|
|
VN cho hay đã thu hút 57,1 tỉ USD đầu tư nước ngoài FDI trong 9 tháng đầu năm |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam vừa công bố tốc độ tăng trưởng tổng sản lượng quốc nội GDP trong chín tháng đầu năm 2008
chỉ đạt 6,52%.
Như vậy, mức tăng trưởng này tụt giảm 1,64% so với mức 8,16% đạt được cùng thời kỳ năm 2007.
Ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được trang mạng của Bộ này trích thuật hôm 29/9, nhận định 'đây vẫn là
một mức tăng trưởng khá'.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định 'mục tiêu hàng đầu đối với nền kinh tế Việt Nam là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế
vĩ mô."
Hãng tin AFP, hôm 30/9, trích thuật một báo cáo chính thức của Tổng Cục Thống kê, cho hay để đạt được mục tiêu chính thức
đặt ra ở mức 7% cho cả năm, "tăng trưởng GDP trong ba tháng còn lại của năm phải đạt mức 8%."
Điều chỉnh chỉ tiêu GDP
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định mục tiêu này rất khó đạt được trong bối cảnh lạm phát cả năm của Việt Nam có thể dao động
giữa 24% và 27% và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang tác động tới thị trường khu vực và quốc tế.
Lạm phát tháng 9/08 của Việt Nam được đo lường ở mức 27,9%, đang tiếp tục gây khó khăn cho nhiều hộ gia đình và các doanh
nghiệp.
Báo
cáo của Tổng cục Thống kê của Chính phủ cho hay, mức huy động vốn đầu
tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt được 57,1 tỉ USD trong thời gian từ
tháng 1/08-9/08, đặc biệt với các dự án lớn đổ vào các lĩnh vực như sản
xuất thép và lọc dầu.
Tuy nhiên,
một số chuyên gia trong nước cho hay, cần lưu ý tới tỷ lệ giải ngân
thực sự của các dự án này hơn là các con số có thể mang tính 'thành
tích', cũng như tránh các lĩnh vực đầu tư có hàm lượng công nghệ không
cao, gây ô nhiễm hoặc quá 'tốn' vốn.
Gần đây Ngân hàng Phát triển Châu Á, ADB, đã khuyến nghị Việt Nam hạ mục tiêu tăng trưởng năm 2009 xuống mức 6%.
Khuyến
nghị của ADB đưa ra dựa trên việc cân nhắc các chỉ tiêu kinh tế tổng
hợp trong đó có tham chiếu tình hình lạm phát và suy thoái kinh tế của
Việt Nam năm nay và bối cảnh của các biến động bất lợi về kinh tế, tài
chính toàn cầu.
|