JB NGuyễn Hữu Vinh
Lại chuyện được mất ở Tòa Khâm sứ, Thái Hà
Từ khi câu chuyện Thái Hà và Tòa Khâm sứ bùng nổ,
chúng tôi đã có một số bài viết nhằm phân tích và tìm ra cách giải quyết bài
toán khó này, hầu tìm ra một lối thoát thấu tình đạt lý cho cả hai bên. Nhưng
điều đó hầu như không có tác dụng khi nhà nước đã quyết định dùng phương án bạo
lực và cứng nhắc để giải quyết vấn đề. Đến nay, câu chuyện đã đi quá xa sự đối
thoại. Chính quyền TP Hà Nội đã sử dụng nhiều phương thức để đối phó với hai
điểm nóng của Hà Nội là Tòa Khâm sứ và Giáo xứ Thái Hà.
Lợi hại cho cả hai bên nhà nước và giáo hội thì đã
rõ.
Cả hai “dự án” đều chưa thể “khánh thành” nên chưa
đến lúc để ngồi tính sổ lại những mất và được mỗi bên. Nhưng cũng đã có thể
thấy được những kết quả gần nhất của cả hai vụ việc. Thử xem xét kiểm điểm sớm
những “thành quả” đã đạt được trong những ngày chiến dịch vừa qua của chính
quyền TP và giáo dân.
Nên nhớ dù đây không phải là một trận chiến mà đơn
giản chỉ là những buổi cầu nguyện của giáo dân đòi công lý được thực hiện.
Nhưng những hành động của chính quyền TP khi đã phải huy động cả những lực
lượng chuyên dùng thực thi chuyên chính vô sản, thì có nghĩa là chính quyền đã
chia thành ranh giới. Biểu hiện rõ nhất là hai bên hàng rào dây thép và rào sắt
nhọn là hai nhóm người khác nhau.
Giáo dân đã được gì và mất gì?
Phía giáo dân, là người thấp cổ bé họng, chắc chắn
là họ bị thất bại nhiều hơn theo lẽ tự nhiên “mạnh được, yếu thua”. Kiểm điểm
lại, giáo dân đã mất gì:
Khu đất thì vẫn còn đó, nếu họ không đòi lại, chắc
họ đã mất hẳn nếu việc chia chác thành công. Nhưng họ đã mất bức tượng Đức Mẹ
sầu bi dưới gốc đa Tòa Khâm sứ, một biểu tượng niềm tin tôn giáo mãnh liệt của
họ. Chính quyền đưa Mẹ Sầu bi đi đâu, bên lòng họ vẫn là nỗi canh cánh đau đớn.
Mẹ đang chịu cảnh bó buộc tù đày trong chiếc hòm
sắt kia, Mẹ sẽ thấu hiểu hơn những đau khổ mà những giáo dân đang phải chịu. Mẹ
đang cùng đồng hành với những người đang bị tù đày hiện nay, Mẹ sẽ gìn giữ và
cầu bầu cho họ, vì chẳng có người Mẹ nào yên tâm khi con mình đang chịu đau khổ.
Giáo dân bảo nhau: Đức Mẹ đang “đi thực tế”.
Giáo dân đã trải qua những giây phút sợ hãi khi
hàng trăm cảnh sát vây quanh với đầy đủ các loại công cụ và chó nghiệp vụ… bị
đánh đập bằng roi điện, bằng hơi cay. Vì họ cũng là con người, ai chẳng sợ hãi,
nhưng qua đó họ đã kiểm nghiệm cho mình tinh thần cam chịu và chấp nhận mọi thử
thách vì công lý và hòa bình, họ trưởng thành hơn.
Họ đã chịu phỉ nhổ trước mắt thế gian bởi những
miệng lưỡi không từ một ngôn từ và thủ đoạn nào. Họ đã bị đẩy vào tay những kẻ
thừa sự hung hăng nhưng thiếu hiểu biết sự thật, cũng như những kẻ làm nô lệ rẻ
rúng cho đồng tiền.
Họ đã phải chịu đau đớn vất vả về thể xác khi đến
với Mẹ sầu bi và Mẹ Thái Hà qua những chặng đường dài với bao ngăn trở, về bên
Mẹ để chịu cảnh màn trời chiếu đất. Họ đã chịu những chấn động tinh thần sâu
sắc, đau đớn khi những tài sản của Giáo hội, tinh thần của tôn giáo đã ngang
nhiên bị xúc phạm và bị lăng nhục, nhất là ngay cả với vị chủ chăn tôn kính của
mình.
