Thứ Sáu, 2024-11-22, 3:54 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Chín » 18 » Sai lầm của hệ thống truyền thông nhà nước trong vụ Thái Hà
4:41 PM
Sai lầm của hệ thống truyền thông nhà nước trong vụ Thái Hà

JB Nguyễn Hữu Vinh

Rằng hay thì thật là hay…

 
Thời đại kinh tế truyền thông, nhất là truyền thông điện tử đã đem cho nhân loại nhiều điều mà chỉ vài chục năm trước đây, có ngồi mơ ở Việt Nam cũng không bao giờ thấy được. Truyền thông đã làm biến đổi nhanh chóng bộ mặt xã hội, từ nhận thức đến cách hành động của mỗi con người.

Ngày nay, với hệ thống báo chí, truyền hình, các phương tiện đồng bộ khác và khi internet đã trở thành những nhu cầu thường nhật của người dân, thì truyền thông càng có một ý nghĩa và trở thành một ngành kinh tế lớn.

Với mục đích đem lại những lợi ích cho con người, cho xã hội và đất nước, việc tạo ra một hệ thống truyền thông đủ mạnh, nhanh, xác thực và bình đẳng là đòi hỏi bức thiết.

Với Việt Nam, hệ thống truyền thông cũng đồ sộ không kém, hơn 700 tờ báo các loại là một con số lớn. Hệ thống đó đã giúp người dân tìm được những thông tin mà họ quan tâm, những sự kiện mà họ cần biết…

Truyền thông hay thì thật là hay, nhưng sử dụng cái hay đó như thế nào là việc cần có nhiều bàn luận. Nó cũng như một con dao sắc, dùng thì thích, nhưng không cẩn thận thì có ngày trả giá không chỉ cho cá nhân mà là cả xã hội.

Tuy nhiên, những nhà làm truyền thông, ngoài những điều đã làm được thì nhiều khi cũng đã gây những tai hại không kém. Kể ra những sự việc đó, thì có quá nhiều, ở đây chỉ nói riêng vụ việc ở Giáo xứ Thái Hà, thuộc Phường Quang Trung, Quận Đống Đa – Hà Nội mà hiện đang còn nóng bỏng.

Truyền thông vào cuộc và chiến dịch bóp méo sự thật ở Giáo xứ Thái Hà

Thiết nghĩ, không có việc gì có thể ổn định, lâu dài và tạo niềm tin vững chắc bằng sự thật và sự công chính. Thế nhưng, có những người làm công tác truyền thông, vì một mục đích nào đó, đã không kể đến sự thật, bất chấp lương tâm, tạo ra những sản phẩm truyền thông méo mó và phản bội lại sự thật.

Ở sự kiện Thái Hà mấy tháng qua, nhất là tròn một tháng mới đây, truyền thông đã làm tất cả những điều có thể làm để chứng minh cho sự xảo trá, sự nô lệ và sự tha hóa lương tâm người cầm bút. Những điều đó làm người dân chỉ tiếp xúc với truyền thông chính thống nhà nước thấy rằng:

Ở Thái Hà, Hà Nội, có đám tu sĩ đang phản loạn, cầm đầu đám giáo dân dốt nát gây nên những điều không thể chấp nhận được. Họ đã thách thức pháp luật cả tám chín tháng trời, với lượng giáo dân ngày càng nhiều. Những người giáo dân đó không phải là những người kính Chúa, yêu nước. Họ đã đem ảnh tượng ra mà nhạo báng, để vào những nơi bẩn thỉu, nhục mạ hình ảnh Chúa và Đức Mẹ bằng cách vứt ảnh tượng xuống đất, rắc cát bẩn lên để quay phim và vu cáo.  Họ đã không thuộc điều răn thứ 3 của Thiên Chúa do Đài TH Hà Nội sáng tác. Họ đã vu cáo nhà nước dùng dùi cui điện, hơi cay để trấn áp giáo dân mà sự việc đó không hề có, điều này chỉ do mấy ông linh mục cố tình ngụy tạo để kích động và làm mất ổn định xã hội, thậm chí còn dùng loa công suất lớn phá hoại an ninh người dân đến 1,2 giờ sáng…”.

