Trần Hùng
Trong tất cả mọi xã hội dân chủ, việc các tín đồ cầu nguyện để thể hiện
niềm tin của mình là hình thức sinh hoạt tôn giáo hoàn toàn bình
thường. Đó là quyền căn bản của người dân, chính quyền không những phải
tôn trọng, mà còn phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để những sinh hoạt
này được phát triển mạnh mẽ. Hình ảnh những con chiên, Phật tử, tín
hữu, đồng đạo… tụ tập đông đảo nơi thờ phượng, để nghe rao giảng về
tình thương, bác ái, hy sinh, từ thiện… không những thể hiện một nếp
sống văn minh, tốt đẹp, mà còn củng cố cho một xã hội an hòa.
Những điều nói trên lại không hiện diện dưới chế độ cộng sản Việt Nam, mặc dù khẩu hiệu "tốt đời - đẹp đạo"
được chính quyền cho sơn phết trên khắp các mảng tường, cho in lớn trên
tất cả báo chí và cho hô to trên những cơ quan truyền thanh truyền hình
của nhà nước. Sự khác biệt một trời một vực giữa lời lẽ tuyên truyền
của CSVN với sự kiện thực tế khiến cho câu: "đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm" đều nằm trong tiềm thức của mọi người dân Việt.
Trong việc đàn áp giáo dân tại tòa Khâm Sứ và nhà thờ
Thái Hà, người ta thấy hành động của nhà nước cộng sản luôn đi ngược
lại những điều họ nói.
Ngay từ khởi đầu, CSVN đã huy động toàn bộ các phương tiện truyền thông quốc doanh để xuyên tạc sự việc,
rồi dựa trên những sự kiện sai lạc đó khích động dư luận tấn công hàng
giáo phẩm và giáo dân. Việc tạo hoang mang và gây phân hoá là cách hành
xử của những phần tử vô trách nhiệm. Hành động này cũng cho thấy nhà
nước hoàn toàn không có thiện chí đối thoại nghiêm chỉnh. Đây là một
hành vi kém cỏi, không xứng đáng với vai trò của bất cứ một nhà nước
chân chính nào!
Khi bác bỏ việc đòi đất của giáo dân, nhà nước luôn căn cứ trên những
nghị quyết, những đạo luật đã được chế độ này ban hành trước đây. Đây
là những luật lệ độc đoán,
được ban hành bởi những bộ phận bù nhìn của một chính quyền độc tài,
không phản ảnh ý nguyện của người dân, không tôn trọng quyền lợi của
những thành phần quần chúng mà chỉ để phục vụ cho một thiểu số cầm
quyền. Thái độ này thể hiện tâm lý chiếm đoạt của những người đang nắm
bạo lực trong tay, muốn tranh thắng bằng bất cứ giá nào, chứ không giúp
giải quyết sự việc một cách công bằng, vì thế sẽ chỉ tạo thêm phân hoá
trong xã hội.
Để tìm cách bảo vệ cho luận cứ của mình, nhà nước đã
trưng dẫn một số văn bản chứng minh cho sự đồng tình chuyển nhượng.
Những văn bản này vừa không hợp lý mà lại bất hợp pháp. Bất hợp pháp vì
nó là những văn bản giả mạo, được chế tạo rất ấu trĩ về phương
diện kỹ thuật nên dễ dàng bị lột mặt nạ. Không hợp lý vì người được cho
là ký tên chuyển nhượng tài sản lại hoàn toàn không có thẩm quyền về
hành động này. Việc xử dụng những thủ đoạn nói trên cho thấy não trạng
của những người lãnh đạo CSVN vẫn còn ở trong thời đại "luật rừng", ngược lại với chủ trương "xây dựng một nhà nước pháp quyền" mà họ vẫn tuyên truyền.
Trước tinh thần đoàn kết thành một khối và thái độ đấu
tranh ôn hòa của giáo dân, việc đàn áp bằng hơi cay và dùi cui điện
không mang lại kết quả, nên nhà nước đã xử dụng những thành phần xấu trong xã hội
để tạo náo loạn trong những buổi cầu nguyện của giáo dân, hoặc gây hấn
bằng thái độ côn đồ, du đãng. Nhưng thủ đoạn này cũng không mang lại
kết quả, mà chỉ làm nhơ bẩn chính bộ mặt của chế độ. Người dân thấy rõ
hơn chính nhà nước mới là người gây kích động, bạo loạn.
Nhằm triệt hạ uy tín của hàng giáo phẩm Hà Nội, CSVN đã
ra đòn độc đối với đức tổng giám mục Ngô Quang Kiệt. Họ cắt xén một câu
phát biểu của ngài để nó mang ý nghĩa miệt thị đất nước. Việc cắt xén
để bôi nhọ này là một thủ đoạn hạ cấp, nó không giúp cho nhà nước được
thêm chút danh giá nào, mà chỉ làm cho người ta thêm đồng tình với đức
tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, thấy thật là nhục nhã khi có những người
cầm quyền quen thói hành xử bất chính như vậy.
Sau cùng, vẫn thái độ ngoan cố không dám đối diện với
thực trạng để giải quyết vấn đề theo lẽ phải và luật pháp, CSVN đã bất
ngờ cho cô lập những khu vực toà Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà bằng hàng
rào ngựa sắt và những vòng kẽm gai, lợi dụng đêm tối cho cơ giới đến ủi
sạch hiện trường, để thiết lập tại đây 2 công viên.