Họ đã mất đi một niềm tin vốn mong manh về những
ngôn từ sáng loáng, bóng bẩy mà họ được nhồi nhét bấy lâu. Đòn đánh chí mạng
này đã cho họ thấy thực chất của nó là gì.
Nhưng giáo dân đã được một tinh thần kiên vững hơn
khi qua thử thách. Họ được những ơn lành khi đến với Mẹ, dâng lên những lời cầu
khẩn để nguyện xin cho công lý và sự thật mà họ tin rằng sẽ được thực hiện.
Họ đã được phúc khi có dịp để thể hiện lòng biết
ơn, yêu mến và cảm tạ Thiên Chúa là cha toàn năng của mình. Họ được một tinh
thần đoàn kết, yêu thương tuyệt vời khi những người gặp nhau dù lần đầu, nơi xa
lạ vẫn là anh chị em của nhau, đều là con cái Chúa.
Chỉ có vậy thôi nhưng đó là tất cả mục đích của họ
xưa nay, “Xin hãy dùng con, như khí cụ bình an của Chúa” - đó
là điều lớn nhất mà họ được.
Điều dễ thấy là những thế lực muốn biến đất của
Thánh Thất, đất Nhà thờ thành đất tư nhân, đã không thể thực hiện được âm mưu
của mình. Khu đất vẫn còn đó, vẫn là một tài sản chưa thể vào tay ai bằng những
con đường lắt léo, bằng những văn bản chồng chéo và đủ mọi loại giấy đỏ, giấy hồng.
Vậy thì với họ, vẫn còn những cơ hội, dù con đường đi tìm công lý của họ còn
dài.
Nhiều người dân “hiến kế”: Nên đặt tên hai công
viên này là Công viên Ngô Quang Kiệt và Công viên Vũ Khởi Phụng là vì thế.
Họ cũng đã được thấy “sức mạnh của nhà nước và
hiểu thế nào là sức mạnh chuyên chính vô sản” khi các dự án nhanh hơn
người ta có thể tưởng tượng, cách làm gây nhiều ngạc nhiên cho cả đất nước. Họ
cũng đã được chứng kiến những gì nhà nước có thể làm khi cần thiết với đông đảo
lực lượng được huy động. Nhưng vì thế, họ đã vượt qua nỗi sợ hãi của chính
mình. Qua đó họ đã tìm được câu trả lời cho riêng mình.
Đặc biệt, không chỉ những người Công giáo, mà tất
cả những người có lương tri khác đều có dịp để hiểu hơn hệ thống báo chí nhà
nước đã có tài phù thủy biến trắng thành đen, nói xuôi thành ngược như thế nào.
Một lần nữa, niềm tin của họ có dịp được kiểm chứng.
Nhà nước và chính quyền TP Hà Nội đã được
nhiều thứ
Khu đất đã bị biến thành công viên, họ được tạm
quên đi những ngày tháng thấp thỏm không biết ngòi nổ này sẽ bị châm lửa lúc
nào. Nhà nước được dịp thi thố khả năng hùng hậu với chính những người dân của
mình, được dịp để chứng minh đây là một nhà nước “của dân, do dân và vì dân” có
đầy đủ sức mạnh “Kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Đây cũng là dịp để chứng minh
rằng câu chuyện đất nước ta còn nghèo là chuyện vớ vẩn.
Ngày 20/9/2008, lần đầu tiên, chính quyền TP Hà
Nội được nghe một Tổng Giám mục nói thẳng rằng Tôn giáo là quyền của mỗi người
dân, không phải là sự ban ơn của bất cứ một ai, xin đừng kể đó là công lao mà
là nghĩa vụ của nhà nước khi nhận lương của dân để phục vụ. Là dịp để được nghe
yêu cầu nhà nước cần phải xem xét giải quyết các vấn đề cần phù hợp lòng dân,
dựa trên những chứng cứ, căn cứ pháp luật.
