Chủ Nhật, 2024-12-22, 5:45 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Chín » 23 » Bạch Tuộc Lộ Diện
2:17 PM
Bạch Tuộc Lộ Diện

Tướng về hưu

 
Dưới sức ép của các phong trào dân sự đang ngày một lớn mạnh trong lòng xã hội, giới lãnh đạo Việt Nam gần đây đã buộc phải đưa ra những chỉ dấu về một cuộc cải cách sâu rộng như là một biện pháp giảm nhiệt “lò phản ứng xã hội”.

Việc hợp tác và học hỏi về tư pháp với đối tác Anh Quốc, việc bầu thứ trưởng bộ giáo dục, việc để người dân tự lựa chọn chủ tịch xã… là những chỉ dấu cải cách mang tính tích cực trong một số bộ ngành. Tuy nhiên đối với ngành công an, mọi cải cách dường như vẫn đóng băng. Ngành công an vẫn đóng cửa im ỉm, thách thức mọi ý định cải tổ xâm nhập.

Một vài bình luận gia rỉ tai nhau rằng việc thay chuyển một loạt tướng lĩnh trong quân khu thủ đô vừa qua là một sự thay đổi mang tính đối trọng và cũng để khắc chế những bất trắc từ sự thay đổi nhân lực trong ngành công an xảy ra hồi đầu năm.

Dẫu lãnh đạm với những cải tổ, ngành công an vẫn phải đối mặt với những dấu hiệu cho thấy cần phải có một cuộc canh tân:

1. Dấu hiệu trật hướng nhiệm vụ: ngoài nhiệm vụ chính là bảo trì tình trạng an ninh, tại nhiều địa phương công an đã thao túng cả đời sống dân sự. Sự can thiệp quá sâu này vô hình chung làm cho nhiều công an trở thành đối tượng phạm pháp. Một trong những vi phạm nghiêm trọng tại nhiều địa phương là công an trở thành lực lượng bảo kê cho nhiều tổ chức và cá nhân làm ăn bất hợp pháp. Câu châm tục: “Vào trong Đảng để làm quan – Quen công an để làm càn” đã trở thành câu tục ngữ thời hiện đại.

Vũ trường New Century ở sát ngay Tòa Giám Mục Hà Nội là một ví dụ điển hình về vai trò bảo kê của công an phường. Vũ trường này chỉ bị phá án khi có sự đột kích không hẹn mà đến của công an từ trung ương về điều tra. Bên cạnh đó không ít các vụ án buôn lậu, vận chuyển ma túy, tẩu tán tài nguyên quốc gia…có sự tham gia của công an, tỉ như vụ buôn bán ma túy của Vũ Xuân Trường ở Nam Định.

2. Khuynh hướng “chính phủ trong chính phủ”: Ngành công an có vẻ đang tách riêng ra khỏi sự quản lý của chính phủ và hành động riêng lẻ.

Sự can thiệp sâu sắc của công an trong vụ tranh chấp đất Thái Hà và Tòa Khâm Sứ thể hiện rõ khả năng hoạt động kiểu “tiểu chính phủ” của ngành công an. Từ sự huy động viện kiểm sát, tòa án để hình sự hóa một tranh chấp dân sự thông thường, tới việc chỉ đạo báo chí, truyền hình địa phương cũng như truyền hình quốc gia tập trung công kích giáo xứ Thái Hà… cho thấy khả năng ảnh hưởng của ngành công an mang tầm vóc “tiểu chính phủ”.

3. Công cụ của chính phủ hay của Đảng? Trong nhiều quốc gia pháp quyền, cảnh sát là một công cụ quản lý trực thuộc chính phủ, không liên kết với bất kì đảng phái nào. Điều này không được áp dụng với ngành công an của Việt Nam. Tính đảng xâm thực quá sâu trong ngành an ninh. Khẩu hiệu của ngành công an là: “Trung với Đảng – Hiếu với dân”, cho thấy công an đặt Đảng cộng sản lên trên dân, giống như chế độ phong kiến cũ đặt đức “trung quân” (trung thành với Vua) lên trên hết, điều này khiến cho người dân thấy rõ chế độ cộng sản thực ra là chế độ phong kiến hiện đại.

Qua ba dấu hiệu cơ bản trên cho thấy, công an Việt Nam đã và đang bộc lộ tính chất mafia. Nhiệm vụ bảo trì an ninh cho dân mà bấy lâu nay khéo léo ngụy trang đã lộ rõ thành nhiệm vụ đàn áp nhân dân. Cách thức đánh tỉa các nhà hoạt động dân chủ là một điển hình cho phong cách thanh trừng kiểu mafia. Nhìn rộng hơn, thay vì là công cụ của chính phủ để phục vụ cho nền cộng hòa, công an đã trở thành một công cụ đặc quyền đặc lợi cho Đảng cộng sản, một lực lượng mù quáng bảo vệ quyền lợi Đảng cộng sản. Điều này khiến một số bình luận gia Việt Nam liên tưởng Đảng cộng sản như một tổ chức mafia trá hình, gần đây con bạch tuộc lộ nguyên hình, và công an chỉ là một vòi trong tám vòi khác của con bạch tuộc này.

