• Thụy Ái
Hai Bản Tin Một Ý Nghĩa - Lấy Sức Mình Làm
Chính!
• Thụy Ái.
Từ thứ bẩy đến thứ tư của tuần lễ vừa qua đã có hai bản tin đáng chú ý. Một
là bản tin giáo dân Thái Hà quyết tâm đòi lại đất tòa Khâm Sứ và Vatican đã
thừa nhận “Hà Nội thất hứa với tín đồ Công giáo”. Một bản tin khác liên quan
đến tình hình tranh chấp lãnh thổ giữa Nga , Georgia và Mỹ. Hai bản tin nói
trên, tuy hai sự việc khác hẳn nhau, và ở hai nơi cách nhau gần nửa vòng
trái đất, nhưng cốt lõi có cùng ý nghĩa.
Tin từ BBC, ngày 20-09-2008 đài phát thanh Vatican đã lên tiếng về vụ chính
quyền Hà Nội cho xây công viên trên đất tranh chấp với bài viết có tiêu đề
"Chính quyền Hà Nội thất hứa với tín đồ Công giáo." Ngày 25 tháng 9 năm
2008, ký giả Louis Charbonneau của hãng thông tin Reuters viết “bộ trưởng
ngoại giao Nga Sergei Lavrov vào hôm thứ tư đã loại bỏ những phát biểu bởi
các viên chức Mỹ và Âu Châu rằng nước Nga đã bị cô lập kể từ khi Nga mở cuộc
chiến tranh với Georgia, và khẳng định nước Nga chỉ phản ứng tự vệ” sau khi
Nga chiếm hai tỉnh South Ossetia và Abkhazia của Georgia.
Bài viết của Vatican với tiêu đề "Chính quyền Hà Nội thất hứa với tín đồ
Công giáo," đơn giản, chỉ là một nhận định từ giáo hội mẹ nơi nước Ý xa xôi
về nhà nước Việt Cộng. Với người dân công giáo Việt Nam, ngược lại, đây là
một sự đau buồn cho Giáo Hội Việt Nam khi nhà nước cộng sản vào ngày 19
tháng 9 đã bất ngờ cho san bằng vùng đất của toà Khâm sứ đang tranh chấp từ
tám tháng qua giữa giáo dân với chính quyền Hà Nội tại khu đất số 40-42 phố
Nhà Chung. Đây là vùng đất nhà nước CSVN đã chiếm đoạt của Giáo hội và xử
dụng vào các mục tiêu tư lợi. Cuộc tranh đấu đòi đất của giáo hội đã thể
hiện qua các cuộc cầu nguyện của giáo dân với số lượng lên tới hàng ngàn
người mỗi lần kể từ ngày 18 tháng 12/2007, gây được chú ý từ dư luận trong
ngoài nước. Lo ngại các cuộc cầu nguyện nếu cứ tiếp diễn thì có thể sẽ
đưa tới tình hình nguy hiểm không thể kiếm soát, Hồng y Tarcisio Bertone
qua bức thư đề ngày 30 tháng 1 năm 2008 đã đề nghị Toà giám mục Hà Nội kêu
gọi các giáo dân hãy chấm dứt các cuộc biểu tình với lý do các “cuộc cầu
nguyện đã đạt mục tiêu, là Chính quyền sẽ đối thoại để trao quyền sử dụng
Tòa Khâm sứ.” (Tin BBC ngày 2 tháng 2 năm 2008) Tin lời Vatican , Đức Tổng
Giám mục Hà Nội đã kêu gọi giáo dân ngưng lại các cuộc cầu nguyện.
Gần đây tuy nhiên, nhận thức được nhà nước Việt Nam nhất quyết không trả đất
lại cho Giáo hội, các linh mục và giáo dân tại các giáo xứ Thái Hà, Ninh
Bình, Thái Nguyên/ Thái Bình, Hải Phòng, Lạng Sơn, Phát Diệm và Saigon đã
quyết định phát động lại các cuộc cầu nguyện hiệp thông, hy vọng sự giải
quyết chính đáng của chính phủ Việt Nam. Hà Nội đã trả lời qua một hành động
mạnh mẽ, đó là cho san bằng các vùng đất đang tranh chấp với giáo hội và xây
lên công viên. Trước sự nhà nước CS Hà Nội phủ nhận trắng trợn quyền sở hữu
đất đai của giáo xứ Thái Hà, Giáo hội mẹ Vatican chỉ còn biết thở dài mà
loan đi bản tin “Chính quyền Hà Nội thất hứa với tín đồ Công giáo”.
