Chủ Nhật, 2024-11-24, 6:22 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Chín » 24 » Sai lầm và cách nhìn nhận sai lầm
11:15 PM
Sai lầm và cách nhìn nhận sai lầm
   Trong quá trình lịch sử của đất nước Việt Nam hay bất cứ đất nước nào trên thế giới, không có cá nhân, tổ chức hay nhà nước nào thể nói rằng mình không có những sai lầm.

Những sai lầm của từng giai đoạn lịch sử, để lại cho hậu thế những hậu quả mà dù muốn hay không, tất cả đều phải gánh chịu và tìm cách sửa chữa.

 Với một nhà nước, một chế độ, một hệ thống, khi có những sai lầm cần nhanh chóng rút ra những bài học cần thiết để khắc phục các hậu quả trước mắt và lâu dài của nó. Những việc đó cần làm nhanh chóng và thực tâm nhằm tránh cho những giai đoạn tiếp theo của đất nước, của dân tộc khỏi những hậu quả lớn hơn.

 Với thực tế Việt Nam hiện nay, rất nhiều những vấn đề sai lầm đã được chỉ ra, đã nhiều người công nhận rằng đang có những “lỗi hệ thống” và góp ý nhiều cách để sửa lỗi, thì những chủ trương, hành động hướng tới sự chuẩn mực là điều quan trọng, sửa chữa các sai lầm của mình lại còn phải quan tâm hơn.

 Nhiều quan chức Việt Nam đến cuối đời bước ra khỏi bộ máy nhà nước mới có thể nói lên những ân hận, những suy nghĩ và cả những nhận xét của mình về những việc làm có liên quan, về một giai đoạn nào đó có những sai lầm, khi đó họ mới có thể có thời gian nhìn lại mình chăng?

 Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến cuối đời, đã có những bài viết, có những tiếng nói về nhiều vấn đề mà khi ông làm Thủ tướng, có thể ông không nói được ra hoặc chưa có thời gian nghĩ đến. Ông viết: “Tiếc rằng một số năm sau đó, tư tưởng đại đoàn kết đã bị coi nhẹ, quan điểm giai cấp đã được vận dụng một cách máy móc, một chiều. Trong các chiến dịch cải cách ruộng đất và cải tạo công thương nghiệp, nhiều nhân sĩ yêu nước, nhiều nhà kinh doanh có công với cách mạng đã không được coi như bạn nữa, gây những tổn thất lớn về chính trị và kinh tế.

 Tư tưởng thành phần chủ nghĩa đã dẫn tới hai kết quả: làm mất đi nhiều tài năng của một bộ phận đáng kể trong dân tộc, đồng thời đưa một cách gượng ép những nhân tố tuy rất cơ bản về chính trị nhưng lại không đủ chất lượng trong quản lý và xây dựng …

 …Những kinh nghiệm quốc tế vừa qua càng chỉ rõ thêm rằng nếu chỉ dùng đối đầu và bạo lực để giải quyết những thù hận thì chỉ đẻ ra thù hận. Nếu dùng cách cảm hóa để giải quyết thù hận thì có thể triệt tiêu được thù hận và tạo ra sức mạnh càng ngày càng dồi dào hơn. Nếu cứ còn chia rẽ do hận vì bại, kiêu vì thắng, thì có ích gì cho bản thân, cho đất nước, cho hình ảnh VN trên trường quốc tế? (Trích Đại đoàn kết dân tộc - cội nguồn sức mạnh của chúng ta – Võ Văn Kiệt – Báo Tuổi trẻ ngày 31/08/2005).

 Ông cũng khẳng định: "Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả" (Trích BBC ngày 30/4/2007- Ông Võ Văn Kiệt kêu gọi hòa giải)

 Ông Đoàn Duy Thành, ông Nguyễn Văn An, các cựu quan chức nhà nước Việt Nam đã từng nói về những vụ việc lạ lùng trong các giai đoạn của đất nước dưới chế độ hiện nay như chỉ thị “Z30 – tịch thu tất cả những ngôi nhà hai tầng của nhân dân” mà riêng Nam Định với danh sách hơn 200 gia đình. Ông An nói: “Thế mà ngày ấy, tịch thu cả một gia sản của người ta mà chỉ thông qua kiểm tra hành chính. Điều lạ kỳ là không hiểu sao ngày ấy người ta cứ nói mập mờ "Cái này bí mật, không phổ biến rộng, cứ triển khai theo ý của trên..." (trích báo Pháp luật TPHCM ngày 6/3/2008)

 Chuyện đó mới xảy ra cách đây chỉ hơn vài chục năm và nguyên nhân vụ việc đó, chỉ do một câu nói theo ý nghĩ của ông Đỗ Mười. Trừ Nam Định và Hải Phòng không thi hành, còn những nơi khác như Hà Nội, nhiều nạn nhân đã chịu cái lệnh miệng đó. (Theo Hồi ký Đoàn Duy Thành).