Trên đó không ngớt những lời buộc tội họ là những kẻ vi phạm pháp luật, là những người trốn tránh trách nhiệm, hèn nhát không dám tiếp xúc với các cấp chính quyền. Dù chính quyền đã hết sức nhẫn nại và ôn hòa, đã rất thiện chí giải quyết. Một số giáo dân còn đập phá tài sản là cả đoạn tường rào gạch cũ dài những… 6 mét để vào khu đất đã được linh mục Bích bàn giao qua nhà nước quản lý từ 1961. Và sự vi phạm pháp luật đó ngày càng tăng. Giáo dân và tu sĩ đã dùng khẩu hiệu chống đối chính quyền…

Vì thế, hàng loạt những ý kiến phản đối được đưa ra. Từ những người ở miền xa xôi như Lao Cai, những linh mục ở Ban Mê Thuột, những giáo dân, những đảng viên công giáo, bí thư đảng ủy, ủy ban đoàn kết, đoàn thanh niên… và rất nhiều người có trách nhiệm với đất nước đã lên tiếng…

Trên nhiều tờ báo, (nhất là tờ Hà Nội mới và TH Hà Nội) nói rằng: Đất nước này chấp nhận các tôn giáo, nhưng để có đất nước tuyệt vời đẹp đẽ tươi sáng như ngày nay, là do công lao của bao nhiêu thế hệ máu xương Việt Nam đã đổ, vì vậy công giáo cũng là công dân, phải biết tôn trọng đất nước, đã có những thế lực đứng đằng sau giật giây việc này… Không thể để pháp luật bị vi phạm nghiêm trọng mà không bị xử lý nghiêm khắc… Một số đã bị khởi tố, tạm giam và đã nhận tội…

Ở trên các phương tiện đó, không có bao giờ đề cập rằng:

 
Ở đám tu sĩ, giáo dân kia, đã chờ đơn khiếu nại quyền lợi mới có 12 năm mà không chờ tiếp. Họ đã âm thầm cầu nguyện, ăn gió nằm sương tám chín tháng nay chỉ có công an canh chừng mà không ai đếm xỉa. Họ là những người đã chặn đứng mất âm mưu biến của Nhà thờ, của Thánh thất thành của nhà nước và bây giờ là bán chác chia nhau thành của tư nhân. Họ đã bị đám công nhân (hay giả danh công nhân công ty may Chiến Thắng) ném ảnh tượng của Đức Mẹ xuống đất và lấy mất mấy cái lều bạt của họ. Họ đòi lại quyền lợi chung của cộng đồng mà bản thân họ chẳng được lợi lộc gì, vậy mà vẫn quyết chết để bảo vệ. Họ đã cầu nguyện ôn hòa mà không hề phản kháng dù khi bị đàn áp bằng dùi cui điện, giày đinh. Khi bị đàn áp bằng hơi cay, họ đã yêu cầu lập biên bản, yêu cầu điều tra nhưng những người làm công tác an ninh tại đó đông đúc đã làm ngơ. Họ đã học tập mấy quan chức đã phá không chỉ mấy mét, mà là cả mấy chục mét hàng rào để làm nhà chiếm nửa đường đi, bằng cách phá mấy mét tường rào mà họ cho là bất hợp pháp để tiếp cận khu đất và tài sản của họ. Họ đã bị bắt và nhiều người trong số họ sẵn sàng tiếp tục chịu bị bắt để công lý được thể hiện mặt thật của mình… Họ cũng hiểu rằng họ là những người đã góp công, góp sức và cả tính mạng xây nên đất nước này, và hiện nay họ đang đòi công lý, đòi mọi việc phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật. 

Ở vụ việc Thái Hà, nhiều tờ báo đã lên tiếng, nhiều bài viết được sử dụng đưa lên mạng, chiếm nhiều trang quan trọng của nhiều tờ báo ở Việt Nam. Ở đó cả dàn truyền thông như một cơn lên đồng tập thể đã tham gia trận đòn hội chợ với nhóm nhỏ giáo dân và tu sĩ Thái Hà.

Tờ Công an Nhân dân viết trong bài “Sự thật đã rõ như ban ngày” như sau: “… gốc rễ vấn đề khởi nguồn từ động cơ mưu lợi của một nhóm ít người nấp dưới danh nghĩa chức sắc tôn giáo ở đây”. Tôi đọc những dòng này và cứ bật cười cho tờ báo này. Thì sự thật đã rõ hơn cả ban ngày chứ như gì nữa. Đất từ của Nhà thờ, định chia nhau thì dân đòi lại, mà những người được chia trong đó, chắc chắn không có một chức sắc tôn giáo nào. Nếu có, chắc chỉ là chức sắc làm công tác tôn giáo cho nhà nước mà thôi.

