Thứ Ba, 2024-11-05, 8:38 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Chín » 25 » Tự bôi đen mặt mình
11:17 AM
Tự bôi đen mặt mình


§ Lữ Giang

Tình hình cuộc tranh đấu đòi Toà Khâm Sứ và đất giáo xứ Thài Hà của giáo dân Hà Nội đang đi vào giai đoạn gay cấn nhất. Điều quan trọng là cần phải nhận ra mục tiêu mà nhà cầm quyền nhắm đến và chiến thuật chính quyền đang áp dụng từng giai đoạn, chúng ta mới có thể tìm ra phương thức đấu tranh có kết quả.

Sau khi dùng giấy tờ giả để phản chứng và nhân viên công lực để trấn át không thành công, nhà cầm quyền đã đổi chiến thuật, giả vờ thương thuyết với Thái Hà rồi bất thần đánh úp Toà Khâm Sứ, sau đó thay vì xử dụng nhân viên công lực, đã dùng “Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh” như những toán du đảng “dân chúng” ngoài đường phố để uy hiếp và phá tan những buổi tập trung cầu nguyện ở Thái Hà. Chúng tôi xin trình bày dưới đây các diễn tiến để độc giả theo dõi.

GIẢ ĐÀM ĐỂ ĐÁNH!

Ngày 12.9.2008, khoảng 15 giờ, theo giấy mời của Ủy Ban Nhân Dân Quận Đống Đa, các linh mục, tu sĩ và giáo dân giáo xứ Thái Hà - DCCT Hà Nội đã đến Văn phòng UBND quận Đống Đa để trao đổi về một số vấn đề liên quan đến các sự kiện đang diễn ra ở giáo xứ Thái Hà.

Ông Nguyễn Đức Lưu, Phó Chủ tịch UBND Quận, Phụ trách khối Văn-Xã, giới thiệu và khai mạc. Ông nói mục đích của cuộc gặp là trao đổi một số vấn đề xung quanh giáo xứ Thái Hà, cụ thể là 3 điểm sau:

Thứ nhất: Trong thời gian gần đây tình hình khu vực Thái Hà có vẻ căng thẳng. Số lượng giáo dân về đông nên các ông ái ngại về vấn đề vệ sinh môi trường. Do đó, ông muốn linh mục Phụng làm sao cố gắng không làm cho tình hình căng thẳng thêm, “nói tóm lại là làm sao giảm bớt lượng người về”.

Thứ hai: Ông đặt vấn đề với cha Bề trên-Chính xứ “làm thế nào động viên khuyên nhủ giáo dân chủ động giải quyết vấn đề như là ảnh tượng tranh ảnh để chúng ta có điều kiện làm những việc tiếp theo”.

Thứ ba: Ông nói: “hôm nay chúng tôi muốn nghe thêm về phía giáo xứ, tình hình chung, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, của các linh mục trong vấn đề Thái Hà và cố gắng cùng với chính quyền chúng ta làm thế nào giải quyết việc này cho êm thấm và đồng thời đạt được nguyện vọng tốt đẹp.”

Tuy là ba vấn đề đã được nêu ra để thảo luận, nhưng chỉ có vấn đề thứ ba là quan trọng: “làm thế nào giải quyết việc này cho êm thấm và đồng thời đạt được nguyện vọng tốt đẹp.”

Qua buổi họp này, Giáo Phận Hà Nội tưởng rằng chính phủ muốn nói chuyện để có thể giải quyết vấn đề một cách êm đẹp, nhưng thật ra đây lại chỉ là một kế “nghi binh”! Trong khi giáo dân đang lo bảo vệ đất của giáo xứ Thái Hà, chính quyền cho mở cuộc tấn công vào Toà Khâm Sứ, nơi mà chính quyền đã hứa trao trả lại cho Giáo Hội.

MỘT TRẬN ĐÁNH ÚP

Sáng 19.9.2008, như thường lệ, sau thánh lễ sớm, giáo dân trong giáo xứ chính tòa cùng nhau sang Tòa Khâm Sứ cầu nguyện với Mẹ Sầu Bi, mong cho Công Lý và Hòa Bình sớm triển nở trên quê hương Việt Nam. Nhưng họ đã bị chặn lại trên đường đi tới Tòa Khâm Sứ.

