Thứ Ba, 2024-11-05, 8:44 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Chín » 24 » 'Việt Nam thiếu chiến lược phát triển đúng đắn'
10:01 PM
'Việt Nam thiếu chiến lược phát triển đúng đắn'
 
 

 
 
Tiến sĩ Hàn Mạnh Tiến phê phán bệnh thành tích trong việc nhận tiền đầu tư

Một chuyên gia về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Hội Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam nhận xét việc tiếp nhận đầu tư FDI ở trong nước mang tính thành tích.

Tiến sĩ Hàn Mạnh Tiến, cho BBC hay Việt Nam hiện không có một chiến lược phát triển kinh tế đúng đắn.

Trả lời phỏng vấn BBC ngày 22/9, ông Hàn Mạnh Tiến chỉ ra những vấn đề và điểm yếu thực chất trong cỗ máy kinh tế Việt Nam hiện nay.

TS. Hàn Mạnh Tiến: Mỗi người có một quan điểm, đánh giá khác nhau về đầu tư trực tiếp nước ngoài. Quan điểm của tôi thì thực sự vốn đăng ký vào lớn, nhưng chưa ai phân tích cơ cấu và giải ngân của nó như thế nào.

Ví dụ, liệu đưa công nghiệp sản xuất thép với các dự án 7-8 tỉ USD thì đó là cái tốt hay là cái hại đối với Việt Nam?

Vì ngành sản xuất thép là ngành rất bẩn, ngành công nghiệp nặng, tiêu tốn nhiều nguyên liệu, năng lượng. Vừa rồi có tới hàng chục tỉ đô-la, dự án lớn là 7,5 tỉ.

Cái thứ hai là một loạt các dự án đăng ký vốn rất lớn nhưng đấy không phải là nội dung thật của dự án.

Do một số yêu cầu, ngay từ lúc lập dự án đăng ký, các nhà đầu tư đã nâng số vốn lên một cách quá đáng.

Trong khi đó, xu hướng của các cơ quan Chính phủ rất muốn các dự án càng to càng tốt.

Căn bệnh thành tích

BBC: Tại sao lại có hiện tượng chỉ muốn con số lớn mà không nghiên cứu thực chất?

TS. Hàn Mạnh Tiến: Đây là căn bệnh thành tích. Từ xưa đến nay, năm sau phải thu hút được nhiều hơn năm trước. Tâm lý chung dự án bây phải là tỉ đô-la, chứ dự án nhỏ nhỏ vài ba chục, bốn năm chục triệu đô-la, coi như không quan tâm lắm.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng biết tâm lý đó. Cho nên một số báo cáo khả thi, họ tăng vốn lên rất nhiều. Mà quá trình thẩm định là không chi tiết, nên coi như thế là đúng. Và rất mừng khi chỗ này đăng ký một tỉ, chỗ kia đăng ký hai tỉ, ba tỉ đô-la.

Sản xuất thép
Hiện đang có tranh cãi về việc Việt Nam nên chuyển hướng sang công nghiệp thép

BBC: Các thống kê đến nay cho thấy lượng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam năm nay đạt vào loại kỷ lục đúng không ạ?

TS. Hàn Mạnh Tiến: Đúng vậy, nhưng thực sự là có hai việc. Thứ nhất, là đầu tư và các lĩnh vực nào? Có đúng, có đích đáng hay không? Nó có đem lại lợi ích cho nền kinh tế hay không?

Chẳng hạn như đã nói, nhiều người phân tích là sản xuất thép không nên đưa vào. Điện tiêu tốn, năng lượng tốn, chuyển sang những ngành công nghiệp ô nhiễm môi trường. Liệu có cần như thế không, trong khi nhu cầu trong nước không đến như vậy.

Thứ hai là chất lượng và tính xác thực và vốn đăng ký. Vì vậy, con số đó là con số để làm yên lòng rằng các nhà đầu tư vẫn đổ vào đây một lượng kỷ lục.