Cũng có lẽ là lần đầu tiên, chính quyền Hà Nội
được nghe những lời tâm huyết, trăn trở của vị Tổng Giám mục với tinh thần tha
thiết với quê hương đất nước về nỗi nhục của công dân Việt Nam khi tiếp xúc với
thế giới bên ngoài bị đối xử kinh miệt và muốn đất nước đoàn kết lớn mạnh lên
để người Việt Nam được kính trọng.
Một công dân dám nói thật, nói thẳng những điều
khó nghe trước quan chức TP vốn không ưa nghe những lời như vậy, quả là một
“trọng tội”.
Chắc cũng vì thế nên các ngài nổi giận, cả hệ
thống truyền thông có định hướng “lề phải” đã không chấp nhận điều này, nên cố
tình bóp méo ác ý câu nói chân thành của một con người đáng kính, nhằm phục vụ
ý đồ xấu xa.
Ngày 20/9/2008 lúc 10h24’ tin về cuộc họp này trên
Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) như sau “TGM Ngô Quang Kiệt đã cảm ơn Chủ
tịch UBND thành phố Hà Nội có buổi tiếp cởi mở, chân tình, mong muốn có sự hài
hòa trong khối đoàn kết thống nhất, hy vọng qua đây hai bên sẽ hiểu nhau hơn
cùng góp phần xây dựng Thủ đô xứng đáng là một thành phố hòa bình, tiến tới kỷ
niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, làm cho đất nước ngày càng phát triển./.”
Chỉ chưa đầy một ngày sau 21/9/2008 lúc 10h 03’
trên TTXVN đã lại nói rằng: “Hơn thế, ông còn phát ngôn miệt thị chính dân
tộc, đất nước mình gây bức xúc, phẫn nộ trong nhân dân Thủ đô”.
|
Hệ thống truyền thông đã thể hiện bản lĩnh quay
ngoắt 180 độ của mình. |
Hệ thống truyền thông đã thể hiện bản lĩnh quay
ngoắt 180 độ của mình. Đó là sự đàn áp của truyền thông độc quyền để ông Chủ tịch
Thành phố được dịp ngang nhiên gửi “công văn cảnh cáo” một Tổng Giám
mục và 4 linh mục. Điều này đang được nhiều luật sư xem là vi phạm pháp luật vì
trong hệ thống pháp lý, chưa khi nào có “công văn cảnh cáo” một công
dân bất thình lình bao giờ.
Chính quyền được thấy sức mạnh của nhân dân, của
niềm tin tôn giáo dù họ không được trả tiền, họ không bị ép buộc hay dùng đoàn
thể nào để ép buộc, mà động lực chính là NIỀM TIN.
Chính quyền cũng được thấy giáo dân thể hiện tinh
thần hòa bình và sự chịu đựng của họ dù bị bất công, bị đối xử tàn tệ. Chính
quyền cũng có dịp xem xét lại kết quả đợt “học tập đạo đức Hồ Chí Minh”
vừa qua, nhất là việc thực hiện “6 điều bác Hồ dạy CAND” trong đó có
nói rằng: “Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép”.
Chính quyền đã được thấy người dân tỏ thái độ
trước những chính sách, pháp luật và việc làm của mình như thế nào là hợp lòng
dân. Như thế nào là thực thi pháp luật nghiêm minh. Cứ đến Thái Hà để thấy ngôi
nhà quan chức chiếm nửa đường đi, đập bỏ cả hàng chục mét hàng rào, chiếm hàng trăm
mét vuông đất thì không ai có ý kiến, nhưng một đoàn người đập 6m hàng rào mà
họ cho là phi pháp đó, thì đã bị tạm giam.
Cái được ở đây nữa là nhà nước đã cho giáo dân,
giáo sĩ một lần hãy biết mà liệu thần hồn, đừng có mà đùa với nhà nước chuyên
chính vô sản, đừng đùa với súng đạn và công cụ bạo lực. Đừng nghĩ rằng nhà nước
có thể nương tay với những thần linh ảnh tượng của giáo dân hay giáo sĩ, sẵn
sàng “cho vào kho” hết, bất kể đó là tượng, thánh giá hay là người nếu
không thuần phục.
Vẫn còn nhiều cái được nữa, nhưng chắc không thể
kể hết nơi đây.
Vậy họ đã mất gì? Chẳng có gì để mất, ngoài mấy
thứ “lặt vặt”.