Chính quyền Hà Nội đã đưa hàng trăm công an và cảnh sát đến bao vây khu vực Toà TGM Hà Nội và phố nhà Nhà Chung. Lực lượng cảnh sát cơ động được trang bị dùi cui và súng ống cô lập hai khu vực này, không cho ai ra vào. Cả những con chó nghiệp vụ cũng được dắt tới. Sau đó, các máy ủi đất đã được kéo đến Tòa Khâm Sứ.

Đoạn đường phố Nhà Chung bị phong toả cả hai đầu. Tất cả truờng học trong khu vực đều bị đóng cửa và bên ngoài các nhân viên an ninh đứng dày đặc. Cảnh sát đã giăng thép gai để chận mọi lối độp nhật vào Tòa Khâm Sứ. Công an cấm tất cả mọi người lai vãng tới Toà Khâm Sứ. Toà TGM và Dòng Mến Thánh Giá không có lối đi ra vào. Các bảng nghiêm cấm quay phim và chụp hình được dựng lên. Tuy nhiên, các phóng viên báo chí, truyền thanh và truyền hình của nhà nước tập trung đông đảo.

Trong chốc lát, Tòa Khâm sứ bỗng trở nên “công trường đang thi công”. Bức tường rào đã bị đổ xuống. Cả khu vực bị khuấy động bởi tiếng máy xúc, máy ủi, máy hàn...

Nhận được những tin tức nói trên, chuông Nhà Thờ Lớn Hà Nội đã đổ từng hồi dài, báo hiệu có sự nguy cấp đang xẩy ra. Tiếp theo là tiếng chuông của khoảng 500 nhà thờ quanh Hà Nội và các tỉnh chung quanh như Hà Tây, Hà Nam và Nam Định cũng đã dóng lên trong khoảng một tiếng đồng hồ.

Người này báo tin khẩn cấp cho người kia, hàng loạt các linh mục, giáo dân trong thành phố và vùng phụ cận đã kéo ngay về Toà Khâm Sứ. Tiếng cầu kinh và tiếng hát lại vang lên.

Hảng thông tấn AP cho biết giả Ben Stocking, 49 tuổi, trưởng đại diện của họ tại Hà Nội đã bị “đấm, bóp cổ và đập vào đầu” khi đưa tin về cuộc cầu nguyện của giáo dân ở khu vực Tòa Khâm Sứ. Hãng này cũng cho biết máy ảnh của ông Stocking đã bị tịch thu và hiện chưa được hoàn trả.

Linh mục Nguyễn Văn Khải thuộc giáo xứ Thái Hà, đang cư ngụ trong Nhà Thờ Lớn Hà Nội, nói với thông tấn xã DPA của Đức rằng khoảng 200 cảnh sát và 2 xe ủi đất đã tới đây lúc 4 giờ sáng, và vào lúc 4 giờ 30, họ phá tường và các vật dụng trên miếng đất, rồi phong tỏa toàn bộ khu vực này khiến không ai ra vào được.

Ông Nguyễn Thịnh Thanh thuộc UBND thành phố Hà Nội cho hay chính quyền đang dọn dẹp miếng đất để xây cất một thư viện và một công viên cho dân chúng. Theo ông, chính quyền không phải xin phép giáo xứ, vì miếng đất này trực thuộc nhà nước.

Ông Thanh nói rằng sẽ không có biện pháp trừng phạt nhắm vào các giáo dân từng đến đây cầu nguyện, ngoại trừ trường hợp họ có những hành động quá khích khiến cảnh sát phải can thiệp. Ông cũng cho biết chính quyền đã thông báo cho giáo xứ biết trước về các hành động của chính quyền sáng thứ sáu, nhưng các Linh mục tại đây cho hay họ không nhận được một lời thông báo nào.

