Thứ Tư, 2025-01-22, 6:22 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Chín » 18 » Cả nước bị móc túi
4:57 PM
Cả nước bị móc túi
Văn Quang
 
Tình trạng vi phạm về đo lường trong kinh doanh xăng dầu đang ngày càng tinh vi đã và đang diễn ra khắp nơi. Đồng nghĩa với việc cả nước bị móc túi, từ đại quan, đại gia đến người dân khố rách áo ôm, tất thảy đều bị bọn gian thương móc túi trắng trợn, tàn nhẫn. Cũng cần phải khẳng định thêm rằng sự việc này không chỉ xảy ra gần đây mà nó âm thầm đục khoét túi tiền của người dân từ lâu rồi, không thể biết chính xác nó bắt đầu từ bao giờ. Mười năm hay hai mươi năm… hay ngay từ khi những cây xăng mọc lên giữa thành phố. Nay thì tràn lan, không một con đường nào, từ quốc lộ đến đường nội hạt ở các tỉnh lẻ, quận lẻ, không có trạm xăng.

Nhưng mãi đến nay người dân mới choáng váng khi nhận được thông tin: Từ tháng 6-2008, một "chiến dịch" được Bộ Khoa học và Công nghệ "bí mật" thực hiện trên toàn quốc thay cho "thanh tra theo kế hoạch" đã cho những kết quả gây sốc nặng.

Những con số gian lận gây kinh hoàng
Khi thanh tra 1.968 cơ sở kinh doanh xăng dầu trên 63 tỉnh và thành phố được đoàn thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra từ tháng 6-2008 đến nay, tức là mới chỉ gần 3 tháng, đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm 384 cơ sở. Đây chỉ là những con số ban đầu với những phương tiện kiểm tra eo hẹp của đoàn thanh tra và chưa đủ người, chưa đủ kinh nghiệm đối phó với bọn gian thương chuyên nghiệp. Nếu làm một cuộc kiểm tra quy mô hơn, ""bí mật" hơn, chắn con số không chỉ dừng lại ở đó. Theo thói thường, người cùng một nghề, cửa hàng này gian lận được thì cửa hàng kia cũng không ngần ngại bắt chước kiếm lời, đồng thời làm một "liên minh" để chứng tỏ "anh mua ở đâu cũng thế". Dù sao cũng không nên vơ đũa cả nắm, có thể có một số cửa hàng vẫn kinh doanh lương thiện, song con số đó chắc không nhiều. Bởi trong "nghề nghiệp kiếm chác" bọn gian thương sẽ không để yên cho anh lương thiện. Cũng như trong một cơ quan, người lương thiện khó sống với quan tham.
Kinh hoàng hơn, có cửa hàng gian lận tới hơn 20% lượng xăng bán ra. Có nhiều cửa hàng chỉ bán ra 93% trong khi đồng hồ báo đã bơm đủ 100%.

Chỉ cần làm một phép tính giản dị là nếu cây xăng gian dối 9,3% thì mỗi lít xăng họ đã trục lợi hơn 1.000đ. Chỉ cần một tháng họ gian dối trên số lượng khoảng 100.000 lít xăng thì số tiền trục lợi đã là cả trăm triệu đồng. Đó là một cây xăng nhỏ và nếu đã gian lận thì sai số 9,3% là con số trung bình. Nếu là một cây xăng lớn và sự gian lận lên tới 20% thì mỗi ngày cũng có thể lời tới cả trăm triệu đồng.

Nhà chức trách có biết không
Cái đại dịch ấy cứ âm thầm hút xương máu của người dân. Mỗi ngày, một gia đình công nhân, gọi chung là người lao động, phải tiêu tốn bao nhiêu tiền cho việc di chuyển, thông thường nhất ở Việt Nam là cho chiếc xe gắn máy. Từ bao năm qua, mỗi người dân đã bị ăn cắp bao nhiêu lần, bao nhiêu tiền?  Bao nhiêu tỉ đồng, bao nhiêu mồ hôi nước mắt của người dân đã chui vào túi gian thương, không loại trừ trong đó có cả bàn tay của những quan chức tham nhũng. Không ai đếm được. Câu hỏi đặt ra là liệu các cơ quan được gọi là cơ quan chức năng có biết không? Và họ đã làm gì để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng?

Chúng tôi chưa tìm thấy câu trả lời xác đáng cho vấn đề này. Chỉ thấy những lời giải thích hết sức vô tư và tất nhiên là… "hữu lý" của nhà chức trách khi đã phát hiện ra những thủ đoạn gian lận của các cơ sở xăng dầu.

