Bài : JB Nguyễn Hữu Vinh
- Hình ảnh : TKS-Huan
Những tháng ngày mong đợi một sự thiện tâm
Đã hơn 9 tháng kể từ ngày
15/12/2007, sự kiện Tòa Khâm sứ luôn là một nỗi nhức nhối trong tim người tín
hữu Giáo phận Hà Nội nói riêng và người Công giáo Việt Nam nói chung.
Ở đó, người dân không mong
một điều gì hơn, là sống trong một nhà nước pháp quyền, thì tất cả mọi người, cơ
quan, tổ chức đều phải “sống theo hiến pháp và pháp luật” như những câu
khẩu hiệu được bày ra khắp nơi khắp chốn, nhất là giữa Thủ đô.
Ở đó, người tín hữu cầu
mong ở nhà nước tôn trọng những nhu cầu của chính đáng của người dân, để những
giá trị tinh thần được nâng cao, để thể hiện lòng người tín hữu là biết uống
nước nhớ nguồn.
Ở đó, người ta chờ đợi ở
nhà nước sự thể hiện sự thành tâm của mình, là một nhà nước thật sự là của dân,
do dân, vì dân không chỉ là ở những bài học và những câu nói. Và điều quan trọng
nhất, người tín hữu đã vâng lời chủ chăn, để kết thúc những tháng ngày căng
thẳng, cho đất nước được yên bình và chờ đợi những lời hứa tin tưởng sẽ được
thực hiện.
Nhưng, tất cả đã sụp đổ
sáng 19/9, khi mà đoạn phố Nhà Chung bất ngờ bị bao vây bởi hàng rào sắt nhọn và
trùng điệp dây thép gai, cảnh sát các loại và chó nghiệp vụ. Tiếng cầu nguyện
cất lên bị át đi bởi tiếng gầm rú của xe máy và tiếng loa trong một ngôi trường
học, dù hôm nay trường đã đóng cửa, không một bóng học sinh.
Trong khu vực Tòa Khâm sứ,
hàng loạt xe, máy đã ầm ầm cày xới khu đất, những đống đất đầy lên che gần hết
bức tượng Đức Mẹ Sầu bi vẫn dưới gốc đa ngày nào, nhẫn nhục, đau khổ và chịu
đựng.
Những giáo dân của Tổng
Giáo phận Hà Nội đứng bên này bờ rào nhìn sang, mắt ngấn lệ khi bức tượng Mẹ Sầu
bi chỉ còn là một mảng trắng sau khu đất.
Những phóng viên nước ngoài
chạy đi chạy lại nhằm những góc hình đẹp và thi nhau bấm máy, công an đuổi phóng
viên nước ngoài vào tận Nhà ở của Tòa Tổng Giám mục đòi bắt.
Tiếng chuông Nhà thờ Lớn đổ
từng hồi dài như báo đến mỗi con dân, mỗi lương tâm người những cơn nguy biến
của Giáo hội đang đến.
Như vậy là điều người ta
đồn đoán đã có phần được thực hiện, hãy nhìn những gì người ta đang làm, để đừng
bao giờ viễn vông những điều không có thực.
Dự án vườn hoa, có bao
nhiêu dự án và bao nhiêu cách làm
Dự án - trên đất nước này
có bao nhiêu dự án, và bao nhiêu cái đã đươc làm ì ạch, nhiều khi ách tắc chỉ vì
một ngõ phố, một góc nhà. Những ai đến Cầu Giấy, khi làm dự án nút giao thông
này, có một ngôi nhà chênh vênh đứng một mình, dự án phải vòng qua, vì họ không
chấp nhận đi khỏi đó. Ai ở Đống Đa, chắc hẳn đã có những thời gian kêu trời vì
nút cổ chai Thái Hà đã không tốn biết bao giấy mực báo chí kêu gào. Và gần đây
nhất, là dự án đường Khuất Duy Tiến đã bao năm dãi gió dầm sương không thấy động
tĩnh mấy chút.
Nhưng, dự án vườn hoa trên
đất Tòa Khâm sứ được ưu tiên và nhanh chóng đáng ngờ. Tại sao người ta phải bí
mật, bất ngờ và không minh bạch như thế? Hẳn có điều gì phía sau? Những câu hỏi
đó, chắc phải dành cho những người chủ trương thực hiện.
Nếu tất cả dự án được triển
khai nhanh như dự án này, chắc đất nước này đến nay đã đã phát triển vượt bậc vì
đã có biết bao nhiêu công trình phát huy tác dụng. Người dân tự hỏi, nếu những
dự án trọng điểm tiền rừng bạc biển như Dung Quất cũng được thực hiện với cách
làm này, thì bây giờ đất nước đâu đến nỗi cứ mỗi lần giá xăng dầu thế giới nhích
lên thì người dân lại run bần bật.
Quả là nhiều điều khó hiểu
và khó thấy ở các dự án của nhà nước. Nhưng có lẽ dự án này là dư án lạ nhất từ
xưa đến nay. Ngoài chuyện nhanh, bất ngờ, nhiều quan chức cấp cao tham gia “khởi
công”, nhiều cảnh sát và các dụng cụ hỗ trợ, cấm đường, cấm chụp ảnh (Nhưng chỉ
cấm người dân và các phóng viên nước ngoài thôi, còn báo chí nhà nước và những
người làm công tác an ninh, thì vô tư). Có một điều lạ nữa là khu đất rõ ràng là
đang tranh chấp, ai cấp phép mà nhanh thế?
