28/09/2008
Đông Yên & Như Văn
“… có những diễn
biến cho thấy có sự thỏa hiệp với phía TQ, như ký kết hợp tác về kinh
tế với Quảng Đông. Như vậy phải chăng Trung Quốc cũng đang tiến hành
thỏa hiệp để tạo điều kiện cho phe bảo thủ ở VN chiếm lại vị trí thượng
phong?…”
Thư quốc nội
Các anh chị thân mến,
Vụ tranh chấp đất đai “Tòa Khâm Sứ-Thái Hà” bùng lên trong thời gian gần đây đã tập trung sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước, và che lấp một sự kiện hết sức quan trọng: Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại nơi tôi ở, Hội nghị đã tiến hành mấy ngày nay và chấm dứt vào chiều
ngày hôm qua - thứ sáu 26.9.2008. Ở gần địa điểm tiến hành Hội nghị, có
một số xe cảnh sát cơ động và có cả chó nghiệp vụ, như để đề phòng dân
biểu tình. Theo dõi các đài địa phương, tôi thấy Hội nghị cũng đã diễn
ra ở một số địa phương khác. Như vậy, Hội nghị giữa nhiệm kỳ của cấp
Trung ương cũng sẽ tiến hành trong những tháng cuối năm 2008.
Vấn đề cần đặt ra là:
tại sao Đảng cộng sản làm ồn ào vụ Tòa Khâm sứ - Thái Hà,
trong khi vụ việc này chỉ liên quan đến đồng bào Công giáo - một bộ
phận nhỏ trong nhân dân? Mặt khác, nếu không có vụ tập kết Cảnh sát cơ
động và máy móc để xây dựng công viên ở Tòa Khâm sứ thì mức độ tập
trung của đồng bào Công giáo cũng chưa cao. Khi tiến hành việc xử lý
cứng rắn vụ Tòa Khâm sứ - Thái Hà, Đảng thừa biết những phản ứng bất
lợi trong và ngoài nước. Vậy thì họ nhắm mục đích gì khi tiến hành kế hoạch này?
Theo ý kiến riêng của tôi, nếu đứng về phía lãnh đạo của Đảng Cộng sản
(nhất là phái bảo thủ), tiến hành Hội nghị giữa nhiệm kỳ vào lúc này họ
sẽ phải đối mặt với ba vấn đề lớn :
1- Khó khăn về kinh tế
2-Tranh chấp đất đai - nhất là vụ Tòa Khâm sứ - Thái Hà, và
3-Vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa.
Về khó khăn kinh tế, họ có thể đổ lỗi cho tình hình kinh tế thế giới.
Làm nổ bùng vấn đề Tòa Khâm sứ-Thái Hà, họ muốn tạo ra
một tình hình căng thẳng, y như có sự chống phá từ bên ngoài (người
Việt chống Cộng tại hải ngoại và Vatican), lấy đó làm cái cớ để tạo ra
sự đoàn kết nội bộ, đồng thời che lấp vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa -
nói rộng hơn là quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Cho đến nay vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa chưa được trao đổi cặn kẽ trong
các hội nghị Đảng, nhưng lần này nếu có một phái nào đặt ra trong
chương trình nghị sự thì họ rất khó giải quyết (nhất là công hàm của Cố
Thủ tướng Phạm Văn Đồng).
Làm bùng lên vấn đề Tòa Khâm sứ - Thái Hà, phe bảo thủ muốn đạt được mấy mục đích:
- Lái dư luận chung và sự chú ý của các đại biểu Hội
nghị vào những vấn đề khác, che giấu hoặc làm mờ nhạt vụ Hoàng Sa –
Trường Sa;
- Hạ uy tín ông Nguyễn Tấn Dũng và vô hiệu hóa các văn kiện đã ký kết với Hoa Kỳ;
nói đúng hơn là chỉ thực hiện những ký kết có lợi (như hiệp định về
giáo dục chẳng hạn) nhưng vô hiệu hóa những ký kết bất lợi – nhất là
khả năng hợp tác quân sự với Hoa Kỳ;
- Tạo ra một chứng cớ về âm mưu
diễn biến hòa bình, thậm chí bạo loạn để dọa nội bộ Đảng, tạo điều kiện
cho phe bảo thủ chiếm vị trí thượng phong trong bộ máy của Đảng.
Tiến hành Hội nghị trong lúc bên ngoài có sự bảo vệ của cảnh sát
cơ động, của chó nghiệp vụ,v.v… là cách tốt nhất để bịt miệng những đại
biểu ít nhiều có ý thức đấu tranh cho dân chủ. Đó là thủ đoạn quen
thuộc xưa nay của phe bảo thủ.
Gần đây, có những diễn biến cho thấy có sự thỏa hiệp với phía TQ, như
ký kết hợp tác về kinh tế với Quảng Đông. Như vậy phải chăng Trung Quốc
cũng đang tiến hành thỏa hiệp để tạo điều kiện cho phe bảo thủ ở VN
chiếm lại vị trí thượng phong? Muốn vậy, họ phải làm mờ nhạt vấn đề
Hoàng Sa - Trường Sa và nói chung là quan hệ Việt Nam –Trung Quốc, một
yếu tố có thể tạo ra sự đoàn kết giữa tất cả những người Việt Nam thuộc
mọi phe phái.
