Đỗ Thái Nhiên
Thái Hà là một họ đạo thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội. Từ rất lâu Thái
Hà vẫn kiên nhẫn đòi hỏi nhà cầm quyền Hà Nội phải trả lại cho Dòng
Chúa Cứu Thế đất đai đã bị CSVN cưỡng đoạt trong nhiều thập niên qua.
Đầu tháng 01/2008, cuộc vận động kiên nhẫn kia đã trở thành ngọn lửa
cháy bùng, cao dần, rộng dần.
Ngày 15/08/2008, một số giáo dân Thái Hà đã phá vỡ bức tường ngăn cách
giữa nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà và lô đất số 178 Nguyễn Lương
Bằng. Sau khi phá vỡ bức tường, giáo dân thực hiện nghi thức cầu nguyện
với đầy đủ tượng Đức Bà và Thánh Giá ngay trên khu đất này. Giáo dân
quả quyết đất đó là đất của nhà thờ đã bị nhà cầm quyền cưỡng chiếm.
Ngày 01/09/2008, trong một thư mục vụ gửi cho giáo dân, khi đề cập tới
những xung đột tại Thái Hà, Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn cho rằng: "Nếu
(nhà cầm quyền CSVN) chỉ làm theo lệnh và sử dụng quyền lực hoặc bạo
lực thì sẽ không giải quyết được vấn đề, đồng thời tạo thêm bất công và
bất ổn xã hội."
Ngày 03/09/2008, nhân khi trả lời cuộc phỏng vấn của đài Á Châu Tự Do,
Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, giáo phận Hà Nội, xác nhận giáo dân Thái
Hà không hề phạm pháp, đồng thời kêu gọi CSVN hãy từ bỏ những lý luận
cũ, nếu không, vụ Thái Hà sẽ đi đến bế tắc.
Ngày 04/09/2008 có ba sự kiện đáng quan tâm:
1) Tám mươi hai linh mục trong "Linh Mục Đoàn" Hà Nội tuyên bố sẽ "Đồng hành một cách đặc biệt" với giáo sĩ và giáo dân Thái Hà.
2) Giám Mục Thái Bình và Giám Mục Hải Phòng đã đến Thái Hà để hiệp thông với giáo dân.
3) Báo Wall Street Journal, tờ báo nhiều ảnh hưởng và nhiều độc giả
nhất tại Mỹ, đã căn cứ vào vụ Thái Hà để đề nghị chánh phủ Hoa Kỳ hãy
đưa Việt Nam trở lại danh sách "các nước cần quan tâm đặc biệt" về tự
do tôn giáo.
Ngày 10/09/2008, Giám Mục Nguyễn Văn Sang, địa phận Thái Bình khuyến cáo Hà Nội: "Những ai dùng gươm sẽ chết vì gươm".
Các tin tức trình bày ở trên cho thấy vụ Thái Hà không còn là một tranh
chấp riêng lẻ giữa quận Đống Đa, Hà Nội và họ đạo Thái Hà. Nó đã trở
thành một thách thức gay gắt giữa hai thế lực: bên này là Giáo Hội Công
Giáo Việt Nam, bên kia là nhà cầm quyền Hà Nội. Tại sao hiện tượng Thái
Hà lại có thể vươn mình lớn mạnh nhanh như vậy? Câu trả lời được tìm
thấy trong buổi họp ngày 22/08/2008 giữa phái đoàn linh mục Thái Hà và
Ủy ban Nhân dân Huyện Đống Đa. Tài liệu về phiên họp này được trích
xuất từ VietCatholic (TTX Công GiáoViệt Nam).
Phái đoàn linh mục gồm có: Linh Mục Mathêu Vũ Khởi Phụng, Bề Trên Chánh
Xứ; LM Giuse Nguyễn Văn Thật, Phó bề trên; LM Nguyễn Ngọc Nam Phong; LM
Phêrô Nguyễn Văn Khải.
UBND Quận Đống Đa gồm có: Ô. Trần Đức Học, chủ tịch UBND quận; các ông
phó chủ tịch quận, chánh thanh tra quận, bà chánh văn phòng quận, ông
chủ tịch phường Quang Trung, khá đông đảo nhân viên an ninh và báo chí
của chính quyền.
Mở đầu phiên họp, ông Trần Đức Học, chủ tịch quận Đống Đa đã trình bày
một bài thuyết trinh rất nhiều lời nhưng chỉ tập trung vào hai điểm sau
đây:
1) Lên án giáo dân hành động quá khích, vi phạm luật pháp, không hợp tác với chính quyền để giải quyết khó khăn.