Những thứ “lặt vặt” mà chính quyền mất ở đây là
niềm tin của nhân dân, khi những người dân không thể hiểu nổi vì sao nhà nước
làm dự án này hết sức vội vã và hoang phí như thế với những hành động và cách
thể hiện “kỳ quặc”. Quy trình làm các dự án xưa nay, chắc hẳn chẳng có cái nào làm
khẩn trương hơn cả đánh giặc như vậy. Đến mức người ta nói với nhau rằng, nếu
có dự án dân sinh, quốc kế nào chậm quá như Dung Quất hay những cái lô cốt đang
bày đầy Sài Gòn, hoặc gần với 2 công viên này hơn cả, là ngã tư Kim Liên – Đại
Cồ Việt thì chắc phải nhờ bà con công giáo đến đó cầu nguyện mới hi vọng được
làm nhanh đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả.
Cái mất “lặt vặt” thứ hai là lượng ngân sách chi
vào đây là khổng lồ. Với một quá trình huy động biết bao nhiêu nhân lực và vật
lực để “giữ trật tự trị an”, chi cho hệ thống truyền thông, để họp hành bàn bạc
mưu kế… chắc chắn là không nhỏ. Mỗi phút quảng cáo vào giờ vàng nếu dành cho
quảng cáo thì thu biết bao nhiêu tiền nhưng được “ưu ái” cho phát sóng về Thái
Hà và Tòa Khâm sứ.
Rồi tiền trả cho công an và chó, tiền trả cho
những thanh niên mặc áo tình nguyện đến quấy phá bà con cầu nguyện, tiền cho
cựu chiến binh, phụ nữ… huy động đến Thái Hà và Tòa Khâm sứ để thể hiện “sự
tức giận” của mình do hệ thống báo chí nhà nước tạo ra với Đức TGM Ngô
Quang Kiệt “vì lòng yêu nước”? Để họ đến đập phá, la hét đòi giết
người ở Dòng Chúa cứu thế xứ Thái Hà cả đêm như vậy, chắc không hẳn chỉ vì lòng
yêu đất nước của họ nếu không trả tiền.
Có những nguồn tin nói rằng, đám quần chúng nhân
dân đến Thái Hà đêm đó, có cả những người trong một trại cai nghiện gần Hà Nội?
Nếu điều đó được kiểm chứng là chính xác, thì quả thật là đáng sợ đám quần
chúng này và cả những người huy động họ. Chắc chỉ đến những lúc này, đám quần
chúng này mới được trọng dụng đến thế. Cũng thật ngạc nhiên, lòng “yêu nước
và sự phẫn uất do lòng tự hào dân tộc” đêm đó lại được “khơi dậy”
từ những con nghiện đang ở trại?
Cùng với những điều ai cũng thấy đó, thì cả một hệ
thống chính trị từ trung ương đến địa phương với bao nhiêu cuộc họp, bao cảnh
sát giao thông phải nhọc lòng đến từng địa phương kiểm tra xe cộ về Hà Nội… tất
cả đều có thể phải tính bằng tiền, mà số tiền này không thể là ít.
Nhưng cái mất này không đáng kể, là lặt vặt, bởi
tiền bạc làm dự án, tiền thuê và trả lương cho người, tiền nuôi chó đã có ngân
sách chịu, đã có những người dân đóng thuế.
Cái mất lặt vặt tiếp theo là sự bình an của cả dân
tộc, sự đoàn kết trên tinh thần con dân nước Việt tạo nên sức mạnh của đất nước
để đủ sức tự lực tự cường mà chống trả lại những sự gây hấn xâm lấn của ngoại
bang. Trên một chương trình trả lời phỏng vấn, nguyên thứ trưởng Ngoại giao Lê
Công Phụng gần đây, ông nói đại ý rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, có
thể đưa vấn đề này ra quốc tế, nhưng sống bên cạnh nước lớn nên cần phải có sự
cân nhắc(!?)
Đó là gì nếu không phải là tính tự ti dân tộc
nghèo, yếu nên đang phải cắn răng chịu nhục khi đất đai lãnh thổ đang bị xâm
lấn ngang nhiên? Người ta nhớ rằng đất nước này, dân tộc này chưa bao giờ là
lớn bên cạnh anh hàng xóm khó chơi phía bắc đầy dã tâm này, nhưng chưa bao giờ
chịu nhục, chưa bao giờ biết sợ chúng.
