Thứ Ba, 2024-11-05, 8:55 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 3 » THÁI HÀ& TKS: NHÌN LẠI CHẶNG ĐƯỜNG ĐÃ QUA
8:41 AM
THÁI HÀ& TKS: NHÌN LẠI CHẶNG ĐƯỜNG ĐÃ QUA
Việc đồng loạt tuyên đọc bản “Quan điểm của HĐGMVN” đã hoàn tất một chặng đường và mở ra con đường và chân trời mới. Không còn là chuyện riêng của Thái Hà hay TKS mà là khắp Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới. Cũng không còn là chuyện đòi đất nhưng là việc đổi mới xã hội theo những giá trị mà Giáo Hội cổ võ.

HĐGMVN đã dấn thân nhập cuộc thì không phải để nói cho qua chuyện nhưng là chấp nhận những giá phải trả, để đạt tới mục đích.

Diễn biến quá nhanh khiến mọi người dường như đang lúng túng tự hỏi: Rồi sao nữa?

Thiết tưởng chỉ cần bình tĩnh một chút để nhìn lại, ta có thể thấy được bàn tay quan phòng của Thiên Chúa và nghe được những điều Ngài đang nói với ta.

1. Thiên Chúa đang can thiệp và giải thích lịch sử bằng Lời Ngài.

Năm nay, do một số Đức Cha bận đi họp ở nước ngoài vào tháng Mười, Hội nghị HĐGMVN được dịch lên cuối tháng 9. Đêm 18 rạng 19-9 người ta bắt đầu thi công ở TKS, ngày 20-9, Đức TGM Hà Nội dự họp tại UBND-TPHN, ngày 21-9 lời phát biểu của ngài bị cắt xén và xuyên tạc ầm ĩ. Thư hiệp thông từ các nơi tới tấp gửi về Tòa TGM Hà Nội. Người Công Giáo cả trong và ngoài nước cầu nguyện để các Đức Giám Mục VN có một tiếng nói chung thật mạnh mẽ. Giữa lúc đó thì theo đúng chương trình, Hội Nghị HĐGMVN khai mạc ngày 22-9, không thể bị ngăn cản. Thế nhưng cuộc Hội Nghị được Chúa dịch lên cuối tháng 9 không chỉ để Nhà Nước không kịp trở tay mà còn để các Giám Mục có thể nghe rõ tiếng Chúa. Vâng, ai có thể khiến toàn thể các Giám Mục chỉ gặp nhau vài ngày mà đúc kết được một tiếng nói hiệp nhất và mạnh mẽ? Chỉ có Thiên Chúa! Nhà Nước không thể nào ngờ trước về cuộc Hội Nghị HĐGMVN nhưng Thiên Chúa thì đã tiên liệu từ đời đời. Chính trong tuần lễ từ ngày 22-9 ấy, nơi các bài đọc giờ Kinh Sách (Tuần 25 Thường Niên), các Giám Mục được nghe Lời Thiên Chúa nói rất thẳng, rất thật và cũng đầy ưu ái qua miệng ngôn sứ Ê-dê-ki-en (Ed 34,1-31; 36,16-36; 37,1-14; 37,15-28) và Thánh Âu-Tinh về điều Ngài đòi hỏi các mục tử. Chính những lời ấy của Chúa đã khiến cho, ngày 25-9, các văn bản được chung quyết. Ngày 26-9 văn bản bắt đầu phổ biến, thì là ngày mà bài đọc 1 của thánh lễ (Thứ Sáu tuần 25 Thường Niên) nói rõ về ơn hiệp nhất và ơn ngôn sứ: “Có một thời để xé và một thời để khâu, một thời để làm thinh và một thời để lên tiếng” (Gv 3,7).

Thiên Chúa đang nói qua những bài đọc đã sắp xếp từ bao giờ, không chỉ riêng cho tuần lễ có Hội nghị HĐGMVN mà cả sau đó: Cả ngày 26 và 27, Chúa Giêsu đều báo trước về cuộc Thương Khó (Lc 9,18-22; Lc 9,43b-45). Sang Chúa Nhật, ngày 28, bài đọc 1 nói về đường lối của Thiên Chúa (Ed 18,25-28), bài đọc 2 là bài ca về mầu nhiệm tự hủy của Đức Kitô với mời gọi: “Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (Pl 2,1-11) – Bài ca này được lặp lại trong giờ Kinh Sách ngày 30-9! Ngày 29, bài đọc 2 của thánh lễ nói về cuộc chiến của Tổng lãnh Thiên Thần Micae đánh bại con rồng để bảo vệ người Phụ Nữ là Giáo Hội (Kh 12,7-12a). Ngày 30, bài đọc 1 đưa ta đi sâu vào câu chuyện ông Gióp (G 3,1-23), còn trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu vừa quả cảm đi lên Giêrusalem chịu khổ hình, vừa khẳng định lại con đường bất bạo động (x. Lc 9,51-55).

