|
Việt Nam kỳ vọng cao từ hội nhập kinh tế với thế giới và nguồn vốn từ Wall Street |
Một quan chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói khủng hoảng tài chính ở Mỹ có tác động “khá mạnh” đến kinh tế Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược Phát triển Ngân hàng, cho BBC biết giới chức có thể phải chuẩn bị hỗ trợ cho
thị trường bất động sản và xử lý nợ xấu của các ngân hàng.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn thẳng thắn ngày 18 tháng Chín, ông Lê Xuân Nghĩa nói theo dự đoán, xuất khẩu của Việt Nam sang
Mỹ sẽ giảm mạnh và tăng trưởng kinh tế chỉ ở khoảng 5.5% vào năm 2009.
Lê Xuân Nghĩa:
Tác động trực tiếp thì không lớn vì Việt Nam không có định chế tài
chính nào đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu của các tập đoàn ấy [Lehman
Brothers, AIG...]. Nhưng tác động gián tiếp khá mạnh. Trước mắt có
những vấn đề, ví dụ lãi suất cho vay liên ngân hàng quốc tế - LIBOR và
SIBOR – đang tăng. Nó có thể ảnh hưởng tới nợ ngắn hạn của Việt Nam tại
các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp. Mặc dù nợ này không lớn,
khoảng hai tỷ đôla, nhưng người ta buộc phải tái cấu trúc kỳ hạn và lãi
suất, và như thế có thể ảnh hưởng tình hình tài chính của một số ngân
hàng và doanh nghiệp.
Khủng hoảng ở Mỹ có thể làm người dân dự đoán đồng đôla sẽ xuống giá nghiêm trọng, và họ có thể rút đôla khỏi ngân hàng, hoặc
bán đôla mua tiền Việt gửi vào. Nó có thể làm cấu trúc tài sản của các ngân hàng rơi vào bất lợi.
Giá
bất động sản, thị trường chứng khoán cũng có thể xuống thấp hơn nữa. Mà
bất động sản xuống thì tài sản ngân hàng cũng xuống theo và nợ xấu có
thể tăng lên. Kết quả tài chính của nhiều ngân hàng thương mại có thể
không được như mong muốn vào cuối năm nay.
Đấy là những tác động ngắn hạn. Về dài hạn, khủng hoảng ở Mỹ có thể khiến các cam kết đầu tư vào Việt Nam sẽ chỉ giải ngân
chậm chạp, hạn chế.
Xuất
khẩu của Việt Nam dự kiến cũng có thể giảm mạnh. Có hai lý do: giá các
nguyên liệu thô trên thị trường thế giới đang giảm, kể cả khi không có
khủng hoảng ở Mỹ. Thứ hai là sự eo hẹp của thị trường tài chính dẫn đến
eo hẹp thị trường hàng hóa, và dẫn đến nhu cầu về hàng xuất khẩu của
Việt Nam giảm đi.
Tất cả những điều đó có thể khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại. Trong nước hiện nay, người ta dự báo tăng trưởng có thể chỉ
còn 5.5 – 5.6% trong năm 2009.
BBC:Sau một đêm, giá vàng tăng đến 1.3 triệu đồng một lượng. Liệu chuyện này có ảnh hưởng nhiều đến số tiền gửi trong ngân hàng?
Thời
gian còn ngắn, chưa đủ để thấy rõ hiệu ứng. Nhưng điều đó chắc chắn sẽ
diễn ra. Dân chúng có thể bắt đầu thay đổi công cụ tài chính họ dùng để
tiết kiệm. Ví dụ, thay vì tiết kiệm bằng bất động sản, chứng khoán,
ngoại tệ, tiền Việt thì bây giờ có thể có thay đổi nhất định.
|
Khủng hoảng ở Mỹ có thể khiến các cam kết đầu tư vào Việt Nam sẽ chỉ giải ngân chậm chạp, hạn chế
|
Tôi dự đoán người dân sẽ dự trữ vàng nhiều hơn. Điều đó có thể ảnh hưởng nhất định đến tăng trưởng tiền gửi tiết kiệm của
dân cư ở ngân hàng.
BBC: Nó có dẫn đến tình trạng thiếu tiền mặt ở các ngân hàng, thưa ông?
Chưa có hiện tượng đó vì hiện nay các ngân hàng đang có dư thừa về thanh khoản (liquidity surplus). Nhưng trong mấy tháng
tới, chưa biết thế nào.