2) Đề nghị linh mục bề trên chính xứ vận động giáo dân quá khích tôn trọng luật pháp, di chuyển ảnh tượng về nhà thờ.
Đáp lời chủ tịch quận Đống Đa, LM Nguyễn Ngọc Nam Phong và LM Nguyễn
Văn Khải, đại diện phái đoàn linh mục đã phát biểu ý kiến như sau: Nhà
nước thường xuyên kêu gọi người dân phải tôn trọng luật pháp. Luật pháp
không thể là những lời lẽ lơ mơ. Luật pháp phải là chữ viết xây dựng
thành văn bản. Đối với lô đất của xứ Thái Hà đang bị nhà nước cưỡng
đoạt, Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà lý luận theo hai trường hợp:
Trường hợp một: Nếu lô đất này đã bị nhà nước trưng thu, trưng mua, xin
nhà nước cho Thái Hà xem những giấy tờ trưng thu, trưng mua liên hệ.
Bao nhiêu năm nay nhà nước im lặng trước yêu cầu vừa nói của người dân.
Điều đó chứng tỏ lô đất của nhà thờ Thái Hà không hề bị trưng thu hay
trưng mua.
Trường hợp hai: Nhà nước cho rằng miếng đất 178 Nguyễn Lương Bằng đã
được linh mục Vũ Ngọc Bích "người quản lý", đã ký giấy bàn giao đất cho
nhà nước. Những hiểu biết sơ đẳng về luật pháp qui định: Người quản lý
là người có nhiệm vụ thay mặt chủ đất để gìn giữ miếng đất, người quản
lý hoàn toàn bị nghiêm cấm mang đất đi bán hoặc dâng tặng cho người
khác. Mọi hành động chuyển giao đất đai như vừa kể đều tuyệt đối vô giá
tri. Mặt khác khi dòng Chúa Cứu Thế yêu cầu nhà nước xuất trình giấy tờ minh chứng linh mục Vũ Ngọc Bích đã bàn giao đất cho nhà nước, giới hữu trách trả lời ba lần bằng ba văn thư riêng biệt.
Lần thứ nhất: Sở Tài Nguyên Môi Trường Nhà Đất của nhà nước, từ một văn
thư chính thức đã xác nhận: Linh mục Vũ Ngọc Bích ký giấy chuyển giao
đất ngày 24/11/1961.
Lần thứ hai: Do công văn số 4312, thành phố Hà Nội xác nhận linh mục Vũ Ngọc Bích ký giấy chuyển giao đất ngày 24/10/1961.
Lần thứ ba: Văn thư số 76 của nhà nước lại xác nhận Linh Mục Vũ Ngọc Bích ký giấy tờ ngày 30/01/1961.
Một chữ ký duy nhất của LM Vũ Ngọc Bích lai được nhà nước dẫn chứng là
đã ký vào ba ngày khác nhau. Như vậy sự việc LM Vũ Ngọc Bích ký chuyển
giao đất nhà thờ cho CSVN hiển nhiên chỉ là câu chuyện bịa đặt.
Sau phần biện luận của phái đoàn Dòng Chúa Cứu Thế, ông chủ tịch cùng
toàn bộ UBND quận Đống Đa không thể đưa ra bất kỳ phản biện nào. Sự
kiện này minh chứng mạnh mẽ: Về mặt pháp lý, CSVN chưa hề trưng thu
hoặc trưng mua đất của Thái Hà. Ngược lại Thái Hà với tư cách chủ đất
và/hoặc người sử dung đất cũng không hề ký giấy tờ chuyển giao đất cho
nhà cầm quyền. Vậy thì vụ Thái Hà nên giải quyết như thế nào cho thấu
tình, đạt lý? Chế độ Hà Nội đã nhanh chóng viện dẫn Nghị Quyết số
23/2003/QH11 như một giải pháp thích nghi. Nghị quyết kia được quốc hội
CSVN thông qua ngày 26/11/2003. Điều (1) của luật 2003 viết nguyên văn
như sau:
"Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực
hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ
nghĩa liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 01 tháng 07 năm 1991.
Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà nhà nước đã quản lý,
bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà
đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất"
Điều (1), luật 23/2003/QH11, gọi tắt là luật đất đai 2003, có một ám ý
rất đáng quan tâm như sau: Luật này được biểu quyết thông qua ngày
26/11/2003 nhưng lại xác định chỉ áp dụng cho nhà đất bị tịch thu trước
ngày 01/07/1991. Tại sao vậy? Tại vì Đỗ Mười lên ngôi tổng bí thư ngày
28/06/1991. Trước Đỗ Mười là Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Hồ
Chí Minh... Năm 2003 những người vừa kể đều đã chết (Nguyễn Văn Linh
qua đời ngày 28/06/1998) chỉ còn Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh
là đang còn sống. Như vậy không còn nghi ngờ gì nữa: Cưỡng đoạt đất đai
của quần chúng nhân dân là một tội đại ác. Luật 2003 là luật chạy tội
cho các tổng bí thư còn sống bằng cách đổ tội cho những tổng bí thư đã
chết. Mặc dầu vậy, nhà cầm quyền CSVN vẫn cưỡng bách Dòng Chúa Cứu Thế
và họ đạo Thái Hà phải khép mình dưới sự chi phối của luật 2003 với sự
nhấn mạnh: "Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà nhà nước
đã quản lý".
Lý lẽ của nhà nước đã bị Thái Hà khước biện rằng Thái Hà không hề nhận
được bất kỳ quyết định nào từ phía nhà nước buộc Thái Hà phải chuyển
giao lô đất số 178 Nguyễn Lương Bằng vào tay nhà nước. Như vậy, về mặt
pháp lý cho tới bây giờ, Dòng Chúa Cứu Thế vẫn là sở hữu chủ và/hoặc
người sử dụng lô đất đối tượng của tranh chấp. Lô đất kia phải đặt ra
ngoài sự chi phối của luật đất đai 2003.
Mặt khác, quyền hành nào thì đi với nhân danh đó. Ông thủ tướng X có
quyền sử dụng công ốc, công xa. Các quyền kia có được là nhờ ông X nhân
danh chức vụ thủ tướng. Ngày xưa đảng CSVN nhân danh đại diện giai cấp
vô sản để bừa bãi tịch thu đất đai của quần chúng nhân dân. Ngày nay
CSVN đã trở thành tư bản đỏ, đại gia đỏ. CSVN đang sống trong những
dinh cơ nguy nga. Giai cấp vô sản, điển hình là dân oan, đang sống lây
lất trên vườn hoa Mai Xuân Thưởng. CSVN không còn là đại diện của giai
cấp vô sản, không còn nhân danh giai cấp vô sản trong mọi động thái
chính trị. Vì vậy CSVN hãy tức thời và vô điều kiện trả lại cho nhân
dân tất cả đất đai nhà cửa mà xưa kia họ đã nhân danh đại diện giai cấp
vô sản tịch thu của muôn dân.
Hầu hết những vụ tịch thâu đất đai do CSVN chủ động đều diễn ra dưới
hình thức thảo khấu: không lý luận, không luật pháp, không văn bản hành
chánh. Bên cạnh Thái Hà còn có vô số nạn nhân tương tự. Tình trạng thảo
khấu kia đã đẩy đất nước Việt Nam rơi vào cơn rối loạn đất đai ngày
nay. Đi kèm với rối loạn là hai bế tắc. Bế tắc tư tưởng chính trị và bế
tắc luật pháp với quái tượng luật đất đai 2003. Hai chữ bế tắc bao giờ
cũng gợi ý con người nghĩ đến giải pháp giải trừ bế tắc. Giải pháp kia
chính là "xã hội dân sự".
Xã hội dân sự là những tổ chức, những xã hội do người dân tự nguyện
đứng lên tự tổ chức và tự điều hành, hoàn toàn không có bàn tay "góp
sức" của nhà cầm quyền. Nhà cầm quyền không góp sức có thể vì bất lực,
vì không có quyền lợi, vì những xã hội dân sự kia gây nguy hại cho sự
"trường tồn" của nhà cầm quyền. Hiệp hội báo chí, nghiệp đoàn lao động,
luật sư đoàn, y sĩ đoàn, hội đồng hương, hội nghiên cứu văn hóa Việt,
những chính đảng hoặc nhóm áp lực chính trị vân vân... là những thí dụ
về xã hội dân sự. Xã hội dân sự xuất hiện trong nhiều lãnh vực khác
nhau: văn hóa, tôn giáo, chính trị, giáo dục, y tế... Nơi nào nhà cầm
quyền thái quá hay bất cập, nơi đó có sự ra đời của xã hội dân sự. Nhà
cầm quyền thiếu những tổ chức vừa giáo dục vừa vui chơi cho thanh thiếu
niên ư? Hội Hướng Đạo ra đời. Ngân hàng nhà nước không tạo điều kiện dễ
dàng cho người dân vay tiền ư? Các hội chơi hụi xuất hiện. Nhà nước lấy
đất của dân, không bồi thường thỏa đáng ư? Xã hội dân oan tìm tới vườn
hoa Mai Xuân Thưởng. Nhà nước cưỡng chiếm đất đai của Dòng Chúa Cứu Thế
Thái Hà ư? Xã hội dân sự có tên gọi là xã hội "Cầu nguyện đòi đất" ra
đời. Xã hội dân sự là sức đề kháng tự nhiên của toàn xã hội nhằm giúp
quốc gia tìm lại thế vận động thăng bằng mỗi khi lịch sử bị quấy nhiễu
bởi cá nhân độc tài, tập đoàn độc tài (Cộng Sản, quân phiệt, Dân tộc
cực đoan...) cùng các tệ nạn khác của xã hội. Xã hội dân sự là qui luật
vận động và phát triển hàng đầu của xã hội.
