Thứ Ba, 2024-11-05, 8:55 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Chín » 30 » Góp sức vì biển Đông
9:17 PM
Góp sức vì biển Đông
 Trần Khải


Tự do và dân chủ là ước mơ đẹp nhất của nhân loại. Đặc biệt, cuộc chiến vì dân chủ đa nguyên đa đảng cho toàn dân Việt Nam đã phức tạp hơn so với rất nhiều nước khác trong khu vực Châu Á, trong bối cảnh sau một cuộc nội chiến kết thúc với dị biệt ý thức hệ, với các định kiến vướng mắc tôn giáo, rồi với cuộc chuyển hướng chính sách kinh tế hoạch định sang kinh tế thị trường, đan xen trong đó là ám ảnh về nỗi lo mất đất mất đảo về tay đàn anh Phương Bắc.

Lằn ranh Nam Bắc đã xóa nhòa hơn ba thập niên trước, nhưng vẫn còn lưu giữ những tâm thức của người thắng kẻ thua, của cai tù và kẻ tù binh. Bất kể là chính phủ Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã chấp nhận mở cửa đổi mới kinh tế và đời sống nhiều thành phần dân chúng đã đỡ khổ hơn, nhưng các vết hằn độc tài đảng trị vẫn còn, cho dù bàn tay đã nới bớt gọng kềm.

Cuộc chiến vì dân chủ cho quê nhà đã và đang được nhiều thành phần dân tộc vận động trong nhiều cách riêng. Nhưng, nếu theo chủ trương “dân chủ tiệm tiến” kiểu Đại Sứ Mỹ Micahel Michalak đề ra, rằng giáo dục là con đường ưu thắng và ông hy vọng hai thập niên nữa sẽ có 75% cán bộ trong nội các chính phủ CSVN là người tốt nghiệp các đại học ở Mỹ về, thì hiển nhiên lại là quá “lạc quan tếu,” và tất sẽ chậm trễ so với bước tiến của toàn thế giới; thêm nữa, không chắc gì chính phủ tương lai của các ông tiến sĩ từ Mỹ về đó đã chịu thay đổi nếu không có áp lực khác. Bởi vì nếu không bị thúc ép, sẽ không nhà nước nào chịu thay đổi.

Câu hỏi là: áp lực khác là gì, và ở đâu?

Các đảo trong quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Scarborough Shoal và vùng biển trong các hình tròn 12 hải lý chung quanh mỗi đảo không được chia cho nước nào cho tới khi tranh chấp chủ quyền đảo được giải quyết.
Nguồn: Dương Danh Huy
Cuộc chiến ý thức hệ của hai miền Nam Bắc đã kết thúc rồi. Bây giờ phải là cuộc chiến dân chủ của toàn dân. Nhưng làm sao cho toàn dân ý thức về nhu cầu dân chủ? Và phải cần ý thức mạnh tới mức người dân muốn bắt tay hành động để đòi hỏi dân chủ…

Điều chúng ta thấy rằng, nếu các vận động, hay phong trào chỉ thuyết phục được một thành phần dân chúng, thì sẽ rất khó thành công, và nếu thành công thì chỉ được nhà nước CSVN nhượng bộ cho từng mảng. Nơi đây, chúng ta có thể nhìn khái lược về các phong trào quần chúng trong thời gian vài năm qua, khi đã có phương tiện truyền thông Internet, chúng ta thấy nổi bật có các cuộc vận động của dân oan, của công nhân đình công, của trí thức lên tiếng (cao điểm là Khối 8406) và gần nhất là của phong trào cầu nguyện của giáo dân Hà Nội.

Thực tế, cả thế giới đều biết là các cuộc biểu tình đơn giản như thế sẽ không làm lay chuyển chế độ. Nhưng như dường, nếu không biểu tình, thì nhà nước sẽ cứ tà tà vui chơi như không có gì. Biểu tình rầm rộ, chấn động như Miến Điện, Tây Tạng còn không suy suyển gì. Thậm chí, dân Thái Lan vào chiếm cả tòa nhà chính phủ, mọi chuyện vẫn thế. Thế cho nên, các phong trào quần chúng vừa nói ở Việt Nam chỉ thuần túy là vì dân chịu hết nổi, mới xuống đường lên tiếng.

