Sự
căng thẳng trong tuần lễ 19-26/9 vừa qua về vụ Tòa Khâm Sứ và giáo xứ
Thái Hà – Hà Nội là chưa từng có, nhưng vì liên quan đến tôn giáo nên
đến cỡ đó chắc đã là đỉnh, bản thân nhà nước cũng không dám mạo hiểm
hơn mà chỉ mong sao dẹp được đám đông giáo dân mà không gây đổ máu, với
họ thế cũng đã là mừng lắm rồi. Vì thế “nhiệt độ” nay đang bắt dầu giảm
dần, có thể một vài tuần nữa đâu sẽ lại vào đấy mặc dù vấn đề tồn tại
với giáo hội thì đâu vẫn còn nguyên xi đấy!
Có người bảo Đời đã
thắng Đạo trong vụ này. Nghĩ thế là do tầm nhìn của họ không thể vượt
quá vài ngàn mét đất. Đấu tranh đòi CÔNG LÝ xưa nay chỉ có được mà
không ai mất mát thêm – chỉ có thắng chứ không thể thua bao giờ. Chỉ
riêng lá thư “Quan Điểm Của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Về Một Số Vấn Đề Trong Hoàn Cảnh Hiện Nay” được
đồng loạt tất cả các nhà thờ trên cả nước phổ biến đến mọi tín hữu sau
Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay 28/9/2008, tôi nghĩ đó đã là một chiến
thắng, giáo hội đã tự vượt qua chính mình và chiến thắng sự sợ hãi.
Nhưng
nếu có ai đó muốn biết vì sao đạo lại “bị thua”, Chúa và Đức Mẹ vì sao
lại bị “lôi cổ” ra khỏi đất của nhà thờ? Thiết nghĩ cũng cần nói cho
mọi người biết, sỡ dĩ thua là vì đụng phải một chính quyền “khôn nhà
dại chợ” luôn quyết ăn thua đủ với dân.
-------------------
Tiếng
Việt rất phong phú về ca dao, tục ngũ. Tôi nhớ lúc còn nhỏ vì hay
nghịch ngợm nên thường xuyên bị bố mẹ la mắng, mà cái cách mấy cụ người
Bắc dạy con cái thì ai từng ở Ông Tạ, Xóm Mới hay Hố Nai, Gia Kiệm chắc
cũng đều biết, đòn roi là chỉ là chuyện nhỏ mà thơ văn đi cùng mới thật
là đáng ngại, nghe các cụ “ngâm thơ” mà cảm thấy đau còn hơn cả ăn roi
mây.
Lũ con trai hay quậy phá coi vậy mà còn được các cụ nương tay nên chỉ mắng yêu “cây muốn lặng mà gió chẳng chịu ngừng” hay “ở dưng không lành đâm đầu vào giành lại giẫy lung tung” nghe còn nhẹ nhàng, không như mấy cô con gái “điệu đà điệu đỡn” các cụ mà thấy gai mắt lên là thôi rồi! “Cái nết đánh chết cái đẹp” cô nào thấy chưa đủ “đô” thì đã sẵn có câu “gái ra khỏi nhà, cà ra khỏi vại” !!!
Cái
gì cũng có thể thua con cháu nhưng riêng cái khoản “học ăn học nói, học
gói học mở” qua ca dao tục ngữ, rõ ràng chúng ta chỉ đáng… “xách dép”
cho các cụ. Chỉ bằng một mũi tên thôi các cụ khiến tới mấy con nhạn
phải là đà, tám chữ “gái ra khỏi nhà, cà ra khỏi vại” mà vừa răn đe con
cháu về “Công Dung Ngôn Hạnh” lại còn kiêm luôn cả chuyện dạy bếp núc,
ngẫm nghĩ người xưa sao mà tài. Cà muối chưa dùng mà đem ra khỏi vại
đúng là chẳng mấy chốc chúng đã bị thâm đen, nhìn hết muốn ăn!
Nay
thì các cụ đa số đã về Nhà Chúa, chứ nếu các cụ còn sống xem tin tức về
đạo qua VietCatholic thấy cái kiểu “đối nhân xử thế” đê tiện của quan
chức cộng sản thời nay, thế nào các cụ cũng tặng cho họ cả thúng ca dao
tục ngữ đem về mà suy gẫm.