Linh mục Khải nói với thông tấn xã DPA rằng tín đồ Công giáo đang tranh đấu cho hòa bình, công lý và sẵn sàng chết.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, tổng diện tích khu đất nghiên cứu quy hoạch là 6.845,6m2 sẽ được xây dựng thành công viên vườn hoa, tiểu cảnh hài hòa với tòa nhà 3 tầng hiện có, và dự kiến sẽ chuyển thành phòng đọc, thư viện sau khi chỉnh trang lại.

Báo Hà Nội Mới, cơ quan xung kích của UBND thành phố Hà Nội, ngày 19.9.2008 cho biết như sau:

Thực hiện chỉ đạo của Thủ Tướng Chính Phủ, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch kiến trúc chủ trì, phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm lập quy hoạch tổng mặt bằng khu Công viên cây xanh - Thư viện phục vụ cộng đồng dân cư tại khu đất 42 Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm. Nội dung kế hoạch chủ yếu như sau: Chỉnh trang tu bổ công trình kiến trúc 3 tầng hiện có trên khu đất (tức Toà Khâm Sứ cũ) làm thư viện phục vụ nhân dân trong khu vực. Toàn bộ khuôn viên còn lại của khu đất được xây dựng thành vườn hoa, sân chơi, tiểu cảnh, đường dạo phù hợp với cảnh quan xung quanh. Các cây xanh lâu năm hiện có được giữ lại kết hợp với thiết kế cảnh quan gồm các tiểu cảnh, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ trong công viên.

Trong khi Công An và Cảnh Sát bao vậy khu Toà Khâm Sứ, một đoàn người đông đảo mặc áo “đoàn viên thanh niên” đã đến Thái Hà để quấy rối.

NÓI CHUYỆN VỚI NGƯỜI ĐIẾC

Lúc 10 giờ, một phái đoàn do Đức TGM Ngô Quang Kiệt lãnh đạo đã đến họp với UBND thành phố Hà Nội. Cuộc họp đã kéo dài 4 tiềng đồng hồ, nhưng không giải quyết được gì.

Một nguồn tin cho biết phía Tòa TGM đã đưa ra những chứng cớ pháp lý và lịch sử về quyền sở hữu hợp pháp cuả mình đối với khu đất Tòa Khâm Sứ cũ, đồng thời luôn nhấn mạnh rằng Tòa TGM chưa bao giờ hiến, tặng nhà và đất khu Tòa Khâm Sứ này cho bất cứ ai, bất cứ tổ chức hay chính quyền nào. Bằng những lý luận sắc bén và với tư cách của những người nắm giữ chính lý và sự thật, Đức TGM và các linh mục đã phân tích một cách đầy đủ và hợp pháp cho những yêu cầu của mình. Nhưng phía UBND thành phố Hà Nội đã nhận được lệnh của cấp trên, nên cứ nhắc đi nhắc điệp khúc “theo nghị quyết 23 của Quốc Hội thì không có cơ sở giải quyết”. Rõ ràng đây chỉ là một cuộc nói chuyện với người điếc!

Phái đoàn Tòa TGM cũng đã yêu cầu chính quyền nhanh chóng ngừng thi công trên khu đất thuộc Tòa Khâm Sứ cũ đồng thời xóa bỏ lệnh phong tỏa bất hợp pháp Tòa TGM và Dòng Mến Thánh Giá. Nhưng ông Chủ Tịch UBND thành phố Hà Nội, bất chấp những sự thật đang diễn ra, cho rằng chính quyền chỉ phân luồng giao thông chứ không cấm hay phong tỏa các lối vào Tòa TGM!

Liền sau đó, một sự thật đã xẩy ra: Lúc 13 giờ, phái đoàn Toà TGM trở về, khi qua khu phố Nhà Chung, một linh mục phải xuống thương lượng, công an mới cho phép mở hàng rào phong tỏa để xe đi qua.

DÙNG TRUYỀN THÔNG XUYÊN TẠC

Lúc 19 giờ ngày 19.9.2008, đài Truyền Hình Việt Nam đã loan những tin thiếu khách quan về cuộc họp giữa phái đoàn Tòa TGM với đại diện UBND thành phố Hà Nội vào buổi sáng. Họ bỏ đi tất cả những tài liệu và dẫn chứng pháp lý về quyền sở hữu khu đất Toà Khâm Sứ mà Toà TGM Hà Nội đã nêu ra. Họ chỉ nhắc lại những ngụy biện của phía chính quyền. Báo Hà Nội Mới ngày 21.9.2008 cũng đã đưa ra một luận điệu tương tự.