Hiện nay, Thái Hà thay vì được hoàn trả những tài sản đã mất, xã hội
dân sự này lại phải đương đầu với luật đất đai 2003. Cùng với việc mang
luật 2003 áp dụng cho Thái Hà, chế độ Hà Nội ngày càng gay gắt đe dọa
sẽ nghiêm tri những ai vi phạm luật pháp. Hẳn nhiên xã hội dân sự Thái
Hà không chấp nhận luật pháp của Hà Nội. Vậy thì luật pháp mà xã hội
dân sự Thái Hà trông chờ là loại luật pháp nào? Thưa rằng có hai loại
luật pháp.
Loại thứ nhất gọi là pháp quyền (rule by law): hệ thống luật pháp này
do các chế độ độc tài kiểu Tần Thủy Hoàng, Mao Trạch Đông, Hitler,
Staline, CSVN... đặt ra chỉ để bảo vệ chế độ độc tài và đàn áp những cá
nhân hay đoàn thể chống độc tài. Luật 2003 là một sản phẩm điển hình
của pháp quyền. Biến cố Thái Hà "cầu nguyện đòi đất" hàm chúa các sự
kiện nêu sau: Thái Hà là nguyên đơn trong vụ kiện đòi đất. Đảng CSVN là
bị đơn. Tòa án là tòa án của đảng CSVN. Luật để xét xử là luật 2003 của
CSVN. Điều trớ trêu nằm ở điểm: CSVN vừa là bị đơn, vừa là chánh án,
vừa là tác giả của luật 2003. Đó là bản chất hiển nhiên phi pháp của
pháp quyền!
Loại thứ hai gọi là pháp trị (rule of law): hệ thống luật pháp này
chính là luật pháp bởi dân, do dân và vì dân. Từ quốc trưởng cho đến
người dân cùng khổ nhất, tất cả, không ngoại trừ một ai, đều phải sống
dưới sự chi phối nghiêm minh của luật pháp pháp trị. Muốn vậy luật pháp
trị phải được soạn thảo và biểu quyết bởi một quốc hội thực sự do dân
bầu theo đúng pháp chế dân chủ lấy Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ngày
10/12/1948 của LHQ làm kim chỉ nam.
Cuộc đấu tranh của xã hội dân sự Thái Hà diễn ra dưới hình thức các
cuộc cầu nguyện tuyệt đối thiết tha, tuyệt đối hòa bình, tuyệt đối tĩnh
lặng. Thế nhưng trong thiết tha, hòa bình và tĩnh lặng kỳ diệu kia bao
giờ cũng gói ghém bốn công lý đanh thép:
Một là: Những vận động và phát triển của xã hội dân sự là qui luật sống
thuộc về dòng chảy của xã hội. Một chuyển biến được gọi là qui luật có
nghĩa là con người muốn hay không muốn, nó vẫn xảy ra. Thế lực nào
chống lại qui luật sống, thế lực đó chọn con đường tự sát.
Hai là: Pháp trị là luật pháp chân chính. Trọng pháp là nghĩa vụ đòi
hỏi mỗi thành viên của xã hội phải dứt khoát thủ tiêu pháp quyền, tích
cực xây dựng pháp trị.
Ba là: Chỉ có chế độ dân chủ đa nguyên thực sự mới là môi trường thích nghi của luật pháp pháp trị.
Bốn là: Giải pháp mà xã hội dân sự Thái Hà nhằm đạt tới chính là tự do
dân chủ cho Việt Nam. Đó là ý nghĩa sanh tử của ngọn lửa Thái Hà.
Đỗ Thái Nhiên
|