Như vậy có thể khẳng định rằng không thiếu những chính sách, những bất cập của hệ thống nhà nước đã tạo ra những sai lầm nghiêm trọng mà hậu quả là người dân phải chịu. Họ mất nhà cửa, tài sản mà cả đời họ dành dụm, họ trở nên tiêu điều xơ xác mang đầy những hận thù. Những hậu quả lâu dài của nó là gì nếu không nói là những nạn nhân và những người biết sự thật sẽ mất đi niềm tin ở một nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản luôn được cho là sáng suốt tài tình.

 Có còn không những sai lầm và những câu hỏi cần giải đáp

Một thời đã tưởng qua đi để nhân dân tiếp tục được hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới đem lại khi xây dựng một nhà nước “pháp quyền”. Ở đó, mỗi công dân được tôn trọng, các ý kiến phản biện được lắng nghe, tâm tư nguyện vọng của nhân dân được lắng nghe và giải quyết thỏa đáng.

 Vụ việc ở Tòa Khâm sứ và Giáo xứ Thái Hà hiện nay, người ta thấy nhà nước đã được gì qua những việc làm của mình? Nhà nước có chứng minh được rằng hệ thống đã làm việc công minh và hành xử đúng như một nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân để củng cố lòng tin trong nhân dân như các nghị quyết Đại hội Đảng đã ghi?

 Nhà nước và chính quyền sẽ trả lời những câu hỏi sau đây ra sao với hậu thế hoặc chính những người dân quan tâm hiện nay:

-  Khu đất Tòa Khâm sứ, Thái Hà thành công viên có phải vì nhu cầu không thể thiếu về công viên và công trình công cộng như nhà nước nói hay không, nếu không có sự khiếu nại kiên quyết và dai dẳng của giáo dân, thì những khu đất đó hiện nay đã là gì? Hay đây chỉ là cách giải quyết chữa cháy của một quá trình mà nhiều điều đã không minh bạch?

- Tại sao việc xử lý, giải quyết vụ việc Tòa Khâm sứ bằng một dự án với cách làm bất thường, với một tốc độ nhanh chóng và bí mật đáng ngờ? Nếu đó là những việc làm hợp với “lòng dân và ý Đảng” tại sao không thực hiện minh bạch theo đúng những thứ tự của nó cần có? Tại sao phải làm hết sức quyết liệt, dùng nhiều lực lượng phong tỏa khu vực, bãi bỏ cả việc học hành của các trường học, việc làm ăn kiếm sống của các hộ kinh doanh trên phố Nhà Chung.  Tại sao phải vội vàng đập bỏ cả ngôi nhà ba tầng to lớn mà chưa ai từng thấy sự lãng phí đến như vậy, ít nhất là tận thu những gì có thể theo tinh thần tiết kiệm mà nhà nước đã ra sức kêu gọi. Đó là tài sản của nhân dân, của xã hội trong khi đất nước đang có quá nhiều người sống dưới mức nghèo khổ?!

-  Việc giải tỏa khu đất ở Thái Hà vào ban đêm với những lực lượng đáng ngờ? Tại sao phải làm thế nếu nhà nước thi hành đúng theo pháp luật và nguyện vọng của nhân dân là có lý, có tình, “được đông đảo nhân dân ủng hộ” như hệ thống truyền thông thường xuyên nói tới?

 - Việc đưa những thanh niên mặc áo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các bà, các cô, các mợ, các chị… đến Thái Hà để quấy phá giáo dân đang cầu nguyện nhằm mục đích gì? Chính quyền và nhà nước, xã hội được lợi gì sau những hành động đó nếu không phải là sự đố kỵ, ghen ghét và bài xích, nhạo báng tôn giáo từ những thanh niên mà sẽ là chủ nhân đất nước trong một tương lai gần, các bà mẹ đó sẽ dạy những gì cho con cháu họ về sự đoàn kết yêu thương mà xã hội nào cũng hết sức cần?

 Nếu đất nước này sẽ được đám thanh niên kia lãnh đạo, thì sẽ là gì nếu không là những cuộc bài xích, thanh trừng tôn giáo lớn hơn? Và điều đó có lợi cho đất nước, xã hội trong tương lai hay không?

 Ở các ngôi trường, câu khẩu hiệu thường thấy của người xưa để lại: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Những đoàn viên thanh niên cộng sản này, những sinh viên học sinh này có trở thành những cán bộ tốt hay không, khi mà họ đã được sử dụng vào việc nhạo báng tâm linh, thần tượng của một cộng đồng tôn giáo, như loại mà người xưa thường gọi là bọn vô đạo?