Vậy ai sẽ trả lời câu hỏi: tiền đồ, lãnh thổ đất
nước đang bị xâm chiếm cần được thể hiện lòng yêu nước hơn, hay một câu nói đã
được cắt xén dối trá cần được thể hiện lòng yêu nước hơn?
Trong khi đó, cả dân tộc đã được hệ thống báo chí
mà đặc biệt là Đài THVN bằng những cách bịa đặt khơi dậy sự căm ghét với cộng
đồng công giáo, đứng đầu là Đức TGM Ngô Quang Kiệt để khoét sâu tự ái dân tộc
và qua đó làm tăng thêm mâu thuẫn tôn giáo trong lòng dân tộc, ai cũng biết hậu
quả của nó không hề nhỏ.
Người ta tự hỏi rằng, tại sao một nhà nước lại
chành chọe với một cộng đồng tôn giáo mảnh đất mà trước đây đã là của họ trong
khi hiện nay họ có nhu cầu bức thiết để làm gì mà phải huy động cả hệ thống
chính trị, truyền thông, công lực và cả “quần chúng nhân dân”?
Đó là những cái mất đối với cả đất nước đang cần
thắt lưng buộc bụng để cùng nhau bước qua cơn khó khăn của nền kinh tế khi giá
tiêu dùng đến tháng 9 năm nay đã tăng 27,9% mà vẫn được báo chí nhà nước đăng
là “tin rất vui đối với người tiêu dùng, nhất là những người nghèo” – Theo báo
Thanh niên ngày 23/9/2008.
Nhưng cái mất lớn nhất theo tôi, là câu hỏi mà
buộc người ta phải tìm cách trả lời: Một nhà nước, mà không thể hòa giải và làm
bạn với chính người dân mình, thì có thể đủ tin tưởng để làm bạn với những
cường quốc và những người bạn khác trên thế giới hay không? Bởi vì, cha ông ta
đã nói: “cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra”, không sự thật nào được
che giấu tuyệt đối.
Cái sảy, nảy cái ung
Những cái được và mất đã được sơ lược nói ở trên
dù chưa đầy đủ. Nhưng cũng có thể hình dung được những nét chính của sự việc
Tòa Khâm sứ và Thái Hà.
Điều người ta đang tìm hiểu, là những gì sẽ tiếp
tục diễn sau màn này?
Ngày 25/9/2008, chính quyền quận Hoàn Kiếm đã gửi
quyết định đến Tòa Tổng Giám mục vài tiếng đồng hồ trước khi “tịch thu tang
vật” tại Tòa Khâm sứ. Bức tượng và Thánh giá đã bị “tịch thu” mà không làm biên
bản với “bên vi phạm” là Tòa Tổng Giám mục Hà Nội. “Tang vật vi phạm”
đã bị đưa đi khi cả đội quân công an và chó đang bao vây nhóm nhỏ giáo dân. Đám
đông “quần chúng” gào thét và dây thép gai đã không cho họ đến bảo vệ Thánh
tượng của mình.
Hiện chưa biết bức tượng đang ở đâu, giáo dân vẫn
ngày đêm canh cánh bên lòng. Chắc chắn họ sẽ không bao giờ quên Mẹ của họ dù
bất cứ hoàn cảnh nào.
Bức tượng chưa về với họ, thì chính quyền còn mắc
họ một món nợ hết sức lớn lao về tinh thần và có thể vì bức tượng đó, chính
quyền phải đặt họ vào bên kia chiến tuyến chính thức để họ phải trả giá bằng
máu. Từ lâu, với người Công giáo Việt Nam và Giáo phận Hà Nội, tượng Đức Mẹ sầu
bi trong Tòa Khâm sứ đã là biểu tượng không thể mờ phai hay thay đổi.
Dù đó chỉ là bức tượng bằng xi măng và cây Thánh
giá gỗ, lại không phải đồ cổ nên cũng không sợ bị biến mất như tang vật ở nhiều
vụ khác.
Nhưng tịch thu rồi sẽ để vào đâu cho yên? Giáo dân
khẳng định rằng, đó là tất cả niềm tin, là ý nghĩa của cuộc đời họ. Việc tịch
thu đó sẽ đi đến đâu cho phù hợp pháp luật?