Riêng tôi mỗi khi thấy cảnh công
chức chèn ép dân lành trong nước, công an rượt đuổi bắt bớ các dân oan
ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng (Hà Nội), dùng dùi cui và hơi cay với giáo
dân Thái Hà tranh giành với người dân từng bức tường, từng mét đất,
từng chút quyền lợi nhỏ v.v… tôi ước phải chi có cụ nào đó ở giáo xứ
này dám vào tận cung quan triều đình nhìn thắng vào họ như Đức TGM, mà
rằng “làm quan như chúng bay đúng là một lũ khôn nhà dại chợ chỉ giỏi bắt nạt dân nhưng khi ra ngoài làm ăn với thiên hạ chỉ toàn thấy từ “chết tới bị thương” ôm đầu máu chạy về cầu cứu tiền dân !!!
Các
cụ đừng sợ bị họ buộc tội vu oan, nếu bị họ hoạnh họe căn cứ vào đâu mà
nói thế, thì con xin cung cấp bằng chứng đầy đủ đây. Bỏ qua các phi vụ
“chết vì thiếu hiểu biết” thời ông Nguyễn Văn Linh xa xưa khi đem vài
triệu USD mồ hôi nước mắt của dân chúng “biếu không” cho Ấn Độ để rước
về cái nhà máy dệt thổ… tả! (thay vì “thổ cẩm”, do lúc bấy giờ phe XHCN
sắp rệu rạo nên Hà Nội mày mò sang làm bạn với khối “Không Liên Kết” do
Ấn Độ lúc bấy giờ đang làm “chủ xị”) chỉ xin nêu ra 3 vụ mới gần đây,
mà mỗi vụ là một bài học đau còn hơn bị bò đá, chuyện như sau:
1. Vụ HLV LeTard với bài học về “sự tác hại của luật rừng cộng sản” học phí sơ sơ mới hết có… hai trăm ngàn đô!
Cụ
nào yêu thích bóng đá hẳn chưa thể quên vụ LĐBĐ Việt Nam phải trả móc
hầu bao những 3 tỷ VND cho ông HLV Letard cuối năm 2004 vì bị thua kiện
tại Tòa Án Trọng Tài Thể Thao Quốc Tế ở Thụy Sĩ. Nguyên nhân: LĐBĐ VN
đem luật rừng ra buộc ông ta chấm dứt hợp đồng huấn luyện viên cho đội
tuyển bóng đá quốc gia sau thành tích bết bát tại Seagames 22.
Chuyện
đi ở đối với nghề HLV là rất bình thường, mặc dù vậy khi lỡ bị sa thải
cũng đâu có HLV nào lại muốn nó ầm ĩ, “tốt khoe xấu che” mà. Hơn nữa
với một nước có nền bóng đá còn yếu như VN không HLV nào lại nỡ làm
chuyện “cạn tàu ráo máng” lúc ra đi. Nhưng cũng giống như chuyện dân
oan đi đòi đất đai bị cướp bị nhà nước lôi cái Nghị Quyết 23/ QH11/2003
ra để noí chuyện, sự ngu xuẩn và cố chấp của các quan chức LĐBĐ VN đã
buộc ông Letard phải làm đến nơi đến chốn vì danh dự cá nhân ông.
Đã
thế khi đã biết HLV này đang kiện mình ra tới tòa án quốc tế Thụy Sĩ,
các quan chức chứng nào tật nấy, coi như không có chuyện gì xảy ra thế
mới biết đầu óc ấu trĩ của mấy ông tiến sĩ XHCN nặng tới cỡ nào. Thế
rồi chuyện gì phải đến nó đã đến “…giữa tháng 10/2004, VFF đã
choáng váng khi nhận phán quyết từ Toà án này, yêu cầu LĐBĐ Việt Nam
đền bù 197.800 USD cho ông Letard vì đơn phương phá vỡ hợp đồng với lý
do không chính đáng” (báo VietnamNet) đi kèm với quyết định này
là bóng đá VN phải đối đầu với nguy cơ bị cấm tham gia các giải đấu
trong khu vực ASEAN do AFF và FIFA áp đặt. Tới nước này thì chỉ còn chờ
đêm hôm xuống, cha con VFF lặng lẽ thu gom tiền bạc sang nộp cho thiên
hạ, nhưng điều đáng nói là 3 tỷ này không phải là tiền lương hay tiền
nhà của các quan chức mà được lấy từ ngân sách của Liên Đoàn BĐ tức là
của cả xã hội.