Trạm xăng dầu Bà Điểm 1, huyện Hóc Môn đã vi phạm trong đợt thanh tra.

Quả thật người mua xăng không thể nào biết được số lượng xăng mình mua là bao nhiêu. Những đồng hồ xăng trên các xe, kể cả xe hơi và xe gắn máy loại "xịn" cũng chỉ báo được con số lít tương đối. Cho nên nghi ngờ cây xăng đong thiếu cũng đành chịu thua. Cái tâm trạng nghi ngờ và ấm ức ấy đôi khi vẫn thấy trên nét mặt những người dân hiền lành, cam chịu. Cũng chẳng có cơ quan nào để khiếu nại.

Thủ đoạn ăn cắp thông dụng nhất
Thủ đoạn “ăn cắp” lượng xăng bán ra thông dụng nhất là gắn chip điện tử để điều khiển số lượng xăng bán cho khách hàng với mức sai số từ 2,77% - 6,38%, mức sai số cao nhất lên đến 10,5%, tức là mỗi cây xăng bán 100 lít xăng cho khách hàng nhưng trên thực tế đã đong thiếu từ gần 3 lít đến 10,5 lít.

Ngoài ra, các cây xăng đã trộn xăng có chỉ số ốc-tan thấp với xăng có chỉ số ốc-tan cao hơn như xăng A90 nhưng vẫn niêm yết giá và bán với giá xăng A95.

Có một điểm đáng lưu ý là cùng với phương thức gian dối trên, thị trường kinh doanh xăng dầu đã xuất hiện thủ đoạn ăn cắp xăng rất xảo quyệt và thiết bị ăn cắp xăng hết sức tinh vi. Tại Nghệ An, lực lượng chức năng đã phát hiện tới 8 cơ sở áp dụng công nghệ gắn chíp và bo mạch điện tử để ăn bớt xăng của khách hàng. Thủ đoạn của các cây xăng là lắp chíp hoặc bo mạch song song với bo mạch chính.

Với cách này, chỉ cần thao tác 1 nút "bật - tắt công tắc" là có thể ăn bớt đến 9,3% số xăng và xoá toàn bộ số liệu gian dối nếu bị kiểm tra. Hàng loạt các tỉnh như Vĩnh Phúc, Gia Lai, Đắc Lắc... các cây xăng cũng áp dụng thủ đoạn tương tự. Với dấu hiệu trên, có thể nói "đại dịch" gian dối trong kinh doanh xăng dầu đã lan tràn khắp nơi.

Cơ quan chức năng bó tay?
Gian lận kinh doanh xăng dầu nhiều như vậy nhưng việc thanh tra, kiểm tra không hề đơn giản. Theo lời "trần tình" của các cơ quan có trách nhiệm thì các cơ sở có nhiều “chiêu” đối phó với việc kiểm tra như viện lý do chỉ là người làm thuê, không chịu mở khoá các bộ phận bơm xăng... Những cây xăng dùng công nghệ cao “rút ruột” xăng dầu của khách, thì trước khi đoàn kiểm tra vào cuộc, chủ cây xăng đã rút bộ phận vi mạch, tắt công tắc cho chip ngừng hoạt động. Đấy là chưa kể đến có sự móc ngoặc giữa nhân viên kiểm tra với chủ cửa hàng.

Việc xử lý vi phạm lại càng khó khăn hơn vì chế tài chưa đủ mạnh,  cho dù các cây xăng vi phạm với thủ đoạn xảo quyệt, thiết bị tinh vi thì mức xử phạt cao nhất cũng chỉ là 20 triệu đồng.  Mức phạt như  "muỗi đốt gỗ", chẳng "ăn nhằm" gì với gian thương, không thấm tháp gì so với số tiền mà doanh nghiệp đã móc túi khách hàng bấy lâu nay. Phạt như thế là một kiểu "bắt cóc bỏ dĩa", hoặc có thể coi như đó chỉ là số tiền "thủ tục đầu tiên" để được tiếp tục gian lận. 

Hơn thế, khi có dấu hiệu vi phạm qua kiểm tra bằng thiết bị thử nhanh, cơ quan chức năng chỉ có thể lấy mẫu về xét nghiệm chứ không có quyền đình chỉ kinh doanh. Trong khi đó, thời gian từ khi lấy mẫu để phân tích đến khi có kết quả cụ thể mất ít nhất một tuần. Vì vậy, khi có kết quả xét nghiệm thì số xăng dầu vi phạm đã được bán hết từ đời nào rồi! Không còn chứng cứ xét xử.