Để phản lại các các thông tin sai lạc liên quan đến lời phát biểu của Đức TGM Ngô Quang Kiệt trước UBND, Toà TGM Hà Nội đã cho công bố lời phát biểu này nguyên văn như sau:

“Tôi hết sức cám ơn ông Chủ tịch Uûy Ban Nhân Dân thành phố Hà nội cũng như là tất cả các ban ngành trong Thành Phố Hà nội đã dành cho chúng tôi một buổi tiếp xúc vừa trân trọng vừa cởi mở và chân tình. Những lời ông Chủ tịch nói kết thúc thật là đẹp và tất cả chúng ta ai cũng mong muốn, thật ra có một sự hài hoà trong cái khối đoàn kết thống nhất. Tuy nhiên muốn có cái hài hoà trong cái mối thống nhất thì đâu chỉ có cái tình mà phải có lý nữa, tục ngữ pháp có nói rằng: những cái tính toán nó đúng mực nó mới là những người bạn tốt được. Muốn bạn tốt với nhau cũng phải tình lý phân minh chứ không phải chỉ có tình mà thôi. Chính vì thế tôi cũng xin có một vài lời cuối cùng trước những lời kết thúc của ông Chủ tịch.

“Trước hết ông Chủ tịch có nói rằng Ủy ban nhân dân TP đã tạo rất là nhiều điều kiện cho Giáo Hội Công Giáo trong những năm qua nhất là dịp Lễ Noel… chúng ta phải công nhận trong những năm gần đây có nhiều điều kiện, thế tuy nhiên khi như thế, khi nói tạo điều kiện vẫn còn mang cái tâm lý “xin-cho”: tức là cái này là ân huệ tôi ban cho anh đó. Nhưng mà cái tôn giáo là cái quyền tự nhiên con người được hưởng. Và nhà nước vì dân cho dân phải có trách nhiệm tạo cái điều đó cho người dân chứ không phải cái ân huệ chúng tôi xin. Không có. Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là cái ân huệ “XIN-CHO”.

“Cái thứ hai, ông Chủ tịch có nói mọi cư xử phải vừa dựa trên pháp luật và cũng phải trên tình người, và công dân. Cái điều đó tôi rất đồng ý, rất là tâm đắc. Tuy nhiên trong cái thực chúng ta phải làm như thế. Đó về phương diện pháp luật chúng ta phải làm theo pháp luật, thì cái gì cũng phải có cơ sở pháp lý. Ông Chủ tịch có nói rằng đất đai thì nó từ ngàn xưa không biết nguồn gốc từ đâu mà đến, thời Giáo Hội Công Giáo thì lại được trao cấp cái đó thì chúng tôi công nhận cái đó. Thế nhưng ít ra khi cấp như thế người ta có một mảnh giấy công nhận là đây được cấp. Và đến thời chính quyền sau có thể thay đổi, nhưng phải có giấy tờ để chứng minh cái sự thay đổi (và không ai có thể thay đổi được là làm sao?). Thế thì trên mảnh đất 42 chúng tôi chưa được cái văn bản nào của nhà nước nói về cái sự thay đổi đó. Không có đi vào cái diện cải tạo tư sản, không có đi vào cái diện cải tạo nông nghiệp, cũng không có cái văn bản nói lên sự tịch thu hay là trưng thu trao cho cơ quan nào, hoàn toàn không có. Thực ra, có thể nói việc quản lý của cơ quan nào đó là chưa có hợp pháp, trên cái căn bản là chúng ta phải có giấy tờ, chứ bây giờ kẻ cướp vào nhà chúng tôi rồi ngang nhiên ở đó rồi không có giấy tờ gì hết và họ mạnh chúng tôi không đuổi ra được thì đương nhiên họ chiếm hay sao?! Phải có giấy tờ, cần có văn bản pháp lý. Thế thì về vấn đề pháp luật thì vấn đề đất 42 chúng tôi chưa hai lòng với câu trả lời của ông. Chúng ta phải sống theo pháp luật, thì phải có văn bản giấy tờ của chính quyền. Thời chính quyền này có thể thay đổi, chính quyền sau có thể thay đổi nhưng phải có giấy tờ văn bản rõ ràng. Chúng tôi thấy đất 42 chưa có cái văn bản đó.