Nhưng cái quan trọng nhất là phải xem xem cuối năm nay và sang năm tới, những con số đó sẽ đi vào hiện thực như thế nào, giải ngân là bao nhiêu. Đó mới là con số cần thiết.

Thiếu một chiến lược

BBC: Việt Nam đã giải quyết ra sao đề xuất của giới tư vấn đầu tư quốc tế trong suốt 20 năm qua, nói rằng Việt Nam cần giảm tiếp nhận nhiều đầu tư nước ngoài có hàm lượng công nghệ thấp hoặc rất thấp?

TS. Hàn Mạnh Tiến: Hoàn toàn chưa giải quyết. Vì không có căn cứ và tiêu chí nào để giải quyết. Hiện nay đầu tư nước ngoài là hoan nghênh đầu tư nói chung. Cứ có dự án càng lớn càng hay.

Còn công nghệ cao, tiến bộ, vào lĩnh vực nào, lĩnh vực nào ưu tiên, lĩnh vực nào từ chối, hiện nay không hoạch định được một chiến lược như vậy. Và cũng không biết được cái gì cần và cái gì không cần nữa.

Lễ ra mắt một tập đoàn nhà nước trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm (ảnh minh hoạ)
Nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân hiện có nhu cầu được thành lập nhưng không được giải quyết

BBC: Tức là không xác định được đâu là điểm mạnh, điểm đột phá, phải không ạ?

TS. Hàn Mạnh Tiến: Đúng vậy, không xác định được. Vừa rồi nhiều chuyên gia đã phân tích, chẳng hạn, không nên vận chuyển cả một ngành như ngành công nghiệp thép vào Việt Nam. Riêng ngành này đã ngốn cả hàng chục tỉ đô-la rồi.

Nhưng không ai có một căn cứ. Thực sự, bây giờ khi lạm phát tác động vào, cơ cấu kinh tế bộc lộ nhiều điểm rất yếu. Nhưng Việt Nam không có một chiến lược dài hạn. Chiến lược ở đây là chiến lược đúng, còn các bản chiến lược thì có rất nhiều.

BBC: Theo ông, một chiến lược đúng đắn thì điểm mấu chốt nhất phải là gì?

TS. Hàn Mạnh Tiến: Ở đây cần quan tâm phân tích mô hình tăng trưởng của Việt Nam dựa vào gì. Cần phải nghiên cứu. Thí dụ, trong suốt thời gian qua, hầu hết các ngành sản xuất lớn của Việt Nam đều phụ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài.

Ngay cả ngành rất mạnh như thủy sản, cũng dự kiến, tới đây nhập 2 tỉ đô-la nguyên liệu để chế biến. Nếu đã phụ thuộc như vậy, thì có bị ảnh hưởng bởi giá cả lên xuống hay không?

Bây giờ vẫn chưa xác định được những ngành sản xuất, ngành mũi nhọn, chính mà Nhà nước phải đầu tư là gì để cân đối.

Theo tôi phải nghiên cứu rất chi tiết mô hình tăng trưởng, mô hình phát triển và cấu trúc, cơ cấu lại nền kinh tế, nói thuần tuý về mặt phát triển.

Giải pháp 'tập đoàn?'

BBC: Có vẻ như Chính phủ đang cố nỗ lực đột phá khi khuyếch trương mô hình "tập đoàn" kinh tế. Có chắc đây là một giải pháp tốt không?

TS. Hàn Mạnh Tiến: Quan điểm riêng của tôi thì đấy không phải là một giải pháp tốt.

Hiện tại, tác động của các tập đoàn kinh tế là chưa rõ ràng. Hiệu quả và ảnh hưởng đầu tư của nó đối với kinh tế có những con số khác nhau.

Một cơ sở sản xuất thép tại Nội Bài Hà Nội
Chuyên gia cho rằng Việt Nam chưa xác định được điểm mạnh của mình

Tuy nhiên, tập đoàn dưới hình thức các 'tập đoàn nhà nước' như hiện nay là hết sức nguy hiểm.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là nơi có thể đảm bảo sự chi phối của Nhà nước, đảm bảo ổn định kinh tế xã hội. Nhưng ý riêng của tôi, tôi cho rằng đấy chỉ là một cách nguỵ biện thôi.

