Thứ Năm, 2024-12-12, 4:15 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Chín » 16 » AI ĐƯỢC AI MẤT TỪ VỤ THÁI HÀ ?
6:36 PM
AI ĐƯỢC AI MẤT TỪ VỤ THÁI HÀ ?
Mai Văn Lành

Vụ Thái Hà đòi đất đã hơn 8 tháng. Giáo dân vào khu đất đã tròn một tháng, cả hai bên Thái Hà và TP Hà Nội đã qua nhiều vất vả, tốn nhiều công sức của mỗi bên.

Đến nay kết quả là: Căng thẳng sắp đến đỉnh điểm do cách làm việc của Hà Nội đã “đổ thêm dầu vào lửa” như đã có bài viết trên www.chuacuuthe.com cảnh báo khi xảy ra vụ trấn áp bằng dùi cui của tác giả Jb Nguyễn Hữu Vinh.

Trước đó, báo chí do Hà Nội kiểm soát đã làm cho cả nước thấy bất ổn khi thấy bị đe dọa bởi mấy ông linh mục và giáo dân Thái Hà đang có “mầm mống chống đối chính phủ”. Hà Nội chắc không biết rằng những người chú ý nhất lại là giới công giáo chiếm tỷ lệ dân số đáng kể. Giới công giáo chú ý, nhưng họ tin vào các giáo chức hơn những thông tin nhà nước mang đến.

Kể cả những người dân bình thường, không liên hệ tới công giáo, nhưng họ thấy báo chí nhà nước kết tội thái quá các giáo dân thì phải kiểm chứng thực tế. Để rồi, khi tìm hiểu được sự thật, họ đã phải thốt lên “hãy để tang cho một niềm tin”.

Sự thật được sáng tỏ, báo chí Việt Nam thực sự đã loan tin hộ giáo dân Thái Hà đến các đồng đạo của họ rằng họ đang bị đàn áp. Báo chí đã làm hộ giáo dân Thái Hà công việc họ đang muốn làm mà không có phương tiện do chế độ thông tin độc quyền.

Nhiều sai lầm liên tiếp khi Hà Nội thực hiện các bước giải quyết, đã đẩy tình trạng căng thẳng leo thang. Giáo dân đã bất chấp, không sợ lực lượng trấn áp và tù tội, không sợ bị đe dọa bắn giết hay nhục hình, giáo dân nhất định giành nhau để được “tử vì đạo” thì Hà Nội sẽ lâm vào thế bí không có cách gỡ.

Cách làm của Hà Nội đến nay được kết quả là hàng vạn lượt người xa gần đã về Thái Hà. Hàng ngũ Giám mục miền Bắc đã dẫn đầu và cho họ quyết tâm. Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt hình như đã hết kiên nhẫn sau khi mang tiếng là “bị lừa” vụ Tòa Khâm sứ. Ông đã rất kiên quyết ủng hộ vụ này mà theo ông, không có vi phạm pháp luật. Thậm chí ông đã đến thăm các gia đình giáo dân bị bắt đi tù.

Cử chỉ đó là thông điệp cho Hà Nội rất rõ ràng câu nói nổi tiếng của ông: “Nếu ai bị bắt, bị đi tù vì cầu nguyện, tôi sẽ đi thay”. Đó cũng là thông điệp gửi tới nhà cầm quyền Hà Nội rằng nhất định Giáo hội Công giáo phải đi đến cùng sự thật nếu những đòi hỏi hợp lý của họ về tài sản không được đáp ứng.

Ngoài ra, không chỉ công giáo mà còn rất nhiều tôn giáo khác, nhiều tầng lớp khác của xã hội, của đất nước đã chán ngấy hệ thống tham nhũng và dối lừa từ dưới lên trên, đang sẵn sàng nhập cuộc. Những tầng lớp, tôn giáo đó họ có thừa sự chán ghét chế độ cộng sản, nhưng họ thiếu tổ chức chặt chẽ như giáo hội công giáo. Tạm thời họ chỉ đứng quan sát để Hà Nội không thể coi vụ Thái Hà thành chính trị. Nhà thờ cũng luôn luôn độc lập với các lực lượng này. Đó là cách hành động khôn ngoan.

