Thời gian qua, chắc chắn rất nhiều người trong Giáo Hội và ngoài Giáo Hội, ở trong nước và ở nước ngoài nôn nóng chờ đợi một lập trường chính thức của các Giám mục Việt Nam về tình hình căng thẳng hiện nay liên quan đến vụ việc Toà Khâm sứ cũ (số 42 phố Nhà Chung) và giáo xứ Thái Hà (số 178, Nguyễn Lương Bằng) ở Hà Nội, nhất là khi biết Hội Đồng Giám Mục nhóm họp tại toà Giám mục Xuân Lộc từ 22 đến 26/9/2008. Thì đúng như chờ đợi, các Giám mục đã công bố bản “Quan điểm về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay”, đề ngày 25/9/2008.
Đó là những vấn đề nào? Trong phần I nói về Tình Hình, các Giám mục nêu lên ba vấn đề:
- tình trạng khiếu kiện đất đai kéo dài và chưa được giải quyết thoả đáng, cũng như sự bất cập của luật về đất đai trước đà biến chuyển trong đời sống xã hội, dù đã được sửa đổi nhiều lần ;
- sự thiếu tôn trọng sự thật của các phương tiện truyền thông khi đưa tin về những vụ tranh chấp đang trong tiến trình giải quyết, do đó gây ra hoang mang và nghi kỵ. Nhìn bao quát hơn, sự gian dối đang tràn lan trong nhiều lãnh vực, kể cả lãnh vực giáo dục;
- một số người có khuynh hướng sử dụng bạo lực trong tiến trình giải quyết những xung đột nói trên và nhiều vụ việc khác, và như thế, tạo thêm bất công trong xãhội.
Trong phần II nhan đề Quan Điểm, các Giám mục đưa ra những đề nghị cụ thể liên quan tới ba vấn đề nêu trong phần I. Ở đây tôi chỉ xin đưa ra một nhận xét chung trước khi phân tích kỹ hơn đề nghị thứ 1 về đất đai.
Chắc Hội Đồng Giám Mục đã khởi đi từ vấn đề rất cụ thể và nóng bỏng liên quan trực tiếp tới mình là vụ việc đất đai ở Hà Nội. Nhưng thay vì tập trung vào đó, các Giám mục đã nhìn rộng ra, đặt vấn đề riêng vào tình hình chung, có thể nói là nâng vấn đề lên ở mức cao hơn, và do đó các giải pháp đề nghị sẽ mang tính nguyên tắc để có thể giải quyết các vấn đề một cách lâu dài và triệt để, thay vì đối phó hoặc chỉ giải quyết lẻ tẻ từng vụ việc. Khi làm như thế, các Giám mục mong muốn góp phần mình vào việc việc “phát triển đất nước cách ổn định và vững bền”. Đây quả thực là một “quan điểm” rất hay vì qua vụ đất đai ở Hà Nội, chắc đã có nhiều người phê bình Giáo Hội ta chỉ loay hoay lo cho mình, và chỉ tỏ ra “dấn thân” khi quyền lợi của mình bị đe doạ. Trong các đề nghị của mình, các Giám mục vận dụng tới giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công giáo.
Vì thế riêng về vấn đề đất đai, các ngài không có “ý kiến” trực tiếp về “trường hợp Hà Nội” mà đặt trường hợp này vào “tình trạng khiếu kiện đất đai kéo dài và [vẫn] chưa được giải quyết thoả đáng” tại nhiều nơi. Đất đai của các tôn giáo nói chung và đất đai của Giáo Hội Công Giáo nói riêng, cụ thể là Toà Khâm sứ cũ và giáo xứ Thái Hà cũng nằm trong tình trạng chung đó. Không có hướng giải quyết căn cơ vấn đề đất đai nói chung thì dù có giải quyết được một số vụ việc riêng lẻ nào đó, vấn đề tranh chấp khiếu kiện sẽ lại cứ nảy sinh. Chỉ cách nay mươi ngày thôi, khi đi ngang qua trước dinh Thống Nhất (dinh Độc Lập cũ), tôi còn thấy một số nông dân miền Tây căng biểu ngữ ngồi đòi “công lý” cho họ về chuyện đất đai.
