Các con đừng sợ. Đó là câu nói đầy ái lực của đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II với Lech Walęsa, lãnh tụ nghiệp đoàn Solidarność (Công đoàn Đoàn Kết) của Ba Lan trong chuyến ông này viếng thăm Tòa Thánh Vatican vào năm 1979.
Các con đừng sợ. Mãnh lực của câu nói ấy đã truyền vào tâm thức Walęsa ngọn lửa nồng cháy của đức tin, của khát vọng hiến dâng.
Sau
lần yết kiến đức Giáo hoàng trở về, Lech Walęsa đã cùng công nhân tiếp
tục giương cao ngọn cờ tiên phong, đấu tranh giải phóng Ba Lan thoát
khỏi ách thống trị của nhà cầm quyền cộng sản.
Các con đừng sợ.
Câu nói tiên khởi ấy đã soi sáng, truyền đạt sứ mệnh, thêm sức mạnh cho
đức Hồng y Tomasěk, giáo chủ miền Prague. Trong bài diễn thuyết đầu năm
1989, trước hàng triệu người dân Prague, ngài đã vạch trần tội ác hà
khắc của chế độ cộng sản. Hưởng ứng lời kêu gọi của ngài, trong khí thế
hào hùng quật khởi, nhân dân Tiệp Khắc đồng loạt đứng lên đòi hỏi chính
quyền phải thực thi công lý, đòi quyền sống và quyền được làm người.
Chính
sự thôi thúc mãnh liệt của đức tin đã khiến con người không còn sợ hãi,
đẩy khí thế đấu tranh lan truyền sâu rộng khắp các nước Đông Âu, kế đó
dâng trào và làm tan rã ngay cả Liên bang Xô viết, cái nôi lịch sử của
chế độ cộng sản.
Công bằng mà nói, trong lịch sử nhân loại, sự
sụp đổ của chính quyền Xô viết có phần góp công xứng đáng của Mikhail
Gorbachev, người cộng sản cao cấp lúc bấy giờ đã chủ trương công khai- đổi mới (glasnost – perestroika)
Công
khai là nói rõ cho mọi người cùng biết. Bằng cách nào? Bằng cách nhìn
vào sự thật. Thử hỏi, chính quyền Liên bang Xô viết đã làm được gì
trong hơn bảy thập niên? Chẳng có gì hơn ngoài việc xây dựng một giai
cấp thống trị tự mãn hoành hành trong một xã hội đầy dẫy bất công, áp
bức, đói nghèo.
Công khai đồng nghĩa với phương thức vạch trần
sự bạo tàn của chế độ, chuyên thống trị người dân bằng họng súng, lưỡi
lê và nhà tù.
Công khai nghĩa là không úp mở, dấu diếm, bưng bít
thông tin, luôn mở rộng cửa cho các kênh thông tin đa phương tiện của
các nước trong khối tự do được phổ biến trên khắp miền đất nước.
Công
khai mặc nhiên đã tác động sâu rộng, làm thay đổi tầm nhìn của giới văn
nghệ sĩ, trí thức và đông đảo quần chúng nhân dân. Từ công khai, người
dân Xô viết đã nhận chân sự thật, hiểu rõ những động lực cơ bản, những
yếu tố đặc thù đã tạo nên sự phát triển phồn vinh trong thế giới tự do.
Khác hẳn với những điều trước đây họ vẫn bị ru ngủ, bưng bít và lừa dối.
Đổi
mới là thay đổi, là xóa bỏ, loại trừ cái cũ, cái lạc hậu không còn phát
huy tác dụng nhằm đưa vào cái mới phù hợp với thực tế khách quan, đáp
ứng nhu cầu phát triển và tiến bộ của con người trong đời sống xã hội,
mở ra triển vọng cho tương lai, luôn theo kịp trào lưu tiến hóa của
nhân loại trên toàn thế giới.
Đổi mới đòi hỏi phải đồng tâm hiệp
lực, tích cực góp phần ổn định xã hội, xây dựng đất nước trên tinh thần
hòa bình - hữu nghị - hợp tác và phát triển. Một thể chế dân chủ, một
chính quyền thực sự của dân - do dân – vì dân, bảo đảm thực thi quyền
con người theo hiến chương Liên hiệp quốc, tôn trọng tự do tín ngưỡng,
cơ chế báo chí thông thoáng, nền kinh tế thị trường đa dạng – phong
phú, rộng mở giao thương là thuận lợi cơ bản, là điều kiện tiên quyết,
là nền tảng tất yếu của tiến trình.
Sự sụp đổ liên hoàn của
chính quyền Liên bang Xô viết và các nước Đông Âu đã gây chấn động
chính trị, làm chao đảo môi trường kinh tế - xã hội Việt Nam.
