Thứ Tư, 2024-12-18, 8:09 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 5 » Tham nhũng - cả dân tộc đã mệt mỏi
3:30 PM
Tham nhũng - cả dân tộc đã mệt mỏi
Mỗi ngày mỗi chúng ta đều nghe ra rả đài báo trong nước và nước ngoài nói về quốc nạn tham nhũng ở Việt Nam. Đã lần nào chúng ta thử tự hỏi chúng ta đã nghe bao nhiêu năm rồi, hiện trạng tham nhũng ở Việt Nam có cải thiện được chút nào không hay mỗi ngày một trầm trọng hơn, hay tự hỏi chúng ta đã đủ mỏi mệt chưa? Tôi xin ghi lại một số điều nhỏ mắt thấy tai nghe và điểm một số góc nhìn nhỏ của mình mong được chia sẻ cùng tất cả mọi người hai phe Quốc-Cộng.

1. Tham nhũng… vài điều mắt thấy tai nghe

Cách đây vài hôm tôi có dịp đi công tác tại Thái Lan. Vì công ty tôi đang làm việc là công ty tư nhân, mỗi khoản chi phí cho một chuyến đi công tác nước ngoài đều được tính toán rất kỹ lưỡng để có thể tận dụng tối đa hiệu quả từng đồng tiền bỏ ra trong kinh doanh. Tại Thái Lan tôi vô tình gặp một “đoàn công tác” của chính phủ, và vì cùng người Việt Nam ra nước ngoài với nhau nên chúng tôi nhanh chóng làm quen rồi ngồi tán chuyện tầm phào về những chuyến đi công tác nước ngoài. Và những gì tôi thu lượm qua những cuộc nói chuyện tầm phào ấy được khiến lòng xót xa, xót xa cho người dân, xót xa cho đồng tiền họ bỏ ra nộp thuế, xót xa luôn cho cả "vận mệnh và tương lai của dân tộc" nếu mọi người đọc xong không cho là tôi nói quá lời.

Đoàn công tác ấy là đoàn “Hội phụ nữ thành phố Nam Định” có tháp tùng thêm cả một hai quan chức Thành Đoàn thành phố. Mục đích của “đoàn công tác” là “đi tìm hiểu học hỏi cách sử dụng đồng vốn cho vay giúp đỡ người nghèo từ các nước bạn”. Mấy chị thành viên trong đoàn khoe với tôi những tấm hình chụp được và kể cho tôi nghe những nơi họ được đi qua một cách đầy hào hứng. Hành trình xin tạm lược lại như sau:

- Chương trình đoàn đi gồm có: Trung Quốc (Bắc Kinh - Thượng Hải – Hàng Châu) – Thailand – Singapore.
- Những nơi đoàn đi tham quan “học hỏi kinh nghiệm” gồm có: Bắc Kinh: Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành, Di Hòa Viên, Thập Tam Lăng, Thiên Đàn, Vương Phủ Tỉnh…; Thượng Hải: Tháp Đông Phương Minh Châu, khu siêu thị Phố Đông, Dự Viên; Hàng Châu: Tây Hồ, Vườn Trà Long Tỉnh… Vì tôi phải căng tai lên nghe, trợn mắt nhìn hình và về phải kiểm lại trên Internet nên mới nhớ gần hết được những địa danh đó. Không biết chương trình tại Thái Lan và Singapore của đoàn sẽ thế nào, nhưng chúng ta có thể tin chắc lịch trình cũng sẽ tương tự.
- Thời gian “đoàn công tác” đi “công tác” kéo dài khoảng hai tuần, từ cuối tháng Mười vắt qua tháng Mười Một. Nếu bạn đọc nào có điều kiện có thể kiểm chứng giúp thông tin.

Tôi có hỏi thăm chơi đoàn phải đi làm việc với những đối tác nào, các chị trong Hội Phụ Nữ cười rổn rảng trả lời: “Lên chương trình là đi công tác, nhưng thực ra là tạo điều kiện cho lãnh đạo Hội đi du lịch nước ngoài”. Tôi hỏi: “Đoàn mình bao nhiêu người hả các chị? Chi phí chắc tốn kém lắm”. Các chị trả lời: “Đoàn có 19 người tất cả, trong đó có cả mấy xuất ngoại giao của mấy anh Thành Đoàn nữa. Chi phí cũng không bao nhiêu cả, chỉ có 45.000.000 đồng/người trả cho công ty du lịch tổ chức đoàn tham quan”. Tôi nhẩm tính trong đầu: 45.000.000 VND/người x 19 người = 855.000.000 VND.