“Cái vấn đề thứ hai, ông Chủ tịch có nói ra ngoài vấn đề pháp lý, chúng ta phải cư sử theo tình người, nguyện vọng của người dân thì chúng tôi thấy vẫn chưa được: biết bao nguyện vọng chúng tôi nêu lên, ít nhất là qua 15 lá đơn của Toà Tổng Giám mục Hà nội và Hội Đồng Giám Mục bao nhiêu lần nữa, nguyện vọng chúng tôi về cái đất đó gắn bó với chúng tôi, nó gần gũi với chúng tôi. Nguyện vọng thật là chính đáng nhưng không bao giờ được giải quyết cả. Cho nên có thể nói đó cho chúng tôi thấy cái lý thuyết, nguyên tắc ông Chủ tịch đưa ra rất hay nhưng chưa thực hiện được, nguyện vọng cũng như pháp lý.

“Chúng tôi không tranh chấp với nhà nước. Bằng chứng đó là, như ông Chủ tịch có nói đó, trong tờ kê khai của linh mục Nguyên Tùng Cương, lúc đó là quản lý Tòa Tổng Giám Mục, có 95 cơ sở. Chúng tôi có đòi cơ sở nào đâu, vì những cơ sở đó thực sự dùng vào những lợi ích chung. Chẳng hạn như cái trường Hoàn Kiếm, chúng tôi không bao giờ nói tới. Bệnh viện Saint Paul chúng tôi không bao giờ giám nói tới. Bệnh viện Bài Lao không bao giờ chúng tôi giám nói tới, vì sử dụng vào lợi ích chung. Nhưng khách san Láng Hạ chúng tôi sẽ nói tới, bởi vì sử dụng vào mục đích kinh doanh. Và cái Tòa Khâm Sứ đã thành cái nơi sàn nhảy, đã thành cái nơi kinh doanh buôn bán, đã có cái dấu hiệu buôn bán chia chác để làm cái trung tâm thương mại. Chúng tôi nói tới bởi vì nó rơi vào tay tư nhân, thế nên chúng tôi nói, thế nên chúng tôi không tranh chấp với nhà nước, nhưng chúng tôi nói lên cái tiếng nói của công lý. Bằng chứng cái trường Hoàn Kiếm bên cạnh, chúng tôi có bao giờ dám đòi đâu. Bởi vì nó phục vụ lợi ích chung, các bệnh viện nó phục vụ lợi ích chung. Do đó, chúng tôi xin nhắc lại, chúng tôi rất mong muốn xây dựng một khối đại đoàn kết dân tộc.

"Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng. Thế nhưng chúng ta không phải chỉ có tình cảm mong muốn là được mà phải có lý luận xây dựng thật là vững chắc trền nền tảng pháp lý. Một lần nữa chúng tôi xin hết sức cám ơn ông Chủ tịch và Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội dã dành cho chúng tôi một buổi tiếp đón thật là trân trọng và thân tình và hứa hẹn những trao đổi khác thì chúng tôi thấy hy vọng như thế chúng ta hiểu nhau hơn và mới có thể làm cho thành phố Hà Nội chúng ta nói riêng, tiến đến kỷ niệm ngàn năm Thăng Long được vui vẻ, xứng đáng là một thành phố hòa bình và trong hòa bình thì có công lý và làm cho đất nước chúng ta càng ngày càng phát triển.

Tôi xin cám ơn.

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt


Lúc 14 giờ, Phó Thủ Tướng Trương Vĩnh Trọng được trưởng công an quận Đông Đa tháp tùng, đã đi quanh quan sát linh địa một vòng.

