Thứ Tư, 2025-01-22, 6:19 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 5 » Việt Nam cần có luật bảo vệ người tố cáo tham nhũng
2:02 PM
Việt Nam cần có luật bảo vệ người tố cáo tham nhũng
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA 2008-10-04

Việt Nam cần có luật bảo vệ người tố cáo tham nhũng là đề nghị của các chuyên gia quốc tế được đưa ra tại một cuộc hội thảo ở Hà Nội mới đây.

RFA file photo

Chỉ riêng trong vụ tham nhũng-đánh bạc PMU18, đã từng có lúc đảng cho hép báo chí được tự do phanh phui, nhưng gần đây lại quyết định trừng phạt nhiều ký giả viết bài liên quan đến vụ này. RFA file photo

Tuần qua, một hội nghị của các chuyên gia ngoại quốc đã được tổ chức tại Hà Nội nhằm mục đích thảo luận đề tài làm cách nào để chống tham nhũng hiệu quả hơn.
Các chuyên gia này đã đi đến kết luận chung trên nhiều điểm, trong đó nổi bật nhất là đề nghị Việt Nam cần phải có một đạo luật bảo vệ nhân chứng nếu muốn những người tố cáo mạnh dạn đến với cơ quan chống tham nhũng được nhà nước thành lập hồi gần đây.

Nạn nhân của tố cáo tham nhũng

Vụ án tham nhũng mới đây nhất là vụ PMU18. Hàng triệu đôla tiền tham nhũng từ các dự án có nguồn ngân sách của ODA đã nổ ra khiến Bùi Tiến Dũng phải vào tù. Nhưng cho đến nay nguồn tiền bị mất vẫn chưa xác định được từ khu vực nào.

Toà án vẫn chưa thể quyết định được đâu là người chủ chốt và số tiền nhà nước thất thoát chính xác là bao nhiêu, mặc dù vụ việc điều tra vẫn còn gây hệ luỵ đến nhiều người, trong đó có nhiều nhà báo và các nhân vật cao cấp trong guồng máy công an.

Người đại diện tổ chức Ngân Hàng Thế Giới tại Việt Nam là ông Martin Rama đã xác nhận rằng muốn tìm hiểu hệ thống tham nhũng tại Việt Nam không phải là chuyện dễ dàng.

Và trong một thông báo về vụ PMU18, tổ chức này ghi nhận rằng không có một dấu hiệu nào cho thấy các nghi can tham nhũng từ nguồn tiền ODA.

Tại sao các vụ việc tham nhũng không thể phanh phui tận gốc khi mà các bằng chứng xác thực và không thiếu nhân chứng sẵn sàng đối chất các kẻ vi phạm?

Nhưng đem những thứ này ra công khai thì lại trở ngại bởi các thế lực mạnh mẽ trong bóng tối ngăn cản, khi thì đe doạ, khi mua chuộc. Những thế lực này tỏ ra tinh khôn và biết rõ nơi nào cần phải bịt miệng hầu tiếp tục làm ăn, hay nói chính xác hơn là tiếp tục đục khoét ngân quỹ quốc gia một cách êm thấm nhưng đầy hiệu quả.

Người ta không quên vụ nhà báo Trần Quang Thành vài năm trước đây, chỉ vì tố cáo tham nhũng mà người phóng viên kỳ cựu của Đài Truyền Hình Việt Nam này đã bị kẻ gian tạt a-xít khiến tiếng nói mạnh mẽ của ông bị chìm vào sợ hãi.

Dư luận rộ lên những kết án nghiêm khắc một thời gian ngắn rồi mọi việc lại chìm vào im lặng. Kẻ gian vẫn ngoài vòng pháp luật, và quan trọng hơn cả là kẻ bị tố cáo tham nhũng vẫn tiếp tục sống ung dung bởi sự bất lực của một hệ thống luật pháp lỗi thời, lạc hậu.

Nhà báo Trần Quang Thành kể lại: Hồi xưa tôi là phóng viên của Đài Truyền Hình Việt Nam với Đài Tiếng Nói Việt Nam ạ. Tôi là chuyên viên của Viện Nghiên Cứu Phát Thanh và Truyền Hình. Tôi viết bài đấu tranh chống tham nhũng và xã hội ạ. Bài viết ra thì được phát trên Đài Tiếng Nói Việt Nam, thế thì công an họ nghe được bài ấy họ đến họ gặp tụi tôi và họ vận động tụi tôi làm sao cung cấp tài liệu cho họ để họ chận được đường dây buôn lậu thuốc lá qua đường hàng không, qua đường bưu điện mà được phát trên Đài Tiếng Nói Việt Nam.

Cuối cùng công an lại đến xin tôi tài liệu và tôi đưa tài liệu cho họ thì họ phát hiện được đường dây mở đầu cho vụ án lớn nhất Miền Bắc lúc đó giúp cho nhà nước thu được cả mấy trăm triệu tiền hàng. Cuối cùng công an được thưởng. Mấy tháng sau họ đến tặng tôi cái bằng khen. Tôi bảo bằng khen thì tôi không cần, tôi chỉ cần bảo vệ cho tôi thôi.

