Thứ Năm, 2025-01-02, 11:41 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 1 » Bàn về trách nhiệm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
1:25 PM
Bàn về trách nhiệm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Nhân tìm hiểu vụ việc xảy ra ở Tòa Khâm sứ và giáo xứ Thái Hà, một người bạn cho tôi đọc bài của Tiến sĩ Âu Dương Thệ nhan đề “Nguyễn Tấn Dũng lại đã tự đánh mất uy tín và chỉ còn là hình bóng của nhóm cầm đầu bảo thủ và độc tài!”(http://www.doi-thoai.com/baimoi0908_413.html), được in lại từ mạng Internet. Tôi đã cất công đem bài này đến thỉnh giáo một vị cán bộ hưu trí, một người đã trải qua “hai mùa kháng chiến” và từng sống lâu năm ở thủ đô nên am hiểu khá rõ tình hình nội bộ của Đảng cộng sản. Sau đây là ý kiến của vị cán bộ khả kính đó :

“Bài viết này đúng về mặt hình thức, nhưng chưa đúng về mặt thực chất. Bởi vì trong một chế độ toàn trị, chức Thủ tướng không đóng vai trò quyết định, mà có thể chỉ xếp vào hàng thứ ba, thứ tư gì đó trong Bộ chính trị, như trước đây Võ Văn Kiệt lép vế so với Đỗ Mười, Lê Đức Anh.

Cứ theo giả thuyết là ông Nguyễn Tấn Dũng muốn đổi mới, muốn làm một cái gì đó. Nhưng nếu ông ta chỉ là Thủ tướng thì cũng chẳng làm được gì, vì ở Việt Nam hiện nay, hiến pháp hay pháp luật cũng chỉ là trên giấy tờ, còn thực tế thì quyền quyết định vẫn ở trong tay Đảng. Nếu ông Dũng không có người khác trong Bộ chính trị hỗ trợ thì lệnh của ông ta cũng chỉ là lời nói gió bay. Ngay ông Phạm Văn Đồng hay ông Võ Văn Kiệt lúc còn tại chức còn không có quyền gì huống hồ ông Dũng?

Tình hình này có thể cũng hơi giống thời ông Võ Văn Kiệt. Để chia rẽ ông Kiệt với phái cấp tiến, phái bảo thủ bắt ông Nguyễn Hộ, khiến ông Kiệt mất uy tín với ông Hộ (vì đã hứa bảo vệ ông Hộ mà không bảo vệ được). Để hù dọa ông Kiệt, phái bảo thủ bắt giam Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu vì tội “làm lộ bí mật Nhà nước” (tức bài phát biểu nội bộ của ông Võ Văn Kiệt trước Bộ Chính Trị); làm việc này vừa trấn áp được phe cấp tiến vừa dọa được ông Kiệt. Sau đó, dùng thế đa số, họ ép ông Kiệt ký 31/CP để chia rẽ ông Kiệt với phái cấp tiến (Trần Độ và các trí thức cấp tiến), vừa ép ông Kiệt ký nghị định thành lập Tổng cục II để chia rẽ ông này với phái ông Võ Nguyên Giáp. Ông Kiệt tuy là Thủ tướng phải ký đủ thứ nhưng thực ra tất cả những thứ đó đều là sản phẩm của phái bảo thủ. Vì vậy, cho đến lúc chết, ông Kiệt vẫn còn bị vướng mắc với phong trào dân chủ. Trong Bộ chính trị, khi biểu quyết theo đa số thì thiểu số phải phục tùng; đó là điều khó gỡ nhất đối với những ai muốn đổi mới cơ chế của Đảng Cộng sản.