Nếu câu chuyện tới đây cũng chưa có gì đáng nói lắm. Mọi người ngồi nói linh tinh những chuyện khác, và theo phong cách nói chuyện người Việt Nam, tôi hỏi thăm công việc của các chị. Các chị cũng nhiệt tình chẳng giấu giếm gì. Các chị kể tiền đi “công tác” được thanh toán vào “quỹ hỗ trợ vay vốn xóa đói giảm nghèo” tại tỉnh Nam Định, và đây là những khoản chi phí “bắt buộc phải có, không dùng cũng uổng”. Tôi hỏi việc vay vốn xóa đói giảm nghèo có khó không? Các chị trả lời: “Mỗi hộ phụ nữ nghèo tại tỉnh Nam Định được Hội vay 6.000.000 đồng nếu hoàn thành đủ các thủ tục trong hồ sơ với đủ các chứng nhận cần thiết, thời gian duyệt hồ sơ chừng sáu tháng, và người vay phải trả trong vòng 10 năm”. Vâng, tôi không dám hỏi thêm nữa vì tôi cũng là người sống trong nước và cũng biết sơ bộ để hoàn thành được một bộ hồ sơ thủ tục vay vốn ở Việt Nam… khó tới mức nào, cũng đại khái đoán tiền tới được người nghèo cần xóa đói nếu có tới sẽ mất bao nhiêu... phần trăm. Và tôi cũng chưa dám chia con số hộ phụ nữ nghèo sẽ được vay vốn (“vay” chứ không phải “cho”) mưu sinh nếu đoàn công tác không đi “công tác nước ngoài” như thế này mà dùng số tiền đó để cho vay thực sự như tôn chỉ của quỹ người nghèo.

Nếu câu chuyện chỉ tới đây thì chắc cũng… chưa có gì đáng nói. Lát sau mấy chị tíu tít mang các cuốn phiếu thu của Trung Quốc nhờ người hướng dẫn đoàn ghi chép. Đến đây thì tôi thực sự… shock. Các chị quả nhiên kinh nghiệm công tác nước ngoài đầy mình. Các chị mua khoảng 30 cuốn “phiếu thu” ngoài tiệm sách ở Trung Quốc, mỗi cuốn xé một tờ để cho “số xê-ri khác nhau” rồi nhờ người hướng dẫn biết tiếng Hoa viết hóa đơn thanh toán. Tôi hỏi: “Không phải hóa đơn tài chính, làm sao nhà nước cho thanh toán”. Các chị trả lời: “Thanh toán trong tay bọn chị chứ trong tay ai. Mấy chữ Tàu loằng ngoằng thế này, ai biết là cái gì? Ở Việt Nam cũng không phân biệt được hóa đơn tài chính của nhà nước Tàu phát hành với lại hóa đơn bán lẻ Tàu không có giá trị thanh toán mua ở ngoài… tiệm sách”. Tôi liếc qua và rùng mình, gần 20 hóa đơn được ghi, hóa đơn ít nhất cũng bảy tám trăm, nhiều là vài ngàn Nhân Dân Tệ Trung Quốc. Vậy thì cái con số 885 triệu trọn gói kia về tới Việt Nam thanh toán ngân sách quốc gia hoặc “quỹ người nghèo” không biết sẽ nở thành bao nhiêu nữa? Nếu không choáng thì quả là chuyện lạ.

Dường như trong câu chuyện, cảm thấy được suy nghĩ của tôi nên các chị Hội Phụ Nũ cũng hơi ngại. Một chị nói: “Mấy anh Thành Đoàn còn… thanh toán nhiều hơn nhiều cơ”. Rồi chị khoe một anh tên Phi mua một cái lưu hương thờ “đẹp lắm, cao hai tấc, ở Bắc Kinh, giá chỉ có 2000 tệ”. Tôi hỏi: “Một tệ được bao nhiêu tiền Việt”, chị trả lời: “Khoảng hơn 2.000 đồng”. Vâng, chỉ một cái lư hương quà kỷ niệm là hơn 4.000.000 đồng tiền Việt, trong khi cả chuyến công tác nước ngoài có mang lại hợp đồng và lợi nhuận cho công ty của tôi chi phí hết có hơn 10.000.000 đồng một chút.