 Thiết nghĩ, trường đại học đầu tiên của đất nước này là Quốc Tử giám, ở đó, cha ông ta đã dạy cho những học trò của mình trước hết là đạo, đạo làm người, đạo làm những chí sĩ, những sĩ phu và những trí thức lớn để phục vụ dân chúng. Thời nay, nhà nước dạy họ bằng cách như thế này sao?

 Điều đó có lợi gì cho sự nghiệp: “Đại đoàn kết toàn dân” khi mà giặc ngoài đang lăm le bờ cõi đất nước? 

- Những cách làm của hệ thống truyền thông nhà nước với mức độ ngày càng trầm trọng hơn với giới linh mục, tu sĩ và giáo dân ở Tòa Khâm sứ, Thái Hà sẽ để lại điều gì? Nhà nước được lợi gì khi cả cộng đồng giáo dân bị xuyên tạc, nói xấu và mạ lỵ ngay trên chính báo đài nhà nước?

 Nhà nước và dân tộc này được lợi gì, khi TGM Ngô Quang Kiệt, trong bài nói chuyện thật tâm của mình đã bị hệ thống truyền thông cố tình cắt cúp để xuyên tạc và bêu xấu trước toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam? Những sự thật ẩn giấu đằng sau, có giữ được hoàn toàn bí mật với nhân dân hay không? Tôi nghĩ, những người dù có bị xúc động nhất thời bởi “cơn lên đồng tập thể” vì những lời khêu gợi tính dân tộc bằng xảo thuật kia mà có những lời lẽ hành động thiếu bình tĩnh, thì cũng có ngày họ sẽ thấy được sự thật với nỗi ân hận của chính mình. Khi đó, liệu có còn sự kính trọng, tin tưởng vào hệ thống truyền thông và nhà nước hiện nay?

 Những câu hỏi đó, thiết nghĩ, cần được các lãnh đạo đất nước đặt ra và tìm câu trả lời. Để có thể kiểm nghiệm lại những kết quả đã và sẽ thu được sau những ngày vừa rồi với hai vụ việc Tòa Khâm sứ và Giáo xứ Thái Hà.

Những bài học đang được dạy cho các quan chức và các hành động thực tế

 Khi cả hệ thống nhà nước đã và đang phát động “Học tập và làm theo đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh” một cách khá quy mô, rầm rộ và tốn kém, thì những việc làm của hệ thống truyền thông và chính quyền TP Hà Nội vừa qua trong các vụ việc nói trên có làm theo điều đã được học hay không?

 Trên website của Đảng Cộng sản có một đoạn tôi đọc thấy như sau: “Cũng trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã nêu 6 nhiệm vụ cấp bách phải làm, trong đó Người nhấn mạnh vấn đề thứ 6 là: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo (Thiên chúa giáo) và đồng bào Lương (Phật giáo), để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết”. (Trích Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đại đoàn kết dân tộc và về tôn giáo – Báo điện tử Đảng Cộng sản)

 “Người cảnh báo không học hỏi dân chúng, không thèm bàn bạc với dân chúng, đó là sự sai lầm nguy hiểm, sẽ luôn luôn thất bại. Như vậy điểm nổi bật của cách lãnh đạo dân chủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh là việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng, tin vào dân chúng và tuyệt đối không theo đuôi quần chúng, nhưng việc gì cũng phải từ trong quần chúng mà ra”. (Trích Phương pháp dân chủ của Hổ Chí Minh trong công tác lãnh đạo – Báo điện tử Đảng Cộng sản). {Chúng tôi nhấn mạnh chỗ in đậm}

Vậy, những ý nguyện của cộng đồng tôn giáo Hà Nội vừa qua, chính quyền đã thật tâm để giải thích cho dân, bàn bạc với dân hay chỉ là một câu mệnh lệnh “không có cơ sở giải quyết” dù đó là niềm tin, là những tiếng gọi từ lương tâm của của giáo dân với mảnh đất Thánh Thiêng của họ. Và khi họ không nhất trí, chỉ yêu cầu các chứng cứ pháp luật thể hiện nhà nước pháp quyền, thì chính quyền dùng mệnh lệnh, áp đặt, cưỡng bức và dùng truyền thông để bài xích họ?

 Trong bài nói chuyện tại Trường Công an trung cấp khoá 2 năm 1951, ông Hồ Chí Minh nói: "Tuy Công an là của nhân dân, nhưng đồng thời cũng phải biết phê bình người phạm sai lầm. Trong nội bộ, Công an cũng phải phê bình nhau. Đối với người không sửa được thì phải tẩy trừ ra khỏi ngành kẻo để lại thì con sâu làm rầu nồi canh. Phải làm thế nào cho được lòng dân, phải thực sự giúp đỡ dân trong công việc chứ không phải là lối ngoại giao qua loa. Có như thế thì người dân mới tích cực trở lại giúp đỡ Công an…".