Với cách tổ chức quản lý như hiện nay, với năng lực điều hành như đã thấy, việc gộp các công ty vào thành một tập đoàn, rồi định nghĩa nó là 'tập đoàn kinh tế nhà nước' và coi đó là mũi nhọn kinh tế, chủ lực của nền kinh tế, thì tôi cho là một sai lầm.

Mặc dù sắp tới Nhà nước đang chuẩn bị soạn thảo một 'Nghị định về Tổ chức, Hoạt động và Kiểm soát các tập đoàn kinh tế nhà nước'.

BBC: Theo ông việc định nghĩa thế nào là 'tập đoàn kinh tế nhà nước' hiện nay đã chuẩn xác chưa?

TS. Hàn Mạnh Tiến: Hoàn toàn chưa ổn. Tập đoàn không có tư cách pháp nhân. Tập đoàn chỉ là một tập hợp. Tập hợp này đa thành phần.

Trong khi đó có nhiều doanh nghiệp tư nhân đang có nhu cầu liên kết để hình thành các tập đoàn tư nhân, nhưng chưa được quan tâm một cách thoả đáng. Mà lại dự kiến củng cố tập đoàn kinh tế nhà nước.

Số liệu các tập đoàn kinh tế nhà nước rất khác nhau, nhưng đa phần đều cho thấy, đầu tư vào đó không hiệu quả và nó tạo ra thế độc quyền rất nguy hiểm cho nền kinh tế.

BBC: Tại sao lại đặt vấn đề 'tập đoàn kinh tế' vào thời điểm này? Đằng sau đó chắc phải có một lý do nào?

TS. Hàn Mạnh Tiến: Có hai sức ép. Sức ép thứ nhất từ các phía ý kiến cho rằng tập đoàn làm ăn không hiệu quả. Vì vậy, phải xác định lại nó và có những biện pháp kiểm soát nó. Nên cần phải có một văn bản.

Sức ép thứ hai là tập đoàn dù hiệu quả hay không hiệu quả, nhưng đại diện cho kinh tế nhà nước, kinh tế xã hội chủ nghĩa, đảm bảo sự vận hành của nền kinh tế. Vì vậy cũng phải có những biện pháp để tăng cường cho nó.

Như vậy, mục tiêu rất khác nhau, nhưng cả hai luồng ý kiến đều thấy cần phải có một cái gì đó đề cập đến tập đoàn.

Một bên thấy rất muốn Nhà nước tiếp tục bảo trợ, một bên thấy phải kiểm soát, thậm chí phải gia tăng quá trình cổ phần hoá, tư nhân hoá cho nó.

Sản phẩm cuối cùng ra sao sẽ phụ thuộc vào quá trình 'lobby' chính sách. Và tôi nghĩ các tập đoàn kinh tế nhà nước chắc chắn sẽ 'chiến thắng' thôi.

Tiến sĩ Hàn Mạnh Tiến là thành viên Đoàn Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Tổng Biên tập Tạp chí 'Nhà Quản lý'. Quý vị độc giả có ý kiến, xin vui lòng gửi về địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk


Nguyễn Lộc
Phải chi cái dự án 7-8 tỉ USD đó đầu tư vào ngành du lịch Việt Nam thì hay biết mấy. Không hiểu các ông làm kinh tế của Chính Phủ nghĩ gì khi cho mấy cỗ máy độc hại này hoạt động, người dân lại khổ vì nó thôi.

Kao
Bài phỏng vấn rất chí lý, tiếc rằng người biết làm kinh tế lại không có quyền lực chính trị và ngược lại, đây là nguyên nhân tụt hậu của VN trong suốt mấy chục năm qua.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1012 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 536
Khách: 536
Thành Viên: 0