Thật ra thì họ đã nhầm chỉ mấy chữ là “chức sắc tôn giáo” với “cán bộ tham nhũng”. Vì chức sắc tôn giáo không có bất cứ một quyền lợi gì nơi đây kể cả khi đòi lại được, thì cũng chỉ để phục vụ cộng đồng và người nghèo, họ không hẹn nhau đòi để chia đất khi về hưu, họ không hối lộ nhau. Chỉ có những người nào đó mới có những mưu đồ trên thì ai chẳng biết.

Ngạo ngược hơn, tờ báo của mang tên của những người đã dùng hơi cay, dùng dùi cui điện lại đi lên lớp tu sĩ và giáo dân vê Lời Chúa. Đó là gì nếu không phải là sự nhục mạ?

Tờ Hà Nội mới thì cho rằng việc nhà thờ Thái Hà đưa đơn khiếu nại là việc làm vi phạm pháp luật, trích dẫn những người đã chết để lên án nhà thờ hòa giọng với ông bí thư đảng ủy, ông bí thư đoàn, ông Ủy ban đoàn kết tại Buôn Mê Thuột. Thật khôi hài.

Cũng trên tờ Hà Nội mới (và trên trang VOV), trong hàng loạt ý kiến phản hồi của những người không có địa chỉ cụ thể có đăng ý kiến phản hồi của “giáo dân Nguyễn Đức Thắng ở xứ Thạch Bích” khi kiểm tra lại qua linh mục chính xứ cho biết đã chết từ lâu. Lại còn có “Giáo dân Nguyễn Quốc Cường (giáo xứ Đại Ơn, Chương Mỹ) nói rằng đó là những hành vi không tôn trọng giáo lý”. Nhưng chúng tôi gọi đến hỏi Ban hành giáo Giáo xứ Đại Ơn, sau khi đã kiểm tra kỹ các xóm, hoàn toàn không có giáo dân nào là Nguyễn Quốc Cường?  Những sự bịa đặt đến thế mà họ không thấy ngượng. Như vậy có ai có thể tin được những người khác với địa chỉ, hộp thư ảo khác là có thật? 

Với những cách thông tin và nội dung như trên, với thời lượng phát sóng dày đặc vào những giờ vàng, trên trang nhất cũng như hệ thống loa phường ra rả… cả xã hội đã nhìn nhận đám tu sĩ và giáo dân cũng như giáo hội Công giáo Việt Nam như một bộ phận quái dị đứng ngoài đất nước đang chống lại đất nước này. Một cuộc bài xích tôn giáo này là điều có thể nhìn thấy đối với những người tiếp nhận thông tin đó.

Nhưng điểm lại những bài viết, những tiết mục truyền thanh, truyền hình… người ta thấy điều gì?

Những chứng cứ lẫn lôn thật giả, trắng đen đã được xào xáo và đưa lên đã làm cho dư luận hoang mang, tạo một phản ứng không thật trong xã hội với cách đưa tin lập lờ, những chứng cứ giả, những chuyện trái thành phải và trắng thành đen. Không thiếu những chuyện bịa đặt và vu cáo hết sức ác ý…

Như vậy, truyền thông đã “thắng” trong việc áp đặt những thông tin trái ngược và đã đáp ứng được cái định hướng là “tạo dư luận xã hội lên án, đấu tranh” như yêu cầu mà báo Hà Nội mới đã đưa tin.

Thắng, nhưng không … lợi

 
Với một cộng đồng tôn giáo Thái Hà nhỏ bé ở Thái Hà , và ngay cả Giáo hội Công giáo chiếm 1/10 dân số, không có một tờ báo nào riêng để có thể nói lên những tiếng nói của mình. Còn những tờ báo nhà nước, đố có ai trong cuộc này có được một lời bày tỏ mà không bị xuyên tạc. Kể cả Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt.

Nhiều chi tiết truyền thông bịa đặt đã trở thành hài hước đã bị bóc trần làm trò cười cho thiên hạ như vụ đưa giáo dân giả, dùng cái bang để quay phim bị bắt tại trận, phỏng vấn giáo dân giả tận nơi xa xôi đưa lên truyền hình đã bị Tòa Tổng Giám mục Hà Nội bóc trần trong thông báo gửi toàn thể Cộng đồng dân Chúa.