2. Vụ Vietnam Airlines với bài học về “phải chơi bằng luật quốc tế” học phí đã leo lên tới 5,2 triệu đô!
Đúng
là “tiền nào của nấy” bài học này ly kỳ hấp dẫn hơn bài của ông Letard
nhiều. Chuyện là vào năm 1991, VN Airlines thuê Công ty Falcomar (Ý)
làm đại lý tại Ý. Công ty này thuê lại ông Maurizio Liberati thực hiện
một số công việc cho Falcomar với tư cách đại diện cho VN Airlines, sau
đó VN Airlines lại không có nhu cầu nên thôi. Nhưng thay vì phải lo
thanh lý hợp đồng theo yêu cầu của công ty Falcomar thì VN Airlines lại
đem luật rừng ra xài đặng “bỏ… nợ chạy lấy người” tưởng vậy là xong.
Nhưng
“đi đêm ắt có lúc phải gặp ma” và lần này trời xui đất khiến họ gặp
phải sư tổ nhà ma, Maurizio Liberati là chuyên gia chạy cò dịch vụ tầm
cỡ quốc tế. Tay này nhận ra rằng VN Airlines là công ty nhà nước 100%
và được điều hành bởi các đảng viên chẳng những không rành về luật lệ
thương mại mà còn quen xài luật rừng ở trong nước qua cách nói chuyện
rất kênh kiệu của bọn họ. Nếu để chuyện phá vỡ hợp đồng nếu diễn ra
đúng luật hắn sẽ chẳng được là bao, vì thế phải giăng bẫy để đưa các
“đỉnh cao trí tuệ” lọt vào, thời gian kéo dài càng lâu càng có lợi cho
hắn.
Thế là sau lần khởi kiện đầu đầu vào ngày 1/11/1994 hắn
liền quay sang chơi trò “mèo vờn chuột” với VN Airlines lúc cương lúc
nhu khiến cho các “bố” nhà ta lại cũng lại giống như VFF tưởng không có
chuyện gì là ầm ĩ, tưởng Tòa án Hỏa Lò vẫn là trên hết, cứ thế mà ăn
ngủ ngon giấc. Chẳng mấy chốc 5-7 năm đã trôi qua, khi VN đang khao
khát để được gia nhập WTO cũng là lúc Maurizio Liberati hiểu rằng thời
cơ đã đến, bởi vì vào thời điểm này mọi scandal kinh tế đều rất bất lợi
trong khi đang đàm phán với các nước, nhất là Mỹ khá là gay go nên VN
sẽ phải lo giải quyết cho êm đẹp và nhanh chóng.
Thế là thông
qua sự cho phép tương trợ pháp lý giữa các quốc gia thành viên trong
khối EU, đầu năm 2004 toàn bộ hồ sơ vụ kiện được chuyển sang xét xử tại
tòa án Paris nước Pháp vì chỉ có nơi này cơ sở của VN Airlines lớn nhất
Châu Âu sau mấy chục năm kinh doanh nên có rất nhiều “tóc để túm” đúng
như ông bà mình vẫn hay nói “túm thằng có tóc chứ chẳng ai túm đứa trọc
đầu” như khi kiện họ ở Rome.
Cuối cùng Maurizio Liberati cũng
đã túm mớ tóc dài của các quan chức VN Airlines trị giá những 5,2 triệu
USD! Quả là một khoản tiền trong mơ mà nếu không nhờ duyên số đưa đẩy,
không gặp những kẻ “khôn nhà dại chợ” từ Hà Nội sang chắc gì cả đời hắn
đã kiếm nổi? Vụ này VN Airlines còn đáng được các cụ tặng thêm câu
“thân lừa ưa nặng”, thay vì chỉ nộp phạt 90 ngàn USD nay phải trả tới
5,2 triệu euro, cao gần gấp 100 lần.