BBC:Theo ông, khu vực ngân hàng của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn không?
Không phải quá lớn. Tôi không nghĩ sẽ có đổ bể nghiêm trọng của hệ thống tài chính Việt Nam.
Nhưng
lợi nhuận của nhiều ngân hàng có thể giảm, thậm chí một số có thể lỗ.
Đến cuối năm nợ xấu có thể tăng lên và lúc bấy giờ chính phủ có thể
buộc phải có giải pháp để xử lý các khoản nợ xấu. Gần đây do lạm phát
và khó khăn trong nước, lại có điểm lợi là hệ thống tài chính được chấn
chỉnh, củng cố khá tốt, thanh khoản được cải thiện. Giám sát tín dụng
và nợ xấu đã khá chặt chẽ.
BBC:Những cam kết đầu tư vào Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng vì cuộc khủng hoảng tại Mỹ.
Cam
kết rất lớn, nhưng thực hiện có thể thấp. Dĩ nhiên cho đến nay, việc
thực hiện rất tốt, giải ngân FDI đã đạt tám tỷ đôla cao hơn năm ngoái
(6.5 tỷ đôla). Nhưng trước chúng tôi kỳ vọng cả năm nay, việc giải ngân
FDI trên 10 tỷ, cộng cả ODA là 12 tỷ, để đỡ cho thâm hụt thương mại.
Nhưng tình hình thế này, việc giải ngân ba tháng cuối năm chắc gặp khó
khăn.
BBC:Như vậy nó có làm dự đoán lạm phát cao hơn không, thưa ông?
Lại có một khía cạnh khác trong lạm phát: nó phụ thuộc chính sách thắt chặt tiền tệ. Hiện nay, chính sách ấy gần như chưa
có gì thay đổi. Vì thế, tôi nghĩ lạm phát vẫn tiếp tục xu hướng giảm do việc thắt chặt tiền tệ.
Giải pháp và bài học
BBC:Trên đây là những nguy cơ cho kinh tế Việt Nam, sau khủng hoảng ở Mỹ. Nhưng Việt Nam có thể làm gì để tránh những nguy cơ
đó?
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang có những chuẩn bị để giảm thiểu nguy cơ. Trước hết, chúng tôi đang giám sát chặt chẽ
và chuẩn bị những hỗ trợ cần thiết cho thanh khoản của các ngân hàng thương mại.
|
|
Thị trường bất động sản Việt Nam đang gặp khó khăn |
Đồng thời kiểm tra lại chất lượng tín dụng của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là tín dụng dành cho bất động sản.
Chính phủ cũng có thể phải chuẩn bị các gói biện pháp để hỗ trợ thị trường bất động sản và hỗ trợ việc xử lý nợ xấu của các
ngân hàng thương mại trong thời gian tới nếu nó xảy ra một cách nghiêm trọng.
BBC:Từ cuộc khủng hoảng ở Mỹ hiện nay, ở góc độ nhà quản lý và chuyên gia ngân hàng, ông thấy có thể rút ra bài học gì cho Việt
Nam?
Theo
tôi, điều quan trọng nhất là sự giám sát của chính phủ đối với hệ thống
tài chính, đặc biệt là hoạt động của ngân hàng đầu tư và quỹ đầu tư
thanh khoản (hedge fund). Hoạt động này có thể làm nóng thị trường bất
động sản, làm nóng nền kinh tế và vì thế ảnh hưởng trực tiếp với các
ngân hàng thương mại. Để tạo nên “bức tường lửa” giữa hệ thống ngân
hàng đầu tư, hedge fund với các ngân hàng thương mại là điều rất khó
khăn.
Nhìn lại khủng hoảng châu Á 1997, các ngân hàng đầu tư và hedge fund đã đầu tư ào ạt rồi tạo ra bong bóng ở đó. Bong bóng
châu Á vỡ thì họ kéo về Mỹ, Tây Âu, làm nó nóng lên và bây giờ bong bóng ở nhà họ lại nổ.
Nó
cho thấy sự bùng nổ của ngân hàng đầu tư và hedge fund thời gian qua đã
làm giảm đáng kể khả năng chi phối thị trường của các ngân hàng trung
ương và chính phủ. Đấy là kinh nghiệm không chỉ cho Việt Nam mà cả
nhiều nước, từ nay về sau, phải rất cảnh giác với các định chế tài
chính phi ngân hàng đầu cơ rủi ro trên thị trường tài chính.
|