Xử sự như thế nào với bức tượng và Thánh giá đó,
là điều cần nói. Với từng cá nhân, hãy nhớ câu chuyện Đức Mẹ sầu bi Đồng Đinh ở
Nho Quan, Ninh Bình bị đập vỡ làm bài học cho mình. Hãy đến đó hỏi họ cảm nhận
được điều gì khi chủ tịch xã, người đã nhiều lần tuyên bố “tao dù mù mắt,
cụt tay ngay thì cũng phải đập nát bức tượng” nhưng đã phải quỳ gối xin
tha và xin đền trả được sự chấp thuận của Tòa Giám mục mới yên. Hãy biết hậu
quả khi hàng loạt người tham gia đập tượng đã được nhận những tai họa bất đắc
kỳ tử từ mẹ ruột đến bản thân và đám người trở thành ngớ ngẩn tự tố cáo tội ác
của mình.
Cũng có thể đưa tượng vào kho hoặc nhà bảo tàng
nào đó nếu muốn biến những nơi đó thành Thánh đường của giáo dân. Thậm chí có
người còn mách nước rằng chính quyền nên đem bức tượng đến bảo tàng hoặc một
công viên trung tâm thì giáo dân sẽ tiện cả đôi đường, được thăm viếng cả hai nơi.
Hoặc nếu muốn hành giáo dân, thì nên đưa bức tượng đó đi xa hơn, để đoàn người
rồng rắn kéo nhau đến đó cho vất vả chơi.
Cũng có thể cho vứt ra bãi rác nào đó, với người
vô thần điều đó chẳng khác gì vứt đi khối rác nặng nợ. Với người công giáo nhẫn
nhục và chịu đựng, họ chấp nhận tất cả. Nhưng hãy nhớ rằng, nơi bức tượng nằm,
phản ánh bộ mặt của nhà nước với tôn giáo.
Còn trả lại, thì trả lại bằng cách nào? Có ai
“tịch thu tang vật vi phạm” theo quyết định rồi âm thầm trả lại hay không nếu
như không muốn tiếp tục vi phạm pháp luật. Còn nếu làm quyết định trả lại, thì
tôi nghĩ với tính cách “kiêu ngạo cộng sản”, chắc chẳng bao giờ có chuyện đó.
Quả là cái sảy nảy cái ung như cha ông ta thường
nói. Nhiều khi, những hành động hung bạo nhất thời mà không tính đến hậu quả,
thì khắc phục hậu quả còn lớn hơn những gì mình đã làm được.
Lớn hơn bức tượng và Thánh giá là hai công viên
vườn hoa, sẽ là gì nếu không lại là một nỗi nhức nhối cho cả hai bên nhà nước
và giáo dân?
Vườn hoa thì vẫn ở đó, để xây nhà hay chia lô thì
chắc còn lâu và còn khó hơn ban đầu. Vậy hàng ngày công viên luôn nhắc nhở mỗi
giáo dân rằng: Nơi đây, là tài sản của giáo hội, của ông cha một thời. Nay đã
bị biến thành nơi cho đám dân nghiện ngập, cho trai gái đú đởn như ngày nay thường
thấy ở các công viên công cộng hiện tại và nhà nước làm cái đó để làm gì khi
bên cạnh là Tòa Tổng Giám mục và Dòng Mến Thánh giá của các nữ tu? Đó là gì nếu
không là một biểu tượng ô nhục trong việc tôn trọng tín ngưỡng của nhân dân?
Có phải đó là cách để tạo lại sự khinh bỉ và nhạo
báng nơi tôn nghiêm như ngày xưa đã biến nơi đây thành sàn nhảy và bể bơi? Và
cũng vì vậy, nơi đây lại tiếp tục âm thầm là quả bom mà giờ nổ là bất cứ lúc
nào thì lòng dân sao yên được, làm sao đất nước có thể đồng tâm và đoàn kết?
Câu hỏi còn đó chờ câu trả lời và câu trả lời lại
từ phía nhà nước, từ chính quyền Thành phố Hà Nội.
Hà Nội, Ngày 27 tháng 9 năm 2008
J.B. Nguyễn Hữu Vinh