http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2008/09/080924_nobelprizespeculation.shtml
|
|
Hòa thượng Thích
Quảng Độ được giải nhân quyền Rafto của Na Uy năm 2006 |
Suy đoán về giải Nobel
Hòa bình năm nay tập trung vào Trung Quốc hoặc Việt Nam và Nga.
Theo tin của AP từ Oslo, những suy đoán về giải thưởng cao quý Na Uy
trao cho những nhân vật đấu tranh vì hòa bình quốc tế tập trung vào
Trung Quốc.
Nhưng nguồn tin này cũng nói nếu ứng viên Trung Quốc, như nhà đấu tranh
dân chủ Hồ Giai không được thì có nhiều khả năng Hòa thượng Thích
Quảng Độ ở Việt Nam hay luật sư nhân quyền Nga bà Lidia Yusupova được
nhận.
Đó là ý kiến của Giáo sư Stein Toennesson, từ Viện Nghiên cứu Hòa
bình Quốc tế ở Oslo, Na Uy.
Tuy thế, trong số các ứng viên khác còn có các nhân vật ở Zimbabwe,
Colombia, Kenya, Israel, Phần Lan, Ailen…
Mỗi năm một chủ đề
Từ trước tới nay, Ủy ban Nobel Hòa bình gồm năm thành viên của Na Uy
không bao giờ tiết lộ ai hay tổ chức nào đoạt giải trước khi công bố
chính thức.
Bởi thế, mọi suy đoán chỉ dựa trên những thông in bên ngoài.
Dù vậy, ý kiến giáo sư Toennesson được chú ý vì ông đã đoán đúng
người được giải năm ngoái là cựu tổng thống Mỹ Al Gore cho nỗ lực
chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Suy đoán của ông dựa vào chủ đề được quan tâm trên thế giới.
|
Vị
sư 80 tuổi ở Việt Nam đã đấu tranh nhiều năm cho tự do, dân chủ
và nhân quyền.
Giáo sư Toennesson
nói về Hòa thượng Thích Quảng Độ |
Năm nay, ông Toennesson nói Nobel Hòa bình có nhiều khả năng tập trung
vào chủ đề nhân quyền.
Bởi thế, ông Hồ Giai của Trung Quốc và vợ “có nhiều khả năng được
giải”.
Đặc biệt trong bối cảnh giới vận động nhân quyền muốn nêu bật đề tài
này ở Trung Quốc sau Thế vận hội để nhắc đến vụ đàn áp Tây Tạng và
trấn áp các nhà đấu tranh vì quyền con người.
Giáo sư Janne Haaland Matlary từ đại học Oslo cũng đồng ý rằng Trung
Quốc nằm cao trong danh sách của Ủy ban Nobel.
Nhưng nếu không phải là một nhân vật của Trung Quốc thì theo giáo sư
Toennesson, Hòa thượng Thích Quảng Độ “vị sư 80 tuổi ở Việt Nam, người
đấu tranh nhiều năm cho tự do, dân chủ và nhân quyền” là một ứng viên
mạnh.
Là lãnh đạo cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
không được công nhận tại Việt Nam, Hòa thượng Thích Quảng Độ được
giải nhân quyền Rafto của Na Uy năm 2006 và từng được đề cử giải Nobel
Hòa bình nhiều lần.
Ngoài ra, các ứng viên được tính đến có lãnh đạo đối lập Zimbabwe,
ông Morgan Tsvangirai, bà Ingrid Betancourt, chính trị gia Pháp-Colombia,
nhà hoạt động chống tham nhũng và một số người khác.
Trong số người Việt Nam từng được Nobel Hòa bình có nhà lãnh đạo
cộng sản Lê Đức Thọ được chung với nhà ngoại giao Mỹ Henry Kissinger
năm 1973.
Giải thưởng trao cho hai người vì công lao đưa đến ký kết hòa đàm
Paris, chấm dứt cuộc chiến Việt Nam nhưng ông Lê Đức Thọ đã không nhận.
|