Các anh chị có cao kiến gì về vấn đề này?
Đông Yên
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
.Thư từ hải ngoại
Ngày 28.9.2008
Chào anh Đông Yên,
Không hẹn mà gặp! Nhiều ngày nay, tôi cũng có những ý nghĩ giống như anh, nghĩa là người ta đang cố giấu những điều gì đó!
Phải nói một cách rõ ràng rằng, trong tình hình Việt
Nam hiện nay, mọi hoạt động của nhà nước Việt Nam đều có sự chỉ đạo của
đảng Cộng Sản Trung Quốc, từ việc bắt ký giả Nguyễn Việt Chiến đến các
nhà dân chủ khác, v.v. và v.v..
Tại sao có sự đồng loạt bắt các nhà dân chủ một cách quy mô cùng một
lúc với những hoạt động phản dân chủ khác trong khi quốc hội Mỹ đã đưa
khuyến cáo đến chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC, mà lẽ
ra họ có thể trì hoãn những việc đó đến một thời gian khác thuận lợi
hơn? Rồi đến vụ giáo xứ Thái Hà, tòa Khâm sứ?
Tất cả chúng ta đều biết Trung Quốc là bậc thầy trong việc khích động,
khuấy rối các nước khác để dễ dàng thao túng các nước đó. Ngoài ra, xúi
giục nhà nước VN làm các việc trên trong thời điểm này, Trung Quốc bắn
một mũi tên mà nhắm đến 3-4 con chim cùng một lúc!
Trước hết, tất cả các nhà đấu tranh dân chủ đều là những người cương quyết chống tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Bắt
giam, hăm dọa, ám sát, dùng côn đồ tạo các tai nạn gây thương tích cho
những nhà dân chủ, trước hết làm giảm bớt lực lượng chống bành trướng
Trung Quốc, mặt khác làm cho họ và dân chúng chùn bước.
Hai là, những vụ đàn áp này
sẽ tạo cớ cho quốc hội Mỹ áp lực buộc chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào
danh sách CPC, nghĩa là vô hiệu hóa những thỏa thuận giữa chính phủ Mỹ
với VN vừa qua, mà quan trọng nhất là tuyên bố của tổng thống Bush là
Mỹ cam kết ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Chính điều sau này làm cho Trung Quốc rất phật ý.
Có lẽ chính phủ Mỹ cũng hiểu được điều đó, cho nên mặc dù có
khuyến cáo rất mạnh từ quốc hội, chính phủ Mỹ vẫn cương quyết không đưa
Việt Nam trở lại vào danh sách CPC, trong khi họ vẫn giữ Trung Quốc,
Miến Điện và một số nước khác trong danh sách này! Không những thế, Đại
sứ Mỹ còn tuyên bố tăng cường hợp tác với Việt Nam. Con số đầu tư của
Mỹ vào Việt Nam đã lên cao hơn bao giờ hết và trở thành một trong những
đầu tư hàng đầu của thế giới vào Việt Nam. Đại sứ Mỹ tuyên bố trong
khoảng 10 năm sẽ đào tạo cho Việt Nam 10,000 tiến sĩ, gia tăng viện trợ
của Mỹ trong vụ chất độc da cam, v.v...
Ba là, như mình vẫn lo ngại, người ta cố che giấu những điều gì
đó, chẳng hạn như việc ký kết hợp tác dò tìm và khai thác dầu giữa
Trung Quốc và Việt Nam,
việc xây dựng xa lộ Hà Nội – Lào Cay với tài trợ lớn
nhất của ODA. Phải nói rằng Việt Nam còn có nhiều công trình quan trọng
hơn đối với nền kinh tế quốc gia hơn là xa lộ Hà Nội – Lào Cay! Xa lộ này sẽ tăng cường quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, một quan hệ rất bất lợi cho Việt Nam về tất cả các mặt từ kinh tế, tài chánh đến khoa học, môi trường. Hơn nữa, tôi vẫn lo ngại rằng trước sau Trung Quốc cũng sẽ đánh chiếm Việt Nam bằng quân sự! Xa lộ này sẽ là đường cho xe tăng Trung Quốc tiến vào Hà Nội!
Và như anh vừa nói, người ta cố tình che giấu hội nghị giữa kỳ của đảng
Cộng sản Việt Nam. Trong hội nghị này phải chăng Đảng sẽ đề ra phương
hướng đặt ưu tiên hàng đầu trong việc thắt chặt bang giao với Trung
Quốc và giảm nhẹ bang giao với Mỹ và các nước khác?
Tôi còn lo ngại thêm một chuyện nữa là mấy lâu nay truyền thông, báo
chí trong và ngoài nước nói rằng thư của ông Phạm Văn Đồng bán Trường
Sa và Hoàng Sa cho Trung Quốc không được quốc hội Việt Nam phê chuẩn.
Nay Trung Quốc có thể buộc đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là ông Nông
Đức Mạnh áp lực quốc hội Việt Nam phê chuẩn thư của ông Phạm Văn Đồng
chăng?
Tôi vừa nghe Việt Nam lại bắt thêm hai ký giả nữa trong vụ PMU 18.
Đại khái đó là những điều mà tôi suy nghĩ trong những ngày vừa qua và viết vội để trao đổi với anh.
Thân chúc anh và bạn bè vui mạnh.
Như Văn
|