Đến lúc này dân chúng mới
hay biết khi VN Airlines thấy không thể tự mình giải quyết và phải báo
cáo thủ tướng chính phủ vì nguy cơ bị tích biên tài sản tại EU đang đến
gần. Nhưng nếu Paris mà gần Ha Nội như Vientianne Lào tôi chắc VN
Airlines vẫn chưa ngán đâu, không chừng còn đề nghị thủ tướng cho quân
tràn qua biên giới dùng luật rừng để giải quyết vụ việc cũng nên? Ông
bà ta hay bảo “vỏ quít dày có móng tay nhọn” là vậy, cái tên “Maurizio
Liberati” chắc chắn sẽ còn ám ảnh ngành hàng không VN còn lâu, nhưng
với các quan chức ngành khác thì chưa họ mới chỉ bắt đầu lọt tọt xách
vở đi học rồi đây sẽ còn vô khối “em” phải đóng học phí. Nhưng bài học
cuối cùng dưới đây mới đúng là nhục nhã và nhớ đời cho lũ quan “khôn
nhà dại chợ” Hà Nội mà người thầy dạy họ chẳng phải ai xa lạ, mà là một
Việt kiều ở Hà Lan, ông Trịnh Vĩnh Bình.
3. Vụ Trịnh Vĩnh Bình với bài dạy Hà Nội “làm người phải biết sống cho tử tế” trị giá những vài trăm triệu đô.
Trong
bài viết “Trịnh Vĩnh Bình kiện nhà nước Việt Nam” của tác giả Trọng Kim
trên tờ Ngày Nay (Houston-USA) tháng 11/2006 có viết về vụ này tóm tắt
như sau:
”Đúng vào dịp Việt Nam vừa được nhận vào Tổ Chức
Thương Mại Thế Giới (WTO) thì vụ án Trịnh Vĩnh Bình kiện nhà nước Việt
Nam trước tòa án quốc tế về đầu tư đòi bồi thường nhiều trăm triệu Mỹ
kim (MK) sẽ đuợc đem ra xét xử tại thủ đô Thụy Điển vào đầu tháng 12
tới (2006), có thể gây nhiều bối rối cho Hà Nội nếu bị thất bại như đã
từng thua kiện trong vụ Vietnam Airlines trước đây tại Paris. Ông Trịnh
Vĩnh Bình, một công dân Hòa Lan gốc Việt, đã đem tiền về đầu tư ở Việt
Nam, rất thành công nhưng sau đó đã bị thế lực công an hãm hại, bị án
tù 11 năm và tịch thu hết tài sản trị giá khoảng 30 triệu MK. Thoát ra
được ngoại quốc, ông đã thuê luật sư Mỹ đệ nạp đơn kiện Việt Nam chiếu
theo điều khoản của Hiệp ước Song phương về đầu tư giữa Việt Nam và Hoà
Lan (Nethreland) ký năm 1994.
Đơn kiện đã được cứu xét tại thủ
đô Stockholm của Thụy Điển căn cứ theo những qui luật trọng tài của Uỷ
Ban Liên Hiệp Quốc về Luật Mậu Dịch Quốc Tế. Theo thông tin mà Ngày Nay
được biết, thì phiên tòa quốc tế này sẽ họp từ 4 tới 12 tháng 12 để xét
xử vụ trên và sẽ do ba thẩm phán điều hành gồm một thẩm phán người Thụy
Điển, một thẩm phán gốc Mỹ và một gốc Pháp. …. Ba tuần trước khi vụ án
khởi sự ở Thụy Điển, theo nguồn tin riêng của Ngày Nay cạnh vụ án thì
số tiền tổ hợp Luật sư Mỹ của ông Bình ở Hoa Thịnh Đốn đưa ra trước tòa
để đòi bồi thường đã lên tới con số gấp hai, ba con số được đưa ra hồi
năm ngoái. Nguồn tin của Ngày Nay chỉ cho biết “ít lắm là 150 triệu MK
trở lên” vì dựa trên những định giá mới của phía luật sư Mỹ đại diện
cho ông Bình. (hết trích)
Bấy nhiêu có lẽ cũng đã đủ nói
lên tầm cỡ của vụ việc và nó đã khiến chính quyền VN phải thu xếp “đi
đêm” với ông Bình để bằng mọi giá hủy bỏ phiên tòa này, nếu để nó diễn
trong bối cảnh chuẩn bị gia nhập WTO, VN là chủ nhà của APEC sẽ rất bất
lợi vì thế nó đã kết thúc trong bóng tối giống hệt như những gì cộng
sản vẫn làm xưa nay, vì đó là bản chất của họ.