Để đáp trả cách hành động của Hà Nội dùng dùi cui và hơi cay cùng hàng loạt cảnh sát, Nhà thờ đã dùng biện pháp cầu nguyện ôn hòa. Kế đó đã buộc Hà Nội không thể công nhiên đàn áp, nếu họ không muốn được cả thế giới lên án và bị cô lập.

Trong khi Chính phủ VN đang bị nhiều áp lực về kinh tế và chính trị, đang có thể bước vào lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) sắp bỏ phiếu, áp lực của Trung Quốc và lòng dân với lãnh thổ đã làm Hà Nội lúng túng. Cách ngăn chặn, đàn áp biểu tình yêu nước là cách làm bất đắc dĩ bị nhân dân coi là hèn nhát và nhục nhã. Chính phủ đang muốn dẹp bỏ mọi mâu thuẫn nội bộ để giải quyết các vấn đề của nền kinh tế đang khủng hoảng nghiêm trọng. Nhiều người cho rằng, Hà Nội đang sợ Chính phủ nhúng tay vào sẽ vỡ lỡ những chuyện bê bối khác của Hà Nội. Các quan chức của Hà Nội được đánh giá là khá xôi thịt, nên việc bê bối lùm xùm chắc không thiếu. Vì thế, Thành phố Hà Nội đã xung phong nhận lấy trách nhiệm này.

Với tình thế này, các chức sắc Hà Nội đang gặp một thế bí khó gỡ. Nếu không giải quyết êm đẹp mọi chuyện, chỉ cần có cớ là sai lầm, thì Chính phủ sẽ sẵn sàng thí tốt một số chức sắc để trấn an việc này. Ngay cả nội bộ của Hà Nội, khi nhập với Hà Tây, cũng đã phình ra bộ máy lãnh đạo, và trong số đó, không thiếu những người muốn thủ trưởng của mình mắc sai lầm chết người mới có cơ hội tiến lên.

Hai nhân vật được nhắc đến nhiều nhất là Vũ Hồng Khanh phó Chủ tịch TP và Nguyễn Đức Nhanh Giám đốc Công an Hà Nội.

Ông Vũ Hồng Khanh đã có những bước đi sai lầm từ đầu, khi cứng nhắc và coi thường quyết tâm của giáo dân Thái Hà. Ông đã đưa ra những kết luận và quyết định sai lầm khi giáo dân đang căng thẳng, những quyết định của ông đã bị giáo dân và nhà thờ bác bỏ rất thuyết phục mà ông không nói lại được điều nào. Không đưa chứng cứ thì không xong khi nhà thờ yêu cầu rất có lý, còn khi đã phải đưa ra chứng cứ mà không nói lên được tính pháp lý bị nhà thờ bắt giò. Ông Khanh đã không đủ sức để thuyết phục ngay cả những người ủng hộ ông.

Thực tế cũng là bài toán khó cho ông, làm gì có chứng cứ nào mà đưa ra. Khi nhà nước lấy khu đất này, là khi mà nhà thờ đang bị dồn vào thế cùng của những năm đầu của chính quyền cộng sản. Hồi đó, mấy ông nhà nước muốn lấy nhà ai thì chỉ việc vào đuổi chủ nhà ra là xong, huống chi là nhà thờ nhà tu, nên không cần quyết định nào cũng xong. Thế nên giờ mới bị nhà thờ hỏi lại khi nhà nước kêu gọi sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

Trên ông, ông Nguyễn Thế Thảo, mới được giữ lại chức Chủ tịch, mừng chưa kịp no cũng đang bị đe dọa nếu để vụ này nổ lớn ảnh hưởng đến ngoại giao và ổn định xã hội.