 Với đội ngũ công an các loại dày đặc trên phố Nhà Chung cùng thép gai, chó nghiệp vụ và nhiều phương tiện khác cũng như đội ngũ Công an ở Thái Hà, khi những người đến đó xịt hơi cay, đến đó la hét đòi giết người mà họ không hành động giữ gìn trật tự ổn định, không thi hành bổn phận của mình thì nhân dân sẽ nghĩ sao? Họ đang đứng về phía ai khi mà hàng vạn con người đã về Thái Hà, về Tòa Khâm sứ đều là nhân dân.

 Để có thể làm được những lời trên, thiết nghĩ cũng cần nhắc lại lời này: “Tuy trong quyết nghị không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết”. Và” “Theo lời quyết nghị của Quốc hội, Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà” (Trích Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. NXBCTQG.2002, tr.427, tr. 195)

 Thiết nghĩ rằng, nếu làm đúng những bài học và đường lối được viết ra một cách hay ho, đẹp đẽ đó, thì chắc những sự việc vừa qua với cộng đồng giáo dân đông đảo thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội nói riêng cũng như Công giáo Việt Nam nói chung, đã không xảy ra những điều khó hiểu và đáng tiếc.

 Chúng ta cũng đừng một lần nữa biện minh cho những sai lầm của mình rằng “Đường lối đúng, nhưng thực hiện sai” hoặc do cấp này, cấp khác làm như nhân dân đã từng nghe nhiều. Cái cần nhất là sự thực tâm và rút ngay những kinh nghiệm kịp thời sửa chữa sai lầm của mình.

 Một dân tộc có sức mạnh là một dân tộc, đất nước có sự đoàn kết. Chính sự đoàn kết đã đưa đất nước này vượt qua muôn vàn khó khăn trong nhiều giai đoạn lịch sử đất nước. Vậy thì hà cớ gì lại khêu gợi lên những sự thù hằn tôn giáo, kỳ thị tôn giáo bằng những phương tiện truyền thông chính thống mà đáng lẽ phải lấy sự thật làm đầu, lấy hạnh phúc và quyền lợi nhân dân làm mục đích. Một nhà nước của dân, thì hà cớ gì lại không quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của một cộng đồng tôn giáo đông đảo được chính nhà nước công nhận? Hà cớ gì phải tốn biết bao tiền của, sức lực của nhân dân để tìm cách giải quyết mà giáo dân cho là không thấu lý, đạt tình, không dựa trên cơ sở luật pháp.

Phải chăng, ám ảnh từ những sai lầm của quá khứ đã không thể vượt qua để tìm một lối ra thật chân chính và được sự đồng tình của xã hội một cách ngay thẳng?

 Những sai lầm đã qua nhưng hậu quả còn đó, dù đã được nói đến nhiều qua quá trình lịch sử nhà nước này. Có nên tạo ra những sai lầm tiếp theo nữa hay không? Đó là điều cần xem lại để có cách hành xử đúng và vì mục đích lâu dài của đất nước.

 Để kết thúc bài viết này, tưởng cũng cần nhắc một đoạn trong hồi ký của Đoàn Duy Thành, một đảng viên, quan chức cấp cao của nhà nước khi đã hồi hưu:

 “Khi chúng ta ở thế “thượng phong”, phải nghĩ đến lúc “hạ mạt”. Trách nhiệm của người đi trước, phải biết để lại “hồng phúc” cho người đi sau. Chớ để xảy ra chuyện: “Cha ăn mặn, con khát nước” như dân gian thường nói. Những người cầm cân nảy mực một quốc gia càng phải nắm lấy những điều răn dạy của tổ tiên, và của các bậc hiền triết đã để lại cho nhân loại biết bao châm ngôn, tục ngữ... Chúng ta cần đọc kĩ, suy ngẫm kĩ. Bất kì hoàn cảnh nào cũng có thể ứng dụng, cho chuẩn mực, cho đúng đạo lí.

Kinh nghiệm sai lầm trong Cải cách ruộng đất, rồi chỉnh đốn tổ chức, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, tưởng rằng những bài học lớn lao đó chưa xa lắm...

 Có như vậy mới hi vọng tạo nên sự hoà hợp đoàn kết với tầm cao hơn, sâu rộng hơn, không chỉ có lí trí mà còn tình cảm của người đối với người... xây dựng một nước giàu, đủ sức bảo vệ lổ quốc, không bao giờ để ngoại bang xâm chiếm, nô dịch bằng bất kì hình thức nào”.

 Hà Nội, ngày 23 tháng 9 năm 2009

·        J.B Nguyễn Hữu Vinh

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1044 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 11
Khách: 11
Thành Viên: 0