Đối pháp với bạch tuộc: Trước hết để đối phó với bạch tuộc người đấu phải từ bỏ ý định thuần hóa bạch tuộc. Bạch tuộc là loài động vật bất khả phục và Đảng cộng sản là đảng bất khả thi. Những thành viên trong Đảng không thể và cũng không bao giờ là những người cộng sản đích thực.

Cải tổ chính trị không thể thành công nếu chỉ mang ý nghĩa cải cách hay dung hòa sự toàn trị của Đảng cộng sản với một thể chế mới. Bạn nên nhớ rằng bạch tuộc dù có thay đổi màu sắc theo môi trường xung quanh thì nó vẫn là con bạch tuộc. Hay dù bạn có nhốt nó trong bể kính thì nó cũng thoát ra ngoài dù chỉ với một lỗ thủng rất nhỏ, vì cơ thể bạch tuộc là nhuyễn thể không xương.

Chỉ có một đối sách duy nhất để khuất phục bạch tuộc là làm tê liệt các vòi của nó trước hết. Cũng thế để triệt thoái sự độc trị của Đảng cộng sản, cách tốt nhất và dễ nhất là phong trào tẩy chay cộng sản bởi chính những đảng viên cộng sản và bởi quần chúng nhân dân.

Trong nội bộ Đảng cộng sản đang ngày càng đua nở những nhà chính trị cấp tiến và cởi mở, những người đảng viên này đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi của Đảng phái, họ là những chính trị gia nắm bắt được xu thế hội nhập đa nguyên và toàn cầu hóa của thế giới. Làn sóng ngầm tẩy chay dần tính Đảng thực ra đã phát xuất và lan tỏa từ rất lâu giữa những người trong Đảng. Có hai xu thế tẩy chay tính Đảng: xu thế “tự chặt gãy” và xu thế “tự bẻ cong.”

Xu thế “tự chặt gãy” biểu hiện bằng hiện tượng “từ quan” của nhiều công nhân viên chức, công an, và ngay cả đảng viên. Xu thế này gần đây đã được chính thức thừa nhận từ các phương tiện truyền thông quốc doanh.

Xu thế “tự bẻ cong” khó bị định vị hơn bởi xu thế này được triển khai bởi các đảng viên, nhân viên nhà nước có trình độ. Những người này thay vì thoái vị trách nhiệm lại sử dụng chính vị trí của mình để triệt thoái và tẩy chay tính Đảng trong các tổ chức của mình. Nếu các bạn chú ý sẽ thấy rõ xu thế này đang ngày càng lồ lộ trên nhiều trang báo in cũng như bản điện tử, ngay cả các tờ báo được trực tiếp điều hành bởi chính phủ. Các bạn có thể thấy rõ điều này qua vụ tước thẻ của bảy nhà báo chuyên nghiệp của các tờ báo lớn. Các đảng viên cấp tiến này là những người đã thực hiện phong trào “tự bẻ cong” tính đảng trong vị trí lãnh đạo của mình.

Đối với người ngoài đảng là quần chúng nhân dân rộng khắp, họ là những người trực tiếp đối đầu với Đảng cộng sản. Trong những năm gần đây chứng kiến một sự nở rộ chưa từng có của các tổ chức và phong trào đòi dân chủ, phong trào đa nguyên, và phong trào bài trừ Đảng cộng sản.

Các phong trào dân chủ này đang ngày càng mang dáng dấp một cuộc cách mạng.

Có thể lấy mốc khởi đầu là năm 1997 với sự nổi dậy bộc phát của người nông dân Thái Bình. Cuộc nổi dậy này nhắc nhở mọi người quy luật của cách mạng: những người bị trà đạp và mất mát nhất bao giờ cũng là người nổi dậy trước nhất. Tiên đề chính trị phương tây này cũng được diễn tả qua câu thành ngữ “con giun xéo mãi cũng oằn” của dân gian.

Tiếp sau giai tầng nông dân là giai tầng công nhân. Trong ba năm trở lại đây, tình trạng công nhân đình công xuất hiện trên các phương tiện truyền thông chính thống với tần xuất năm sau tăng vọt hơn so với năm trước. Các vụ đình công đang có xu hướng chuyển từ mục đích đơn thuần đòi tăng lương sang mục đích chính trị tẩy chay công đoàn bù nhìn của Đảng.

Cũng như các cuộc cách mạng trước đây, giới trí thức nhập cuộc luôn trễ hơn một chút so với các nhóm xã hội khác. Nhưng đặc điểm của giai tầng này là trẻ trung, nhiệt huyết, luôn cập nhật hóa thông tin, có trình độ kỹ năng tin học, có khả năng tổ chức và lãnh đạo. Ý tưởng tổ chức một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc bằng truyền đơn rải trong một loạt các trường đại học lớn ở Hà Nội vừa qua cho thấy màn nhập cuộc khá ngoạn mục của giới trí thức trẻ. Nhiều sinh viên tiến bộ đã thổ lộ sẵn sàng trở thành một “chính trị gia kiểu Bill Gate” – sẵn sàng chấp nhận nhà trường đuổi học.