Thiên Chúa đang nói, bằng ngôn ngữ dễ hiểu, có thể kiểm chứng trên giấy trắng mục đen.

Trong bài “Hưởng ứng kháng thư của Đức Cha Kontum”, tác giả NTT nêu câu hỏi: “Ai đã làm cho một cái tàn thuốc bùng lên thành đám cháy liên lục địa nếu không phải là Đấng đã gây ra vụ nổ Big Bang và đang làm chủ lịch sử?” Và đi đến kết luận: “Chi tiết này khiến không thể nhìn vấn đề cách khinh suất.” (VietCatholic 23-9-2008).

Những ghi nhận trên đây về những dấu chỉ của Thiên Chúa Quan Phòng cũng muốn đi tới một kết luận tương tự: Chúng ta cần bình tĩnh để không bắt hụt nguồn ơn lớn lao Thiên Chúa đang ban cho Giáo Hội và Dân Tộc Việt. Thiên Chúa thấu rõ ước mơ của ta và đang thực hiện cho ta theo cách của Ngài và vào lúc của Ngài. Mỗi người, mỗi nhóm, mỗi cộng đoàn cần chú tâm hơn trong sự lắng nghe Lời Chúa hằng ngày. Chúng ta cần biết kiên nhẫn đón lấy những món quà kếch sù Thiên Chúa đang trao tặng thay vì nóng vội làm theo ý riêng.

2. Ơn Chúa

Điều nhìn lại thứ hai là sức mạnh của cầu nguyện. Kinh nguyện từ Thái Hà và từ TKS đã thúc đẩy và gia tăng sự cầu nguyện ở khắp nơi, cá nhân cũng như tập thể. Chỉ có sự cầu nguyện mới giải thích được những ơn vô cùng lớn lao được đúc kết nơi Hội Nghị HĐGMVN.

Ví như Chúa chẳng xây nhà,
Thợ nề vất vả cũng là uổng công. (Tv 127,1)

Ai có thể đo lường được những lời nguyện thiết tha và những hy sinh lặng lẽ của đủ mọi thành phần Dân Chúa trong những ngày qua. Kết luận dễ hiểu: Phải tiếp tục cầu nguyện trong hy sinh và từ bỏ.

Không cần thêm những sinh hoạt mới, chỉ cần tham gia đông đảo vào chương trình phụng vụ theo giờ giấc có sẵn tại mỗi giáo xứ, với ý thức cầu nguyện cho công lý và sự thật.

Ơn cần cầu xin là sự thay đổi cõi lòng, trước hết là cõi lòng mỗi chúng ta rồi đến cõi lòng người khác. Bản quan điểm của HĐGMVN được “gửi đến tất cả anh chị em đồng đạo cũng như mọi người thành tâm thiện chí.” Vì thế, trong lời cầu nguyện tha thiết của chúng ta, cần nhấn mạnh thêm ý cầu nguyện cho những người thiện chí, kể cả những người thuộc Đảng CSVN. Cách riêng, cần cầu nguyện nhiều cho các nhà hoạt động dân chủ. Chính họ biết những ngõ ngách để nói thẳng với đám đông những người thiện chí ngoài Giáo Hội.

Đàng khác, cuộc đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp của Dân Tộc không phải là chuyện riêng của người Công Giáo. Mà người Công Giáo lại chỉ là số ít, 7%. Phải làm sao để hơn 90% dân số còn lại cũng thấy vấn đề để cùng nhất tề đòi hỏi sự thật, công lý, dân chủ và nhân quyền. Đây là điều các nhà dân chủ đang theo đuổi và trả giá bằng chính mạng sống mình, cho nên cần cầu nguyện cho họ.

Cần huy động mọi thành phần Dân Chúa tham gia hy sinh cầu nguyện, từ linh mục, tu sĩ, chủng sinh, phụ huynh cho đến bạn trẻ, thiếu nhi, người già và các bệnh nhân. Cần cầu nguyện khắp nơi, mọi lúc và trong mọi việc lớn nhỏ. Không gì ngăn cản được thái độ quyết liệt của cầu nguyện: Vừa bất bạo động vừa liên kết với sức mạnh của Thiên Chúa Toàn Năng.

