Chủ Nhật, 2024-12-22, 2:22 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Chín » 25 » Các thách thức tác động đến chính trị VN
10:07 PM
Các thách thức tác động đến chính trị VN
 
 
Blogger Điếu Cày bị bắt ở TPHCM hồi tháng 4 và đã bị xử vì tội 'trốn thuế'

Biến động quốc tế và khủng hoảng kinh tế đang tác động mạnh vào hệ thống chính trị Việt Nam, đặt ra các thách thức lớn cho đảng cầm quyền trước kỳ họp cuối năm.

Đấu tranh nội bộ tạm lắng trước trước các vấn đề kinh tế, tôn giáo và truyền thông khiến ý tưởng mở đại hội giữa kỳ không được hưởng ứng mà có thể chỉ có hội nghị trung ương Đảng cuối năm.

Vào 20/10 dự kiến Quốc hội sẽ họp để chuẩn bị các đề tài bàn thảo trong khi Đảng xem xét dư luận cho hội nghị trung ương ngay sau đó.

Đất đai và báo chí

Vấn đề đất đai, môi trường và báo chí liên quan đến các luật mới ra hoặc phải sửa đổi là những chủ đề lớn.

Hà Nội có vẻ như đã không soạn được một sách lược liền lạc ngay từ khi vụ việc nổ ra, dẫn tới các phát biểu khác nhau của các cấp lãnh đạo trung ương và thành phố.

Việc ồ ạt và gấp rút giải quyết cả hai điểm nóng Tòa Khâm sứ và Thái Hà gợi ý rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước khó khăn, bất ổn mang tính dân sinh, tôn giáo càng khiến nhà chức trách dù ở phe nào cũng co lại và trở về dùng hệ thống an ninh để giải quyết.

Các chuyến thăm cao cấp như của Đại tướng Phùng Quang Thanh sang Nga và Chủ tịch Nguyễn Minh Triết sắp tới cũng đến Moscow cho thấy một động thái cân bằng quan hệ Đông Tây.

Cũng có tin nói Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang cân nhắc chuyện thăm Trung Quốc.

Nhìn ra bên ngoài, việc vận động quốc tế cho mô hình “tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị” của Việt Nam chắc vẫn còn thu hút được sự ủng hộ.

Những vụ như Thái Hà gần đây làm đau đầu nhà chức trách

Nhưng trên thực tế, khi có biến động nội bộ, không một cường quốc nào có thể, hoặc có ý muốn giúp Việt Nam giải quyết việc riêng.

Các nước lớn trong Hội đồng Bảo an hiện cũng đang quá bận với những chuyện riêng nghiêm trọng của họ.

Việt Nam đã hội nhập quốc tế xa hơn mức các biện pháp ngăn ngừa, bao vây hay trấn áp còn hiệu quả như trước.

Nhưng Việt Nam lại hội nhập và cải tổ chưa đủ sâu để có hệ thống pháp luật và truyền thông hiệu quả, giúp được cho chính quyền gỡ rối.

Phân hóa quan điểm?

Theo bình luận của nhà báo người Singapore, Roger Mitton, trên trang Asia Sentinel hồi đầu tháng 8, chia rẽ giữa phe “quốc tế” và ”dân tộc” đang tăng lên.

Các vấn đề kinh tế và dân sinh nổi cộm làm cho mâu thuẫn thêm gay gắt dù trước mắt, các bên đều đồng ý “đoàn kết để vượt qua” các khó khăn.

Điều này thể hiện ở chỗ hội nghị trung ương gần đây không tạo ra thay đổi nhân sự gì, ngoài vụ một người thân cận với Thủ tướng Dũng ở Cà Mau bị mất chức.

Nhưng theo Roger Mitton, trong 14 thành viên của Bộ Chính trị thì xu hướng cởi mở của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không được ủng hộ hoàn toàn.

Nhà báo Roger Mitton, cho đến gần đây là phóng viên thường trú Hà Nội của Straits Times, nhận định chính các ông Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng và Hồ Đức Việt, Trưởng Ban Tổ chức, đã chống lại việc tăng quyền cho Thủ tướng qua chính phủ trong dịp thay đổi tháng 6 vừa qua.

Hai phó thủ tướng được coi là thân tín của ông Dũng - Hoàng Trung Hải và Nguyễn Thiện Nhân, thuộc phái có học ở Tây Phương - đã không thể hiện được gì nhiều.

Đặc biệt, ông Nhân còn bị xem là thiếu hiệu quả trong việc cải tổ hệ thống giáo dục.

Một số nhà quan sát gần đây, như chuyên gia người Úc Carl Thayer trong bài viết hồi tháng Sáu, cũng cho rằng thế đứng của Thủ tướng Dũng không mạnh như hồi ông mới lên năm 2006.

