Thứ Tư, 2024-04-24, 5:15 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 4 » Nửa đường đứt gánh: Báo cáo thất bại năm sau cao hơn năm trước
3:22 PM
Nửa đường đứt gánh: Báo cáo thất bại năm sau cao hơn năm trước

Phạm Trần

Đảng Cộng sản Việt Nam đang xốn xang tổ chức các cuộc được gọi là tổng kết nửa nhiệm kỳ của Đại hội Đảng nhiệm kỳ X, 2006-2010 để “rút kinh nghiệm, tiếp tục phấn đấu thực hiện hoàn thành những mục tiêu mà Đại hội Đảng các cấp đề ra”, nhưng có nhìn lại cũng như không vì trước sau chỉ thấy một mầu xám xịt.


Báo đảng viết: “Trong tổng kết kinh nghiệm giữa nhiệm kỳ ngoài phát huy những ưu điểm đã đạt được cần tập trung phân tích nguyên nhân tồn tại và tìm cách khắc phục để sớm thực hiện những chỉ tiêu còn lại trong chương trình hành động đã đề ra cho cả nhiệm kỳ. Trong tổng kết lần này, các cấp ủy cần khẳng định mục tiêu kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Bởi hai nội dung này gắn chặt với nhau, tạo nên sức mạnh hành động của các cấp ủy…”

“…Để khắc phục tình trạng nêu ưu điểm chung chung, tồn tại và khó khăn muôn thuở và biện pháp khắc phục chiếu lệ, trong tổng kết giữa nhiệm kỳ cần làm rõ: Những chuyển biến rõ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Trong phát triển phải phân tích cho được tính bền vững của sự tăng trưởng từ tiềm năng, đặc điểm của địa phương, đơn vị mình.” (báo điện tử ĐCSVN, 12-9-2008)

Chỉ thị này không mới lạ gì so với các cuộc tổng kết giữa nhiệm kỳ của các khoá đảng IX, VIII và VII nhưng dù thời gian có khác, việc làm vẫn giống nhau và những khó khăn, khuyết điểm tồn tại năm sau tiếp tục leo thang cao hơn năm trước.

Riêng trong lĩnh vực kinh tế kinh tế, Bộ chính trị đảng CSVN đã kết luận về tình hình của 6 tháng đầu năm 2008: “Kết quả đạt được chưa thật ổn định và vững chắc, tình hình kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn: Tăng trưởng kinh tế (GDP) chậm lại (chỉ đạt 6,5%, thấp hơn mục tiêu đã điều chỉnh là 7%); chỉ số giá tiêu dùng còn cao, tỉ lệ nhập siêu có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn nhiều so với năm 2007; đầu tư, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao, thiếu vốn, lãi suất cao, tỉ giá biến động, khả năng cạnh tranh giảm sút; dịch bệnh gia tăng; tình hình tài chính, tiền tệ và thị trường chứng khoán còn thiếu ổn định; an sinh xã hội còn nhiều bức xúc; tình trạng tái nghèo có xu hướng gia tăng; đời sống của nhân dân, đặc biệt những người làm công ăn lương, gia đình chính sách, nhân dân các vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và đồng bào dân tộc, người nghèo gặp nhiều khó khăn. Tình trạng đình công ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh diễn ra nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước...”

Cũng nên biết, nhà nước Việt Nam từng lạc quan theo đuổi mức Tăng trưởng 8,5% cho năm 2008 nhưng buộc phải hạ xuống 7%, sau khi thị trường tài chính và mức tăng trưởng kinh tế của thế giới có đột biến vì gía xăng dầu tăng vọt từ đầu năm khiến vật giá tại Việt nam leo thang tạo ra lạm phát cao.

Bộ Chính trị cũng dự đoán : “Trong 6 tháng cuối năm, tình hình kinh tế thế giới còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Ở trong nước, các cân đối vĩ mô chưa ổn định, áp lực tăng đối với mặt bằng giá cả còn rất lớn; thời tiết, thiên tai, bão, lụt và dịch bệnh dự báo còn diễn biến phức tạp; việc làm, giảm nghèo vẫn là những thách thức rất lớn. Việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát cùng với việc bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 7% của cả năm 2008 là hết sức khó khăn, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, cơ sở”.