3. Nói sự thật

Điều nhìn lại thứ ba là sức mạnh giải phóng của sự thật. Từ chuyện đòi đất đai, Thiên Chúa đã thổi bùng lên cho ta cuộc đấu tranh cho sự thật. Sức mạnh của nhà nước toàn trị là những phương tiện truyền thông đầy quyền lực để lừa dối mọi người cách trắng trợn. Không riêng những tình tiết của Thái Hà và TKS, mọi chuyện trên Đất Nước đều đang bị bưng bít và lừa bịp.

HĐGMVN đã thực hiện đúng lời nhắn gửi của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Đừng sợ, hãy hiệp nhất với nhau và hãy nói sự thật”. Sự thật đã được nói lên trong bản tuyên bố quan điểm của HĐGMVN, đã được nhất tề công bố ở khắp mọi nhà thờ trên Đất Nước. Sự thật ấy đang lan rộng và sẽ đập tan sự lừa dối.

Việc rao truyền sự thật này cần phải được tiếp tục qua những buổi học tập sâu rộng về bản quan điểm của HĐGMVN. Nơi nào có thể được, nên tổ chức học tập ở cấp Giáo Phận, rồi Giáo Hạt và các Giáo Xứ. Cần tổ chức học tập cho cả các linh mục, tu sĩ và chủng sinh. Bản quan điểm bắt đầu bằng trích văn từ Hiến Chế Mục Vụ, do đó sau khi học tập về bản quan điểm, cần phải học tập về Hiến Chế này nói riêng cũng như về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo nói chung, qua quyển “Tóm lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo” mà linh mục nào cũng có trong tủ sách.

Đã nhiều năm qua, việc đề cập tới sự sai trái của xã hội bị coi như chuyện cấm kỵ đối với người Công Giáo, ai cũng sợ vô tình làm cho người ngoài hiểu lầm rằng Giáo Hội chủ trương chống phá cách mạng. Giờ đây, bản quan điểm khẳng định rõ: “Giáo hội không có chức năng làm chính trị, nhưng cũng không đứng bên lề xã hội.”, chúng ta không còn gì để sợ bị hiểu lầm. Cần phải công khai hóa trong câu chuyện thường ngày. Khi chỉ có mỗi một linh mục lên tiếng, người ta có thể bịt miệng ngay trước tòa án và trước ống kính của truyền thông quốc tế, nhưng giờ đây mọi người đều nhất loạt nói lên, thì không ai còn có thể bịt miệng. Cần làm cho mọi người thấy rõ chúng ta không nhắm đòi lại đất đai của Giáo Hội nhưng nhắm làm lan rộng việc phổ biến sự thật, và mời gọi mọi người, Công Giáo cũng như không Công Giáo, tiếp tay vào việc này.

Cũng đã đến lúc cộng đồng Công Giáo Việt Nam trong nước cần lên tiếng bênh vực cho người anh em đơn thương độc mã là cha Tađêô Nguyễn Văn Lý. Cha Lý đã không đòi gì hơn những điều chúng ta đang đòi. Có thể nói chính ngài đã anh dũng khởi xướng cuộc đấu tranh bất bạo động và đã đơn độc hứng chịu những sỉ nhục của truyền thông mà Đức Giám Mục Hà Nội đang hứng chịu hôm nay.

Cần thông tin cho nhau không chỉ riêng những gì liên hệ đến người Công Giáo mà cả tin tức về những nhà hoạt động dân chủ ngoài Giáo Hội. Với đặc tính Công Giáo, tiếp nhận tinh hoa và thiện chí của mọi nơi, mọi thời và mọi phía, chúng ta vượt khỏi não trạng cục bộ quen có của người Việt để hiệp thông với mọi nỗ lực đang phục vụ cho sự thật, công lý và nhân quyền.

4. Thiên Chúa đang giáo dục và đào tạo Dân Ngài

Điều nhìn lại thứ tư là tinh thần kỷ luật của những anh chị em giáo dân tụ tập tại Thái Hà và TKS. Dù bị đàn áp bằng dùi cui, roi điện, hơi cay hay bị kích động bằng những cử chỉ quậy phá, những lời thô tục, bị nhổ nước bọt, anh chị em đã không hề phản kháng. Rất nhiều anh chị em đã đến theo sáng kiến cá nhân, có thể nói là ô hợp, vô tổ chức, thế nhưng tất cả đã mau mắn nghe theo lời kêu gọi xử sự ôn hòa. Bài học bất bạo động của Thánh Gandhi đã được thấu triệt rất nhanh.