Tự những người dân, họ cũng
có thể giải thích được cho mình những lý do, mà ngoài chuyện tiền bạc, vướng
mắc, thì chỉ vì nó là Tòa Khâm sứ.
Điều dễ thấy nhất ở dự án
này, là những hi vọng của giáo dân Hà Nội vào sự thiện chí, đã tan như bong bóng
xà phòng.
Thiện chí - đó là điều
không tưởng.
Người ta thấy lạ, bắt đầu
từ vụ Tòa Khâm sứ, rồi đến vụ Thái Hà, bao nhiêu cuộc họp, gặp gỡ và bàn bạc từ
thấp đến cao để đảm bảo được cái gọi là hợp tình, đạt lý, nhưng kết cục là những
việc làm khó hiểu.
Những nơi người Công giáo
Hà Nội cho rằng đã bị chiếm đoạt phi pháp, có nguy cơ bị nạn tham nhũng và xà
xẻo, biến công thành tư nên đã nhất định đòi lại, thì nhà nước sẽ biến thành
vườn hoa và công viên.
Người ta đang hỏi, cứ tất
cả đều theo cách này, thì sẽ có bao nhiêu công viên được thành lập mới, nếu
người Công giáo không có thiện chí mà cứ đất mình thì mình đòi?
Dù sao, đây cũng là một nỗi đau
Ở những vụ việc này, người
Công giáo không hi vọng chỉ ở một khu đất có trị giá là bao nhiêu. Nhưng ở đó,
người công giáo hi vọng được nhà nước này, một lần xem mình như những người dân
đáng được tôn trọng. Ở đó, họ hi vọng đến một giá trị của chân lý, của sự thật
dù ít ỏi thì cũng một lần được lóe lên khi đất nước đã vào thời kỳ hội nhập. Ở
đó người dân đang hi vọng đến một nhà nước dù có những sai lầm nhưng đã biết
phục thiện.
Nhưng, tất cả là không.
Những đơn khiếu nại, những việc làm nói lên nguyện vọng của mình. Đã được nhà
nước đáp lại bằng những cái nhìn vô cảm của cảnh sát và chó nghiệp vụ. Những ánh
mắt của họ, dù buồn rầu, đau đớn cũng không làm mủi lòng những cỗ máy xúc chỉ
biết vục đầu xuống khu đất Tòa Khâm sứ.
Vụ Tòa Khâm sứ, tất cả đang
là một cơn ác mộng, không chỉ cho giáo dân bị áp đặt, mà cho cả chính quyền đang
cố gắng bằng mọi cách để hợp lý việc gỡ khu đất này khỏi tay của cộng đồng tôn
giáo cách đây mấy chục năm thành việc đã rồi.
Đó là nỗi đau, nỗi đau của
những chuyện không nên có trong một đất nước hòa bình, một thủ đô được mệnh danh
là “Thành phố Hòa Bình”.
Việc dùng vũ lực cưỡng đoạt
bằng được khu đất này, có phải vì nhu cầu vui chơi công cộng quá lớn chăng? Chắc
là không, nếu không có những ý kiến phản đối của giáo dân cách đây tám năm, thì
chắc khu đất này đã là khu ăn chơi có tiếng như vụ vũ trường gần đó. Cũng như
khu đất Thái Hà, nếu không bị giáo dân phản đối, thì chắc công ty Phú Điển đã
tạo nên những ngôi nhà đẹp, đâu phải là dự án công viên.
Chính vì vậy, mà nó mang
theo nỗi đau của một cộng đồng nhân dân theo tôn giáo đang sống trong một nhà
nước mà cái câu “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa đã
tạo cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong đó quyền sống, quyền
tự do và mưu cầu hạnh phúc” đã được long trọng đọc cách đây 63 năm để khai
sinh ra đất nước này.
Ở đây, việc thừa hưởng khu
đất thánh thiêng để tưởng nhớ cha ông và phục vụ người nghèo là hạnh phúc đối
với họ đã bị tước bỏ.
Có thể là với những lực
lượng bảo vệ hùng hậu, được sự quan tâm nhiệt liệt của các cấp, các ngành ở Hà
Nội, dự án công viên, cây xanh và thư viện kia sẽ sớm hoàn thành hơn dự định.
Nhưng dù có hoàn thành dự
án mà lòng dân không yên, thì hòa bình có thật sự ở trong thành phố và trong
lòng mọi người hay không? Đó là điều các quan chức cầm quyền cần phải tính đến.
Hòa bình, phải xuất phát từ
lòng dân. Cha ông ta từng nói “chèo thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”
xin chớ có coi thường điều này.
Dù dự án có hoàn thành đẹp
đẽ như bản báo cáo cuối năm của các quan chức, nhưng lòng người vẫn còn mang
nặng những ưu tư, thì đó có là hòa bình thực sự?
Biết đâu là khi đó, đây lại
chính là nơi gây nên những nỗi đau mới mà không dễ gì xóa bỏ?! Nỗi đau của lương
tâm mỗi con người, nỗi bất an của tâm hồn những kẻ đã gây ra tội lỗi.
Và người công giáo Việt Nam
nói chung, giáo dân Hà Nội nói riêng lại phải hát tiếp bài kinh Hòa Bình trên
bước đường đi tìm công lý và sự thật.
Hà Nội, Đêm 19/9/2008.
|