Nhiều bài viết, với sự hiểu biết ngây ngô của tác giả và của Tổng biên tập đã tạo nên những sự cố mất niềm tin lớn lao với nhà nước không chỉ cộng đồng dân Chúa mà còn với cả những người quan tâm tìm hiểu. Không chỉ ở nội dung, mà ngay cả ở những từ ngữ và khái niệm đơn giản nhất.

Chính những tờ báo đó, những bản tin truyền hình đó đã đặt TP Hà Nội vào tình trạng dở khóc dở mếu khi chiếu lên màn hình cái quyết định số 76 của Sở Nhà đất HN ký ngày 31/1/1961  giao đất cho Xí nghiệp Thảm len để vu cáo rằng đó là giấy tờ linh mục Bích giao đất cho nhà nước các đây 50 năm. Trong khi TP HN đã nhỡ nói là tháng 10/1961 (thậm chí là đến năm 1963) thì linh mục Bích mới bàn giao đất qua nhà nước quản lý? Chính cái video clip đó lại được ai đó mau mắn đưa lên mạng, và giáo dân Thái Hà đã giữ nó lại để dùng khi cần thiết.

Nhiều bài viết đã kích động hằn thù tôn giáo rõ rệt khi đưa nhữn thông tin  có tính mạ lỵ, bôi xấu lãnh đạo giáo hội, hàng ngũ tu sĩ, giáo dân… điều đó đã gây nên những hậu quả tai hại hiện nay và lâu dài.

Hậu quả trước hết, là dù tiếp xúc với những thông tin một chiều, nhưng đa số giáo dân cũng như nhiều người không là giáo dân đã không còn tin những phương tiện đó như ngày xưa, họ có kinh nghiệm tìm hiểu bằng cách khác.

Khi sự thật đã bị bóc trần, người dân đã mất niềm tin, thì những thông tin trên hệ thống báo chí nhà nước đã vô tình kích động bản thân họ đến tận nơi để chứng kiến sự việc. Khi đã biết tường tận sự thật, họ chính là những nguồn tin đáng tin cậy trong cộng đồng. Vì thế, dòng người đổ về Thái Hà đông như hội.

Cũng chính hệ thống truyền thông bóp méo kia, đã không để các Giám mục yên vị, chờ đợi lâu hơn như vụ Tòa Khâm sứ. Không một Giám mục nào chấp nhận việc nhạo báng hình tượng Thiên Chúa và Đức Mẹ như báo chí, truyền hình đã đưa tin. Không một giáo dân nào thấy yên tâm, khi những chủ chăn của họ đã ngang nhiên bị mạ lỵ, bôi xấu và xúc phạm trước cộng đồng dân tộc. Tất cả thấy được nhiệm vụ của mình là phải đến tận nơi, làm chứng cho sự việc, kiểm tra thông tin.

Và khi các Giám mục đến tận nơi, hiệp thông cùng dân Chúa giáo xứ Thái Hà, thì làn sóng giáo dân sẽ còn hứa hẹn tăng lên theo cấp số nhân.

Người ta dự tính rằng, dù có cấm cản cách nào, thì những tháng ngày tới, số giáo dân đến Thái Hà cũng sẽ là con số khó kiểm soát nếu sự việc không nhanh chóng giải quyết đến kết thúc. Và nếu càng cấm theo cách cổ điển là chặn xe, phạt… thì biện pháp đó chỉ là những xúc tác cho phản ứng xảy ra nhanh hơn khi họ quyết tâm đến Thái Hà. Khi đó TP Hà Nội vốn chật chội sẽ xảy ra điều gì? Đặc biệt với những người dân quê chất phác ăn sóng nói gió và ít khi chấp nhận những sự khiêu khích, mạ lỵ, báng bổ Thiên Chúa của họ.

Đấy là chưa nói hết với toàn bộ nhà thờ, nhà ở hiện nay của Thái Hà chỉ có còn 2700 mét vuông, với lượng người có ngày lên đến 15.000 người, nói dại mồm là khi bệnh dịch đang ngấp nghé đâu đó, được những người xa xôi đưa về TP thì hậu quả là khôn lường.

Đó là một hậu quả thấy dễ nhất và tác hại lớn nhất của hệ thống truyền thông đã đưa đến cho nhà nước và TP Hà Nội.

