Theo Luật pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam:
(i) Cảnh cáo là hình phạt chính quy định tại Điều 28 và Điều 29 Bộ luật hình sự. Cảnh cáo phải do một bản án có hiệu lực của một Tòa án có thẩm quyền kết tội (Điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự);
(ii) Cảnh cáo là hình thức xử lý kỷ luật cán bộ, công chức theo quy định tại Điều 30 Pháp lệnh Cán bộ, Công chức. Việc kỷ luật đối với Cán bộ, Công chức phải được Hội đồng kỷ luật xem xét, đề nghị và Quyết định xử lý kỷ luật, phải do người có thẩm quyền ký theo đúng quy định của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ;
(iii) Cảnh cáo là hình thức xử phạt chính theo Điều 12 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Quyết định xử phạt (cho dù là áp dụng thủ tục xử phạt đơn giản theo Điều 54 của Pháp lệnh - tức người có thẩm quyền xử phạt không lập Biên bản và ra Quyết định xử phạt tại chỗ) cũng phải thể hiện bằng văn bản theo mẫu quy định (khoản 2 Điều 19 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ). Theo đó, Nghị định số 134/2003/NĐ-CP đã ban hành kèm theo mẫu Quyết định số 05 là Quyết định xử phạt vi phạm bằng hình thức phạt cảnh cáo về… theo thủ tục đơn giản.
Như
vậy, ông Nguyễn Thế Thảo không phải là Tòa án; không có quan
hệ cán bộ - công chức với Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt
và các linh mục, tu sĩ nhà thờ Thái Hà; lại cũng không ra
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt
cảnh cáo mà lại ra Văn bản cảnh cáo (Nguyên
văn của văn bản số 1437/UBND-NC ngày 23/9/2008 của Chủ tịch UBND
TP. Hà Nội gửi Hội đồng Giám mục Việt Nam ghi “Do vậy, Chủ
tịch UBND TP. Hà Nội đã có văn bản số
1370/UNBD-TNMT ngày 21/9/2008 cảnh cáo ông Ngô Quang Kiệt TGM giáo
phận Hà Nội và văn bản số 1407/UBND-NC ngày 22/9/2008 cảnh cáo
ông Vũ Khởi Phụng - LM Chánh xứ Thái Hà và các ông Nguyễn Văn
Khải, Nguyễn Văn Thật, Nguyễn Ngọc Nam Phong”) thì rõ là ông
Thảo đã chơi luật rừng.
Chưa
kể theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số
134/2003/NĐ-CP, nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính là: “cá
nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính khi có hành
vi vi phạm hành chính được quy định cụ thể trong các văn bản luật của
Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Nghị
định của Chính phủ. Các văn bản do Thủ tướng Chính phủ, các
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, UBND
ban hành để chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện xử lý vi
phạm hành chính và hình thức, mức xử phạt”.
Ông Thảo còn chơi luật rừng nặng hơn nữa khi yêu cầu “thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của các vị này ra khỏi giáo phận Hà Nội”. Bởi tôi không biết về Giáo luật, nhưng về Luật cư trú
(có hiệu lực từ 1/7/2007) Điều 3 quy định rõ: “Công dân có
quyền tự do cư trú…” và “cư trú là việc công dân sinh sống tại
một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức
thường trú và tạm trú” (Điều 1). Công dân có “Quyền lựa chọn,
quyết định nơi thường trú, tạm trú của mình…” (khoản 1 Điều
9). Cuối cùng, “Quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế
theo Quyết định của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và theo
trình tự, thủ tục do pháp luật quy định” (Điều 3). Và chỉ có
Tòa án mới có thẩm quyền áp dụng hình phạt cấm cư trú (theo
khoản 2 Điều 10). Rõ ràng ông Thảo đã chơi luật rừng,
còn nếu không thì ông Thảo đã vi phạm pháp luật về nơi cư
trú, hạn chế quyền tự do cư trú của công dân. Nghiêm trọng hơn,
ông Thảo đã phạm vào các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 8 Luật cư trú là: “tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, môi giới, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú khi yêu cầu Hội đồng Giám mục Việt Nam thuyên chuyển các vị này ra khỏi Giáo phận Hà Nội.
Viết tới đây, tôi chợt nghĩ thế sao Đức Tổng và các Cha không đi kiện ông Thảo nhỉ? Nhưng ngay sau đó, tôi lại tự trả lời: chắc là về phía Đức Tổng và các Cha thì đã “xin tha cho họ, vì họ chẳng biết việc họ làm” và chắc là “chẳng dại gì dây với hủi”. Còn về phía nhà nước thì chỉ giải quyết các vụ việc “nhân danh nước CHXHCNVN”, còn kiện ông Thảo chơi luật rừng thì sao mà xử?? Chẳng lẽ lại áp dụng “nhân danh luật rừng”???
Luật sư Đoàn Minh