Đầu tiên, phong trào dân oan mấy năm qua, khi lên cao điểm có thể chỉ là 500 hay 1.000 người, và cũng không thể lôi kéo các thành phần khác tham gia được. Tất cả các nhà dân chủ khi góp sức giúp dân oan, như bà Trần Khải Thanh Thủy ở Hà Nội, hay ông Trương Minh Đức ở Kiên Giang đều bị công an gài bắt với các tội danh khác, thường nhất là sử dụng bản án mơ hồ “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” Phong trào dân oan vì quyền lợi mà kết thành, và đã tan rã đa số phần vì khiếu kiện quá mệt mỏi, và số còn lại thì vì được chút ít đền bù…

Phong trào công nhân đình công cũng đã các nhà dân chủ chú ý, nhưng hỗ trợ tinh thần là chính. Thực tế, các nhà dân chủ không vận dụng được công nhân, cho dù là ông Phương Nam Đỗ Nam Hải có tới đứng xem và chụp hình trước một cổng vào hãng xưởng, nơi nhiều ngàn công nhân đình công để đòi tăng quyền lợi. Phòng trào công nhân đình công lan rộng nhanh chóng, nhưng cũng từng mảng êm lại nhanh chóng, ngay sau khi giới chủ nhân nhượng bộ. Một số lãnh đạo trẻ trong giới công nhân đã có ý thức về dân chủ, và tự động thành lập tổ chức trong đó nổi bật là anh Nguyễn Tấn Hoành, một công nhân bảo trì máy dệt - anh Hoành và một số bạn hữu thành lập Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam để đòi quyền lợi cho công nhân và nông dân, nhưng đã bị công an bắt ngày 13/11/2006, đánh đập, và đưa ra tòa kêu án tù.

Hai phong trào dân oan và công nhân đình công đã xen vào trong một bối cảnh lớn của toàn quốc: nhu cầu dân chủ đã giúp thành lập Khối 8406, tổ chức đầu tiên minh danh, công khai hoạt động để đòi dân chủ cho cả nước VN. Trong khi dân oan và công nhân đình công thu hẹp trong đòi hỏi quyền lợi và công bằng, thì Khối 8406 đã nâng lên một dấu mốc lịch sử: đòi hỏi dân chủ đa nguyên đa đảng. Phong trào 8406 là tác nhân để một loạt các tổ chức dân chủ khác xuất hiện, minh danh và công khai: ông Hoàng Minh Chính tái lập Đảng Dân Chủ, ông Nguyễn Thanh Giang cho ra đời báo Tổ Quốc, sinh viên Nguyễn Tiến Trung thành lập Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ, và nhiều tổ chức dân chủ khác, cả công khai và bí mật. Nhưng các tác nhân chính đã liên tục bị cô lập, bao vây… Những người có ký tên trong Khối 8406 và các thân hữu đều trở thành đối tượng bị công an trù dập. Linh Mục Nguyễn Văn Lý đang lãnh án tù, sau khi giúp thành lập Đảng Thăng Tiến. Nguyễn Tiến Trung bị bắt lính khi học xong về nước. Nguyễn Chính Kết bị truy bức, phải chạy ra hải ngoại. Đỗ Nam Hải, Trần Anh Kim, và nhiều người khác đều bị công an bám sát. Bởi vì phương tiện thông tin thường dùng nhất của Khối 8406 là Internet, cho nên Khối này và các thân hữu hầu hết là giới trí thức.

Nhìn lại cả ba vận động trên, phong trào dân oan bị đánh tỉa, phong trào công nhân được xoa dịu từng mảng, và phong trào trí thức đã bị cô lập từng người. Cuộc chiến dân chủ phải dựa vào ai, khi người dân bình thường phải chạy đua với cuộc sống cơm ăn áo mặc cấp thiết hàng ngày? Thêm nữa, nhiều người sẽ suy nghĩ: kiếm sống bây giờ đỡ hơn mấy năm trước nhiều, thôi cũng đành chịu sống với quyền lực chuyên chế CSVN cũng như tai trời mưa lũ vậy…