Đó là tấm gương cao cả và hết sức quan trọng mà anh chị em khắp nơi trong nước cần quan tâm học tập. Sẽ có nhiều thủ đoạn trả thù ở nhiều nơi, cần tỉnh táo để khỏi mắc bẫy rơi vào phản ứng bạo động.

Cuộc đấu tranh đã lan rộng trong không gian, đã chuyển thể từ việc đòi đất đai tới đòi công lý, và hơn nữa, đã phát xuất từ lòng Dân Chúa và được Hàng Giáo Phẩm nâng đỡ. Bắt đầu bằng những lá thư hiệp thông của các Tòa Giám Mục, rồi các Giám Mục đích thân đến dâng thánh lễ, cho tới bản tuyên bố chung của HĐGMVN. Từng bước, Thiên Chúa đã làm cho Dân Ngài lớn lên và được hiệp nhất an toàn dưới tấm gương hiệp nhất của các Mục Tử. Các Mục Tử có thể tin cậy vào sự trưởng thành của đoàn chiên và chúc lành cho những sáng kiến tự phát của họ, còn Dân Chúa thì thấy an tâm dưới ơn chúc lành của các Chủ Chăn, thấy đầy tin cậy vào Chúa Quan Phòng và cũng hết sức tự hào về các Chủ Chăn của mình.

Sức mạnh đến từ sự hiệp nhất. Ước gì càng ngày mọi người càng hiệp nhất mạnh mẽ với Đức Giám Mục của mình để cùng hiệp nhất sâu xa với toàn thể Dân Chúa. Đây là sự hiệp nhất trong đa dạng. Mỗi Đức Giám Mục và mỗi Tòa Giám Mục có những hoàn cảnh và điều kiện riêng, có cách nhận định, phản ứng và sáng kiến riêng. Ta không nên đòi hỏi Đức Giám Mục hay Tòa Giám Mục của mình phải làm giống như các Đức Giám Mục hoặc các Tòa Giám Mục khác. Chỉ cần biết rằng tự thâm sâu, tất cả các Đức Giám Mục đều đồng tâm nhất trí, thế là quá đủ. Chúng ta cần tin cậy Chúa Thánh Thần và tin vào ơn chức vụ Ngài ban cho các Giám Mục. Chúa Thánh Thần thi thố ơn Ngài cách đa dạng khiến thế gian không thể nào ngờ trước và cũng không thể nào ứng phó kịp.

Trong hành trình làm người, ai chẳng có lúc lỗi lầm. Chúng ta hãy quảng đại tha thứ cho nhau để vun đắp sự hiệp nhất sâu thẳm trong gia đình, trong giáo xứ, giáo phận và nơi cộng đồng Công Giáo VN trong và ngoài nước. Hiệp nhất sẽ đem lại an ủi và sức mạnh.

5. Đào tạo người hành động xã hội

Điều thứ năm cần nhìn lại là nhân sự. Hơn nửa thế kỷ ở miền Bắc và hơn ba mươi năm qua ở miền Nam, Giáo Hội Công Giáo VN bị bóp nghẹt, không được đào tạo người. Các đoàn thể bị dập tắt, trường học bị tước đoạt, các khóa đào tạo không được tổ chức. Giờ đây chúng ta thiếu người về mọi mặt.

Việc phát động đấu tranh cho công lý, sự thật, dân chủ và quyền con người đòi phải đào tạo tốc hành những người có khả năng hành động xã hội. Phải có những giáo dân được chuẩn bị cho công việc. Công Đồng mời gọi giáo dân đi đầu trong các lãnh vực xã hội, nhưng muốn vậy, họ phải được đào tạo chứ không thể bỗng dưng mà có được.

Đã đến lúc phải nói thẳng điều này không úp mở. Mỗi nơi phải tranh thủ đào tạo người trong điều kiện và khả năng của mình.

Nơi nào có được tài liệu đào tạo dễ dùng, cần sớm chia sẻ với những nơi khác. Chia sẻ cả kinh nghiệm đào tạo.