Khu đất của giáo xứ Thái Hà, nay chỉ còn một nhà thờ chật hẹp.
|
Công viên cây xanh thật sự là nhu cầu cần thiết, đặc
biệt là tại các thành thị lớn. Nhưng trong trường hợp tại tòa Khâm Sứ
và nhà thờ Thái Hà, việc xây dựng công viên khẩn cấp theo kiểu "chạy tang",
chà đạp mọi nguyên tắc, như người ta vừa thấy, chỉ xuất phát từ cái
thiện chí giả tạo của nhà nước, nhằm che đậy một âm mưu rất thâm độc.
Sau khi chia chác khu đất với nhau không trót lọt, nay họ tạm khoác cho
nó vai trò phục vụ lợi ích công cộng, để tạo sự đối đầu giữa giáo dân
với các thành phần xã hội khác. Khi cần đạt đến mục tiêu, những người
cộng sản có thể xử dụng bất cứ thủ đoạn nào, cho dù nó có thể gây chia
rẽ giữa các tôn giáo, giữa nhiều thành phần dân tộc, hay có thể gây bất
ổn xã hội, làm thương tổn sanh mạng công dân. Họ bất chấp tất cả!.
Nhưng người ta có thể dễ dàng nhìn thấy âm mưu này.
Việc xây dựng thêm công viên trên khu đất Thái Hà là hoàn toàn vô lý,
vì ngay gần đó, chỉ cách vài trăm mét, hiện đang có một khu công viên
rộng lớn đang bị bỏ hoang phế. Đó là "Công viên văn hóa Đống Đa", nằm ngay trên khu di tích lịch sử gò Đống Đa.
Công viên văn hóa Đống Đa và khu tượng đài Quang Trung
được thành hình vào năm 1989, nhân dịp kỷ niệm 200 năm chiến thắng lịch
sử oanh liệt của anh hùng Nguyễn Huệ. Vào đêm mùng 4 rạng ngày 5 tháng
giêng năm Kỷ Dậu (1789), trong một trận đánh thần kỳ tại gò Đống Đa,
quân Tây Sơn đã đánh tan gần 30 vạn quân Thanh, vào giải phóng thành
Thăng Long. Từ đó, địa danh Đống Đa đã được ghi vào sử xanh của dân tộc
Việt Nam. Khu công viên Đống Đa có tổng diện tích trên 21 ngàn mét
vuông, rộng lớn hơn khu đất mà nhà nước lấy của giáo xứ Thái Hà để xây
công viên. Trên công viên Đống Đa có tượng vua Quang Trung và nhà trưng
bầy những di vật lịch sử. Hiện toàn bộ công viên Đống Đa đang bị bỏ
hoang, cây cỏ dại mọc tràn ngập, những cây cao, gỗ tốt như loại cây sưa
thì bị cán bộ thông đồng với nhau để cưa trộm… tóm lại toàn bộ khu vực
đã trở thành một nơi hoang phế. Đây mới chính là một khu công viên đích
thực, lẽ ra nhà nước phải bỏ công tu bổ, sửa sang để người dân Hà Nội
có một khu giải trí, vui chơi, mà đồng thời cũng nêu cao niềm tự hào
của dân tộc. Việc bỏ phế công viên Đống Đa, mà lại xây dựng công viên
trên đất của giáo xứ ngay cạnh đó, cho thấy vấn đề không phải là phục
vụ nhân dân, và cũng vượt ra ngoài chuyện cướp đất. Đây không chỉ đơn
thuần là hành động của một phường thảo khấu, mà còn là hình ảnh của một
tập đoàn tay sai, khiếp nhược trước bá quyền phương Bắc. Họ vừa bán
đất, bán biển, bỏ mặc Hoàng Sa Trường Sa, nay lại muốn chối bỏ một
chiến thắng lẫy lừng của dân tộc. Phải chăng nỗi e sợ Đại Hán lớn đến nỗi họ không dám cho bảo tồn khu công viên lịch sử Đống Đa?..
Công viên Đống Đa trở thành khu hoang phế
|
Tóm lại, về việc nhà nước CSVN đàn áp giáo dân tại Giáo
Xứ Thái Hà và toà Khâm Sứ ở Hà Nội, một số người nhận định cho rằng,
phản ứng điên cuồng của chính quyền cho thấy chế độ này đang đi vào
chặng đầu của giai đoạn cuối cùng trước khi chấm dứt. Một số nhận định
khác cho rằng đây là chặng cuối của giai đoạn thống trị đã kéo dài hơn
nửa thế kỷ nay của một chế độ luôn gắn liền với "bạo lực". Tuy ngôn từ
có phần khác nhau, nhưng những nhận định trên đều có một điểm chung,
cho thấy một chính quyền mà phải xử dụng những thủ đoạn gian trá, những
ngôn từ xuyên tạc, chối bỏ lịch sử oai hùng của dân tộc, thì chế độ đó
không còn lý do để tồn tại. Con đường đi tìm công lý của người Việt Nam
đang ở những chặng cuối!. Đây là bài trên báo Tiền phong
Trần Hùng
|