Dù
xác định khủng hoảng tài chánh ở Mỹ ảnh hưởng rất ít tới VN, nhưng
chính phủ vẫn thể hiện nhiều âu lo, các chuyên gia kinh tế phân tích
tình hình và đưa ra nhiều dự báo.
Theo dõi biến động của đôla
Hiếm
khi thấy chính phủ Việt Nam có phản ứng nhậm lẹ như lần này. Ngày 1/10 tại Hà Nội, thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo rà soát các khoản tiền ký thác hoặc đầu tư tại
các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính nước ngoài. Chính phủ Việt Namđã họp để
đánh giá ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tín dụng Mỹ với VN.
Theo
Vietnam Net người đứng đầu chính phủ VN nhận định rằng, khủng hoảng tài chính ở
Mỹ đã tác động đến nền kinh tế VN nhưng chưa nhiều.
Theo lời ông Nguyễn Tấn
Dũng thì VN có đủ điều kiện, biện pháp và khả năng để tiếp tục giữ ổn định kinh
tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng, vượt qua khó khăn.
Một trong các điểm đáng
chú ý, ngân hàng Nhà Nước được chỉ đạo theo dõi sát biến động đồng đô la để có
cách thức điều hành tỷ giá linh hoạt.
Nhận
thức rằng cuộc khủng hoảng ở Mỹ sẽ ít ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tài
chính Việt Nam, vì ở lãnh vực này chưa có sự liên thông với thị trường tài chính Mỹ
và các nước phát triển khác.
Nếu kinh tế Hoa
Kỳ bị suy thoái thì sẽ có nạn suy thoái toàn cầu vì ba nền kinh tế mạnh
còn lại là Nhật Bản, Âu Châu và Trung Quốc đều đang bị suy trầm với nguy cơ lạm
phát cao. Kịch bản ấy mà xảy ra, các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ khốn
đốn vì đầu tư nước ngoài giảm mạnh cùng suy trầm sản xuất, khủng hoảng hối đoái
bùng nổ vì đồng bạc mất giá.
Nguyễn Xuân Nghĩa
Tuy nhiên đại diện ngân hàng Nhà Nước nhận định rằng,
xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào
VN đứng trước nguy cơ sụt giảm.
Ông
Nguyễn Văn Giàu Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước còn trấn an rằng, 82% dự trữ ngoại
hối của Việt Nam được gởi tập trung vào các ngân hàng trung ương của Đức, Anh, Pháp
cũng như Quĩ Dự Trữ Liên Bang Mỹ.
Lo lắng cho đầu tư, xuất khẩu
Đó
là những nhận định từ guồng máy Nhà Nước.
Mặt
khác, chuyên gia tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa ở California nhận định về ảnh
hưởng toàn cầu, trong đó có những nước đang phát triển như Việt Nam:
“Đối
với thế giới, nếu đầu máy kinh tế số một là Hoa Kỳ mà bị suy thoái thì ta sẽ có
nạn suy thoái toàn cầu vì ba nền kinh tế mạnh còn lại là Nhật Bản, Âu Châu và
Trung Quốc đều đang bị suy trầm với nguy cơ lạm phát cao. Kịch bản ấy mà xảy
ra, các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ khốn đốn vì đầu tư nước ngoài giảm
mạnh cùng suy trầm sản xuất, khủng hoảng hối đoái bùng nổ vì đồng bạc mất giá.
Tuần trước, chiến lược gia đầu tư toàn cầu của ngân hàng Société Générale của
Pháp còn báo động là nếu kinh tế Mỹ suy thoái, Trung Quốc sẽ khủng hoảng, với sự
sụp đổ của thị trường gia cư và sự tiêu vong của hệ thống ngân hàng.”
Phía
các chuyên gia độc lập đang có mặt ở Việt Nam, ông Trần Sĩ Chương chuyên gia kinh tế
ngân hàng của quốc hội Mỹ trong thập niên 1980 ví von trên Vietnam Net rằng, chấn
động khủng hoảng Mỹ vào VN như sóng thần Tsunami từ biển vào kênh rạch. Việt Nam chịu
tác động ít ví như sóng thần qua biển vào con sông rồi mới qua kênh rạch.
Biến động chỉ số VN-Index tính từ đầu năm tới hết 2/10/2008.
Tuy
nhiên ông Trần Sĩ Chương cho rằng xuất khẩu của Việt Namsẽ bị ảnh hưởng rõ nét nhất.
Với cách truyền đạt ngộ nghĩnh ông Chương nói rằng, nếu ai cũng bị chấn động
thì sau này mình có chèo ghe mang nải chuối đi bán, thì cũng ít có người mua và
có mua cũng trả giá rẻ.