Nhìn cho kỹ, âm ĩ giữa nhiều thập niên qua đã có nhiều bất mãn trong giới hoạt động tôn giáo. Tất cả những nhân vật mang tính biểu tượng lớn đều bị cô lập, đánh tỉa, hay gây chia rẽ. Duy nhất, Công Giáo mang tính kỷ luật thuần nhất hơn các tôn giáo khác, không bị tan rã hay đổi tên, tuy là đã bị tịch thu nhiều cơ sở và gây khó dễ trong việc phát triển. Chuyển biến gần nhất là, Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt của Tổng giáo phận Hà Nội khởi động phong trào cầu nguyện đòi đất Tòa Khâm Sứ (từ năm ngoái) và nhà thờ giáo xứ Thái Hà. Tuy một số bài viết trên nhiều mạng Công Giáo hải ngoại hy vọng rằng phong trào cầu nguyện, có người còn gọi là phong trào giáo oan, sẽ làm chế độ CSVN tan rã như ở Ba Lan, hay Liên Xô… Nhưng thực tế, Tổng Giám Mục chỉ nói đây là “vì công lý và hòa bình.” Và cũng thực tế, nếu được đối thoaị là may lắm.

Điều bất lợi thấy rõ, phong trào cầu nguyện này không lôi cuốn được các thành phần dân chúng khác, hoặc có thì vẫn không nhiều. Người dân Việt trong và ngoài nước đại đa số đều dễ dàng lên tiếng ủng hộ các phong trào dân oan, công nhân, và cả Khối 8406. Nhưng phong trào cầu nguyện này có tính cá biệt, dù được nhiều thành phần giáo dân, dân chúng, và đặc biệt những người biết thông tin qua mạng ủng hộ, nhưng con số 5.000 hay 10.000 người ra phố cầu nguyện quả là không nhiều khi so với dân số nhiều triệu người ở Hà Nội. Nhưng dù vậy, đó vẫn là con số xuống đường đông nhất trứơc giờ trong nhiều thập niên. Ít nhất, đây cũng là một thành công có tính biểu tượng dưới chế độ độc tài toàn trị.

Điều bất lợi nữa, là nhà nước CSVN ở trong một cương vị: không dám trả đất trong một hình thức trở thành tiền lệ. Không chỉ riêng cho Công Giáo, mà rồi cả các tôn giáo khác. Thêm nữa, bởi vì tài sản Giáo Hội Công Giáo bị tịch thu nhiều vô kể. CSVN tất nhiên là không muốn trả. Như vậy, có cách nào đấu tranh đòi đất, mà nhà nước CSVN có thể sẽ chấp nhận đối thoại hay không? Và có cách nào Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt khởi động phong trào cầu nguyện mà tiên đoán rằng CSVN sẽ nhượng bộ, thay vì đưa tiểu đoàn “Hồng Vệ Binh” tới quậy phá hay không?

Nếu không tạo được một xúc động lớn cho toàn dân, có lẽ tất cả các phong trào rồi sẽ bị nhà nước CSVN phân tán, đánh tỉa, gây chia rẽ và làm mất sức. Vì không một thành phần dân chúng nào có thể khởi động được năng lực toàn dân cả. Chỉ trừ cảm xúc bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải. Đây là một cảm xúc lớn, có sức mạnh nối kết toàn dân để gìn giữ cõi bờ.

Thực tế đã thấy: dân oan và công nhân chỉ khiếu kiện và đòi quyền lợi, chứ không (và lúc đó thì chưa có chuyện TQ vẽ bản đồ Biển Đông lúc sắp tổ chức Thế Vận 2008) để ý tới Biển Đông, Hoàng Sa hay Trường Sa. Còn một thực tế nữa, Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt lại không thể bàn thêm chuyện Biển Đông, vì chỉ sẽ vỡ chuyện thêm, vì thành ra chính trị hóa việc đòi đất. Trong khi đó, Khối 8406 và các thân hữu đã khởi động nhiều hoạt động dựa vào cảm xúc lớn về lãnh thổ, lãnh hải. Và hậu quả là công an đàn áp bi thảm. Các trường hợp nặng nhất, là anh Điếu Cày đã bị án tù, và chị Phạm Thanh Nghiên đã bị bắt, có thể sẽ bị đưa ra tuyên án tù.

Nếu thực sự, nhà nước CSVN không để mất đất, mất biển, tại sao lại đàn áp những người đòi lên tiếng về Hoàng Sa, Trường Sa? Hay phải chăng, nhà nước CSVN ý thức rằng các phong trào khác dễ dàng bị giải tán, nhưng chuyện giữ đất, giữ đảo không thể bưng bít hay mua chuộc cho toàn dân im tiếng được?