Như vậy liệu tình hình xấu của kinh tế và xã hội tại Việt Nam năm 2008 có ảnh hưởng đến Cuộc tổng kết giữa nhiệm kỳ của đảng CSVN khoá X ?

Tất nhiên có ảnh hưởng vì những lẽ sau đây:

- Kinh tế tăng trưởng chậm sẽ làm mất thăng bằng trong cán cân chi phó.

- Nạn lạm phát ngót 30% chưa có triển vọng “giảm nhiệt” sẽ tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến vật giá và đời sống viên chức, công nhân có đồng lương cố định.

- Số người thất nghiệp sẽ lên cao, nhất là đối với nông dân và những người không có tay nghề.

- Khó khăn kinh tế sẽ đưa đến nguy cơ có thêm nhiều trẻ em con nhà nghèo phải bỏ học và sẽ gia tăng thêm các tệ nạn xã hội.

Cổ phần hoá tham nhũng

Góp thêm vào những khó khăn kinh tế là việc đảng CSVN chưa chấm dứt được tình trạng lãng phí công quỹ do chậm “cổ phần hoá”, hay tiếp tục cưu mang các doanh nghiệp nhà nước đang làm ăn thua lỗ.

Theo nhiều báo cáo trong nước, sở dĩ có tình trạng “chậm như rùa bò” vì các Ban Giám đốc đều là người của đảng không chịu cổ phần vì sợ mất chỗ ngồi hoặc chưa được bảo đảm công ăn việc làm tương lai. Nhiều Công ty lại tìm mọi mánh khóe giảm gía trị thật để bán rẻ các cổ phần cho cán bộ, đảng viên có địa vị và giầu tiền mua gây thiệt hại cho quốc dân.

Bằng chứng như tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam (24-4-2008) viết: “Nếu không có những giải pháp đột phá thì có thể mục tiêu cổ phần hoá doanh nghiệp vào năm 2010 sẽ khó thành hiện thực. Đó là quan điểm của đại đa số đại biểu có mặt tại hội nghị sắp xếp chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 23/4, tại Hà Nội”.

Tờ báo viết tiếp: “Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong năm 2007, đã có 150 doanh nghiệp được cổ phần hoá và 271 doanh nghiệp được sắp xếp, nâng tổng số đơn vị được sắp xếp lên 5.366 doanh nghiệp và cổ phần hoá là 3.756 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nếu đem so với kế hoạch của Chính phủ đề ra cho giai đoạn 2007 -2010 là cần phải sắp xếp 1.553 doanh nghiệp, trong đó đến năm 2010 phải cổ phần hoá được 950 doanh nghiệp thì mới thấy được kết quả đạt được là khá khiêm tốn”.
Trước đó, báo điện tử của Trung ương đảng đã đưa tin (31-3-2008): “Năm 2007, có 82 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được cổ phần hoá (CPH), đạt 21% chỉ tiêu kế hoạch, nguyên nhân làm chậm quá trình CPH là việc hành chính hoá quan hệ kinh tế vào tiến trình CPH DNNN.”

Tại Hội thảo “Tháo gỡ vướng mắc hành chính trong cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước”, Luật gia Cao Đăng Vinh nói: “CPH DNNN là một chương trình đầy khó khăn và phức tạp, động chạm đến nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị liên quan đến nhiều tầng lớp người khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay, CPH được thực hiện theo kiểu phong trào tự giác phụ thuộc vào các cơ quan, tổ chức đang giữ vai trò đại diện chủ sở hữu Nhà nước. Cách làm này đã dẫn đến các hậu quả không mong muốn như: CPH diễn ra rất chậm do phải chờ các cơ quan chủ quản và doanh nghiệp tự nguyện; các DNNN dễ CPH và có lợi cho các bên liên quan khi CPH thì làm nhanh, các doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc xin rút, hoặc tìm mọi cách lẩn tránh, kéo dài quá trình làm thủ tục; nhà nước không kiểm soát được quá trình CPH nên đôi khi vốn Nhà nước bị thất thoát.”