Ông Nguyễn Đức Nhanh, Thiếu tướng, năm nay 56 tuổi, là Giám đốc Công an Hà Nội. Ông đã tỏ ra năng nổ khi xử lý vụ này, nhưng  vụ này xem chừng ngoài khả năng của ông. Ông vẫn hình như chưa hiểu nhiều về công giáo, vì vậy những tham mưu của ông cho Thành phố đều hỏng.

Nhất là khi ông đã cho khởi tố vụ án giáo dân đập 6m tường gạch cũ hòng đe dọa giáo dân nhưng không có tác dụng. Vụ việc thành nổ lớn, tiếng nổ vọng ra ngoài biên giới bắt đầu từ việc đánh người cầu nguyện bằng dùi cui điện. Tiếp đó là vụ lựu đạn cay xịt vào giáo dân trong đêm 31/8/2008. Nếu không có hai vụ đó, thì mọi việc vẫn diễn ra như đã từng diễn ra mà thế giới không dễ được biết.

Dù Hà Nội đã có buổi họp báo, phủ nhận những vụ đó, nhưng những người dân và những người trên con phố lớn mang tên Thái Hà đã không nhầm, thế giới đã không nhầm. Các hãng truyền thông lớn trên thế giới đã vào cuộc, và đã theo dõi vụ này chăm chú hơn. Chính vì thế, việc sử dụng các mánh lới theo cách thường làm của công an như chia rẽ, phân loại, khủng bố cá nhân là rất khó mà không bị phát hiện.

Hồi đầu tuần trước, ông Nhanh đã tổ chức buổi gặp một số người không được lòng giáo dân, trong đó có nhân vật trong Ủy ban đoàn kết công giáo phong cho họ là “giáo dân nòng cốt” để nói những điều ông muốn là kết tội giáo dân, tu sĩ và lập biên bản dùng cho mục đích thông tin. Việc làm này của ông chứng tỏ ông không thức thời trước lực lượng giáo dân đoàn kết nên đã bị bác bỏ rất nhanh mà chỉ làm cho ông mất uy tín.

Mới đây, ông Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng đã vào cuộc. Nhưng ngay trong buổi họp, ông Hưởng và ông Nhanh đã tuyên bố đe dọa các linh mục, giáo dân. Đặc biệt là đe dọa trừng trị những người viết tin bài mà ông cho là nói xấu nhà nước, việc này được tờ Công an Nhân dân loan tải như đã thêm một bước đẩy củi vào đáy nồi đang sôi.

Nếu ông Nhanh bắt bớ một trong những người đó, thì vụ việc lại mở thêm một hướng khác mà chắc chắn ông Nhanh và ông Hưởng không đủ sức để giải quyết. Bên ngoài Việt Nam, các tổ chức nhân quyền, tổ chức bảo vệ quyền tự do báo chí và nhiều tổ chức khác trên thế giới đang sẵn sàng vào cuộc nếu điều này xảy ra. Kết hợp nhiều vấn đề một lúc thì chắc chắn Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều phức tạp gấp bội.

Phía nhà thờ đã tuyên bố sẽ kiên trì đòi lại bằng được, không thiếu một mét đất và quyết tâm việc này dù năm năm, mười năm hay cả đời. Giáo dân thì háo hức và sẵn sàng hi sinh vì lẽ công bằng và sự thật.

Những diễn tiến nói trên, đã đẩy các quan chức Hà Nội vào một tình thế không trả lại là không xong. Cái khó cho họ, là đã lỡ mạnh miệng tuyên bố qua hệ thống báo chí rằng sẽ nghiêm trị giáo dân và linh mục đã vi phạm pháp luật, cũng như khẳng định xử lý để làm gương. Những lời tuyên bố của họ đã làm họ khó có đường lui xuống mà không lui thì không thể được. Báo chí cũng đã góp công lớn làm cho quan chức Hà Nội khó giải quyết mà không mất mặt.

Quan chức HN bị sức ép quá mạnh từ nhiều phía, chỉ cần một sơ suất, thì “thù trong nội bộ”, “giặc ngoài” cũng như cấp trên sẽ có cớ mà xử lý họ.