Vấn đề còn lại giờ đây là “Người Công giáo Việt Nam sẽ phải làm gì?” Ngoài
sự cầu nguyện tiếp tục là điều chắc chắn như những vị chủ chăn đã lên tiếng
và coi đó như là biện pháp duy nhất hiệu quả. Chờ mong đến phép lạ! Và sự
cầu nguyện tiếp tục sẽ chỉ diễn ra trong lòng nhà thờ và sẽ chẳng phải lo bị
trấn áp, vì sự cầu nguyện chỉ có người cầu nguyện biết cùng đấng Thiên chúa
hiệp thông. Cũng nhân dịp này, đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt đã lên tiếng
phát biểu “tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là cái ân huệ “xin
cho,”” gián tiếp nối liền chuyện đòi đất nhà thờ với tự do tôn giáo. “[ĐTGM
Ngô Quang Kiệt tại UBND TP Hà Nội ngày 20/9/2008].
Đối chiếu lời trách cứ của tổng thống Georgia Mikhail Saakashvili với tổng
thống Mỹ George Bush là đã không giữ lời hứa bảo vệ lãnh thổ Georgia, và lời
tuyên bố của Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov vào hôm thứ tư 24 tháng
9 năm 2008 rằng, ngược với các nhận định từ các viên chức Mỹ và Âu Châu,
nước Nga không hề bị cô lập kể từ khi Nga mở cuộc chiến tranh với Georgia và
chiếm hai tỉnh Abkhazia and South Ossetia của Georgia, thì bài học người
Việt chúng ta rút ra là gì?
Người tín đồ Công giáo Việt Nam bị cướp đất phá nhà thờ, giáo hội Vatican
xác nhận Hà nội thất hứa. Nước Georgia mất hai tỉnh, nước Mỹ hứa hẹn bảo hộ
sự vẹn toàn lãnh thổ Georgia đã lên tiếng kêu gọi thế giới có thái độ thích
đáng. Câu hỏi là có thể nào tin vào sự giải quyết vấn đề cho mình từ những
người nước ngoài? Hay chỉ có chính người trong cuộc, những người mà quyền
lợi thiết thân đã bị xâm phạm, bị tước bỏ, mới có quyết tâm để giải quyết
vấn đề của chính mình, cho mình!
Vấn đề tài sản của giáo hội công giáo bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam
chiếm đoạt thực ra không phải là vấn đề đơn độc, mà nó đã xẩy ra với nhiều
tôn giáo khác, chẳng hạn, Cao Đài, Hòa Hảo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thống nhất và ngay cả tài sản của người dân, như đại lão hoà thượng Thích
Quảng Độ đã chỉ ra, khi đến thăm uỷ lạo dân chúng biểu tình đòi nhà đất
trước nơi họp quốc hội CSVN tại Sàigòn vào ngày 17 tháng 7 năm 2007.
Có nhìn ra được vấn đề. Có hiểu được nguyên ủy sự việc, thì tài sản của các
giáo hội, không riêng gì giáo hội Công giáo Việt Nam , mới hy vọng được giải
quyết. Và vấn đề chiếm đoạt đất đai tài sản của người dân Việt Nam , cũng
như tài nguyên của đất nước để làm của riêng, của những lãnh đạo CSVN biến
thái thành tài phiệt mới chấm dứt. Và khi đó dân tộc Việt Nam , đất nước
Việt Nam mới không bị khai thác bởi một thiểu số tài phiệt Việt Nam cấu kết
cùng các thế lực tài phiệt tư bản thế giới.
Thụy Ái
Ngày 29 tháng 9 năm 2008
|