Ngoài ra “Quốc nạn Tham nhũng” không những vẫn còn nguyên vẹn như trước Đại hội đảng X năm 2006 mà đã lan nhanh khắp nơi khắp chốn trong cả hệ thống lãnh đạo.

Hãy nghe Mai Quốc Bình - Phó Tổng thanh tra Chính phủ nói thật tại cuộc Hội thảo quốc tế về Chiến lược Quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020, họp tại Hà Nội ngày 25-9-2008: “Mặc dù Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, tuy nhiên đánh giá một cách nghiêm túc thì công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả chưa cao. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, đặc biệt trong quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, quản lý, sử dụng vốn, tài nguyên, khoáng sản, tài sản Nhà nước”.

Một trong những nguyên nhân của nạn tham nhũng là Việt Nam còn thiếu cơ chế phù hợp trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về phòng chống tham nhũng; thiếu một hệ thống giải pháp có tính chất căn bản, lâu dài, toàn diện, lộ trình cụ thể, hợp lý để thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách hiện hành về phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, một nguyên nhân không nhỏ góp phần gia tăng tham nhũng đó là đội ngũ cán bộ, công chức thiếu tính chuyên nghiệp, phẩm chất đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức bị xuống cấp.” (Theo Đài Tiếng Nói Việt Nam, 25-9-2008)

Điệp khúc sau đây trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX tại Đại hội đảng khoá X ngày ngày 10 tháng 4 năm 2006 không khác gì với Báo cáo của các khoá trước còn đóng góp vào việc “nhấn cho thuyền chìm” giữa cuộc khủng hỏang kinh tế-xã hội hiện nay.

Báo cáo 2006 viết: “Những yếu kém của bộ máy quản lý nhà nước và công tác cán bộ chậm được khắc phục. Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu, chưa gắn với xây dựng và chỉnh đốn Đảng, với đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, chưa phối hợp chặt chẽ với cải cách và đổi mới hoạt động tư pháp. Cải cách tư pháp chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Năng lực và phẩm chất của nhiều cán bộ, công chức còn yếu, một bộ phận không nhỏ thoái hoá, biến chất. Dân chủ ở nhiều nơi bị vi phạm, kỷ cương phép nước chưa nghiêm. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng nhũng nhiễu, cửa quyền, thiếu trách nhiệm của bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, nhất là ở các cơ quan giải quyết công việc cho dân và doanh nghiệp. Bộ máy chính quyền cơ sở nhiều nơi yếu kém”.

Báo cáo của Khoá VIII thời Lê Khả Phiêu tại Đại hội đảng IX (19-4 – 22-4-2001) cũng đã viết về tham nhũng: “Tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng. Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe doạ sự sống còn của chế độ ta. Tình trạng lãng phí, quan liêu còn khá phổ biến.

Ban Chấp hành Trung ương xin tự phê bình trước Đại hội và trước nhân dân về việc chậm khắc phục những khuyết điểm trên, làm hạn chế những thành tựu lẽ ra đã có thể đạt được nhiều hơn”.

Về kinh tế, Báo cáo 2006 thời Nông Đức Mạnh ghi: “….Tốc độ tăng trưởng kinh tế 5 năm qua vẫn thấp hơn so với khả năng và thấp hơn nhiều nước trong khu vực ở thời kỳ đầu công nghiệp hoá. Qui mô nền kinh tế còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp….Tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào các nhân tố phát triển theo chiều rộng, vào những ngành và những sản phẩm truyền thống, công nghệ thấp, tiêu hao vật chất cao, sử dụng nhiều tài nguyên, vốn và lao động. Năng suất lao động tăng chậm và còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn kém; chi phí kinh doanh cao, chất lượng và hiệu quả còn thấp….Chưa thực hiện thật tốt việc kết hợp tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội. Môi trường ở nhiều nơi bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Nguồn lực của đất nước chưa được sử dụng có hiệu quả cao, tài nguyên, đất đai và các nguồn vốn của Nhà nước còn bị lãng phí, thất thoát nghiêm trọng…. Tỉ trọng lao động trong nông nghiệp còn cao. Lao động thiếu việc làm và không có việc làm còn nhiều. Tỉ lệ lao động qua đào tạo rất thấp…”

