Thứ Tư, 2025-01-22, 6:28 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 4 » Cách thương lượng của Việt cộng qua biến cố Nhà chung
5:32 PM
Cách thương lượng của Việt cộng qua biến cố Nhà chung
Cách Thương Lượng Của Việt Cộng Qua Biến Cố Nhà Chung

Trong cuộc đấu tranh cho Công Bằng và Công Lý của Tòa Giám Mục Hà Nội và Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà, qua những buổi lễ cầu nguyện tập thể nhằm đòi hỏi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trả lại khu đất Nhà Chung đã bị Hà Nội chiếm đoạt vào năm 1947 và nhà thờ Thái Hà bị chiếm đoạt vào năm 1961, Cộng sản Việt Nam đã mở ra nhiều cuộc thương lượng với Tòa Giám Mục Hà Nội và Dòng Chúa Cứu Thế để giải quyết nội vụ. Đặc biệt là đối với khu đất Nhà Chung, việc thương lượng này được giải quyết theo chỉ thị trực tiếp từ Nguyễn Tấn Dũng. Thế nhưng nhìn qua cách thương lượng của Hà Nội người ta chỉ tìm ra những xảo trá cố hữu của người cộng sản, với mục tiêu đặt đối tượng ở vào chỗ đã rồi và buộc phải thi hành những ’phán quyết’ đã có sẵn.


Từ năm 1994 khi Nhà Chung bị biến thành ổ Karaoke giải trí của một số cán bộ lãnh đạo Quận Hoàn Kiếm, Tòa Giám Mục Hà Nội đã vừa lên án sự chiếm hữu đất tôn giáo làm của riêng, vừa yêu cầu trả lại khu đất cho Tòa Giám Mục. Tuy nhiên, lãnh đạo Quận Hoàn Kiếm đều gạt phăng những đòi hỏi này vì cho là không có cơ sở. Mãi đến tháng 11 năm 2007, khi những buổi lễ cầu nguyện bùng nổ lớn cùng với áp lực trực tiếp từ Tòa Thánh Vatican, Nguyễn Tấn Dũng đã đến gặp Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt và hứa là sẽ giải quyết. Sau cuộc gặp này, mãi đến gần một năm sau, thương lượng đầu tiên của Cộng sản Việt Nam đưa ra ngày 22 tháng 7 năm 2008 là giao cho Sở Tài Nguyên - Môi Trường thành phố Hà Nội, gửi văn thư hướng dẫn Tòa Giám Mục Hà Nội làm đơn xin sử dụng một trong ba khu đất mà thành phố Hà Nội cho phép: khu đất 1 mẫu tại Cổ Nhuế, Từ Liêm; khu đất 2 mẫu tại Phùng Khoang, Từ Liêm; khu đất gần 7 ngàn 500 mét vuông tại 67 Phó Đức Chính, quận Ba Đình.


Cách thương lượng này của Hà Nội cho chúng ta thấy là Cộng sản Việt Nam biểu diễn trò ban ơn cho Tòa Giám Mục Hà Nội khi buộc Tòa Giám Mục phải làm đơn xin, trong khi trên thực tế, khu Nhà Chung là đất của Tòa Giám Mục bị cướp và bị biến thành đất tư nhân. Khi Tòa Giám Mục Hà Nội từ chối việc thương lượng này, Cộng sản Việt Nam lại tấn công là "thiếu hợp tác và ngoan cố". Sau khi thất bại cuộc thương lượng đầu tiên, Cộng sản Việt Nam đã chỉ thị cho sở quy hoạch - kiến trúc thành phố công bố việc biến khu đất Nhà chung thành công viên vào ngày 18 tháng 9, và sáng ngày hôm sau, ngày 19 tháng 9 đã huy động hàng trăm công nhân đến san bằng khu đất Nhà chung, để trồng cây kiểng nhằm đặt Tòa Giám Mục Hà Nội ở vào thế đã rồi. Tòa Giám Mục đã công bố lá thư phản đối và kêu gọi giáo dân tiếp tục tụ tập cầu nguyện. Ngày 20 tháng 9, chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã mời Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt tham dự cuộc nói chuyện trong tinh thần thương lượng đợt hai, trong tình huống không thể đòi lại khu Nhà Chung vì đã biến thành công viên.