Cơ quan chức năng đã và sẽ làm gì?
Trước tình trạng gian lận trong đo lường kinh doanh xăng dầu, Bộ Khoa học - công nghệ (KHCN) làm gì để triệt tận gốc hành vi này? Ông Trần Minh Dũng - chánh thanh tra Bộ KHCN - cho biết:

- Mặc dù thanh tra KHCN các tỉnh, thành phố hiện nay đã được huấn luyện rất kỹ và khi kiểm tra đều có trinh sát trước, không để lọt thông tin ra ngoài, nhưng đến thời điểm này, việc phát hiện ăn gian xăng dầu, đặc biệt tìm nơi sản xuất chip giúp ăn bớt xăng dầu, vẫn rất khó khăn. Rất nhiều cây xăng mắc lỗi này nhưng các cơ sở vi phạm thường chỉ khai báo là họ mua trôi nổi ngoài thị trường. Chúng tôi đang đề nghị bên công an vào cuộc để xác định nguồn gốc các thiết bị này. Những hành vi gian lận trên xảy ra nhiều ở các vùng xa trung tâm, nơi các ngành chức năng khó kiểm soát thường xuyên.

Những con chip giúp gian lận đo lường xăng dầu được phát hiện ở Bình Dương.

Thực tế qua kiểm tra, thanh tra gặp không ít khó khăn khi năng lực kiểm tra chất lượng xăng dầu hiện chỉ có một số ít đơn vị chuyên ngành mới làm được. Phương tiện kiểm tra nhanh hiện nay mới phát hiện được xăng có pha dầu, mỡ động - thực vật, từ đó có thể ra quyết định niêm phong cửa hàng bán hay không chứ không thể cung cấp được các thông số kỹ thuật khác.

Chống gian lận cách nào?
Về phòng và chống các hành vi gian lận gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Hùng Điệp, Trưởng ban Đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ KH-CN cho biết cách đơn giản nhất là khi mua xăng cần thường xuyên để ý. Nếu phát hiện cũng với một số tiền như thế, nhưng lượng xăng lại hụt hơn so với những lần mua trước thì gọi điện thoại đến đường dây nóng của cơ quan chức năng.

Ông cũng thừa nhận các hành vi gian lận tinh vi chỉ bị lộ tẩy khi các cơ quan chức năng vào cuộc. Phát hiện gian lận xăng dầu bằng mắt thường là cực khó, nhất là đối với xe máy, lượng xăng mua quá nhỏ thì việc phát hiện gần như là không thể.

Con chip điện tử làm “nhiệm vụ” gian lận số lượng xăng dầu (đong thiếu) được cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương phát hiện.

Liên quan đến việc đề phòng bị các cây xăng “móc túi”, ông Ẩm cũng cho biết hành vi gian lận xăng dầu cũng đã từng xảy ra ở một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản với tỷ lệ cây xăng có gian lận bị phát hiện vào khoảng gần 10%. Đối với những trường hợp gian lận bị phát hiện thì cơ quan chức năng các nước này xử phạt rất nặng và thậm chí thu hồi giấy phép kinh doanh của cây xăng.

“Việc phát hiện các hành vi gian lận trong lĩnh vực xăng dầu rất khó và phức tạp. Theo ông Ẩm  khi cấp giấy phép kinh doanh cho cửa hàng xăng dầu cần bổ sung quy định bắt buộc cây xăng phải có bình chuẩn đối chứng đặt sẵn tại cửa hàng để khách kiểm tra nếu có nghi ngờ.  Cùng với đó phải siết chặt, nâng tiêu chuẩn trong việc phê duyệt mẫu đối với các cột đo xăng dầu và tăng cường việc kiểm tra liên tục. - Ông Ẩm đề nghị: "Khi phát hiện cần rút giấy phép kinh doanh hoặc xử phạt thật nặng để răn đe” .

Cơ quan chức năng vẫn sẽ bó tay?
Nhìn vào những biện pháp trên, người dân vẫn chưa thể tin tưởng vào sự can thiệp, ngăn chặn của cơ quan chức năng, chưa thấy hiệu quả. Phần lớn người mua xăng lại phải tự "thẩm định" bằng cảm quan của mình, hay nói cho rõ là phải "ước đoán mò" xem số lượng mua của mình có bị ăn bớt không. Vậy thì cũng chẳng khác gì trước đây khi đoàn thanh tra chưa vào cuộc, người tiêu dùng vẫn phải tự làm công việc này, và có mấy ai đến trình báo nhà chức trách mình bị đong thiếu bao nhiêu đâu. Không có bằng chứng rõ ràng, lơ mơ còn bị mấy anh bơm xăng, mấy tay đầu gấu nện cho một trận tơi bời. Người dân lại "ngậm bồ hòn làm ngọt", cái cảnh móc túi vẫn cứ diễn ra. Đường dây nóng hay đường dây lạnh lúc này sẽ không phát huy được tác dụng. Mấy cái điện thoại lại để chơi rồi lâu dần chẳng ai buồn nghe.