Vâng, cũng là vui miệng đất khách quê người mà người Việt gặp nhau nên chuyện nọ nối tiếp chuyện kia. Các chị kể tiếp ở Thượng Hải các chị đi qua có gặp một đoàn công tác của một công ty dệt may nhà nước nào đó. Đoàn tham gia hội chợ một tuần, thuê ba gian hàng (tôi ước giá ba gian trưng bày tiêu chuẩn (standard booth) chắc không dưới 15.000 USD cho một hội chợ quốc tế như thế) nhưng họ chả có mặt ở hội chợ ngày nào. Họ thuê hướng dẫn đi du lịch khắp cả Trung Quốc, còn gian hàng hội chợ thì để… người phiên dịch coi. Người phiên dịch lần này trúng quả lớn, xếp hàng của công ty vào một gian, còn hai gian còn lại cho các công ty bản địa Trung Quốc… thuê lại.

Vâng, chỉ là chuyện tôi nghe lại thôi nhưng tôi thực sự… choáng. Giá ông giám đốc công ty tư nhân tôi đang làm thuê ở Việt Nam có số tiền đó để đi triển lãm, công ty có thể làm được bao nhiêu chuyện. Nhưng chuyện này tôi cũng chỉ là nghe lại mà không có cách nào kiểm chứng. Vậy nên hai câu chuyện trên đúng là: một chuyện… tai nghe, một chuyện… mắt thấy, tạm coi nó như lời dẫn ban đầu. Cũng may câu chuyện trên đất Thái chỉ diễn ra chừng hơn hai tiếng đồng hồ rồi ai về phòng người ấy ngủ, chứ nếu không lời dẫn ban đầu này không biết sẽ dài tới đâu nữa.

2. Tham nhũng… những điều ai cũng biết mà chả ai buồn nói.

Tình trạng tham nhũng trầm trọng tại Việt Nam chúng ta có nhìn thấy không? Người trong nước ai ai cũng nhìn thấy cả. Ra đường là gặp tham nhũng của các anh cảnh sát giao thông rồi, nói chi tới việc người dân bước vào cửa cơ quan… công quyền nhà nước. Chúng ta gặp nhiều quá, nghe nói nhiều quá nên chắc… chán chẳng muốn nhắc tới nữa. Bất cứ ai trong cái hệ thống công quyền đó cũng phải… tham nhũng một cái gì đấy.

Phải chăng chúng ta nghe đã… mệt mỏi?

Các cấp lãnh đạo có thấy không? Chắc chắn thấy chứ, vì cứ ra đường là gặp mà. Muốn bắt nào có khó gì? 100% hải quan sách nhiễu nhận hối lộ, 100% cán bộ thuế vụ nhà nước nhận “bồi dưỡng tự nguyện” của các doanh nghiệp. Không “tự nguyện” có được không? Ở đây có bạn nào đang làm doanh nghiệp tại Việt Nam xin trả lời giúp tôi một tiếng! Phải chăng đó cũng là lý do Bộ Kế Hoạch Đầu Tư thống kê gần 90% các doanh nghiệp mới mở tại Việt Nam đóng cửa ngay lập tức trong vòng một năm, số còn lại hơn một nửa đóng cửa trong vòng một năm kế tiếp?

“Không bắt được tận tay người ta tham nhũng thì làm sao truy tố được? Luật pháp phải dựa trên chứng cớ.” Vâng, đúng là như thế. Vậy các cơ quan công quyền để làm gì? Tại sao các vụ tham nhũng tại Việt Nam lại toàn do… báo giới phanh phui, trong khi nghiệp vụ chuyên ngành của các phóng viên cũng như quyền hạn và điều kiện tiếp xúc với tư liệu của họ không thể bằng được các… cơ quan chuyên ngành. Đấy là chúng ta còn chưa bàn luận quyền tự do báo chí bị hạn chế và kiểm soát của họ khiến họ luôn luôn cảm thấy bó chân bó tay, muốn viết gì nói gì cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng, phải… nhìn trước ngó sau trước khi mở miệng.

Mà thôi, cũng không cần tìm chứng cớ đâu xa nữa. Cách tìm ra tham nhũng đơn giản nhất, dễ áp dụng nhất hiện nay là chỉ cần tìm bất cứ một quan chức nào (vâng, nhiều lắm và khắp cả trong xã hội), yêu cầu họ giải trình “tiền ở đâu ra mà nhà lầu xe hơi nhiều cái, con cái tất cả du học Mỹ Úc Nhật…”. Đại bộ phận các quan chức xuất thân từ giai cấp công-nông, cha mẹ ông bà chắc không thể nào để cho con cái thừa hưởng… một cục vàng. Mười ông quan lớn giàu có không thể cùng một lúc cả mười ông giàu có vì… nuôi chó cảnh. Đây chỉ là phương thức thô thiển nhất mà một người dân đen ngoại đạo như tôi nhìn thấy. Vậy thì tham nhũng có chống được không mà phải để trở thành quốc nạn như vậy? Được chứ, sao không được? Vấn đề nằm ở chỗ người ta có muốn chống hay không mà thôi. Sắp tới có chính sách quan chức kê khai tài sản đấy, và tôi đang tò mò chờ xem liệu đây có phải là một màn... hài kịch?

