Nhìn
lại cuộc tranh chấp đất đai tại Toà Khâm Sứ cũ và tại Thái Hà những
ngày gần đây, tôi nhận thấy có vẻ chính quyền đã dùng kiểu giải quyết lưỡng bại câu thương, như tôi từng dự đoán trong bài viết Tử huyệt: gian dối.
Kiểu đánh đó trong võ công cũng còn gọi là kiểu đánh điên cuồng thí
mạng, tức là vào thời khắc quyết định sinh tử, kẻ tỉ võ sẽ thi triển
toàn bộ võ công của mình, do đó những yếu huyệt, những tử huyệt, những
sơ hở sẽ lần lượt bộc lộ, khiến kẻ khác dễ dàng nhận ra bản chất đích
thực của họ.
Bộ mặt lưu manh
Trang điện tử báo Hà nội mới ngày 25-9-2008 có bài nhan đề Khởi công XD công viên cây xanh 178 Nguyễn Lương Bằng.
Cái tiến trình từ đất đai tu viện thành đất đai của một công ti, rồi
lại thành đất phân lô chia chác, rồi bỗng một ngày được biến thành công
viên cây xanh trong bối cảnh tranh chấp hơn chục năm, đặc biệt là hơn
chín tháng qua đã được khá nhiều người nhận xét là một tiến trình không
bình thường. Thế nhưng đây là chuyện những người am hiểu thời cuộc có
thể lường trước được sau những gì đã diễn ra tại Toà Khâm Sứ cũ. Bài
báo đứng ngay ngắn trên trang báo của thành uỷ Hà Nội và có một tấm ảnh
minh hoạ tuyệt vời.
Bên dưới tấm ảnh trên đây, độc giả thấy dòng chữ sau đây: “Người dân tới xem bản quy hoạch được treo công khai trước cổng Cty May Chiến Thắng. Ảnh: T.Q” . Có gì lạ trong tấm hình này vậy? Độc giả thử nhìn vào tay chân của những “người dân” này
và hãy nghĩ đến chiến dịch khủng bố và đấu tố bằng đám côn đồ đối với
tu viện Thái Hà từ đêm 21 rạng ngày 22-9 thì sẽ thấy quả thực chính
quyền này đã không còn thiết che giấu bộ mặt lưu manh nham nhở của họ,
khi họ lôi đám dân anh chị, đám du thủ du thực từ trại cai nghiện ra
làm đội tiên phong.
Bộ mặt dối trá
Cho
tới nay, đã có rất nhiều bài viết vạch trần những thủ đoạn dối trá của
chính quyền và bộ máy truyền thông quốc doanh. Trong bài này, tôi không
muốn phí phạm thời giờ để khai triển đề tài đã được quá nhiều người nói
tới. Tôi chỉ xin được trích lại ý kiến về vấn đề này mà một đảng viên
cộng sản, nhà văn Nguyễn Khải, bộc bạch trong tập Đi tìm cái tôi đã mất, số 18:
“Người
cầm quyền cấp cao nhất và cấp thấp nhất đều biết cách nói mơ hồ, càng
nói mơ hồ càng được đánh giá là chín chắn. Và nói dối, nói dối hiển
nhiên, không cần che đậy. Vẫn biết rằng nói dối như thế sẽ không thay
đổi được gì vì không một ai tin nhưng vẫn cứ nói. Nói đủ thứ chuyện,
nói về dân chủ và tự do, về tập trung và dân chủ, về nhân dân là người
chủ của đất nước còn người cầm quyền chỉ là nô bộc của nhân dân. Rồi
nói về cần kiện liêm chính, về chí công vô tư, về lý tưởng và cả quyết
tâm đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Nói dối lem lém, nói dối
lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ vì người nghe không có
thói quen hỏi lại, không có thói quen lưu giữ các lời giải thích và lời
hứa để kiểm tra. Hoặc giả hỏi lại và kiểm tra là không được phép, là
tối kỵ, dễ gặp tai hoạ nên không hỏi gì cũng là một phép giữ mình.
Người nói nói trong cái trống không, người nghe tuy có mặt đấy nhưng
cũng chỉ nghe có những tiếng vang của cái trống không. Nói để giao tiếp
đã trở thành nói để không giao tiếp gì hết, nói để mà nói, chả lẽ làm
người lại không nói. Thật ra nói thế mà vẫn hiểu nhau cả. Người cầm
quyền thì biết là nhân dân đang rất bất bình về nhiều chuyện, nhân dân
thì biết người cầm quyền đang nói dối, nhìn vào thực tiễn là biết ngay
họ đang nói dối. Nhưng hãy mặc họ với những lời lẽ dối trá của họ, còn
mình là dân chả nên hỏi lại nói thế là thật hay không thật. Mình cứ làm
theo ý mình và mình cũng sẽ nói dối, nói che đậy nếu như có dịp được
người cầm quyền hỏi.”