Ý kiến giới luật sư

Đề nghị một đạo luật để bảo vệ người tố cáo tham nhũng được giới luật sư trong nước đón nhận ra sao? Luật sư Võ Hữu Thiên Ân hiện đang hành nghề tại TP.HCM cho biết ý kiến :

LS Võ Hữu Thiên Ân: Cái đó thì cần thiết quá đi chớ. Thực tế có những cái việc là cái người đi tố cáo thì người ta lại bị trù dập với lý do này lý do kia rồi bị đuổi việc. Cái này thì tôi chứng kiến nhiều à. Những cái này mà không có cái luật bảo vệ cho họ. Khi tố cáo như thế thì được miễn trừ những hành vi liên quan tới việc tố cáo đó.

Nhiều khi người ta đi tố cáo người ta phải bỏ công việc, cơ quan sẽ lấy lý do là vì anh bỏ việc như thế nên tôi đuổi anh. Còn người ta chống tham nhũng mà bị trù dập, nhiều khi là mất việc.

Thật ra tôi nghĩ cái luật bảo vệ nhân chứng thì nhiều nước đã có rồi chớ không phải là Việt Nam xây dựng lần đầu, thành ra nếu mà xây dựng được luật đó thì theo tôi nghĩ là cứ học thôi. Như Pháp người ta làm như thế nào, Mỹ người ta làm như thế nào, Singapore người ta làm như thế nào, chúng ta nên học những cái đó mà áp dụng thôi.

Riêng Luật sư Trần Lâm tại Hà Nội thì có vẻ bi quan hơn mặc dù ông ủng hộ ý tưởng này:

LS Trần Lâm: Nếu có luật vẫn hơn là không có, chúng ta phải hiểu như thế. Chứ còn trong cái luật nếu có một cái điều gọi là bảo vệ người tố cáo, bảo vệ những người phát hiện vấn đề, thì cái đó là rất tốt, bởi vì hiện nay người ta bức xúc lắm nhưng người ta còn sợ cho việc trả thù, sợ việc im lặng đáng sợ, người ta sợ cái kéo dài, cho nên cái đạo luật cũng tốt thôi ạ.

Cái chuyện luật cũng là một chuyện thôi, nhưng cái chính là cái việc có thực tâm không. Có người nói có thực tâm cầm con dao cắt một cái gai của mình đi không. Luật pháp thì cũng dễ làm thế nhưng mà thực thi luật pháp thì lại càng khó hơn, bởi vì thực thi luật pháp không phải là để bảo vệ cái lợi ích quốc gia mà có khi cái luật pháp ấy thì rồi người ta lại xuyên tạc này nọ để người ta lại bảo vệ người phạm tội.

Luật pháp bất lực

Nạn nhân của các vụ tố cáo tham nhũng không thể nào kể hết, từ nhân viên trong các cơ quan nhà nước cho đến người dân mạnh dạn tố cáo tham nhũng nơi địa phương mình đang sống.

Hầu hết mọi trường hợp đều bị bỏ quên hoặc bị gọi lên nhắn nhủ bởi những người lãnh đạo đã khiến các đơn thưa này mau chóng trở thành vật vô ích. Người đi tố cáo trở thành nạn nhân và nỗi cay đắng này được chính nhà báo Trần Quang Thành chia xẻ:

Nhà báo Trần Quang Thành: Họ chọn đúng ngày sinh nhật của con tôi, mùng 4 tháng 7, lúc tôi đang quét cửa thì có một người đến hỏi là "Chú cho cháu hỏi nhà báo Trần Quang Thành ở đâu?", thì tôi bảo "Tôi đây!", thế là nó tát tôi một cái và tạt a-xít vào mặt tôi, rồi nó chạy luôn vào trong ngỏ đi mất.

Sáng hôm đó gia đình tôi lên báo với công an. Thì vào cấp cứu, vào trong bệnh viện thì coi như là mất hết da mặt, mũi mồm mất hết, chẳng còn một nét mặt nào nữa. Tôi có gửi đơn trực tiếp đến ông Đỗ Mười lúc đó là Tổng Bí Thư, rồi gặp trực tiếp rồi đấy, gửi cả các đơn đi rồi cuối cùng cũng chả giải quyết được gì cho tôi cả.

Cho tới khi nào một đạo luật bảo vệ người tố cáo tham nhũng chính thức hình hành thì may ra người dân còn tin tưởng để mạnh dạn đưa đơn tố tham nhũng cho chính quyền. Tình trạng hiện nay thật khó mà tin rằng việc chống tham nhũng do nhà nước khởi xướng và cổ vũ sẽ có cơ may thành công cho dù ở một xác suất nhỏ nhứt.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 966 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 10
Khách: 10
Thành Viên: 0