Những vụ tham nhũng phanh phui gần đây hẳn chỉ là một cạnh nhỏ của phần bề nổi của một tảng băng khổng lồ, và “nạn nhân” phải chăng chỉ là… con chốt thí xui xẻo trong các chiến dịch định hướng dư luận xã hội hay những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực trên kiến trúc thượng tầng xã hội? Hoặc giả cũng có thể “sự tham nhũng mặc nhiên” ấy không ngờ gây hậu quả tai hại thu hút chú ý của cả xã hội, ví như vụ sập cầu Cần Thơ gần đây chẳng hạn? Những câu hỏi này tôi sợ bị ý tưởng chủ quan định hướng, không dám trả lời, xin được dành lại cho tất cả mọi người.

3.Tham nhũng… cả một xã hội, cả một guồng máy

Lại là những điều ai cũng nhìn thấy. Một sinh viên tốt nghiệp ngành dược ra, xin một công việc “bán thuốc” ở một bệnh viện nhỏ tỉnh lẻ Miền Bắc, giá 50.000.000 VND. Xin làm nhân viên kinh doanh quèn không có khả năng tham nhũng bớt xén tại Mobile Phone, giá 40.000.000 VND. Trong nội bộ ngành hải quan và thuế vụ, mỗi cái ghế có một… giá tiền nhất định, con số cụ thể... ngoài tầm hiểu biết. Vietnam Airline mỗi vị trí đại diện nước ngoài tại mỗi nước có một “biểu giá” và mọi người có thể tham gia “đấu giá”, tuy không công khai nhưng cũng gần như công khai vậy. Một ông trưởng phòng một công ty nhà nước nếu tiềm lực tài chính hùng mạnh có thể tuyên bố thẳng với ông giám đốc: “Ông liệu hồn, cẩn thận tôi lấy “đạn” bắn ông “bay” khỏi cái ghế.” Một anh nhân viên hành chính đơn vị nhà nước than thở: “Các bác làm ở bên ngoài không biết cái nỗi khổ của bọn em. Nếu không hạnh họe kiếm chút thu nhập thêm thì tiền ăn sáng chẳng đủ chứ đừng mơ tiền mua sữa cho con”.

Tôi có hỏi một người đã bỏ ra 35.000.000 VND để mua một vị trí văn thư quèn trong một công ty nhà nước với mức lương hơn 1.000.000 VND. Câu trả lời kèm một nụ cười là: “Sau hai ba năm có thể… lấy lại vốn rồi, sau đó tằn tiện có thể tự nuôi được mình và chờ… lấy chồng. Biết đâu còn có cửa chấm mút nữa”. Cuộc sống kiểu này u ám nhỉ!

Lúc trước tôi có một anh bạn làm đại diện trưởng hàng không tại Cambodia giờ đã về lại Việt Nam. Nhiều người nhìn anh “thành đạt” thì ghen tị, nhưng có lần anh tâm sự: “Khoai lắm Ngạc ạ. Cái ghế đó mua được một nhiệm kỳ ba năm mất đứt 70.000 USD. Mình chỉ hở ra một chút sẽ có đứa chơi mình và giật mất chỗ đứng, không khéo lỗ vốn. Nên hàng tháng vẫn phải có chi phí “lobby” thêm, và mỗi tháng bằng mọi cách mình không thể kiếm dưới 5.000 USD. Năm vừa rồi không dám bắn đạn kéo dài nhiệm kỳ thêm một năm nữa vì... sợ lỗ.” Tôi không biết “bằng mọi cách” là những cách gì trong ngành hàng không vì anh bạn chưa nói, nhưng nghe anh ấy tâm sự mới hiểu và thông cảm cho những người như anh ấy. Mỗi cái đều có cái giá của nó và chúng ta chẳng thể chỉ nhìn bên ngoài mà nhận định bình luận. Điều thiên kinh địa nghĩa là khi con người ta dùng tiền vốn để đầu tư, mặc nhiên người ta phải mong kiếm tiền lợi nhuận từ khoản đầu tư đó.

