Chúng tôi là là thế hệ sinh sau năm 75, được lớn lên và học tập dưới mái trường xã hội chủ nghĩa của miền Bắc. Thế hệ của chúng tôi chỉ biết chiến tranh qua sách giáo khoa và tư liệu lịch sử; giáo viên dậy lịch sử là các bác bộ đội phục viên. Với những câu chuyện sống động về chiến tranh : “phe ta” – “phe địch”…, kết thúc luôn là “phe ta” thắng, “phe địch” thua…
Khi lên Đại học, được tiếp xúc với các triết thuyết lớn của nhân loại, như Chủ nghĩa duy vật biện chứng của Karl Marx và Friedrich Engels ; Biện chứng duy tâm của Georg Hegel … khi ôn thi “môn khó nuốt” này, thỉnh thoảng chúng tôi lại tranh luận và bình phẩm một chút về tư tưởng cũng như tầm ảnh hưởng sâu rộng nó trên thế giới hiện tại. Rồi chúng tôi được đọc các tư liệu lịch sử về thời cải cách ruộng đất, những chuyện đấu tố ; chính sách của đảng và nhà nước…
Những chuyện này cũng chỉ gợi lên một chút suy tư khi đang ngồi trên ghế đại học, ảnh hưởng của lịch sử không tác động mạnh đến tư tưởng của chúng tôi, vì sự thật lịch sử trong những câu chuyện quá cường điệu cũng như chủ nghĩa Marx đối với chúng tôi không thật sự hấp dẫn. Chúng tôi học những môn này chủ yếu là đối phó với điểm và kết quả học tập là chủ yếu.
Khi ra trường xin việc, chuyện đút lót, phong bì đô la, rượu ngoại, kể cả đánh đổi bằng thân xác là điều mà chúng tôi xem như là một “quy luật tất yếu” trong xã hội hiện tại. Để học qua 4 năm đại học, mẹ tôi phải bán dần từng mảnh đất, em tôi phải nghỉ học để dành tiền cho tôi đóng học phí. Mỗi lần về quê thấy gương mặt thẩn thờ của mẹ, lời phàn nàn của cha về chuyện thuế má, các khoảng đóng góp được bọc dưới mỹ từ “công ích xã hội”… nếu không đóng kịp thì bị cắt điện, bị lên loa phóng thanh bêu rếu cả ngày.
Qua việc truyền thông đưa lời phát biểu của Đức tổng giám mục Ngô Quang Kiệt lên truyền hình, lên báo đài trong các bản tin thời sự hơn một tuần qua đã sự chú ý trong công ty của tôi. Chúng tôi đã download bài phát biểu của Giám mục Kiệt để đọc và phân tích cũng như đọc một số bài viết trong trang web của vietcatholic. Các cuộc thảo luận mini và diễn đàn nội mạng trong công ty được mọi người thảo luận sôi nổi. Đa phần mọi người đều thở dài ngao ngán cho sự lừa bịp dư luận của truyền thông. Sự thật trong câu nói của Đức tổng Ngô Quang Kiệt đã bị cắt xén và sự thật về tấm hộ chiếu Việt Nam bị soi mói khi đi ra nước ngoài là một sự thật không phủ nhận.
Đọc nguyên văn câu nói của Đức tổng Kiệt: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng“, chúng tôi thấy đây là một câu nói của một người có đạo đức, trách nhiệm, trăn trở cho vận mệnh và sự tự hào của người Việt. Sự thật không như truyền hình nhà nước loan tin trong các bản tin thời sự. Qua việc này tôi thấy những người làm công tác truyền thông nhà nước – cấp trung ương chẳng hơn gì mấy chú phát thanh viên làng tôi – những người có trình độ học vấn chưa cấp 2, phát âm còn sai lỗi chính tả…
Thế hệ chúng tôi đã “sống chung với lũ” ; đã phải đánh đổi cả nhân phẩm, nhân cách, đạo đức để mưu sinh, nhưng điều chúng tôi lo lắng hơn cả là con cháu của chúng tôi sẽ ra sao khi được đào tạo trong môi trường xã hội Việt Nam hiện tại? Niềm tin của chúng tôi sẽ đặt ở đâu khi cơ quan ngôn luận của nhà nước đã đánh lừa hơn 80 triệu người dân Việt ?
Chúng tôi chỉ mong những người còn chút lương tri trong bộ máy cầm quyền nhà nước hãy thắp lên cho chúng tôi một ngọn nến để xua đi bóng đêm của dối trá, bất công, trả lại sự sự thật và công bằng trong xã hội.
Nguyễn Khôi và nhân viên công ty T.A.T
(vì lý do tế nhị với nhà nước, chúng tôi xin giấu tên công ty)