ĐOÀN THANH NIÊN DU ĐẢNG HCM!

Lúc 18 giờ, một Thánh lễ đã được cử hành long trọng tại nhà thờ Chính Tòa Hà Nội do Linh mục Chu Văn Minh, giám đốc đại chủng viện chủ tế, với sự đồng tế của các linh mục đến từ các xứ trong vùng Hà Nội. Số lượng giáo dân tham dự khoảng trên dưới 5.000 người. Sau thánh lễ, các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân cùng thắp nến tiến ra cầu nguyện cạnh Tòa Khâm Sứ. Đoàn người đứng kín cả khu vực phố Nhà Chung và Tòa TGM. Đặc biệt, Đức Giám Mục Phaolo Lê Đắc Trọng, nguyên Giám Mục Phụ Tá Hà Nội, mặc dù đã ngoài 90 tuổi và đau yếu, nhưng ngài đã từ Nam Định lên đây hiệp thông cầu nguyện.

Lúc 20 giờ, tại Nhà Thờ Chính Tòa, một thánh lễ tiếp theo do Linh mục Nguyễn Văn Khải DCCT cửa hành. Kết thúc thánh lễ, giáo dân lại cùng các linh mục tiến đến cầu nguyện cạnh Tòa Khâm Sứ. Số lượng người tham dự vẫn đông và đầy trang nghiêm.

Tại giáo xứ Thái Hà, lúc 20 giờ, khi thánh lễ thứ tư trong ngày kết thúc, các linh mục và giáo dân kéo ra linh địa cầu nguyện. Một linh mục đã thông báo cho biết nhiều toán thanh niên đang được đưa tới để phá cuộc cầu nguyện, nên phải cảnh giác. Khi đoàn rước từ nhà thờ ra tới nơi, mọi người chứng kiến cả trăm thanh niên thuộc “Đoàn Thanh Niên Cộng Sản HCM”, lúc này được biến thành “Đoàn Thanh Niên Du Đảng HCM”, đang đứng gần tượng đài Đức Mẹ Mân Côi hát vang bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” và bài “Một con vịt xòe ra hai cái cánh.” Dù bị quấy phá, giáo dân vẫn ôn hòa cầu nguyện một cách sốt sắng.

Khoảng 21 giờ 30, giáo dân đã lập một bàn thờ nhỏ với Thánh Giá và một tượng Đức Mẹ ngay trước cổng Tòa TGM, phía hướng sang khu đất thuộc Toà Khâm Sứ. Mọi người sốt sắng cầu nguyện.

Phiá trong khu đất bị chiếm dụng, các máy phá đang hạ nốt những bức tường phía sau (giáp với nhà khách Tòa TGM), bụi bay mù mịt khắp không gian. Những tảng bê tông lớn cũng rơi xuống sân Tòa TGM, làm đổ một đoạn tường dài ngăn cách Tòa TGM và Tòa Khâm Sứ. Cạnh nhà khách của Tòa TGM, người ta thấy tràn ngập gạch đá và bê tông nằm ngổn ngang. Khu đất Tòa Khâm Sứ đang được biến thành một công viên với cây và hoa được trồng gấp. Hệ thống điện mới cũng đã được thiết lập xong và thắp sáng lên.

Vào lúc 23 giờ, một số công an đã vào Tu Viện DCCT Thái Hà để kiểm ta hộ khẩu những người hiện tạm trú tại đây!

Sáng Chúa nhật 21.9.2006 hàng nghìn tín hữu đã đổ về nhà thờ Thái Hà dự lễ Chúa nhật và viếng Linh địa Đức Bà. Chúa nhật hôm nay có 6 lễ mà lễ nào cũng ngồi đầy bên trong bên ngoài nhà thờ, chưa kể số ngồi ở Linh địa và Đền Thánh Giêrađô.

Tại Linh địa có đông các “đoàn viên thanh niên” xếp hàng đi ra đi vào hát các bài “nhạc đỏ” và khiêu khích. Có rất nhiều công an và kẻ phá đám đi vào nhà thờ.

