Vụ việc Thái Hà và Toà Khâm Sứ trong thời gian vừa qua không chỉ đơn thuần là việc đòi lại đất cho Giáo Hội mà còn là việc đòi lại công lý cho người dân. Việc xử lý của chính quyền Hà Nội bên ngoài thì rêu rao rằng “Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân” nhưng thực chất bên trong là để phục vụ cho lợi ích của giai cấp lãnh đạo, vì quyền lợi cá nhân. Và nhằm giữ lấy vai trò thống trị của mình, những người lãnh đạo nhà nước đã không từ bất cứ thủ đoạn nào, kể cả việc phản lại lợi ích của nhân dân, chà đạp lên quyền tự do dân chủ của con người để chiếm lấy vị trí độc tôn của mình trên chính trường quốc gia.
Bản chất xấu xa ấy dù đã cố che đậy, giấu diếm bằng nhiều thủ đoạn bịp bợm, xảo trá nhưng như ông cha ta thường nói: “giấu đầu hở đuôi”. Người dân phần lớn đã hiểu và thấy bất bình, chán ghét cái mô hình XHCN được tô vẽ bằng những ngôn từ hết sức đẹp đẽ như: đó là một chế độ xã hội “không có người bóc lột người” , “mọi người đều bình đẳng”, “xây dựng một thế giới đại đồng”... nhưng thực chất thì đầy rẫy những bất công, bỉ ổi, dối trá...
Người dân đa số sống trong cảnh nghèo hèn, khổ cực, bị áp bức, bị bóc lột; cán bộ thì tham nhũng, hách dịch, cửa quyền, quan liêu ... Đó không chỉ là “sự tha hoá, biến chất trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên” như Đại Hội Đảng lần thứ 10 đã nhận định, mà đó là sự suy đồi nghiêm trọng về đạo đức, nhân cách, lối sống của cả một hệ thống cơ chế từ trên xuống dưới. Nếu dùng một từ ngữ nào thật phù hợp để gọi tên cho chế độ xã hội này, thì có lẽ, cụm từ mà cách đây hơn hai ngàn năm, chúa Giê-Su đã dùng để gọi những kẻ đạo đức giả hình và độc ác là “những mồ mả tô vôi” thích hợp hơn cả, bên ngoài thì đẹp đẽ nhưng bên trong thì xấu xa, thối nát.
Như trên đã nói, cuộc đấu tranh của giáo dân, các linh mục, giám mục ở Thái Hà, Toà Khâm Sứ nói riêng và của cộng đoàn người công giáo Việt Nam nói chung vượt qua ranh giới của một cuộc đòi đất bình thường mà đó là cuộc đấu tranh đòi công lí, đòi thực hiện nhân quyền. Qua cuộc đấu tranh đó, chỉ rõ những bất công mà người dân phải chịu đựng, những phi lí đang tồn tại trong xã hội hiện nay. Thế nhưng, tại sao cuộc đấu tranh đó lại không được sự ủng hộ của phần đông những người ngoại giáo đang chiếm một số lượng đông đảo trên đất nước ta?
Tôi còn nhớ, khi vụ việc Thái Hà đưa lên Ti vi trong những tin tức thời sự nóng hổi, có người ngoại giáo đã nổi xung “Giáo dân muốn ăn cướp đất à?”. Khi câu nói của TGM Ngô Quang Kiệt bị cắt xén, đưa lên truyền hình để công kích, nhục mạ Người, có người bảo tôi “Sao ông cha ấy lại ăn nói như vậy chị nhỉ? Em nghe mà thấy hết sức phẫn nộ”. Còn sinh viên ngoại giáo thì cho rằng câu nói của TGM đã gây sự phản cảm cho nhiều người trong số họ ...
Đi tìm nguyên nhân cho vấn đề này, thiết tưởng, lá “thư chia sẻ của một cán bộ nhà nước” kí tên là HTH trên VietCatholic News ( thứ Hai 22/09/2008 ) đã nói rất khách quan và sâu sắc. Tác giả đã chỉ ra những lí do cơ bản như: Nhà nước nắm một hệ thống hùng hậu cơ quan thông tin đại chúng nên người dân không có điều kiện tiếp cận thông tin đa chiều, đa số người dân Việt Nam không có thiện cảm với người Công Giáo do không có điều kiên tiếp xúc và bị hệ thống tuyên truyền Nhà Nước nhồi sọ liên tục hàng mấy chục năm về những điều xấu của người Công Giáo..., cơ quan thông tin Nhà Nước đã thành công trong việc tách riêng cộng đồng Công Giáo, tạo cảm giác yêu sách của họ như là yêu sách của một nhóm quyền lợi nào đó xa rời nhân dân, liên quan mật thiết với ngoại bang...
Tác giả HTH đã chỉ ra cái nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự kì thị của người ngoại giáo với người Công giáo trong xã hội chúng ta. Có thể xem đó là những nguyên nhân khách quan. Bên cạnh đó, theo tôi, một nguyên nhân chủ quan không kém phần quan trọng, đó chính là cách sống của người Công Giáo Việt Nam. Người ngoại giáo hiểu về đạo Công giáo không phải qua Kinh Thánh, qua các Lề luật, các điều răn... mà là qua cách sống của người Công Giáo. Chính cách sống đó diễn tả khuôn mặt của Đức Ki-Tô, của Giáo Hội ở trần gian. Liệu cách sống của người Công giáo hiện nay có giới thiệu được khuôn mặt Tình Yêu của Thiên Chúa cho mọi người? Hay là giới thiệu một khuôn mặt méo mó về Người? Trong cuộc sống của người Công giáo, có sự tồn tại của ganh ghét, đố kị, hiềm thù lẫn nhau trong chính cộng đồng người Công giáo với nhau; có những gia đình Công giáo đã đánh mất thuần phong mỹ tục, nền nếp gia phong; có những đứa con bất hiếu, đối xử tệ bạc với cha mẹ mình; có những người cha, người mẹ làm gương mù, gương xấu cho con cái như bất hoà bất thuận, chửi mắng lẫn nhau...; có những người cha bê tha rượu chè, đánh đập vợ con...; có những người làm những việc vi phạm đức công bằng trong xã hội...
Rõ ràng, cộng với những nguyên nhân khách quan trên, cái nguyên nhân chủ quan đó góp phần tạo thêm một khoảng cách trong sự hiểu biết, đồng cảm của người ngoại giáo với người Công giáo, khiến cho con đường đi đến Công lý của chúng ta gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Nó làm cho cuộc đấu tranh của chúng ta thiếu đi sự đoàn kết dân tộc - một yếu tố mà nếu không có chắc chắn sẽ khó đi đến thành công.
“Thiên Chúa là Tình Yêu. Thiên Chúa là Đấng Chân Thật ”. Đó là gương mặt Thiên Chúa mà người Công giáo phải có nhiệm vụ giới thiệu về Người. Yêu thương là tha thứ. Yêu thương là hi sinh. Nhưng không có nghĩa là nhẫn nhục, là im lặng trước những bất công, những điều vô lí. Lên tiếng để đấu tranh cho Công Lý, đó cũng là hi sinh, đó chính là biểu hiện của tình yêu thương. Vậy, cách sống của người Công giáo chúng ta phải như thế nào để người ngoại giáo họ hiểu, họ tin vào việc làm của người Công giáo và họ nhận thức được rằng người Công giáo có đấu tranh cũng vì một mục đích, một lý tưởng cao đẹp.
Khánh Vân