Gỡ vụ Thái Hà không dễ dàng bằng cách của Tòa Khâm sứ hồi đầu năm. Hồi đó, bằng con đường ngoại giao và giới công giáo không thông tin đầy đủ cho Vatican, nên đã có văn thư của Tòa Thánh bó tay TGM Ngô Quang Kiệt. Nhưng qua chuyến viếng thăm Hà Nội vừa qua của Thứ trưởng ngoại giao, Tòa Thánh đã hiểu hơn thực tế khi làm việc với UBND TP Hà Nội. Vì vậy không mong dùng lại lá bùa từ Vatican như trước. Kể cả khi có lá bùa như trước, thì hiệu quả thực tế sẽ không như hồi trước.

Vụ Tòa Khâm sứ bị bội ước, giáo dân đã có thêm kinh nghiệm. Nhưng vụ việc chưa xong, vẫn còn như một ngòi nổ mà có thể châm lửa bất cứ lúc nào. Nhất là khi giáo dân biết được là Thủ Tướng Việt Nam đã quyết định không trả lại khu đất Tòa Khâm sứ thì sự tức giận của giáo dân sẽ được biến thành các hành động tự giác. Ngoài Tòa Khâm sứ, thì ởThành phố Hà Đông, tu viện trên đường Hai Bà Trưng và nhiều nơi khác nữa đều là những nơi hoàn toàn có thể bùng nổ hỗ trợ Thái Hà.

Nếu tình hình còn kéo dài, sẽ không chỉ giáo dân Tổng Giáo phận Hà Nội, mà khi đó các Tổng Giáo phận tiếp theo như Huế, Sài Gòn… sẽ làm nổi lên một phong trào toàn quốc hành hương Thái Hà.

Khi đó Hà Nội sẽ chống đỡ các cơn bão dồn dập bằng phương cách nào? Khi đó, cả thế giới cùng vào cuộc với giới công giáo trong quá trình đòi công lý của họ.

Người ta có quyền tưởng tượng một ngày nào đó không xa, Hà Nội dầy đặc người dân từ ngoại tỉnh đổ về. Người ta cũng đã dự tính việc Hà Nội sẽ chặn đường vào khu đất và vào nhà thờ, khi đó hãy tưởng tượng những đoàn giáo dân ngoại tỉnh được các tu sĩ và Thánh giá nến cao dẫn đầu kéo vào từ các cửa ô Hà Nội mà công an không thể dùng vũ lực với họ dù có nhiều đến đâu.

Trên các đường phố Hà Nội giáo dân diễu hành với tu sĩ, đó quả là một đại họa cho sự tồn vong của chế độ nếu dùng bạo lực khi nhân dân không còn sợ hãi. Đó cũng sẽ là lúc mà những lực lượng khác phát huy thế mạnh của mình.

Nếu cố giữ bằng được khu đất kia, đẩy tình hình đến mức nghiêm trọng, các quan chức Hà Nội sẽ chẳng được gì ngoài những cái cớ cho chính những kẻ thù của cá nhân triệt hạ mình. Nhà nước sẽ đối mặt với những khó khăn ngoại giao và kinh tế mà không dễ gỡ ra. Giáo dân sẽ theo đúng nguyên lý của Chủ nghĩa Mác – Lê nin là họ không có gì để mất, cũng chẳng được gì cho cá nhân. Nhưng giáo dân sẽ được tất cả những gì cho cộng đồng công giáo đã bị đè nén mấy chục năm qua và cái lớn nhất là họ được hi sinh cho niềm tin của mình, của tôn giáo mình.

Ngòi nổ Thái Hà nếu không gỡ kịp, chỉ thời gian ngắn thôi, những ác mộng trên sẽ dễ thành hiện thực.

Những diễn biến trên thực tế mấy tháng qua đã cho thấy một hướng đi tương đối rõ ràng của sự kiện này, nếu Hà Nội vẫn không có một sự “đột phá” nào đó để giải quyết như lời TGM Ngô Quang Kiệt đã nói.

Việt Nam 15/9/2008
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1099 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 10
Khách: 10
Thành Viên: 0