Việc chọn thời
điểm ngay cuối năm 2006 để đưa vụ việc ra tòa chắc chắn ông Bình cũng
đã học được ở Maurizio Liberati trong vụ VN Airlines nhiều điều bổ ích,
nên chỉ cần một chiêu duy nhất những kẻ từng gây khổ cho ông năm xưa
nay phải quay sang quị lụy ông ngay tức khắc. Về khoản tiền bồi thường,
khi các nhà báo hỏi ông Trịnh Vĩnh Bình đã từ chối khéo nhưng ai cũng
biết lý do im lặng là ĐỂ GIỮ ĐÚNG LỜI HỨA với nhà nước VN, mặc dù muốn
chơi khăm họ ông ta có thể nuốt lời như họ từng nhiều phen với dân
chúng trong nước.
Nhưng chính qua sự từ chối ấy ông ta đã dạy
thêm cho “nhà cầm quần” Hà Nội bài học ngoài chuyện bị đau vì tiền nong
thua kiện “LÀM NGƯỜI THÌ PHẢI SỐNG SAO CHO TỬ TẾ” nói thế nào thì phải
làm đúng như vậy. Là nhà cầm quyền càng cần phải giữ chữ tín với người
dân hơn “CHỚ CÓ BAO GIỜ NÓI MỘT ĐẰNG LÀM MỘT NẺO”.
Kết luận
Vì
là ca dao, tục ngữ nên các cụ xưa phải làm sao cho nó ngắn gọn để mọi
người dễ nhớ, nói một cách đầy đủ thì chữ “khôn” trong câu này phải
hiểu nó là “khôn lanh” cái loại khôn quỷ quyệt của những con người gian
xảo mà không phải là sự “khôn ngoan” như những con nhà đàng hoàng được
giáo dục hẳn họi.
Những chuyện “lật lọng của phe cộng sản” khi
họ ký kết hay hứa hẹn một điều gì đó cũng từ cái sự “khôn lỏi ” này mà
ra. Từ hiệp định Genève 1954 cho đến Paris 1973, từ các Công Ước Quốc
Tế Liên Hiệp Quốc về nhân quyền v.v… nhìn lại lịch sử cộng sản Hà Nội
ký bao nhiêu hiệp định là bấy nhiêu bội ước.
Về cái sự “khôn
nhà dại chợ” của chính quyền cộng sản thì chẳng phải là điều gì mới mẻ.
Ngay từ những năm 1930 ông Hồ Chí Minh đã tự nguyện vác dân tộc ra làm
bia đỡ đạn cho chủ nghĩa cộng sản ở vùng Đông Nam Á trước súng đạn của
thế giới tự do rồi. Đến lúc lập ra nhà nước VN-DCCH ông Phạm Văn Đồng
lại “dại chợ” khi ký công hàm tự nguyện ký dâng cho Trung Cộng hai quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào ngày 14/9/1958.
Qua mấy vụ việc
nêu trên chúng ta thấy rằng, hiện nay chỉ có luật pháp quốc tế mới trị
nổi đảng cầm quyền quen xài “luật rừng” như họ. Cái giá phải trả cho
bài học sau đắt hơn bài trước. Thế mới biết số phận của những hạng
“khôn nhà dại chợ” là vậy, chỉ giỏi bắt nạt dân trong nước nhưng khi
đối đáp với thiên hạ lại chẳng bằng được ai bao giờ.
Tham khảo:
http://www.vnexpress.net/GL/The-thao/2005/01/3B9DA3C5/
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=142004&ChannelID=3