Một số bài trên VietCatholic những ngày qua có hàm chứa hướng đào tạo, như bài “Hưởng ứng kháng thư của Đức Cha Kontum” (NTT), bài “Một suy nghĩ về quan điểm của HĐGMVN” (Nguyễn Hồng Giáo), “Những thủ đoạn tiếp theo mà CSVN sẽ có thể áp dụng với Công giáo Việt Nam” (Đồng Nhân), vv… Những bài như thế cần được biên tập, hệ thống hóa và cho thường trú trên một Website (chẳng hạn www.dcctvn.net) để nơi nào cần có thể dễ dàng tìm thấy ngay. Những chỉ dẫn và những bài học tập về bản quan điểm của HĐGMVN, về vai trò giáo dân, về Hiến Chế Mục Vụ, về Học Thuyết Xã Hội, cả những bài ca sinh hoạt cũng cần được tập trung ở đó…

Một điều hết sức quan trọng là tự đào tạo và giúp anh chị em tự đào tạo. Cách riêng cần ý thức mình phải được đào tạo trong ơn Chúa. Những bạn trẻ và người trung niên thấy mình được mời gọi dấn thân, cần gia tăng cầu nguyện và hy sinh, cần dành thời giờ học hỏi các tài liệu.

Để đào tạo tinh thần bất bạo động, cần can đảm dứt bỏ rượu bia, tránh nói tục, chửi thề và mọi biểu hiện của sự nóng nảy. Điều này đòi phải có một động lực tâm linh: Hy sinh vì lòng yêu mến Chúa.

Cần luôn đọc và suy niệm Lời Chúa để nhận được ánh sáng ở đó. Cần luôn tha thiết xin ơn Chúa Thánh Thần mọi nơi mọi lúc và trong mọi việc, để khỏi lạc vào chủ quan nóng vội nhưng luôn hòa đúng nhịp lịch sử mà Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn.

6. Quay về miệt mài với bổn phận thường ngày

Sau cùng, xin cảm tạ Thiên Chúa Quan Phòng, sau hơn một tuần sôi động chúng ta được cử hành Tháng Mân Côi với lễ Chị Thánh Têrêxa và Thánh Phanxicô Nghèo. Tháng Mân Côi nhắc ta nhớ những lời hứa của Đức Mẹ và ba mệnh lệnh Fatima: ăn năn đền tội, tôn sùng Mẫu Tâm và lần hạt Mân Côi. Chị Thánh Têrêxa nhắc ta rằng tất cả là ân sủng và cần thực hiện mọi bổn phận nho nhỏ thường ngày với một tình yêu lớn lao. Thánh Phanxicô nhắc ta hát mãi Kinh Hòa Bình và vững bước trên đường bất bạo động.

Những cuộc cầu nguyện tại Thái Hà và tại Tòa Khâm Sứ rồi sẽ thưa người dần. Bản tin hằng ngày sẽ bớt dần những chuyện nổi cộm. Chúng ta sẽ có điều kiện để đẩy cuộc đấu tranh vào chiều sâu.

Có thể truyền thông nhà nước vẫn tiếp tục xuyên tạc. Có thể một số trang web cố tình khích động dân chúng chống lại người Công Giáo. Chúng ta sẽ không để bị lạc vào chỗ hao phí năng lực vì đôi co với họ. Hãy tập trung năng lực vào những điều cần làm: Trao đổi thông tin thật nhanh và chính xác, học hỏi các tài liệu để tự đào tạo.

Tiếp đến, nếu nhìn đây là công cuộc của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta cần lắng nghe tiếng gọi hoán cải cho chính bản thân: Gia tăng hy sinh, cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, xưng tội, rước lễ, lần chuỗi, hiệp thông với Trái Tim Mẹ Maria và sống bác ái.

Trước sức mạnh các phương tiện truyền thông của Nhà Nước, khả năng loan truyền sự thật của chúng ta chỉ là châu chấu đá voi. Thế nhưng khi các tầng lớp Dân Chúa đều tích cực đổi mới đời sống theo Tin Mừng, thiên hạ sẽ qua đó mà nhận ra sự thật, và Đavít sẽ thắng Goliát.

Sao chư dân lại ồn ào náo động ?
Sao vạn quốc dám bày kế viển vông ?
Vua chúa trần gian cùng nổi dậy,
vương hầu khanh tướng rập mưu đồ
chống lại Đức Chúa,
chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương.
Chúng bảo nhau: “Xiềng xích họ, nào ta bẻ gãy,
gông cùm họ, ta hãy quẳng đi !”
Chúa ngự trời cao thấy thế bật cười,
Người chế nhạo bọn chúng. (Tv 2,1-4)

Trong tình thương của Thiên Chúa, cái gì phải đến sẽ đến.

