Cảnh
bán gạo tại một ngôi chợ ở Hà Nội. ADB khuyến cáo, CSVN muốn chống lạm
phát hữu hiệu phải hạ thấp chỉ tiêu tăng trưởng nhiều hơn nữa. (Hình:
Suzuki/AP)
|
|
Hà
Nội, (NV) - Hôm Thứ Ba, ngân hàng Phát Triển Á Châu (ADB) khuyến cáo
chính quyền CSVN: “Muốn chống lạm phát hữu hiệu hơn, phải giảm bớt chỉ
tiêu tăng trưởng và kiểm soát chặt chẽ hệ thống ngân hàng”.
Trong
bản dự báo “Triển Vọng Phát Triển Kinh Tế Á Châu 2008”, ADB nhận định,
lạm phát tại Việt Nam “đã gia tăng mạnh suốt nhiều tháng của năm 2008
và thâm thủng mậu dịch nặng hơn”. Tuy chính quyền CSVN đã phải giảm chỉ
tiêu tăng trưởng để đối phó với lạm phát nhưng theo ước tính của ADB,
năm nay, lạm phát tại Việt Nam vẫn lên tới khoảng 25% và năm tới, sẽ
giảm xuống còn 17.5% nếu có các biện pháp kềm chế mạnh mẽ.
Lạm
phát Tháng Năm là 25.6%, Tháng Sáu là 26.8%, Tháng Bảy là 27%, Tháng
Tám là 28.3% và nhìn chung, tháng sau tệ hơn tháng trước và nguyên nhân
chính là chính sách kinh tế tài chính không thích hợp.
ADB cho rằng, lạm phát tại Việt Nam có thể vượt qua mức 30% vào tháng 11 năm nay nhưng hy vọng sẽ đỡ hơn vào năm tới.
“Nếu
nhìn vào lịch sử chống lạm phát của nhiều quốc gia, muốn ổn định kinh
tế vĩ mô, không ai có thể thành công bằng cách vừa kềm chế lạm phát,
vừa cổ võ tăng trưởng cao”.
Chính
quyền CSVN từng đề ra chỉ tiêu tăng trưởng cho năm 2008 là 8.5% nhưng
đã phải hạ chỉ tiêu này xuống còn 7%. Tuy nhiên giới chuyên gia kinh tế
tin rằng, chỉ tiêu tăng trưởng như vậy còn quá cao nếu muốn chống lạm
phát hữu hiệu hơn.
Trong cả năm 2007 thâm thủng mậu dịch của Việt Nam là 14.1 tỉ USD và chỉ 8 tháng đầu năm nay con số này lên tới gần 16 tỉ USD.
Theo
nghiên cứu của ADB, hệ thống ngân hàng CSVN là “mối đe dọa tiềm ẩn” đối
với sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Hệ thống ngân hàng thương mại chỉ
ưu tiên cho các công ty quốc doanh vay, bất chấp các nguyên tắc tín
dụng là chỉ cho vay theo tình hình tài chính. Hệ quả là hệ thống này
đang phải ôm một khoản “nợ khó đòi” khổng lồ, còn đa số công ty quốc
doanh thì “lời giả lỗ thật”.
Các
định chế tài chính quốc tế đã nhiều lần khuyến cáo rằng, chính quyền
CSVN phải dẹp bỏ hệ thống công ty quốc doanh nhưng đến nay, CSVN vẫn
“lấy quốc doanh làm chủ đạo”.
Những
xí nghiệp được giải tư (chia tài sản thành cổ phần để bán cổ phiếu ra
ngoài) thì được phù phép trong định giá để cuối cùng, đẩy lỗ lã, thiệt
hại cho các nhà đầu tư gánh vác.
ADB
chỉ trích: “Một số ngân hàng có vốn đầu tư thấp lại thiếu khả năng kiểm
soát rủi ro. Các quyết định cho vay không dựa trên sự cứu xét mang tính
thương mại”.
ADB cho rằng nếu cứ giữ “chỉ tiêu tăng trưởng” cao, điều đó sẽ tác động xấu đến khả năng hồi phục của nền kinh tế.
Hôm
13 tháng 9, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN đã mời 19 chuyên gia kinh
tế góp ý về cách đối phó với lạm phát. Họ hối thúc việc cắt giảm các kế
hoạch đầu tư lãng phí nhưng chính báo giới cho biết viên thủ tướng CSVN
không nghe.
Hồi
Tháng Ba 2008, khi họp với lãnh đạo Ngân Hàng Nhà Nước, Nguyễn Tấn Dũng
đã chỉ thị cơ quan này kềm giữ lạm phát sao cho “không cao hơn năm
2007” nghĩa là phải dưới 12%. Nhưng đầu Tháng Chín vừa qua, Nguyễn Xuân
Phúc, bộ trưởng chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ thú nhận trong một cuộc
họp báo rằng sẽ ráng giữ cho lạm phát không quá 25%, tức cao gấp đôi
năm ngoái.
Lạm phát dâng cao khiến dân chúng Việt Nam
điêu đứng. Từ đầu năm đến nay, đã có trên 400 vụ đình công đòi tăng
lương. Mới đây, chính quyền CSVN loan báo sẽ tăng lương cho cán bộ công
chức cũng như những người đã nghỉ hưu và các chuyên gia kinh tế dự đoán
điều đó sẽ góp phần khiến lạm phát tiếp tục gia tăng.
|