Viễn ảnh chính trị Việt Nam: Chính phủ đương nhiệm đã buộc phải đưa ra nhưng dấu hiệu cải tổ để giảm nhiệt “lò phản ứng xã hội.” Tuy nhiên, phương pháp cải tổ tiệm tiến của chính phủ vốn đã chậm chạp lại bị nhiều ngáng trở từ các lực lượng bảo thủ. Phe bảo thủ trong Đảng cộng sản đang ngày càng mất phương hướng và lái Đảng trở thành một tổ chức “bạch tuộc” hay tổ chức mafia phục vụ cho các đặc quyền đặc lợi của giới chóp bu bảo thủ.

Sắp tới đây, chính phủ sẽ bắt đầu một cuộc cải tổ chính trị sâu sắc. Bước đi chiến thuật của cuộc cải cách này mở đầu bằng việc đổi tên Đảng cộng sản thành Đảng lao động. Hiện đã có nhiều đảng viên tán thành việc này như một sự giải thoát họ khỏi trở thành mục tiêu công phá của phe cấp tiến cũng như phong trào dân chủ đang lên như diều gặp gió trong quần chúng.

Chắc chắn những bước đi này không khỏi vấp phải sự phản kháng của phe bảo thủ trong Đảng cộng sản. Sự thành công của những người cấp tiến trong đảng phụ thuộc rất nhiều vào sự hậu thuẫn của phong trào dân chủ trong một xã hội đang chuyển mình dần sang xã hội dân sự.

Để phân hóa chính khách nhã ý và đặt sự hậu thuẫn đúng chỗ, đòi hỏi người dân quan sát kết quả tác vụ của các chính trị gia trong chính phủ thay vì chỉ nghe ngóng những phát biểu kiểu công thức, hay chỉ nhìn ngó những xuất hiện mang tính sân khấu kịch trường của họ.  

Viễn tượng chính trị Việt Nam có sáng sủa hay không là phụ thuộc vào ý thức cộng đồng của người dân. Người dân đang ngày càng đóng vai trò chủ động chính trị.

Nhiều người đã bắt đầu tự hỏi về thời điểm ra mắt của một lời hiệu triệu quần chúng.

Lời cuối: Tôi xin chân thành cám ơn và tỏ lòng kính phục những người công giáo đã dám đứng lên vì sự thật và công bằng trong xã hội. Các bạn cũng không ngại “đổ máu” bảo vệ những điều mà mình đang sống cho.

Mục tiêu đòi đất của các bạn trong thế sự hiện tại vô tình đã trở thành mục tiêu kép: đòi lại quyền sở hữu và vạch trần bản chất mafia của Đảng cộng sản một cách rộng đường dư luận nhất, tổ chức mà tôi đã từng sai lầm tín cẩn và mong ước xả thân phục vụ.

Mục tiêu đòi đất chưa ngã ngũ nhưng sớm muộn các bạn cũng sẽ dành lại được. Còn mục tiêu vạch trần bản chất vô nhân đạo của chính thể cộng sản đã và đang thành công rực rỡ. Các bạn đang giúp người dân vượt qua nỗi sợ hãi bấy lâu đè bẹp sức sống của người dân.

Qua đây tôi cũng xin bầy tỏ lòng ái mộ đối với đức tổng giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt. Cám ơn ông vì đã nói lên những điều thiết thực. Tôi cũng đã vài lần ra nước ngoài học tập cũng như tác nghiệp và cũng không khỏi tự ti khi bạn bè hỏi chuyện về đời sống chính trị, cũng như an tình xã hội của người dân. Một trong những điều làm tôi ngại bộc bạch nhất là về tự do ngôn luận của người dân, tôi thường phải phàn nàn với bạn bè rằng ngay cả các top ten chính trị gia của chính phủ tôi còn không có tự do ngôn luận vì sợ Đảng thì nói chi tới người dân chân đất mắt toét. Vâng, tự do ngôn luận là dám nói lên những điều mình nghĩ, dẫu là những điều gây phản ứng nhưng nếu là những điều thực tế và làm thức tỉnh thì cũng đáng nói lắm chứ. Tôi hy vọng các chính trị gia Việt Nam có nhiều người bản lãnh như vậy, thật quý hóa biết bao.

Tôi cũng xin nhắn nhủ các bạn rằng dẫu Đảng cộng sản là đảng bất khả thi, nhưng trong đảng cũng không thiếu những người có lương tâm và nhiệt huyết với vận mạng dân tộc. Các bạn sẽ nhận được sự trợ giúp đúng lúc.

Chúc các bạn thành công.

Tướng về hưu
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1201 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 6
Khách: 6
Thành Viên: 0