Sau đó, UBND phành phố Hà Nội đã cho phổ biến công văn số 1370/UBND-TNMT ngày 21.9.2008 cảnh cáo ông Ngô Quang Kiệt, Tổng giám mục giáo phận Hà Nội. Công văn nói rằng “với trách nhiệm, cương vị là Tổng giám mục giáo phận Hà Nội, ông Ngô Quang Kiệt đã không những không thực hiện đúng Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, phối hợp với chính quyền các cấp vận động, khuyên bảo các giáo sỹ, giáo dân chấm dứt các hoạt động vi phạm pháp luật mà còn trực tiếp tham gia kích động, lôi kéo, khuyến khích bằng các bài trả lời phỏng vấn, thư hiệp thông, các văn bản của Tòa Tổng giám mục do ông ký có nội dung xấu, xuyên tạc sự thật đăng tải trên một số phương tiện thông tin đại chúng nước ngoài.” Công văn yêu cầu: “Dừng ngay các hành vi vi phạm pháp luật. Nếu không sẽ bị xử lý theo quy định của Luật.” (!)

Từ 18 giờ có rất nhiều người trong trang phục “đoàn thanh niên” và những kẻ uống rượu say đến xếp hàng dọc phố Đức Bà chửi bậy bạ, tục tĩu. Cảnh sát cơ động đưa hàng rào sắt di động chắn ngang đường, chỉ chừa một lối đi nhỏ hai người có thể đi được. Các linh mục và giáo dân đi từ nhà thờ đến Linh địa đều bị mắng chửi hay đánh đập.

Khoảng gần 23 giờ, lực lượng “đoàn thanh niên” và những kẻ uống rượu say đến phá lều trại trên vỉa hè của các bà canh Linh địa và đánh đập các bà tàn nhẫn. Khoảng 23 giờ 45, hàng trăm người tập trung trước nhà thờ Thái Hà, phá cổng và định vào đập phá nhà thờ.

Lúc 0 giờ 10 ngày 22.9.2008, hàng trăm người kéo đến đập phá đền Giêrađô trước sự chứng kiến của rất đông lực lượng cảnh sát cơ động và công an. Những người đang ở khu đền Giêrađô đã giải tán kịp thời. Cả khu phố náo loạn. Sau đó họ kéo đến khu Dòng Chúa Cứu Thế uy hiếp các tu sĩ. Tu viện đóng chặt các cửa.

Tối 21 rạng ngày 22.9.2008, UBND thành phố Hà Nội đã cho một số đông du đảng tháo dỡ tất cả các lều bạt dựng trên vỉa hè ngách 49, ngõ 64 Nguyễn Lương Bằng, phá các tượng ảnh trong khu Linh địa trước sự bảo vệ của công an và cảnh sát. Các bà canh giữ linh địa đã bị đánh và bị khiêng ra khỏi khu vực bị cấm.

Ngày 22/9, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh đã ký quyết định thu hồi diện tích tại 178 Nguyễn Lương Bằng, đồng thời cho phồ biến công văn số 1407/UBND-NC cảnh cáo một số giáo sỹ tại nhà thờ Thái Hà.

Đêm 23.9.2008, những kẻ du côn vẫn được huy động đến, nhưng có lẽ thấy đông giáo dân đến hiệp thông đông nên những kẻ được thuê đến không dám manh động. Tuy nhiên, thông tin từ các tu sĩ trong Tu viện cho biết, từ 22 giờ 30 tối 23/9 đến 1 giờ sáng 24/9, Tu viện liên tục nhận được những cú điện thoại khủng bố.

