đặc biệt các cha dòng chúa cứu thế, thì sự
kiện này chuyển sang quần chúng rồi.
Tờ Sài Gòn Giải Phóng đưa tin chính quyền truy tố 4 người vì liên quan tới
vụ đục tường, chiếm đất của công ty may Chiến Thắng số 178 Nguyễn Lương Bằng
Hà Nội. Tờ báo có trụ sở ở Sài Gòn không đề cập gì tới sự kiện Thái Hà, hoặc
giáo dân tập trung hàng ngàn người để cầu nguyện tại khu đất trước kia thuộc
về giáo xứ Thái Hà.
Sự kiện chính quyền truy tố 4 giáo dân trong số hàng ngàn người tham gia cầu
nguyện ở Thái Hà có thể là một hành động răn đe khởi đầu. Chúng tôi xin
trích phát biểu của một giáo dân Thái Hà với Đài Á Châu Tự Do: Tôi là Tâm
người của gíao xứ Thái Hà, tôi ở đây hơn 9 tháng rồi. Nếu như có bị bắt đi
chăng nữa thì đấy cũng là một hình thức tử vì đạo, chúng tôi rất vinh dự nếu
được chết như thế.
Tờ Công An Nhân Dân khi đưa tin về sự kiện Thái Hà đã trích phát biểu của
ông Nguyễn Đức Nhanh, giám đốc sở công an Hà Nội cho rằng, riêng việc các
linh mục có mặt tại các địa điểm có đông giáo dân tụ tập, cầu nguyện trái
phép đã là hành vi xúi giục kích động. Không những vậy chính quyền CSVN còn
cáo buộc Đức Tổng giám mục Giáo Phận Hà Nội Ngô Quang Kiệt là kích động giáo
dân giáo sĩ qua thư hiệp thông của ngài.
Tuy nhiên, trong dịp trả lời đài báo chí, Đức TGM Ngô Quang Kiệt phát biểu:
Tôi nghĩ rằng phiá giáo dân cầu nguyện một cách an bình là họ nói lên tiếng
nói của công lý, còn đạo lý ở phía Nhà nước tức là phía có quyền giải quyết,
chắc chắn là phía có quyền phải có sáng tạo mà giải quyết, chứ còn cứ theo
lập luận như trước thì sẽ đi đến bế tắc.
Dường như có sự trùng hợp về thời gian, qua những hành động mạnh tay của
chính quyền. Cùng lúc với vụ giáo xứ Thái Hà, nhiều người bất đồng chính
kiến ở miền Bắc đã bị tạm giam.
Theo tin chúng tôi ghi nhận trong vòng 48 giờ tính đến tối ngày 11/9 tổng
cộng đã có 7 người bị tạm giữ gồm, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, ông Phạm Văn
Trội, Cô Phạm Thanh Nghiên, Nhà thơ Trần Đức Thạch, ông Ngô Quỳnh, ông Phúc
ở Hải Dương và dân oan Võ Văn Nghệ. Thông tin này được nhà báo Nguyễn Thượng
Long ở Hà Tây phổ biến.
Ngày 10/9 các báo ở Việt Nam như Pháp Luật và VietnamNet đưa tin ông Nguyễn
Văn Hải 56 tuổi, tức Blogger Điếu Cày một người bất đồng chính kiến sử dụng
Internet, bị toà án quận 3 Sài Gòn tuyên án 30 tháng tù giam, vợ ông là bà
Dương Thị Tân 50 tuổi chịu 18 tháng tù treo về tội trốn thuế, liên quan tới
hai căn nhà do ông bà sở hữu và cho thuê.
Bà Dương Thị Tân sau phiên toà đã phát biểu: Họ đã kết án anh Hải là hai năm
sáu tháng tù giam vì cái tội trốn thuế của ông ấy nguy hiểm cho cộng đồng,
họ nói như vậy tại toà, và đền với số tiền theo họ qui trách cho chúng tôi
tội danh trốn thuế họ phạt lên gấp đôi số thuế mà họ cho là chúng tôi trốn.
Họ tuyên như thế, tôi không hiểu tội danh trốn thuế qui trách cho chúng tôi
có phải là tội nguy hiểm hay không. Thực sự là họ múôn dùng cái biện pháp
này để câu lưu anh ấy về cái việc khác, nhưng toà không cho nói. Toà bảo đây
chỉ có xử về việc như thế thôi. Luật sư của tôi có rất nhiều bằng chứng, rất
nhiều yếu tố có chứng cứ đàng hoàng để khẳng định rằng chúng tôi không phải
là trốn thuế, nhưng toà bác bỏ toà cho là không đúng . Chúng tôi sẽ kháng
cáo.
5 tháng trước, Vietnamnet bản tin trên mạng ngày 22/4/2008 mô tả ông Nguyễn
Văn Hải là người được cộng đồng Blogger biết đến với tên Điếu Cày và được
chú ý với các hoạt động trên thế giới của nhật ký điện tử trong 2 năm gần
đây. Thông tin này được đưa lên mạng 1 ngày sau khi Blogger Điếu Cày bị bắt.
Tuy nhiên báo này không nhắc tới sự kiện Điếu Cày tích cực tham gia các cuộc
biểu tình chống Trung Quốc về vụ Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như việc ông là
một trong những người chủ trương câu lạc bộ nhà báo tự do, tập hợp các nhà
báo công dân, những người tự do bày tỏ chính kiến trên mạng Internet.
Tất cả mọi diễn biến vừa nói, còn trùng hợp với sự kiện đánh dấu 50 năm,
ngày nguyên thủ tướng Phạm Văn Đồng của CSVN ký công hàm công nhận chủ quyền
lãnh hải của TQ bao gồm cả đảo Hoàng Sa.
|