Đáp
câu hỏi của Vietnam Net, chuyên gia Việt kiều Trần Sĩ Chương cho rằng nguồn FDI
tức vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào VN sẽ thay đổi lớn, theo đó chỉ
trong quí này thôi sẽ thấy có sự điều chỉnh trong FDI vào VN và có thể sẽ nhỏ giọt
xuống dưới 10 tỷ 1 năm.
Vẫn theo lời ông Trần Sĩ Chương, trong 2 năm qua nguồn
FDI của VN tăng bất thường, không có cơ sở chính đáng. Ông cho rằng, VN không
thể tiêu thụ quá 5 tỷ đô la một năm với hạ tầng, môi trường kinh doanh như hiện
nay.
Tuy
nhiên, có một nguồn tiền khá lớn mà vị chuyên gia Việt Kiều cho rằng vẫn ổn định,
đó là kiều hối. Ông Chương trích dẫn báo cáo gần nhất ghi nhận lượng kiều hối sẽ
vượt ngưỡng 10 tỷ đô la mỗi năm, bao gồm tiền gởi cho người thân, đầu tư và tiền
bà con đi làm ăn mang về.
Tăng trưởng kinh tế?
Theo dự đoán của tôi tăng trưởng năm nay đạt
6,5% tới 7% là cùng, nếu đạt được như thế là tốt và nếu xu hướng phục hồi
được củng cố, thì việc đặt ra tăng trưởng của sang năm khoảng 7%, 7,5% tôi nghĩ
là không quá lạc quan.
TS Nguyễn Quang A
Bức
tranh suy thoái kinh tế đậm nhạt của thế giới ảnh hưởng ra sao đến Việt Nam, theo các
chuyên gia ít nhất phải có thời gian vài ba tháng để thấy được rõ nét.
Tuy
nhiên, đã có những chỉ dấu cho thấy mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khó đạt 7%
trong năm nay. Đây là một bài viết được Vietnam Net đưa lên mạng ngày 2/10, tờ
báo nhắc lại dự báo hồi đầu năm của Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương
theo đó có thể có 3 kịch bản xảy ra, thứ nhất nền kinh tế có mức tăng trưởng
bình thường khoảng 7,2%, mức cao nhất là 7,6% còn trong điều kiện xấu nhất thì
tăng trưởng GDP sẽ khoảng 6,7%.
Mới
đây khi trả lời chúng tôi, TS Nguyễn Quang A Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển
IDS, một tổ chức tư nhân ở Hà Nội đã nhận định:
“Theo
dự đoán của tôi tăng trưởng năm nay đạt 6,5% tới 7% là cùng, nếu đạt được
như thế là tốt và nếu xu hướng phục hồi được củng cố, thì việc đặt ra tăng trưởng
của sang năm khoảng 7%, 7,5% tôi nghĩ là không quá lạc quan.”
Những
nhận xét của TS Nguyễn Quang A đưa ra từ trước, có vẻ thể hiện đúng thực tế.
Theo Vietnam Net, số liệu của Tổng Cục Thống Kê cho thấy tốc độ tăng trưởng
kinh tế trong 3 quí đầu năm thấp hơn kế hoạch đã được điều chỉnh 7% và chỉ ở mức
6,52%.
Tờ báo cho rằng, những tháng còn lại của năm 2008, được đánh giá là thời
điểm khó khăn nhất của các doanh nghiệp, khu vực sản xuất kinh doanh. Bởi vì
theo tờ báo, các chính sách kiềm chế lạm phát nhất là chính sách tiền tệ luôn
có sự đánh đổi và đây chính là giai đoạn đó.
Chuyên
gia Võ Trí Thành thuộc viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương trong nghiên
cứu cập nhật ước tính lạm phát toàn năm 2008 khoảng 24,5% và tăng trưởng chỉ
khoảng 6,7%. Nhận định của ông Thành được công bố tại diễn đàn kinh tế 2008 tổ
chức hôm 2/10 tại Hà Nội. Ngoài ra chuyên gia này còn dự báo nhiều ngành kinh tế
của VN sẽ tăng trưởng thấp như công nghiệp và dịch vụ, ở quanh mức 7%. Đặc biệt
ngành xây dựng sẽ tăng trưởng âm -0,8% tới -1%.
Vietnam
Net trích lời ông Trần Đình Thiên, Phó Viện Trưởng Kinh Tế VN theo đó, gánh nặng
kiềm chế lạm phát hiện đang dồn vào chính sách tiền tệ với công cụ chính là lãi
suất. Chính sách này bước đầu đã có hiệu quả nhưng cũng đã gây ra những khó
khăn cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp tư nhân.
Chuyên
gia Trần Đình Thiên kết luận rằng, cần có sự áp dụng đồng bộ các chính sách để
chia sẻ gánh nặng kiềm chế lạm phát hiện nay sang phía đầu tư công, không thể để
khối tư nhân gánh mãi.