Các diễn biến khác sẽ được tường thuật sau

CHÍNH PHỦ LẠI THẤT HỨA

Hôm 4.9.2008, đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) tổng hợp tin của các hãng thông tấn Công Giáo cho hay Đức TGM Ngô Quang Kiệt đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam tôn trọng một thỏa hiệp đạt được vào 8 tháng trước đây, về việc giao hoàn lại cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam những tài sản của Giáo Hội bị chính phủ tịch thâu.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 2.9.2008 dành cho Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam, Đức TGM nói rằng dân chúng đã mất niềm tin nơi chính quyền vì chính quyền đã kéo dài quá lâu việc trao trả các cơ sở thuộc tòa Khâm Sứ cũ và một nữ tu viện. Đức TGM nói rằng vụ tranh chấp Tòa Khâm Sứ cũ đã kéo dài hơn 8 tháng, trong đó Giáo Hội đã theo đuổi chính sách của Tòa Thánh nhằm giải quyết vấn đề qua những cuộc đối thoại thẳng thắn. Tuy nhiên, theo Đức TGM, việc giải quyết dường như đã diễn ra một cách quá chậm chạp, và chính sự chậm chạp này đã tạo những ảnh hưởng tiêu cực cho vấn đề của giáo xứ Thái Hà hiện nay.

Trong bản tuyên bố đưa ra hôm 1.2.2008, Đức TGM Ngô Quang Kiệt xác nhận chuyện chính phủ thỏa thuận trao trả các cơ sở của Tòa Khâm Sứ cũ cho Giáo Hội, sau khi giáo dân tổ chức những vụ phản kháng công khai trong hơn một tháng trời. Để đáp lại lời hứa hẹn của chính phủ, giáo dân thỏa thuận di dời một thập tự giá và các lều bạt ra khỏi miếng đất bên cạnh Tòa Khâm Sứ cũ, nơi giáo dân thường xuyên tổ chức các buổi cầu nguyện.

STUPID ACTION OF YOUR GOVERNMENT!

Điều chắc chắn là những biện pháp được áp dụng để trấn áp cuộc tranh đấu của giáo dân Hà Nội nói trên không phát xuất từ UBND thành phố Hà Nội. Báo Hà Nội Mới hôm 19.9.2008 nói rõ các biện pháp này được đưa ra áp dụng là do “chỉ đạo của Thủ Tướng Chính Phủ”. Tuy nhiên, trong chế đô Đảng lãnh đạo và Nhà Nước quản lý. Chắc chắn mệnh lệnh này cũng không do Nguyễn Tấn Dũng mà do Ban Bí Thư Trung Ương Đảng. Mục tiêu của các biện pháp được đưa ra là để bảo vệ uy quyền của Đảng CSVN.

Đảng CSVN vẫn chủ trương không bao giờ nhượng bộ những đòi hỏi của quần chúng, dù các nguyện vọng của họ là chính đáng và hợp pháp, vì nhượng bộ như vậy sẽ làm tổn thương uy quyền của Đảng và chính phủ. Trong trường hơp của Toà Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà, Đảng và Nhà Nước muốn Giáo Hội phải tuân theo chế độ “XIN-CHO” chứ không được đòi hỏi. Để bảo vệ uy quyền, nhà cầm quyền đã xử dụng bất cứ thứ gì, kể cả giấy tờ giả và “Đoàn Thanh Niên Du Đảng HCH” để đối phó!

Nhưng như chúng tôi đã nói, trong thời kỳ đi xuống xã hội chủ nghĩa, thông tin bị bưng bít, những biện pháp như thế có thể có hiệu quả. Nhưng trong thời đại ngày nay, những biện pháp như thế chỉ bôi thêm đen vào chế độ.

Theo bản thăm dò của tổ chức PERC được công bố hôm 21.9.2008, Việt Nam được xếp đứng kế cuối trong bảng xếp hạng các thể chế tư pháp khu vực Châu Á. Còn Ủy Ban của Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế vừa công bố phúc trình nhan đề “Vietnam Policy Focus” nói về những vi phạm quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam, đã kêu gọi Bộ Ngoại Giao Mỹ đưa Việt Nam vào lại danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo CPC.

Từ một chuyện nhỏ bé, vì muốn bảo vệ uy quyền, Đảng CSVN đã tự xé ra to, làm cho khuôn mặt của chế độ đã xấu xí lại trở nên xấu xí hơn. Một nhà báo ngoại quốc đứng quan sát khu Toà Khâm Sứ đang bị đập phá, đã phải thốt lên với một người Việt đứng cạnh: “Stupid action of your government”!

Lữ Giang

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1005 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 315
Khách: 315
Thành Viên: 0