Ngành hải quan, ngành thuế vụ, ngành hàng không, ngành dầu khí hay các ngành y tế và giáo dục tại Việt Nam, tất cả đều có những ba-rem tham nhũng tương tự như thế. Bạn không bỏ tiền ra thì bạn không vào đó được. Bỏ tiền ra đầu tư thì phải tìm cách thu hồi vốn. Cái cơ cấu sàng lọc tự nhiên đó khiến các ngành chức năng nói trên và nhiều ngành khác nữa mặc nhiên không thể có lấy một con người liêm khiết. Cùng trong ngành, trong cơ quan với nhau, ai cũng biết điều đó, vậy bới nhau ra làm gì? Lỡ có một cá nhân cá biệt nào đó nổi máu Đông Ki-sốt thì ngay lập tức sẽ bị guồng máy của chính các cộng sự bên cạnh, chính những đồng nghiệp gần gũi nhất, thân thiết nhất đá văng ra ngoài.

Có một bà chị họ xa của tôi làm văn thư cho một trường PTCS cấp II tại Sài Gòn. Mỗi mùa may đồng phục, chị kiếm được tiền chênh lệch từ việc “may đồng phục” này là khoảng 30.000.000 VND. Chị bảo chị được chia ít nhất trong một nhóm bốn người gọi là “bộ tứ” có liên quan, bao gồm cả “thầy” hiệu trưởng và “cô” kế toán trưởng của trường. Chị nói chị cả một năm “trông vào đó có một lần”, đâu được như các “thầy” quanh năm có “thu nhập”, hay như mấy bác “tổ bảo vệ coi xe”, coi xe cho trường nhưng “phết phẩy” chia ra mỗi ngày mỗi người “một vài trăm ngàn”…

Một chị văn thư, một anh bảo vệ cũng tham nhũng được. Một “thầy giáo”, một “bác sỹ” cũng phải có cách để cuộc sống hơn người chứ. “Y đức” và “lương tâm nhà giáo” tạm gác ra một bên đã. Một ông thứ trưởng hay bộ trưởng thì ra sao, tôi thực sự không biết. Một ông giám đốc một công ty nhà nước thì có lẽ tôi biết, vì công việc hàng ngày công ty tôi làm thuê phải tiếp xúc với họ, phải “chung chi” cho họ. Các công ty nhà nước đó họ hạch toán lời lỗ ra sao không biết, nhưng khẳng định rằng cá nhân các lãnh đạo… “khỏe” lắm, “lời” nhiều lắm. Các bậc “lãnh đạo quốc gia” thì quả thực tôi xin đầu hàng. Những chuyện “thâm cung bí sử” của họ, ở cái vị trí làm thuê cho một công ty tư nhân, thấp bé nhẹ cân như tôi đây, những kiến thức ấy đúng là… ngoài tầm hiểu biết.

Cả một guồng máy, cả một xã hội mà tham nhũng đã là chuyện mặc nhiên, chữ “tâm” và chữ “đức” chỉ còn là cái áo khoác giả hiệu, những gì trên đầu môi chót lưỡi trong những cuộc họp, những cuộc họp mà, hỡi ôi…, ai cũng nhìn thấy mà giả bộ không thấy, ai cũng biết mà giả bộ không biết, ai cũng nghe mà giả bộ không nghe. Người ta chỉ mon men tới rìa sự thật khi ngồi cùng nhau và nói chuyện với nhau bên... những ly bia sủi bọt. Thế nhưng họ đều coi những chuyện đó “mặc nhiên phải thế”, và vấn đề “miếng cơm manh áo” (tham nhũng) của người này người kia đương nhiên không cần xem xét tới góc cạnh đạo đức. Nếu ai lỡ đề cập tới chữ "đạo đức" sẽ được cả bàn nhậu ném lại cho cái nhìn như nhìn người… từ cung trăng rơi xuống. Chính tôi đã vài lần từng bị khi có dịp ngồi cùng bàn nhậu với lớp người này.

Đã tới mức cả một guồng máy, cả một xã hội đều tham nhũng, dường như con bệnh tham nhũng đã đi vào tận tâm can và phải chăng ngày hôm nay đã không còn thuốc chữa?

4.Tham nhũng.. có cách giải quyết thực tế nào không?