Trong khi đó Báo cáo của Khoá VIII năm 2001 cũng phản ảnh: “Nền kinh tế phát triển chưa vững chắc, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế 5 năm qua chậm dần, năm 2000 đã tăng trở lại nhưng vẫn chưa đạt mức tăng trưởng cao như những năm giữa thập niên 90. Nhịp độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) và GDP bình quân đầu người, nhịp độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu... không đạt chỉ tiêu do Đại hội VIII đề ra. Nhìn chung, năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành cao. Nhiều sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp thiếu thị trường tiêu thụ cả ở trong nước và nước ngoài, một phần do thiếu sức cạnh tranh. Rừng và tài nguyên khác bị xâm hại nghiêm trọng. Nạn buôn lậu, làm hàng giả, gian lận thương mại tác động xấu đến tình hình kinh tế - xã hội. Hệ thống tài chính - ngân hàng còn yếu kém và thiếu lành mạnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Cơ cấu đầu tư chưa hợp lý; đầu tư còn phân tán, lãng phí và thất thoát nhiều…. Kinh tế tập thể chưa mạnh…”

Trong lĩnh vực “đạo đức con người” của đảng viên và xã hội, Báo cáo năm 2006 của Nông Đức Mạnh viết: “….Tình trạng suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lối sống, sự gia tăng tệ nạn xã hội và tội phạm đáng lo ngại, nhất là trong lớp trẻ…. Số hộ nghèo và tái nghèo ở một số vùng còn lớn, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn cao. Đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng thường bị thiên tai còn nhiều khó khăn; nhiều vùng dân tộc thiểu số có tỉ lệ hộ nghèo cao hơn so với bình quân cả nước. Một số chính sách trợ giúp người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo chưa được tổ chức thực hiện tốt…”

Một số vấn đề văn hoá - xã hội bức xúc và gay gắt chậm được giải quyết. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn còn ở mức cao, đang là một trong những vấn đề nổi cộm nhất của xã hội. Chất lượng giáo dục và đào tạo thấp so với yêu cầu. Mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, sách giáo khoa, thi cử, cơ cấu đào tạo, trình độ quản lý có nhiều thiếu sót; trong giáo dục và đào tạo có những hiện tượng tiêu cực đáng lo ngại. Đào tạo chưa gắn với sử dụng, gây lãng phí. Chi phí học tập cao so với khả năng thu nhập của dân, nhất là của người nghèo. Giáo dục và đào tạo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn…”

Nhưng gần nhất phải kể đến kết luận ngày 14-2-2008 của Hội nghị Trung ương 6, khoá đảng X hiện nay: “Công tác xây dựng Đảng vẫn còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém. Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình trong các cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng.

Không ít tổ chức cơ sở đảng yếu kém, không làm tròn vai trò hạt nhân chính trị và nền tảng của Đảng, không đủ sức giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh từ cơ sở, thậm chí có những tổ chức cơ sở đảng tê liệt, mất sức chiến đấu. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, thậm chí có một số cán bộ chủ chốt các cấp yếu kém cả về phẩm chất và năng lực, thiếu tính chiến đấu, giảm sút lòng tin, phai nhạt lý tưởng, vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng”.

Như vậy, nếu chỉ kiểm điểm những việc làm được và chưa làm được từ 2006 đến 2008, giả dụ như Hội nghị giữa nhiệm kỳ của khoá X sẽ diễn ra trong năm nay, liệu có trung thực không hay phải giở lại chồng hồ sơ “bê bối” của 22 năm từ thời Nguyễn Văn Linh đổi mới năm 1986 để xem đảng thành công hay đã đứt gánh giữa đường?

Phạm Trần
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 946 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0