Ông Lê Công Phụng, Đại sứ CHXHCNVN tại Mỹ, vừa trả lời phỏng vấn về vấn đề biên giới lãnh hải với Trung Quốc. Cuộc phỏng vấn do nhà báo Lý Kiến Trúc, chủ nhiệm tạp chí Văn Hóa, thực hiện, và phần ghi âm đã phát trên đài Á Châu Tự Do RFA hôm 25/09/2008. Trong cuộc phỏng vấn, ông Phụng nói rằng các hiệp định biên giới mà ông ký (lúc đó, ông Phụng là Thứ Trưởng Ngoại Giao CSVN) là chỉ có lời thêm đất, chứ không mất đất hay mất đảo tí nào.

Điều chúng ta thắc mắc: có thực là Trung Quốc chịu “lì xì đất cho đàn em”, chịu mất đất, mất đảo cho VN qua các hiệp định đó hay không? Có vẻ như ông Lê Công Phụng đang thanh minh thanh nga, mà dân chúng không ai tin. Tác giả Trần Đông Đức ngay lập tức đã phổ biến một bài phản bác lý luận của ông Lê Công Phụng.

Nhà nước CSVN cần thấy rằng, vấn đề Biển Đông nhạy cảm hơn bất kỳ phong trào nào đã khởi động ở trong nước, và đây cũng là cơ hội lớn để nhà nước có thể làm hòa với toàn dân, trong một cách giữ gìn sức mạnh cho toàn dân, mà không phải đối đầu, mà không làm suy yếu bất cứ thành phần nào trong dân chúng.

ĐS CHXHNVN tại Mỹ, Lê Công Phụng
Nguồn: vietnamembassy-usa.org
Xin đề nghị, ông Lê Công Phụng nên gửi bản văn về nhà nước CSVN, nói rằng nhu cầu đoàn kết toàn dân không có cách gì hơn là mời dân cùng tham gia gìn giữ Biển Đông. Cần lập Ủy Ban Biển Đông, trong đó mời các học giả nhiều thành phần tham gia, trong đó có các sử gia trong Hội Sử Học Hà Nội và các nhà trí thức ở hải ngoại. Trước tiên, cần trả tự do tức khắc cho những người bị bắt vì vấn đề Biển Đông, như anh Điếu Cày và chị Phạm Thanh Nghiên, và mời cả 2 người vận động dân chủ này cùng với nhiều vị trong Khối 8406 vào góp ý trong Ủy Ban Biển Đông. Công việc của ủy ban là nghiên cứu hồ sơ Biển Đông, nhưng thực tế sẽ nên là bước đầu làm nơi nghiên cứu, tham vấn về hướng phát triển chung cho toàn dân, và định rõ một lộ trình dân chủ, bởi vì nếu không cam kết thực hiện dân chủ, sẽ không có tham gia hết sức từ phía người Việt hải ngoại. Và nếu không có sức người hải ngoại, nhà nước sẽ khó vận dụng sức quốc tế để gìn giữ Biển Đông.

Nếu Ủy Ban này làm được cuộc đối thoại bàn tròn một cách tốt đẹp, về lâu dài sẽ có những hồ sơ khác góp ý được. Trong đó, các hồ sơ dân oan, công nhân, Phật Giáo, Công Giáo… đều sẽ được góp ý, nằm trong các cuộc thảo luận về phát triển tương lai.

Đứng trước nguy cơ mất đất, mất biển hiện nay, nếu nhà nước CSVN không mở các hướng đi đột phá để toàn dân đoàn kết, thì sẽ khó tìm được cơ hội khác… Hãy trả tự do cho các tù nhân chính trị và mời vào một ủy ban tham vấn về phát triển như thế, đó là hướng đi ngàn xưa của Hội Nghị Diên Hồng.

Hãy nhìn về tương lai, rồi sẽ tìm được cách tháo gỡ các vướng mắc quá khứ, và sẽ vượt được các trở ngại hiện tại.

Chuyện đơn giản là: nếu nhà nước CSVN không chịu nhượng bộ chấp nhận đối thoại đa nguyên, làm sao có thể toàn dân sẽ một lòng như thời Hội Nghị Diên Hồng?
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 924 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 545
Khách: 545
Thành Viên: 0