Bây giờ đến lượt ông Nguyễn Tấn Dũng. Trong tất cả những nhân vật miền Nam nắm các chức vụ quan trọng, xem ra chỉ có mỗi một mình Nguyễn Tấn Dũng là muốn làm cái gì đó theo gương ông Kiệt. Các vị khác thì hoặc mũ ni che tai (như Nguyễn Minh Triết) hoặc ngả theo phía bảo thủ (như Trương Tấn Sang, Trương Vĩnh Trọng). Như vậy thì ông Dũng đang rơi vào thế giống như ông Kiệt nhưng bản lãnh và thế lực thì kém ông Kiệt xa. Những bài viết ở hải ngoại như bài của Âu Dương Thệ càng góp phần làm cho uy tín ông Dũng sút giảm. Hoặc ông ta sẽ đầu hàng phe bảo thủ và từ nay về sau sẽ trở thành con cờ trong tay phe đó. Hoặc ông ta sẽ bị rơi chức để nhường chỗ cho một nhân vật khác thuộc phe bảo thủ lên làm Thủ tướng.

Dù sao thì ông Dũng cũng hơi bị oan. Việc bắt giam hay không bắt giam các nhà dân chủ không thuộc quyền Thủ tướng, hoặc Thủ tướng chỉ có quyền phần nào đó (quyền Thủ tướng chỉ là quyền trên giấy!). Việc bắt giam từ xưa đến nay vẫn thuộc quyền của Đảng (trước hết là Nông Đức Mạnh và thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang). Ngay cả ông Trương Vĩnh Trọng, nếu có sự đồng ý của Nông Đức Mạnh và Trương Tấn Sang cũng có quyền bắt giam, bất chấp sự phản đối của Nguyễn Tấn Dũng (nếu có). Vì Trương Vĩnh Trọng vốn là Bí thư Trung ương Đảng giữ chức Trưởng ban Nội chính Trung ương trước khi trở thành Phó Thủ tướng phụ trách Nội chính, trực tiếp nắm công an, quân đội, viện kiểm sát và tòa án. Tôi ngờ rằng việc đưa ông này sang ngành hành pháp chỉ nhằm che mắt dư luận, chứ thực chất không nhằm tăng cường quyền hành cho Thủ tướng. Hơn nữa, trong nội các hiện nay có đến 4 ủy viên Bộ Chính Trị; ba ông Trương Vĩnh Trọng, Nguyễn Sinh Hùng và Phạm Gia Khiêm xem ra đều là người của phái bảo thủ. Ông Nguyễn Tấn Dũng mang tiếng là nhiều quyền, nhưng nếu họp Đảng đoàn trong Chính phủ thì ông ta rơi vào thế thiểu số.

Cho nên, với thể chế “đảng trị” rối rắm, mù mờ về trách nhiệm và quyền hạn như thế thì dù một nhân vật cấp tiến nắm chức Tổng bí thư cũng chưa chắc làm được, nói gì chức Thủ tướng?

Một số bài báo của ngoại quốc có lẽ nói đúng : ông Võ Văn Kiệt qua đời là một sự thiệt thòi lớn cho ông Nguyễn Tấn Dũng. Như vậy, xu hướng thân phương Tây đang có nguy cơ yếu đi trước sự phản công của phái bảo thủ. Đế chống lại sức ép của Trung Quốc, phái bảo thủ sẽ một mặt thỏa hiệp với Trung Quốc, mặt khác tìm con đường khác (như hợp tác với Nga) chứ không ngả hẳn về Hoa Kỳ và phương Tây như chúng ta hy vọng.“

Tôi cố gắng dùng ngôn ngữ báo chí để ghi lại một cách đầy đủ và trung thực ý kiến của người đảng viên lão thành khả kính đó, coi như một lời bình luận về bài viết của Tiến sĩ Âu Dương Thệ. Đúng hay sai, mong các độc giả gần xa phán xét. Nhưng với trải nghiệm của bản thân, tôi xét thấy ý kiến này không phải là không có cơ sở xác đáng, bởi vì trong hệ thống chính trị hiện nay, quyền hạn thì nằm ở một nơi này mà trách nhiệm lại thuộc về một chỗ khác. Sân khấu chính trị giống như một thứ “mê cung”, không biết đâu mà lần!

Việt Nam 26 tháng 9 năm 2008

ML&NG

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1157 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 6
Khách: 6
Thành Viên: 0