Câu hỏi này quá khó. Khó bởi vì mỗi con người chúng ta không thể tự chống lại… chính mình. Lại là một câu hỏi mới đặt ra. Mới mà lại rất là cũ vì ai cũng đã từng nhìn thấy rồi, cũng đã từng nghe rồi hoặc cũng đã từng hỏi rồi. Ai là người tạo ra bộ máy tham nhũng? Ai là người tham nhũng? Và ai là người chống?

Tôi đọc Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung và rất nhớ câu “Vạn dặm đương quan chỉ vị tiền” của Vi Tiểu Bảo. Cuộc sống của chúng ta, trừ một số thánh nhân, ai chẳng vì chính mình trước? Và lại thử hỏi mỗi xã hội chúng ta đang sống, dù ở Việt Nam hay nước ngoài, cái xã hội ấy có được bao nhiêu… thánh nhân? Hay là chúng ta kêu gọi… cái “đức” và cái “tâm” của mỗi người làm quan để họ đều trở thành… thánh nhân? Điều này có giống như cái đích đến cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản mà học thuyết xã hội đất nước ta theo đuổi đang hướng tới không? Có lẽ sự hiện thực và tính khả thi cũng không khác nhau là mấy.

Quay lại với vấn đề tham nhũng, thiển ý của tôi là chúng ta hãy tạm mặc nhiên công nhận mỗi một con người làm quan cũng giống như chúng ta, như tôi, như bạn (nếu bạn không dám tự nhận mình là thánh nhân), đều trước hết chỉ vì mình trước. Vậy có nên trách họ tham nhũng không khi… tiền tới trước mắt, khéo léo một chút là… chẳng hề gì. Thêm vào đó, môi trường xung quanh… ai cũng vậy, một mình ta không thể đi ngược lại… dòng chảy chung. Thế nên việc ngồi được vào một cái ghế, việc tay này cầm con dấu tay kia cầm tiền, khi đặt ra với mỗi người làm quan hiển nhiên không hề liên quan tới vấn đề đạo đức, dù là đạo đức cách mạng hay đạo đức cá nhân. “Đạo đức” chỉ đặt ra khi một vị quan tham nhũng lỡ xui xẻo bị phát giác nói lời xin lỗi quốc dân đồng bào sau khi đã nghe quan tòa... tuyên án. Chúng ta giáo dục đạo đức, kêu gọi chữ “tâm” trong hoạt động công quyền như vậy có phải là cắt cỏ cắt ngọn không? Vâng, tôi nghĩ điều này (giáo dục đạo đức) chỉ khả thi khi toàn xã hội chúng ta đều là… thánh nhân cả.

Phương Tây có câu: “Quyền lực tuyệt đối sinh ra sự tha hóa tuyệt tối”. Nếu đặt vấn đề mỗi con người “trước hết chỉ vì mình” không phải là xấu thì nghĩa vụ của một thể chế xã hội là phải tạo ra một cơ chế giám sát những con người tư tâm “không hề xấu” đó. Cơ cấu đặt ra phải làm sao để khi mỗi con người khi làm một việc với động cơ tiên quyết "vì chính bản thân mình trước” thì cũng đồng thời làm lợi cho cộng đồng chung, cho xã hội. Cũng như những nhà hoạt động chính trị vậy. Xin hãy đừng coi họ là những thánh nhân. Họ hoạt động vì động cơ cá nhân của họ trước.Vì danh hoặc vì lợi, tôi không thể biết, nhưng trong quá trình họ hành động “tiên vị kỷ, hậu vị nhân” ấy, nếu họ mang lại lợi ích chung cho cộng đồng, họ sẽ được cộng đồng tưởng thưởng cho công lao của họ, sẽ vinh danh họ. Họ bất tài hoặc kém may mắn không mang lại lợi ích cho cộng đồng thì sẽ bị cộng đồng quên lãng hoặc đào thải. Đó cũng là chuyện công bằng và là điều tất yếu của một người làm chính trị.

Một ông quan khi nắm quyền lực tuyệt đối trong tay, động cơ vì mình trên hết thì mặc nhiên ông quan ấy sẽ thành ông “quan tham”, chắc chắn là như thế vì ông ta không phải thánh nhân. Nếu có hai ông quan phải cạnh tranh nhau quyền lực do một cộng đồng lựa chọn, hai ông quan ấy chẳng lạ gì các tiểu xảo mánh lới của nhau, cùng hiểu cái nghề “vạn dặm đương quan chỉ vị tiền” như Vi Tiểu Bảo, cùng động cơ “vì chính bản thân mình”, chính hai ông quan đó sẽ nhòm ngó nhau, sẽ cùng phải tự giữ mình, cùng phải thể hiện mình trước cộng đồng để cộng đồng lựa chọn. Vâng, hai ông quan ấy khi làm việc “vì chính mình” thì sẽ vô hình chung mang lại lợi ích cho cộng đồng dù cả hai đều chẳng phải là thánh nhân gì cả. Vậy đây có phải là biện pháp thực dụng và khả thi có thể… chống tham nhũng tận gốc? Các nước xung quanh đã có bao nhiêu tấm gương chúng ta có thể soi chiếu và học tập?

