Tìm
hiểu công việc đồng áng và đời sống của nhà nông Việt Nam, Đỗ Hiếu hỏi
chuyện các nhà nông từ vựa lúa của Miền Nam, làm ra hạt gạo nuôi sống
gia đình, cung cấp cho xã hội và tham gia vào việc xuất khẩu.
AFP PHOTO
Vào WTO, Việt Nam đã chính thức hội nhập kinh tế với thế giới từ vài năm nay nhưng nông thôn vẫn chưa được đầu tư đúng mức.
Chị Lệ, một nông dân, làm chủ
gia đình, có con nhỏ phải chăm lo nuôi dạy. Từ Hậu Giang, chị giải thích với
phóng viên đài chúng tôi về công việc của mình, quanh năm suốt tháng nơi đồng
ruộng với bao khó khăn cố hữu.
Chị Lệ: "Tháng Mười ở bên đây của mình đó, là Tháng Mười Một
tây, bắt đầu vô vụ mần lúa, vụ 3 đó. Cái giá lúa quá thấp, giá lúa quá thấp
mà không ai mua nữa. Nhà nước người ta cũng đâu có ăn được tại vì ở nước ngoài
thì các nước khác nó ăn lúa của mình thì lúa mới có giá, còn nếu nó hổng ăn thì
(giá) lúa mình nó nằm thấp chủm hoài. Nhà nông thì nhờ lúa lên, còn mà lúa sụt
thì lỗ."
Nhà nước người ta cũng đâu có ăn được tại vì ở nước ngoài
thì các nước khác nó ăn lúa của mình thì lúa mới có giá, còn nếu nó hổng ăn thì
(giá) lúa mình nó nằm thấp chủm hoài.
Chị Lệ
Tuy vậy, như bao nhà nông
khác, chị hăng hái tiến hành công việc canh tác của mình, với hy vọng sẽ thu hoạch
mùa tới, khá hơn .
Chị Lệ: "Mùa này, lúa bây giờ thì người đang trổ, người sạ thì
hơn được một tháng. Vụ 3 này, thì mùa nào cũng vậy hết trơn, vụ 3 thì lúa cũng
có giá nhưng mà chưa có biết là giá mấy, tại vì lúa của mình thì mới sửa soạn
trổ à."
Trông chờ vào giá lúa
Chị Lệ cũng đặt nhiều tin tưởng
vào kế hoạch xuất khẩu gạo mà nhà nước đang dự kiến, với giá cả có phần nhích
lên từ giờ đến cuối năm, vì đó là điều mơ ước chung mà nhà nông nào cũng ấp ủ.
Chị Lệ: "Cái đó mình nhờ nhà nước. Mấy ông nhà nước giải quyết
giùm chớ mình nhà nông thì biết làm sao bây giờ mà giải quyết. Lúa mấy ổng ăn,
xuất đi, thì nhà nông mới phát triển được. Còn mấy ổng hổng ăn thì phải chịu vậy
thôi, chớ sao bây giờ. Thì hy vọng mùa này, cái mùa đầu mình bỏ qua đi, cái mùa
vụ 3 này nè, tuy nhà nước người ta cho biết là như là lúa đang lên giá vậy
đó anh. Ở quê thì mong lúa trúng, bán được giá để cho nhà nông có dư ra được
chút đỉnh."
Nông dân Đồng Bằng Sông Cửu Long
Cũng từ vùng Đồng bằng Sông Cửu
Long, một nhà nông khác là ông Mạnh ở tỉnh Đồng Tháp cho biết sản lượng thu hoạch
vừa qua được xem là khả quan, ông hy vọng mùa tới cũng sẽ được như vậy:
Ông Mạnh: "Tới Tháng Mười Một bắt đầu
mình gặt làm nữa à. Một hecta bên đây gọi là một mẫu đó, phải
vậy hông? Một mẫu đất nếu quy định thì (cứ) 400 giạ
lúa thì nó được 8 tấn hoặc có khi là 9 tấn. 9 tấn lúa đó, giờ
thì nhiều lắm, khá, đỡ!"
Ông Mạnh cho phóng viên Ban
Việt Ngữ chúng tôi biết thêm là những chuyện sâu rầy phá hoại mùa màng hay vấn
đề thuế khóa, nay không còn là điều gây âu lo, quan ngại cho nhà nông như trước
đây nửa mà họ còn tham gia với nhà nước trong việc phát triển đời sống.
Ông Mạnh: "Ruộng đồng thì nó bình thường.
Đối với dân bây giờ cái vụ vàng lùn đồ đó, cái đồ đó bây giờ nó dễ trị lắm. Lúc
đầu thì không có biết nhưng mà lúc sau này, thí dụ mà thuốc đó thì dễ trị, dễ
làm chớ hông có có cái gì.
Còn cái thuế má thì nó đã quy định nên dã có sẵn rồi,
bị vì hồi lúc trước đó thì có thuế, sau này nhà nước nó miễn thuế, miễn thuế
không có còn thuế nữa, nhưng có cách là giống như làm đường, cấu kỳ gì đó, thì
mình hùn với nhà nước, bởi vì nhà nước nó lên tiếng gọi là nhà nước và nhân dân
cùng làm.
Thí dụ một con đường lộ ở nông thôn muốn làm thì dân đóng phân nửa,
nhà nước phân nửa. Cứ vậy xuất tiền ra hùn với nhau làm chớ hổng có gì."
Tương tự như bà Lệ, Mạnh cũng đặt kỳ vọng nơi chủ trương của chánh phủ
tăng gia số lượng gạo xuất khẩu ra bên ngoài, giúp nhà nông Việt Nam có đời sống
thoải mái hơn nữa.
Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị các cơ quan
hữu trách tiêu thụ hết lúa, bảo đảm cho người trồng lúa có lãi khoảng 40% trở
lên.
Ông Mạnh: "Cũng hổng có sao bởi vì nhà nước
bây giờ ổng đương mở kho ra, là cũng như cất nhiều cái kho để mua lúa của nông
dân lại đem về chỗ một công ty nào vậy đó.
Rồi bây giờ nhà nước mới
là buôn bán với nước ngoài như Trung Quốc, Philippines, các nơi như Campuchea vậy đó.
Bây giờ thì giá lúa bắt đầu cũng là bình thường trở lại, không có
gì. "
Tuy nhiên, bên cạnh những điều
thuận lợi đó, ông Mạnh cũng có phần lo lắng, vi mọi mơ ước sẽ đổ vỡ nếu thời tiết
bất lợi, thiên tai khắc nghiệt xảy ra thì làm sao mà nhà nông tránh được thiệt
hại.
Ông Mạnh: "Khá chớ tại vì ăn thua mưa lũ.
Nếu mưa lũ mà êm thì nhân dân mần lúa được khá lắm. Tại nhiều khi mưa lũ ngập đồng
gây úng thúi thì mần không thuận lợi, thành ra ví dụ một hecta mình mần là 8 tấn
- 9 tấn mà khi gặp những cơn mưa dầm thì mần chỉ còn có 7 tấn hoặc 6 tấn vậy đó.
Lúa nó hư rất là nhiều."
Về phần nhà nước thì trong việc
giúp đỡ thiết thực cho nông gia, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị các cơ quan
hữu trách tiêu thụ hết lúa, bảo đảm cho người trồng lúa có lãi khoảng 40% trở
lên. Ông Dũng cũng yêu cầu bộ ngành phối hợp với cơ quan thông tin đại
chúng chúng loan báo tin tức chính xác, đầy đủ, không gây bất lợi cho xuất khẩu
gạo và việc tiêu thụ lúa gạo hiện nay cho nhà nông.