Nhưng thiết tưởng những gì Nguyễn
Khải nói trên đây cũng chỉ mới là một “cách nói mơ hồ”, mới chỉ nói
được một phần rất nhỏ của cả một guồng máy xã hội đã được xây trên sự
dối trá, được vận hành cũng bằng sự dối trá. Đến nỗi dối trá trở thành
nguyên tắc ứng xử, thành yếu tố quyết định sinh tồn trong xã hội!
Bộ mặt CON người
Nhân bài phát biểu của Tổng Giám Mục Hà Nội tại Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội ngày 20-9-2008, đội ngũ chó nghiệp vụ
đã được huy động hết công suất để cắt xén và tuyền truyền cho một chiến
dịch kích động mang mầu ái quốc, với dáng dấp của những cuộc đấu tố của
hơn nửa thế kỉ trước. Hơn lúc nào hết, người hiểu biết lại có thêm cơ
hội xem màn trình diễn nhào lộn của đám “bán miệng nuôi trôn” . Có nhiều người đã đặt câu hỏi về lương tâm, về đạo đức nghề nghiệp của cái đám người vô xỉ trơ tráo đó.
Cách
đây khoảng một năm, nhân một bài viết về vụ xập cầu Cần Thơ, tác giả
Diễm Hương đã nói về tình trạng tệ nạn xã hội và tội phạm lan tràn, đạo
đức trượt dốc thê thảm, để rồi đặt câu hỏi: “Cho nên tôi đành phải
đặt một câu hỏi khác theo hơi hướng của ngành tin học là vấn đề của xã
hội Việt Nam hiện nay chỉ là lỗi ở một vài phần mềm hay là lỗi hệ
thống? Nếu lỗi chỉ nằm ở một vài phần mềm thì thật may phúc vì có lẽ ta
chỉ cần chút thời gian sửa chữa, còn nếu là lỗi hệ thống thì theo tôi
có lẽ phải cài đặt lại toàn bộ.”
Cũng trong bài viết kể trên, tác giả đã nói đến trách nhiệm của một hệ thống giáo dục khi nói rằng: “Nhìn
xa hơn một chút, theo tôi, vấn đề là hệ thống giáo dục Việt Nam hiện
nay không có khả năng đào tạo ra những con người với lương tâm và trách
nhiệm trưởng thành.”
Tôi nghĩ rằng trọng tâm của vấn đề
nằm ở đó. Hệ thống xã hội đã khiến dối trá trở thành nguyên tắc ứng xử
có tính sống còn và hệ thống giáo dục đào tạo ra những con người vô
trách nhiệm với bản thân và xã hội, không có khả năng suy nghĩ độc lập,
mà chỉ biết sống theo, nói theo chỉ đạo của ai đó. Điều đó khiến cho cả
hệ thống xã hội trượt dốc thê thảm, vì trong mọi ngành nghề, mọi lãnh
vực xã hội, người ta đều cư xử dối trá và vô trách nhiệm. Nhìn vào xã
hội Việt Nam hiện nay, ta không khó nhận ra hiện trạng thê thảm đó.
Trong một bối cảnh như thế thì thiết tưởng việc đặt vấn đề về lương tâm hay đạo đức nghề nghiệp
là chuyện thừa thãi xa xỉ. Khi phần CON trong con người đã được vỗ béo
tối đa, còn phần NGƯỜI bị bóp nghẹt hết mức, thì cái kiểu hùa theo đám
đông, kiểu sủa theo bầy đàn có định hướng, có khoanh vùng đâu phải là chuyện gì khó hiểu.
Vụ
việc Toà Khâm Sứ cũ và giáo xứ Thái Hà đã bước qua một giai đoạn mới,
cũng sẽ không kém phần cam go và căng thẳng. Việc những ai đó đã không
thể chia lô bán chác hai khu đất đã là thắng lợi bước đầu của người
Công giáo Hà Nội. Thiết tưởng những ai đó nghĩ rằng vụ việc sẽ sớm kết
thúc, là đã có cái nhìn hơi quá lạc quan. Nhưng mặt thật của một nhóm
người dám làm mọi chuyện, bất chấp tất cả, đã dần dần lộ rõ.
Dù
sao, qua hai vụ việc này, tôi thấy rằng giới Công giáo cũng là một tập
thể đoàn kết và khá đông đảo. Vậy mà thời gian qua họ cũng chịu đủ mọi
hình thức vu khống, khủng bố và đàn áp bỉ ổi của một chính quyền luôn
nói tới pháp luật, nhưng lại cứ ngồi chồm hổm trên pháp luật. Thế thì
những dân oan cô độc sẽ phải chịu những oan khiên và những trò bỉ ổi
khủng khiếp đến mức nào trên con đường độc hành đi tìm công lí của họ?
Nếu
phải tìm một cái tên cho những trò hề mà chính quyền Hà Nội đã diễn
trong vụ Toà Khâm Sứ cũ và Thái Hà, tôi sẽ không ngần ngại gọi đó là SỰ
ÁC, SỰ DỮ, đó là BỘ MẶT CỦA QUỈ DỮ.
Hoàng Cúc