Người cầm bút không cần gay gắt, không bút chiến, tránh “mọi hình thức bạo lực trong hành động cũng như trong ngôn từ” (HĐGMVN: bản “quan điểm”). Ngược lại, cần gia tăng thinh lặng và cầu nguyện trước khi viết. Cách riêng, cần tập trung nặng lực viết những bài có sức đào tạo người cho Dân Chúa, hướng dẫn Dân Chúa bước đi trong bình an và dũng cảm. Tránh rơi vào cách viết đối phó hoặc theo cảm tính nhưng cần tập trung đóng góp những gì đem lại ánh sáng và hướng dẫn lối đi.

Trên đường đồng hành với Dân Tộc đã có một sự phân công rõ ràng: Phần của người Công Giáo là cầu nguyện và triệt để thi hành ba mệnh lệnh Fatima. Mỗi người hãy tích cực góp phần cho công cuộc của Thiên Chúa sớm thành tựu, để mọi người trên thế giới nhận biết chỉ có một Thiên Chúa duy nhất chân thật và là Chủ Lịch Sử, nhận biết Hội Thánh chính là dân con của Ngài và nhận biết Đức Maria là Mẹ và là gương mẫu của Hội Thánh. Được như thế, Hội Thánh Việt Nam sẽ bất ngờ đóng trọn vai trò hết sức lớn của mình trong công cuộc phúc âm hóa mới ở thiên niên kỷ thứ ba này dưới ngọn cờ của Đức Mẹ Maria.

Năm nay chúng ta đã kỷ niệm 20 năm ngày tôn phong các hiển thánh Tử Đạo VN. Chị thánh Têrêxa nép mình giữa bốn bức tường đan viện mà được tôn là bổn mạng các nhà truyền giáo. Tích cực hưởng ứng mệnh lệnh Fatima, con cháu các vị Tử Đạo VN sẽ nối gót chị thánh, trở thành những nhà truyền giáo vĩ đại ngay khi sống tại gia đình mình, chỉ bằng sự chu toàn bổn phận hằng ngày với lòng yêu mến.

Lời kết

Ngày xưa hiệu lệnh trong làng được thông báo bằng trống. Sau ba hồi trống lôi cuốn sự chú ý của mọi người, sẽ tùy việc phải làm (họp làng, cứu vỡ đê, chữa cháy, vv…) mà đánh thêm một, hai, ba hoặc chín dùi trống lẻ. Đánh trống mà thiếu các dùi lẻ, dân chúng sẽ ngơ ngác không biết phải làm gì. Đánh trống hồi mà bỏ các dùi lẻ là thiếu tinh thần trách nhiệm, và từ đó mà có tục ngữ đánh trống bỏ dùi. Việc đồng loạt tuyên đọc bản quan điểm của HĐGMVN là ba hồi trống đã giục lên. Dân chúng đang lắng tai nghe những dùi trống lẻ.

Làn sóng tự phát sẽ bùng lên và lan rộng, không chỉ trong hàng ngũ người Công Giáo. Đàng nào cũng có thêm những người bị khó dễ, bị bắt bớ, giam cầm, tra tấn, nhưng nếu kịp thời phổ biến rộng những hướng dẫn có tổ chức về đấu tranh bất bạo động, sẽ giảm thiểu được xương máu. Cần tránh để bị kích động và đàn áp dã man như đã xảy ra với anh em dân tộc ít người ở Tây Nguyên.

Mọi chuyện còn quá mới mẻ, chưa ai có kinh nghiệm nhiều. Cần nhiều người cùng đóng góp suy nghĩ, kinh nghiệm và sáng kiến. Đã đến lúc mỗi Tòa Giám Mục cần có nỗ lực về việc này và trao đổi với các Tòa Giám Mục khác để thêm kinh nghiệm.

Phần các tín hữu, trong tâm tình biết ơn trước những điều Thiên Chúa đang làm cho Dân Tộc và Giáo Hội VN, mỗi người nên chân thành thực hiện một cam kết nội tâm với Mẹ Fatima.

Trên đây là một cố gắng nhỏ bé mong được đóng góp vào việc chung và mong sẽ gợi ý cho nhiều đóng góp khác. Những ai có thể được, xin giúp in bài này ra, trao đổi với bạn hữu để cùng suy nghĩ và thêm sáng kiến góp phần.

Ngày đầu tháng Mân Côi và lễ chị thánh Têrêxa, 01-10-2008
LM Mai-Thi Dũng-Lạc
Category: Công giáo khắp nơi | Views: 961 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 544
Khách: 544
Thành Viên: 0