Nguyên tắc căn cơ để giải quyết, theo các Giám mục, là sửa đổi luật đất đai trong tinh thần quan tâm tới quyền tư hữu của mọi người. Rõ ràng đây là điểm then chốt. Trong vụ việc ở Hà Nội, ta thấy quan điểm của chính quyền là: "đất đai là sở hữu chung của toàn dân và do Nhà Nước quản lý”, còn Toà Tổng Giám mục và Dòng Chúa Cứu Thế lại quả quyết rằng những khu đất liên quan là thuộc quyền sở hữu của mình. Nhà Nước nói: anh cần, anh cứ làm đơn xin, tôi sẽ cứu xét, không có vấn đề đòi trả lại vì theo luật pháp, anh đâu có quyền sở hữu đất đai! Rõ ràng hai quan điểm hoàn toàn đối chọi nhau, không có cách nào hoà hợp, trừ ra khi cố gắng giải quyết kiểu “thông cảm”. Khi HĐGM đưa ra đề nghị trên, tôi nghĩ các ngài đã nhấn mạnh mấy điểm sau đây.
Về thực tế, đất đai là vấn đề gây ra khiếu kiện nhiều nhất, vấn đề bức xúc nhất đối với người dân, cũng là lãnh vực xem ra có nhiều tiêu cực nhất và có nhiều cán bộ vào tù nhất. Về thực tế, còn có tình hình là Nhà Nước xem ra rất lúng túng, mỗi lần sửa đổi thì có ít nhiều tiến bộ trong việc đáp ứng tức thời tình hình xã hội lúc đó, nhưng ít lâu sau lại tỏ ra bất cập, không theo kịp biến chuyển trong xã hội. Có lúc, người ta đã từng nói tới giải pháp sổ xanh, sổ hồng bên cạnh sổ đỏ… Về thực tế, các Giám mục còn gợi ý rằng việc sửa đổi luật đất đai theo hướng nhìn nhận quyền tư hữu là một nhu cầu khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào nhịp sống quốc tế, mà tuyệt đại đa số các nước đều nhìn nhận quyền này. Còn về nguyên tắc, quyền tư hữu đã được Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948, số 17, long trọng nhìn nhận là một quyền tự nhiên, một quyền của con người.
Dĩ nhiên vấn đề lớn nhất ở đây đối với Nhà Nước có lẽ là vấn đề nguyên tắc của riêng chế độ cộng sản: đất đai là của chung. Nhưng tôi xin mạo muội gợi ra vài ý để suy nghĩ.
Nói rằng nguyên tắc này thuộc về bản chất của chế độ nên không thể thay đổi, thì xin hỏi: tại sao có những nguyên tắc mà thời bao cấp, Đảng coi như “bất khả xâm phạm”, nhưng vào thời Đổi Mới vẫn được thay đổi để đáp ứng tình hình phát triển mới của đất nước. Một nguyên tắc rất căn bản của lý luận mác-xít là lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn đánh giá chân lý (sự đúng đắn) của lý thuyết. Những thay đổi gọi là “đổi mới” nói trên đã chứng tỏ là đúng vì được thực tiễn xác nhận. Như thế, lý thuyết được đề ra không phải vì lý thuyết nhưng để phục vụ lợi ích thực tế của nhân dân, của dân tộc. Theo tinh thần của Marx, thì không có gì bất di bất dịch, kể cả tư tưởng của ông. Một nguyên tắc mà khi áp dụng cứ liên miên gây ra bất công và bất mãn nơi người dân như nguyên tắc về đất đai, hỏi có phải là một nguyên tắc được thực tiễn xác nhận không?
Tôi thiển nghĩ có lẽ do lòng khiêm tốn mà các Giám mục đã gọi các suy nghĩ của mình là “quan điểm”, nhưng cũng có thể coi đó là những lập trường. Dù sao chăng nữa, mấy đề nghị của các ngài là chân thành, tích cực và xây dựng, nếu được chính quyền quan tâm đúng mức, chắc sẽ góp phần vào sự phát triển đất nước ta bền vững, ổn định và mau lẹ hơn nữa.
28.9.2008