Chính hệ thống truyền thông vừa qua, đã như một anh đầy tớ hăng hái, xảo trá nhưng ngốc nghếch vô dụng đã đặt TP Hà Nội trước một sức ép ghê gớm cần giải quyết vụ việc nhanh chóng.

Để giải quyết nhanh chóng, dễ dàng nhất là nếu TP HN có chứng cứ đầy đủ tính pháp lý thì Nhà thờ phải chấp nhận chấm dứt khiếu nại. Nếu nhà nước không có căn cứ pháp lý, thì phải trả lại khu đất và tài sản cho Nhà thờ. Nhưng cho đến nay, hình như TPHN chưa có ý định giải quyết vấn đề này dựa trên những chứng cứ pháp lý hai bên cung cấp. Vì nếu dựa trên những chứng cứ mà TP đưa ra, thì chắc là khó có thể đứng vững được dưới góc độ pháp lý ở môt nhà nước pháp quyền.

Hậu quả lâu dài khác, đó là sự khó hòa giải mối quan hệ đoàn kết dân tộc khi một tôn giáo đã bị ngang nhiên xúc phạm đến hình tượng mà họ tôn thờ. Hãy nhìn xem điều gì đã xảy ra khi một vài tờ báo ở nước ngoài đã đưa lên hình ảnh mà người Hồi giáo đã cho là xúc phạm đến đấng Mohamet để thấy được hậu quả lâu dài của những sai lầm mà truyền thông nhà nước vừa qua đã phạm phải.

Nguyên nhân khó tránh

Có thể những hậu quả đó là điều không lường trước được của những nhà điều khiển và những người làm truyền thông. Họ làm theo chỉ thị, định hướng, theo cách truyền thống bằng mọi giá. Đó là hậu quả của lối truyền thông theo cái cách nhìn những người không nghe chỉ thị, quyết định của chính quyền thì đều là thù địch, bất kể những quyết định đó là đúng hay sai.

Sai lầm đó chính là hậu quả của lối truyền thông không tôn trọng sự thật, bước qua lương tâm và đạo đức con người, đạo đức nghề nghiệp nhằm trấn áp những người bé mọn tay không. Qua đó như để thể hiện một quyền lực, mà thực chất chỉ là công cụ của những kẻ có quyền lực. Họ có thể bất chấp cả pháp luật, miễn là đứng về phía những người cai trị mà không có áy náy hoặc ân hận trong lương tâm, chỉ vì bà đỡ đang đứng đằng sau họ là bộ máy nhà nước mà họ là công cụ.

Khi truyền thông không đứng trên sự thật, không nhằm phục vụ những cộng đồng dân chúng mà chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của một nhóm người nào đó. Khi truyền thông không phản ánh đúng đắn những sự việc, hiện tượng trong xã hội mà trái lại còn bóp méo những sự việc đó với ý đồ ác độc.

Thực chất, đó cũng chỉ là lối tư duy nô lệ. Những vụ việc báo chí bị bắt, bị khởi tố, bị cấm đoán cũng như nhiều anh hùng trong làng báo chí đã ngã ngựa thời gian qua đã nói lên điều đó. Khi mà anh đầy tớ vô dụng làm hại đến ông chủ, thì dù trung thành, cũng phải bị thí đi, đó là quy luật của câu chuyện người đi săn và con chó. Câu chuyện PMU18 là một bằng chứng sống vẫn nóng hổi quanh ta.

Một vài điều dễ nhận thấy trên đây, là những hậu quả trước mắt của hệ thống truyền thông đã làm trong vụ việc Thái Hà. Những nguyên nhân đã được xác định rõ ràng, biết là không tốt, nhưng khó tránh.

Với những người Công giáo, họ biết họ phải làm gì để chứng minh một điều: “Sự thật bao giờ cũng chiến thắng” dù hiện tại có bị bóp méo, bị chôn vùi. Nhưng ánh sáng sự thật sẽ phải tỏa sáng, dù muốn hay không. Và khi ánh sáng ban ngày tới, lũ dơi, chuột sẽ hốt hoảng mà không kịp chạy tháo thân.

Bởi Kinh Thánh đã chỉ cho họ con đường giải thoát: “Sự thật sẽ giải thoát anh em”.

Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2008. Một tháng sau ngày Đức Mẹ về Linh địa Thái Hà.

JB Nguyễn Hữu Vinh
http://www.chuacuuthe.com/chiase/9430tt.html
Category: Công giáo khắp nơi | Views: 1047 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 21
Khách: 21
Thành Viên: 0