Cách thương lượng đợt hai này cho chúng ta thấy là Hà Nội đặt Tòa Giám Mục Hà Nội ở vào thế đã rồi. Nhưng khi Đức Tổng Giám Mục bày tỏ sự phản đối việc biến khu đất Nhà Chung thành công viên, và bày tỏ sự nhục nhã về tư thế yếu kém của Việt Nam khi Ngài mang hộ chiếu do CSVN cấp qua các cửa khẩu quốc tế, thì Cộng sản Việt Nam đã điên cuồng mở mặt trận truyền thông tấn công Đức Tổng Giám Mục là "phản bội đất nước và thách thức chính quyền bằng lá đơn khiếu nại ngày 19 tháng 9 năm 2008". Nhưng Hà Nội càng tấn công vào uy tín của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt bao nhiêu thì lại gặp phải làn sóng chống đối ngày một mạnh mẽ của giáo dân khắp nơi bấy nhiêu - không chỉ ở Hà Nội, mà còn lan rộng nhiều nơi như Thái Bình, Tây Nguyên, Sài Gòn và tại hải ngoại. Ngày 25 tháng 9, Hà Nội chỉ thị cho ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm ra quyết định xử phạt hành chánh Tòa Giám Mục Hà Nội với số tiền lên đến gần 2 triệu đồng Việt Nam. Ngày 27 tháng 9, Hà Nội lại tung ra vụ thương lượng đợt 3 khi chỉ thị cho chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đến yêu cầu Tòa Giám Mục phải nhận lại các tượng Đức Mẹ, Thánh Giá mà họ đã tháo gỡ khi cho san bằng khu đất Nhà chung để làm công viên.


Cách thương lượng đợt ba này cho chúng ta thấy là Hà Nội đã gian manh đặt Toà Giám Mục phải nhận lại những biểu tượng đấu tranh, nhằm xóa đi toàn bộ những ngày tháng đấu tranh gian khổ của giáo dân; nhưng khi Tòa Giám Mục đòi hủy bỏ các xử phạt hành chánh trước đó thì cán bộ quận Hoàn Kiếm không chấp nhận.


Trong đấu tranh bất bạo động, vấn đề đối thoại và thương lượng là hai phương thức thường được hai phía (chế độ độc tài và lực lượng đối kháng) sử dụng trong quá trình tạo áp lực lên nhau. Đối thoại là nhằm duy trì mối liên lạc giữa hai phía để không đẩy tình thế rơi vào những hoàn cảnh nguy kịch nằm ngoài khả năng kiểm soát của mỗi phía, và nhất là không đẩy vào thế đối đầu quyết liệt khi chưa sẵn sàng. Trong khi đó, thương lượng thường được các chế độc tài sử dụng để gỡ bí những trường hợp bị lực lượng đối kháng đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Đặc biệt là khi đụng đến nguyên lý tôn giáo, các nguyên tắc về nhân quyền, tự do dân chủ là những vấn đế cốt lõi của con người, các chế độ tài hay tung ra những mục tiêu giả để chiêu dụ các lực lượng đối kháng bước vào thế thương lượng. Kinh nghiệm cho thấy là chế độc tài không bao giờ thành tâm trong các vụ thương lượng mà chỉ là những kế hoãn binh để tìm cách xoay chuyển tình thế có lợi hơn cho họ. Do đó, những diễn tiến thương lượng của Cộng sản Việt Nam xảy ra quanh vụ Nhà Chung như trình bày bên trên là những trường hợp gài bẫy đối với Tòa Giám Mục Hà Nội. Nhưng quý Cha trong Tòa Giám Mục đã ứng phó một cách độc đáo. Trước sau như một qua các lần đối thoại, quý Cha vẫn luôn luôn xác quyết hai điều: Không xin, và đòi đối xử công bằng. Tòa Giám Mục cương quyết không làm đơn xin một trong ba khu đất đề nghị của sở quy hoạch - kiến thiết thành phố Hà Nội; và không từ bỏ quyết tâm đòi cho bằng được khu đất Nhà Chung.


Bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, lãnh đạo CSVN đã dùng thương lượng như một công cụ để vừa câu giờ tìm cách biến chiêu thoát hiểm, vừa gài bẫy để tạo ấn tượng là phía đối kháng hợp tác với chế độ nhằm làm xì hơi sự công phẫn của quần chúng và giảm lực đấu tranh... Nhưng "bổn cũ soạn lại" đầy gian trá của chế độ đã như thêm dầu vào lửa trước khí thế đấu tranh ôn hòa nhưng quyết liệt của giáo dân. Bản Quan Điểm của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam qua phiên họp tại Xuân Lộc vào ngày 27 tháng 9 vừa qua - ủng hộ và coi cuộc đấu tranh của Tòa Giám Mục Hà Nội cùng Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà là chính đáng - cho thấy là Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã có chung một lập trường: không chấp nhận những thương lượng giả dối của Cộng sản Việt Nam và cương quyết đấu tranh cho Công Bằng và Công Lý trên toàn cõi đất nước - không chỉ riêng gì cho Giáo Hội.

Trung Điền
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1003 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 33
Khách: 33
Thành Viên: 0