Tôi tự hỏi cái ví dụ về một cộng đồng và hai ông quan đều không phải thánh nhân ấy liệu có áp dụng được vào công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam không? Việc lựa chọn hai ông quan xấu làm được việc tốt và một ông quan "có thể tốt" chắc chắn sẽ làm việc xấu, chúng ta sẽ lựa chọn thế nào? Tôi chưa luận đến trường hợp chúng ta được lựa chọn và có… hai ông quan tốt.
Trường hợp chỉ có một ông quan tốt, chúng ta phải lấy gì để đảm bảo ông ấy không bao giờ mắc sai lầm? Chúng ta phải lấy gì để giám sát ông quan tốt ấy, để ông quan tốt ấy phải có trách nhiệm tuyệt đối với mỗi quyết định của mình?

Trong bóng đá, một vị trí đá không tốt sẽ sẵn sàng có vị trí dự bị thay thế. Điều này làm chính cái vị trí đá tốt chính ấy vẫn luôn luôn phải cố gắng để giữ vị trí chính thức trong đội hình. Trường hợp ông quan tốt này cũng vậy, có một ông quan khác “đá dự bị” vẫn hay hơn. Chính ông quan dự bị thì “nghiệp vụ làm quan” sẽ giỏi hơn nhiều trình độ chung của cộng đồng, và như thế để “những người có nghề” giám sát nhau thì chẳng gì tốt bằng, muốn dối trá, qua mặt nhau hay giấu giếm nhau những việc làm xấu cũng không hề dễ.

Có khi xã hội vốn đã chỉ có một ông quan đang độc quyền. Ông quan không muốn cạnh tranh với người khác vì, nói gì thì nói, sống trong sự hưởng thụ độc quyền vẫn dễ chịu hơn sống trong môi trường cạnh tranh dù khốc liệt hay không. Vậy nên ông quan tốt ấy có thể nói: “Hiện giờ không có ông quan nào tốt hơn tôi đâu”. Vâng, cũng có thể như thế thật và tôi không dám tranh luận với ông ấy điểm này, nhưng điều kiện tiên quyết là phải có một ông quan đứng cùng với ông, dù là một ông quan xấu, để cộng đồng thấy được ông ấy tốt. Và đó cũng là điều kiện để trong tương lai có thể xuất hiện những ông quan tốt hơn hẳn các ông trước, mang lại lợi ích hơn hẳn cho cộng đồng ở rất nhiều mặt, trong đó có mặt chống tham nhũng mà cả dân tộc hiện nay đang vô cùng mỏi mệt.

Vâng, tôi cũng biết người ta nói và bàn rất nhiều về các biện pháp chống tham nhũng, bàn nhiều tới mức tôi có cảm giác… như tôi đề tựa bài viết… cả dân tộc đã mệt mỏi. Nhưng với tôi tất cả các biện pháp ấy đều chỉ cắt ngọn tham nhũng nếu xã hội chúng ta chỉ có một tổ chức chính trị, một “ông quan” độc quyền lãnh đạo. Tổ chức ấy hay ông quan ấy có thể bản chất ban đầu không xấu nhưng rồi lẽ tự nhiên "một mình một chợ" tất yếu biến thành xấu. Quyền lực tuyệt đối sinh sự tha hóa tuyệt đối là như vậy. Trị tham nhũng nên chăng trị từ cái gốc “quyền lực tuyệt đối” chứ có bao giờ cắt hết được cái ngọn “sự tha hóa tuyệt đối”? Đơn giản bởi vì cắt được cái ngọn nay thì cái gốc tất sản sinh ra những cái ngọn khác, không chừng xum xuê hơn, tươi tốt hơn ngọn cũ đã bị cắt rất nhiều.

Và tôi đang tự hỏi phải chăng đó là giải pháp thực tế duy nhất có tính khả thi hiện nay để giải quyết quốc nạn tham nhũng?