“Đổi
mới tư duy – cởi trói văn nghệ,” nhà cầm quyền Hà Nội rầm rộ hô hào,
quảng bá đối sách nhằm trấn an dân chúng. Nhất tề, đồng loạt, nhà cầm
quyền Hà Nội dung mọi biện pháp cải biên, chỉnh đốn…theo kiểu trá hình,
hăm hở phô trương chiêu bài xây dựng nền kinh tế thị trường theo định
hướng xã hội chủ nghĩa để đối phó tình thế.
Vận dụng sách lược
và phương thức bao cấp, cơ chế “xin-cho,” sự lấp lửng, trì trệ trong
quản lý, lực lượng tư sản đỏ ngày càng lớn mạnh trong hàng ngũ cán bộ
có chức có quyền. Lắm của nhiều tiền do tham ô, chiếm dụng tài sản, hà
lạm của công, lợi dụng kẽ hở của luật pháp, sự cô thế của người dân
thấp cổ bé miệng. Tệ tham nhũng quan lieu dày đặc song hành với nạn lạm
phát gia tăng. Người dân dở khóc dở cười. “Xã hội công bằng, dân chủ,
văn minh, ” “mọi người ai cũng có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, ai cũng được
học hành.” Đó là thực tiễn, ước mơ, hay hứa hẹn??!
Khu công
nghiệp nhan nhản mọclên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Đa số chủ
đầu tư là người nước ngoài. Quy hoạch, giải tỏa, đền bù, tái định
cư…luôn gặp phải vấn nạn do không đáp ứng yêu cầu về thời gian và tài
chánh. Quy hoạch treo, thi công rùa bò, ì ạch, dở dang. Mức đền bù
không thỏa đáng, lạm dụng cửa quyền, o ép nhân dân. Khuất tất, tranh
tụng thường xuyên xảy ra.
Lực lượng lao động trẻ nông thôn mất
ruộng mất vườn phải bỏ nhà bỏ cửa, đổ dồn về các đô thị có khu công
nghiệp tập trung kiếm sống bằng đủ mọi nghề với đồng lương ít ỏi, rẻ
mạt. Vốn kiến thức hạn chế lại không có tay nghề, phần lớn là người lao
động tự do nên phải chịu thân phận dân nhập cư bất hợp lệ, họ trở thành
đối tượng của sự bóc lột, sống chen chúc như cá hộp trong các nhà trọ
tạm bợ thiếu thốn mọi tiện nghi tối thiểu cho sinh hoạt. Tăng ca liên
tục, bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động là điều khó tránh, nói chi
đến giao lưu, giải trí, học hành!
Lao động hợp tác, kết hôn với
người nước ngoài qua môi giới để tìm kế sinh nhai hầu tạo điều kiện hỗ
trợ gia đình không phải lúc nào cũng ddễ dàng như dự tính. “Đem con bỏ
chợ,” mấy ai biết được nỗi cơ cực, khốn khổ, đọa đày của kẻ tha hương,
lạc loài nơi đất khách quê người!
Bệnh thành tích, tiêu cực,
nhồi nhét kiến thức, gian lận thi cử, phô trương học hàm học vị, trường
chuyên lớp chọn…một thời gian dài đã làm nền giáo dục tụt hậu, suy
thoái trầm trọng.
Tự do báo chí, tự do tôn giáo chỉ là cái vỏ
phô trương hình thức bên ngoài. Báo chí luôn đi bên phải, có nghĩa là
phải tuân thủ nghiêm ngặt chủ trương đường lối của đảng. Người viết
buộc phải uốn cong ngòi bút nếu muốpn được tồn tại, vinh danh.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn bị cấm đoán hoạt động cùng với nhiều sinh hoạt đoàn thể của các tôn giáo khác.
Tài sản của nhiều Giáo hội bị chiếm đoạt, sử dụng cho mục đích phục vụ cá nhân, phe nhóm.
***
Ám
ảnh, lo sợ, khiếp đảm, kinh hoàng trước bạo lực chuyên chính hầu như
không còn tồn tại trong tâm thức người dân Việt Nam nữa. “Nhà nước nói
như con nít nói.” Liên tục nhiều nơi đã khởi xướng đấu tranh cho Công
Lý và Sự Thật.
Đã có những vụ tự thiêu của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tại đồng bằng sông Cửu long để bảo vệ đạo pháp.
Nhiều
văn nghệ sĩ, trí thức, sinh viên – học sinh cùng xuống đường biểu tình
phản đối việc Trung quốc chiếm Hoàng Sa - Trường Sa.
Công nhân
liên tục đình công đòi tăng lương. Nông dân bỏ con trâu cái cày kéo đến
các cơ quan nhà nước khiếu kiện, đòi hỏi được bồi thường giải tỏa một
cách thỏa đáng.
Các nhà báo tiến bộ phải vào tù vì tội viết bài vạch trần nạn hối lộ, đánh bạc, cá độ của bọn tham ô, cửa quyền, như vụ PMU18…
Như
một sự thách đố, biểu hiện của sự bất phục, một số cán bộ cao cấp thức
tỉnh, dũng cảm phanh phui các việc làm sai trái nghiêm trọng của tầng
lớp lãnh đạo đảng cộng sản.