Cách chọn lãnh đạo

Về phía Đảng, hiện câu hỏi đặt ra là trong Đại hội Đảng lần tới, ai sẽ là lá bài kế vị ông Nông Đức Mạnh, người đã tại vị hai nhiệm kỳ.

Theo suy đoán của Roger Mitton, ba ứng viên hàng đầu đều thuộc nhóm "bảo thủ", là các ông Hồ Đức Việt, Trương Tấn Sang và Phạm Quang Nghị.

Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị là người trực tiếp chỉ đạo vụ giải quyết hai điểm nóng ở Tòa Khâm sứ cũ và giáo xứ Thái Hà.

Giới quan sát nói có rạn nứt trong ban lãnh đạo cao nhất

Roger Mitton xếp ông Hồ Đức Việt và Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng vào nhóm Nghệ An, có xu hướng không hòa thuận với Thủ tướng Dũng - một lý do vì sao ông Dũng muốn đề bạt các ông Hải và Nhân.

Đây là nhận định khó kiểm chứng vì trong thể chế cộng sản, các đảng viên ý thức được nguyên tắc đồng thuận vì tập thể nên chỉ bày tỏ khác biệt quan điểm ở chốn riêng tư.

Trong Bộ Chính trị 14 người, ông Hồ Đức Việt là một trong vài cái tên có triển vọng lên cao hơn nữa nhờ lợi thế là cháu ông Hồ Tùng Mậu và vị trí Trưởng ban Tổ chức trung ương, cho phép ông sắp đặt các vị trí trọng yếu trong Đảng.

Nếu không phải là ông Việt, một người khác có thể là Trương Tấn Sang.

Không thể đánh giá thấp khả năng vượt qua trở ngại của nhân vật này, nếu người ta nhớ những gì xảy ra với ông sau Đại hội Chín 2001.

Do scandal Năm Cam ở TP. HCM, ông bị điều ra Hà Nội cho chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương, kém quan trọng hơn vị trí Bí thư Thành ủy mà ông đã giữ trong năm năm.

Nhưng đến năm 2006, tại Đại hội X, ông quay lại đỉnh cao chính trị, đứng thứ năm trong danh sách Bộ Chính trị đồng thời nắm chức Thường trực Ban Bí thư.

Đối với Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, vụ Công giáo đòi đất tại Hà Nội là một thách thức lớn, không chỉ cho xu hướng muốn đối thoại với Vatican của Thủ tướng Dũng, mà cả cho phe của ông Nghị.

 Việc ông Mạnh tái đắc cử chức Tổng Bí thư không phải là kết quả tất yếu
 
TS David Koh

Nhưng điều cần lưu ý là trong Đảng hiện nay không có một nhân vật nào thực sự nổi trội hơn những người còn lại.

Vì lý do này, vai trò của các nhóm, thay vì của cá nhân, lại có thể là yếu tố chính quyết định nhân sự, thông qua việc đề nghị, vận động và cả gây sức ép của các nhóm này.

David Koh, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, có bài phân tích dài trên tạp chí Asian Survey tháng Tám, đánh giá lại quá trình thay đổi lãnh đạo tại Đại hội X.

Chuyên gia người Singapore này thấy rằng việc ông Mạnh tái đắc cử chức Tổng Bí thư không phải là kết quả tất yếu, mà đã có một số nhóm vận động cho những người khác, như Nguyễn Văn An và Nguyễn Minh Triết.

Mặc dù các nhóm này không thành công, nhưng quá trình vận động và gây sức ép sôi động trước Đại hội chứng tỏ nay không còn một "đại nhân vật" có thể tự mình ấn định kết quả.

David Koh cũng lưu ý về cuộc bỏ phiếu của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 13 hồi tháng Giêng 2006, theo đó, 8 thành viên của Bộ Chính trị phải rời khỏi Ban Chấp hành, nghĩa là không thể tiếp tục tranh cử ở Đại hội X.

Tuy là "khảo sát" chứ không phải bầu cử, nhưng điều ngạc nhiên là các đại biểu đã bỏ phiếu loại cả Nguyễn Văn An, Phan Diễn, và Trần Đình Hoan - đều là những nhân vật được xem sẽ tiếp tục nắm quyền sau đại hội.

Dù có chạy đua hậu trường, Hội nghị 14 giữ nguyên kết quả "khảo sát" của Hội nghị 13 theo sau một cuộc bỏ phiếu nữa, cho thấy Đảng dùng "luật định" tập thể để quyết về nhân sự, và sức mạnh của Ban Chấp hành Trung ương đã tăng.

Sắp tới, trừ phi xuất hiện một nhân vật thực sự nổi trội, việc quyết định nhân sự cao cấp có thể sẽ phụ thuộc nhiều vào lá phiếu của Ban Chấp hành Trung ương.

Category: Chính trị | Views: 1113 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 12
Khách: 12
Thành Viên: 0