5.Góc nhìn của tôi và kết luận

Tôi viết bài này dù rất xót xa nhưng không dám lên án mấy chị Hội Phụ Nữ, mấy anh Thành Đoàn TP. Nam Định hay mấy vị lãnh đạo công ty may mặc nhà nước được đề cập trong phần đầu bài viết kia . Không dám lên án bởi vì tôi cũng không phải thánh nhân, cũng giống họ “tiên vị kỷ, hậu vị nhân”. Rất có thể nếu rơi vào hoàn cảnh như họ, trong một môi trường như họ thì tôi cũng… tham nhũng như họ. Và rồi cũng sẽ có một người nào đấy ngồi bên ngoài xót xa cho việc tôi làm mà ngồi lọc cọc gõ máy tính viết bài post lên X-cafe như tôi (vì chẳng biêt gửi đâu?). Thậm chí có thể họ sẽ mắng chửi tôi “hút máu hút mủ” dân nghèo hay chụp lên đầu không chỉ tôi mà cả cha hoặc ông tôi là những người không liên can đủ các loại nón cối, nón lá, nón rơm hay nón… bảo hiểm. Việc chụp các loại nón ấy có lẽ chẳng có chút hiệu quả gì, có chẳng chỉ giúp xả một chút bực dọc, bức xúc hay hận thù của chính người đang viết bài mà thôi.

Hàng ngày hàng ngàn tiếng kêu gọi đòi Việt Nam thay đổi đang réo gọi ngoài kia. Có bao nhiêu phần trăm tiếng kêu ấy có “động cơ thánh nhân” thực sự, thực không thể biết được. Có lẽ một tỷ lệ phần trăm khá lớn trong số họ cũng giống tôi, chỉ “thánh nhân” trong một vài phút ngồi bàn phím vì bức xúc trước những vấn đề… mắt thấy tai nghe. Tắt máy tính, mỗi người lại trở về bản chất không thánh nhân của mình, bản chất… tiên vị kỷ. Cũng rất có thể chính những người đó hoặc tôi, khi điều kiện cho phép với “quyền lực tuyệt đối” trong tay lại trở thành một “quan tham” chính gốc, đúng hệt theo câu nói rất phổ thông trong cái xã hội Việt Nam tham nhũng hiện tại: “Cờ tới tay ai người ấy phất”.

Chữa bệnh thì phải bốc đúng toa. Bệnh trong lục phủ ngũ tạng thì không thể xoa bôi thuốc trị ghẻ lở ngoài da vì các ghẻ lở ngoài da ấy nó chỉ là biểu hiện bên ngoài của một căn bệnh trầm kha bên trong phủ tạng. Tôi không được học những học thuyết về chính trị kinh tế như những nhà chính trị hay những kinh tế gia chuyên nghiệp và chỉ phát biểu trên góc nhìn cá nhân: Cách chống tham nhũng hiện nay ở Việt Nam là không hiểu quả, là chữa bệnh ngoài da, là cắt cỏ trên ngọn, là càng chữa bệnh sẽ càng… mệt mỏi.

Chữa bệnh tham nhũng quốc nạn này cần một cơ chế các quyền lực giám sát nhau và những người dân trong cộng đồng như tôi có được sự lựa chọn tối thiểu. Trên nền sự lựa chọn đó, những người được cộng đồng lựa chọn dù “bản chất xấu” nhưng vẫn làm những điều cộng đồng mong muốn, những điều “tốt”. Đấy chính là cái mục đích thực dụng cuối cùng mỗi chúng ta nhắm tới để giải quyết rất nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề chống tham nhũng.

Bài viết này không có tham vọng… thay đổi, không hy vọng… kêu gọi hô hào, không... đề nghị yêu sách hay vạch ra một đường đi cho đất nước, một hướng cải tổ gì cho dân tộc cả. Tôi không bao giờ đạt tầm như thế. Tôi chỉ cảm thấy đã quá mệt mỏi với tham nhũng vì hàng ngày vẫn phải nghe tuyên truyền ra rả chống tham nhũng mà cái sự tham nhũng vẫn… mắt thấy tai nghe, hàng ngày, mọi nơi, mọi lúc. Mục đích của bài viết chỉ mong được, đối với quốc nạn tham nhũng tại Việt Nam hiện nay, chia sẻ với tất cả mọi người hai phe Quốc-Cộng một góc nhìn.

Vâng, chỉ là chia sẻ… một góc nhìn.

Hoa Tử Ngạc
(Trích X-cafevn.org)
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1180 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 31
Khách: 31
Thành Viên: 0