Không hiếm những cán bộ cao cấp
trong hàng ngũ lãnh đạo có tâm huyết, muốn hòa giải hòa hợp dân tộc,
sẵn sàng đối thoại với các tổ chức bất đồng chính kiến để tìm kiếm giải
pháp, cùng xây dựng một nước Việt Nam mới.
Các con đừng sợ. Như một ân sủng kỳ diệu, sáng ngời đức tin, đã thức tỉnh cộng đồng giáo dân Hà Nội qua hơn nửa thế kỷ thầm lặng.
Ngày
20-12-2007, hàng trăm linh mục, tu sĩ, cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa
khoảng năm ngàn người rước Đức Mẹ Sầu Bi về đặt vào vị trí cũ trước tòa
Khâm sứ, nơi đã bị chiếm dụng hơn nửa thế kỷ qua. Họ vừa đi vừa hát
kinh Hòa bình, thành kính cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ. Dù Hà Nội đang
vào mùa rét đậm, gió mưa lạnh cóng, trước cổng tòa Khâm sứ vẫn luôn có
giáo dân đến cầu nguyện hàng ngày, kiên trì đòi hỏi công lý, bất chấp
sự đe dọa, bắt bớ và đánh đập.
Ngày mồng 3 Tết xuân Mậu Tý, tại
đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở giáo xứ Thái Hà, trên bảy ngàn người đến
tham dự thánh lễ Minh Niên. Kết thúc thánh lễ, một linh mục trong tu
viện Thái Hà lĩnh xướng “Kính mời quý cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể
anh chị em giáo dân, chúng ta đi đòi đất.” Phần đất hơn sáu mươi ngàn
mét vuông đã bị trưng dụng gần hết, liên tục từ năm 1996 đến nay vẫn
liên tục được tu viện yêu cầu chính quyền trả lại.
Hân hoan với
sứ mệnh bảo vệ công lý và sự thật, đông đảo linh mục, tu sĩ và giáo dân
Hà Nội cùng các tỉnh thành miền Bắc cấp thời đáp ứng. giáo dân
luânphiên túc trực cầu nguyện xuyên suốt ngày đêm. Không thể lay chuyển
được, chính quyền đã sử dụng bạo lực: bắt bớ, đánh đập, thậm chí dùng
cả lựu đạn cay để giải tán cộng đoàn giáo dân đang cầu nguyện!
Các con đừng sợ.
Đức tin đã ban cho họ sức mạnh vượt trội, trên cả sự sợ hãi. Mặc cho
đàn áp, bắt bớ, bị phương tiện truyền thông xuyên tạc, bóp méo sự thật,
họ vẫn bền gan, chặt dạ, kiên trì thành tâm cầu nguyện.
Cùng vào
thời điểm giáo dân Thái Hà bị đàn áp, tại giáo xứ Bạch Lâm thuộc giáo
phận Xuân Lộc ở miền Nam, tin Đức Mẹ khóc được loan truyền rộng rãi.
Khắp nơi dân chúng đổ xô về cầu nguyện, có lúc lên đến bảy chục ngàn
người trong niềm chia sẻ, hiệp thông với lòng dũng cảm của giáo dânHà
Nội… Khó khăn, thách thức, phiền hà, đe dọa không làm họ lo sợ…Cụ thể,
linh mục chánh xứ bị mời lên tỉnh làm việc, các vị chức sắc của giáo xứ
bị công an địa phương và công an huyện mời về cơ quan. Vững vàng, tâm
hồn thanh thản, chính đức tin đã ban cho họ sự bình an kỳ diệu trong
đời sống.
Cầu nguyện đòi công lý. Sự thật muôn đời luôn ngời
sáng niềm tin. Đấu tranh bất bạo động thể hiện sức mạnh tinh thần bất
khuất, sự đồng tâm hiệp lực hợp nhất của cộng đoàn.
Vào cuối thập niên 40 của thế kỷ XX, với khẩu hiệu Công lý - Tình thương,
thánh Gandhi đã dẫn dắt thành công đông đảo quần chúng đấu tranh bất
bạo động, buộc chính phủ Anh phải trao trả độc lập cho Ấn Độ.
Trong
bối cảnh lịch sử hiện tại, không chỉ riêng Giáo hội Công giáo Việt Nam
đấu tranh đòi công lý. Các tôn giáo bạn như Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thống nhất, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, các hệ phái Tin lành vùng Tây
Bắc, Tây Nguyên cũng đã kiên trì, liên tục đấu tranh để được quyền tự
do hành đạo, tôn trọng đức tin và bảo vệ sự thật.
Đã đến lúc người dân Việt Nam không còn sợ. Và như lời phát biểu thật ý nghĩa của Lech Walęsa: “Kẻ nào dơ tay ra chặn bánh xe lịch sử sẽ bị gãy hết các ngón tay.”
Trương Hùng Thái
|