Ngay cả khi nhà chức trách vào cuộc thì chứng cớ gian lận đã bị xoá sạch, lấy gì làm căn cứ để xét xử? Chính ông Trưởng ban Đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ KH-CN phải xác nhận: " Phát hiện gian lận xăng dầu bằng mắt thường là cực khó, nhất là đối với xe máy, lượng xăng mua quá nhỏ thì việc phát hiện gần như là không thể". Trong khi số người đi xe gắn máy hàng ngày bị "ăn cắp ngang xương" chiếm tuyệt đại đa số người tiêu dùng ở Việt Nam. Hầu hết là thành phần từ nghèo khó đến người làm lương tháng ba cọc ba đồng.

Vậy biện pháp đó mang lại được gì cho người tiêu dùng? Không nên đưa ra một giải pháp gọi là  để "chữa cháy" hoặc gọi là có giải pháp cho có, chẳng lẽ lại lặng im. Cần phải có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn.

Không thể xử huề với những cây xăng vi phạm?
Trở lại với những cây xăng đã vi phạm, ai cũng thấy hầu hết những trạm xăng này đã có từ lâu. Thời gian móc túi khách hàng khá dài. Tuy không thể tính chính xác ngày tháng, nhưng cũng có thể căn cứ vào thời gian "phục vụ khách hàng". Song bất luận là cửa hàng mới hay cũ đã có gian lận là có phạm tội. Như vậy việc phải bồi thường thiệt hại cho người mua là điều hết sức hợp lý. Nhưng cụ thể đền bù cho ai, đền bù bao nhiêu không thể tính được. Song vẫn có thể tính theo thời gian, thí dụ một cửa hàng có 5-10 năm "phục vụ và bóc lột thượng đế", con số đền bù sẽ cao hơn cửa hàng vài ba năm. Số tiền này không cần tính vào tiền phạt 20 triệu hay 30 triệu theo"quy chế hiện hành" mà là tiền đền bù.

Không thể xử huề với những cây xăng vi phạm. Nếu lần này cũng chỉ phạt rồi "cóc lại nhảy trên dĩa" thì cũng như không. Phải quan niệm sự gian lận đó là một hành động vi phạm pháp luật rõ ràng, có tính hệ thống trong một thời gian lâu dài. Như thế thậm chí còn có thể xử theo luật hình sự.

Tiền đền bù này sẽ trả lại cho dân nghèo. Ở Việt Nam còn vô số những cô nhi quả phụ, những làng xóm tả tơi, những người dân cần được cứu giúp.

Hai biện pháp trước mắt
Trước mắt, để ngăn chặn tình trạng này, nhà chức trách phải mạnh tay hơn. Buộc các chủ cửa hàng gian lận phải đền bù, không phải là tượng trưng mà là cụ thể từng trường hợp. Đó cũng chỉ là cách đòi lại công bằng cho người dân.

Thứ hai là kiên quyết đóng cửa vĩnh viễn những cây xăng gian lận, nhường chỗ cho những doanh nghiệp làm ăn lương thiện.

Chen chúc đến mua xăng để … bị móc túi!

Tạm thời chỉ cần hai biện pháp ấy thôi, hy vọng cái "đại dịch móc túi xăng dầu" sẽ có tác dụng ngăn chặn. Sau đó mới là các giải pháp kiểm soát thường xuyên và đầu tư các phương tiện khoa học kỹ thuật cho các chuyên viên kiểm tra làm việc có hiệu quả nhanh chóng hơn là phải đợi một tuần mới có kết quả.

Đây là một vấn đề lớn, ảnh hưởng tới cuộc sống thiết thân hàng ngày của xã hội Việt Nam hiện nay. Mỗi ngày nạn ăn cắp công khai nhiều tỉ đồng, ảnh hưởng tới cả nền kinh tế quốc gia chứ không còn là chuyện nhỏ. Tiếc rằng mãi đến nay nó mới lộ diện, tuy chậm, nhưng có cũng còn hơn không.

Chúng ta chờ xem nhà chức trách VN sẽ làm gì trước đại hoạ này.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1236 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 21
Khách: 21
Thành Viên: 0