VOA
| Ủy Viên Thương Mại Liên Hiệp Âu Châu Peter Mandelson | Việt
Nam kêu gọi Liên Hiệp Âu Châu ngưng triển hạn việc áp dụng loại thuế
chống bán phá giá đối với giày da của Việt Nam. Theo tin AFP và
Reuters, Việt Nam coi biện pháp áp dụng loại thuế chống bán phá giá của
Liên Hiệp Âu Châu là có tính cách bảo hộ mậu dịch và làm hàng chục ngàn
người mất công ăn việc làm.
Tuần trước, những nguồn tin thân
cận với Ủy Hội của Liên Hiệp Âu Châu, gồm 27 thành viên, cho hay Ủy Hội
có ý định tiếp tục duy trì loại thuế quan chống bán phá giá được mang
ra áp dụng trong thời hạn 2 năm đối với giày da của Việt Nam và Trung
Quốc kể từ năm 2006 và hết hạn vào tháng 10 năm nay, trong khi duyệt
xét lại để xem loại thuế này còn cần thiết hay không.
Việc áp
dụng loại thuế chống bán phá giá này đã bị các quốc gia xuất khẩu tại Á
Châu, một số chính phủ trong Liên Hiệp Âu Châu và các công ty giày hàng
đầu của quốc tế đang sản xuất giày tại Việt Nam và Trung Quốc chống
đối. Thứ Trưởng Lê Danh Vinh của Bộ Công Thương Việt Nam tuyên bố với
báo chí tại Brussels rằng Việt Nam không bán phá giá giày da vào thị
trường Liên Hiệp Âu Châu.
Theo ông, việc triển hạn áp dụng
loại thuế quan này không chính đáng, đi ngược lại tinh thần tự do mậu
dịch, trái với những mục tiêu xóa đói giảm nghèo, gây phương hại tới sự
cạnh tranh và đã khiến 40,000 người mất công ăn việc làm.
Ngày
7 tháng 10 này, Ủy Hội Âu Châu sẽ phải loan báo quyết định duyệt xét
xem loại thuế chống bán phá giá này, hiện được đánh 16,5% vào giày da
của Trung Quốc và 10% vào giày da Việt Nam, sẽ được áp dụng thêm một
thời hạn thứ nhì hoặc hủy bỏ. Thời gian duyệt xét này có thể kéo dài
tới 15 tháng, trong đó loại thuế chống bán phá giá vẫn tiếp tục được áp
dụng.
Trước đây trong năm nay, các nhà sản xuất giày của Ý
chính thức yêu cầu tiếp tục áp dụng loại thuế chống bán phá giá. Thứ
Trưởng Lê Danh Vinh cho biết tháng 3 vừa rồi, Ủy Hội Âu Châu nói với
Việt Nam là sẽ hủy bỏ việc áp dụng loại thuế chống phá giá khi hết hạn,
nhưng giờ đây lại có một nước yêu cầu triển hạn việc áp dụng loại thuế
này, một loại thuế theo ông chỉ mang lợi lộc lại cho vài nước Âu Châu.
Thông
thường loại thuế chống bán phá giá của Liên Hiệp Âu Châu được mang ra
áp dụng trong thời hạn 5 năm, nhưng trường hợp của giày da này đã tạo
ra nhiều cuộc tranh cãi, trong đó các nước trong Liên Hiệp đã bất đồng
ý kiến với nhau về chuyện liệu loại thuế này chính đáng hay chỉ nhằm
bảo hộ mậu dịch, và vì vậy tất cả đã chấp thuận một thời hạn áp dụng
dung hòa là 2 năm.
Quan điểm của Việt Nam đã được một số tổ
chức thuộc giới bán lẻ và tiêu thụ tại Liên Hiệp Âu Châu tán trợ hôm
thứ Hai. Tổ chức BEUC chuyên vận động cho giới tiêu thụ cho rằng loại
thuế chống bán phá giá này hoàn toàn giả tạo và thiếu chính đáng.
Bà
Monique Goyens, tổng giám đốc của tổ chức, cho rằng việc kéo dài loại
thuế chống bán phá giá sẽ làm suy yếu mãi lực của giới tiêu thụ, nhất
là giới có lợi tức thấp.
EuroCommerce, đại diện cho giới bán
buôn, bán lẻ và ngoại thương tại Âu Châu, và Hiệp Hội Giới Bán Lẻ Thời
Trang tại Âu Châu cho rằng việc triển hạn áp dụng loại thuế này là một
bước thoái hóa đáng tiếc cho ngành công nghiệp giày dép.
Các
chuyên viên thương mại của các nước Liên Hiệp Âu Châu ngày thứ Tư sẽ
thảo luận về kế hoạch duyệt xét của Ủy Hội, nhưng không có quyền ngăn
chặn kế hoạch này.
|