Thiện Giao, phóng viên đài RFA
2008-09-24
Từ
ngày 21-9, tại các khu vực tranh chấp, gồm địa điểm 42 Nhà Chung và 178
Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội, đã có dấu hiệu của những hành vi bạo lực.
Phía nhà Dòng thì cho rằng các hành vi này mang tính côn đồ, được
công an để cho thực hiện. Còn phía báo chí, mà cụ thể là tờ Hà Nội Mới, thì nói
đó là nhân dân phản ứng lại sự bất hợp tác của phía Nhà Thờ.
Một luật sư Việt Nam nói rằng, bất kể người gây rối là ai, hành vi
gây rối mang dấu hiệu phạm tội.
Sử dụng bạo lực
Trong hai ngày 21 và 22 tháng Chín, theo tin tức từ các website
tin tức nước ngoài, và theo các linh mục, tu sĩ, giáo dân trả lời phỏng vấn của
các cơ quan truyền thông nước ngoài, thì hàng chục, và có lúc lên đến hàng trăm
người lạ mặt, mặc thường phục như thường dân đã kéo đến bao vây nhà thờ Thái Hà
nơi có Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế và giáo xứ Thái Hà.
Tin tức cho biết, các thường dân này có những hành vi gây rối,
thậm chí sử dụng bạo lực đối với cả giáo dân lẫn tu sĩ, linh mục, rồi sau đó
tràn vào khu đất đang tranh chấp, đánh trọng thương một số cụ già đọc kinh, cầu
nguyện.
Chúng tôi trông thấy khoảng 100 người. Họ đã đánh trọng thương mất mấy người
của chúng tôi, bị thương mất mấy người của chúng tôi. Chúng tôi đang phải khâu
vá cứu thương mấy nạn nhân này.
LM Nguyễn Văn Khải
Trong một số trường hợp hạn hữu, có tin kể rằng có những người hô
to lời kêu gọi, đòi... “giết Tổng Giám Mục Kiệt và Linh Mục Phụng.”
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên đài chúng tôi vào ngày 22
tháng Chín, kể về diễn biến tại nhà dòng Thái Hà một ngày trước đó, linh mục
Nguyễn Văn Khải, phát
ngôn nhân của Giáo Xứ Thái Hà và Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội, nói với Việt
Long.
Việt
Long: Thưa,
Linh Mục nói rằng những thanh niên có hành vi và cử chỉ côn đồ đó đi cùng với
công an và viên chức đòi vào trong tu viện vào giờ này, tức khoảng 12 giờ
khuya, ở Hà Nội, phải không ạ ?
LM Nguyễn
Văn Khải: Dạ vâng. Bây giờ là 12 giờ đúng ạ.
Bây giờ đây này, một nhóm người hô hào hò hét, tìm cách tấn công tu viện và đền
thánh chúng tôi này. Họ đang ở bên ngoài nhà thờ chúng tôi và đang làm huyên
náo toàn bộ khu vực. Chúng tôi kêu cảnh sát và cán bộ chính quyền đến đây.
Việt
Long: Thưa,
nhóm người dân sự đòi xông vào tu viện khoảng bao nhiêu người?
LM Nguyễn
Văn Khải: Nguyên cái số mà chúng tôi đang
trông thấy ở khu vực đây khoảng 100 người. Họ đã đánh trọng thương mất mấy người
của chúng tôi, bị thương mất mấy người của chúng tôi. Chúng tôi đang phải khâu
vá cứu thương mấy nạn nhân này.
Việt
Long: Thưa,
như thế là họ tấn công bằng vũ khí hay là bằng chân tay không ạ ?
LM Nguyễn
Văn Khải: Họ ăn mặc rất nhố nhăng và họ cầm
những thứ gì ở tay thì chúng tôi không biết. Chúng tôi không thể tiếp cận gần
được. Chúng tôi đứng cách xa mấy chục mét đây. Họ đánh mấy người, mấy bà già
chúng tôi bị thương rồi.
Dấu hiệu phạm tội
Tuy nhiên, ngược lại với những thông tin được phát đi từ các cơ
quan truyền thông bên ngoài Việt Nam, truyền thông trong nước cho rằng không có
hiện tượng côn đồ quậy phá, mà chỉ là “nhân dân yêu cầu các linh mục, giáo dân
phải tháo lều bạt, chuyển các đồ thờ tự về nhà thờ.”
Bản tin của báo Hà Nội Mới ngày 24 tháng Chín, viết rằng vì phía
nhà thờ không làm theo yêu cầu của nhân dân, nên “ngay lập tức, nhiều người dân
xông vào giật đổ các lều bạt.”
Giết người là một tội có cấu thành về mặt
hình thức, do đó việc hăm giết cũng đã đủ yếu tố cho thấy đó là dấu hiệu của
tội giết người.
Một Luật sư Việt Nam
Một luật sư Việt Nam nhận định rằng, nếu những hành vi theo như mô
tả của các tu sĩ, giáo dân Thái Hà là đúng, thì những hành vi ấy “có dấu hiệu
phạm tội.”
“Những hành vi như theo mô tả của một số
website, tường thuật của một số tu sĩ, giáo dân tại Thái Hà, căn cứ theo luật
hình sự Việt Nam, những hành vi đó có dấu hiệu của các tội gây rối trật tự công
cộng, làm nhục người khác, cố ý gây thương tích, thậm chí giết người.
Giết người là một tội có cấu thành về mặt
hình thức, do đó việc hăm giết cũng đã đủ yếu tố cho thấy đó là dấu hiệu của
tội giết người.”
Cũng theo lời kể của phía giáo dân và các tu sĩ, thì các hành vi
quấy phá diễn ra ngay lúc có mặt của lực lượng cảnh sát, công an, và thậm chí
hàng trăm cảnh sát cơ động.
Phía giáo dân nói rằng, lực lượng chống gây rối trật tự trị an chỉ
đứng nhìn chứ không can thiệp.
Ngược lại, theo bản tin của tờ Hà Nội Mới, thì “chính quyền và các
lực lượng chức năng đã kịp thời ngăn cản, thuyết phục nhân dân kiềm chế, tránh
những hành vi quá khích.”
Được hỏi về trách nhiệm của công dân trong trường hợp ứng phó
trước hoàn cảnh gây rối, phá hoại, thậm chí đe doạ giết người, một luật sư Việt
Nam nói rằng hành động bắt người gây rối không chỉ là “quyền,” mà còn là “nghĩa
vụ” của công dân:
“Điều 82 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự Việt
Nam quy định về việc bắt người “phạm tội quả tang,” nguyên văn như sau: “Đối
với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị
phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào
cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban
nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị
bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền”.
Tuy nhiên, luật sư
này cũng nói thêm, rằng “mặc dầu phòng vệ chính đáng thì không phải là tội
phạm,” một số điều và khoản trong Bộ Luật Hình Sự cũng ghi rõ một số giới hạn
của phòng vệ chính đáng.
Cụ thể, “người có
hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Ngày 22 tháng Chín
vừa qua, Chánh Xứ Giáo Xứ Thái Hà, linh mục Vũ Khởi Phụng, đã chính thức gởi
đơn khiếu nại lên thành phố Hà Nội, than phiền rằng công an đã không phản ứng
trước các hành vi la hét, gây rối và ném đá vào tu viện giáo xứ từ những người
mà phía chính quyền nói là “nhân dân.”
|