Không
như ông TBT đảng CSVN dõng dạc trước đám nghị gật: “Không có trò chơi
dân chủ ở Quốc hội này”, Thực ra là có. Trò chơi này, người lớn bày cho
lũ con nít chúng tôi chơi từ những năm 60 – 70 thế kỷ trước. Ở miền bắc
XHCN, nơi mà “nền dân chủ gấp triệu lần tư bản thối nát” vẫn tồn tại
tình trạng tòa xử không có luật, toàn xử theo nghị quyết, chỉ thị.
Không cả luật sư bào chữa. Thậm chí còn không cả ra tòa vẫn được ăn cơm
tù cả chục năm. Nỗi khát khao có được một nền tư pháp công minh được
người lớn dạy cho con nít chơi trò Quan Tòa – Chỉ Điểm. Hồi
ấy chúng tôi chơi trò này hứng thú lắm. Nhiều anh chị trên 18 – 20 cũng
hào hứng tham gia chơi trò này mà không biết rằng đấy là nỗi khát khao,
ước vọng của cả một lớp người sống trong chế độ thiếu dân chủ, nhân
quyền. Sỹ phu Bắc Hà là vậy, cái gì muốn nhắn nhủ đến nhà cầm quyền đều
có lối dạy cho con nít nhiều trò nghịch ngợm, sáng tác ra nhiều bài vè
nhăng cuội bày cho chúng nghêu ngao hát... Nghĩa là mượn lời trẻ nít để
“chửi chế độ”. Để khỏi mất thời gian bạn đọc, tôi xin tóm tắt trò chơi như sau: Trò chơi phải đủ 5 người. Vẽ ra 5 cái thăm: Quan Tòa, Chỉ Điểm, Luật Sư, Ăn Cắp và Đao Phủ. Cái
thằng tôi vốn khéo tay nên lúc nào cũng được giao nhiệm vụ vẽ thăm.
Trên mẩu giấy năm hào hai bằng một phần tư lòng bàn tay, bao giờ tôi
cũng vẽ Quan Tòa là một ông có râu ba chòm, đầu đội mũ cánh chuồn, ngồi
chiễm chệ, trên bàn trước mặt có một chai rượu. Chỉ Điểm tôi vẽ một
thằng cha đầu đội kê-pi, miệng ngậm còi, tay trái với ngón trỏ chỉ
thẳng, tay phải cầm khẩu pạc-khoọc. Luật Sư tôi vẽ tóc giả, áo thụng,
một tay cầm sách, một tay cầm bút lông ngỗng. Ăn Cắp trông vui lắm, tôi
vẽ một gã non choẹt, mặt mày nhớn nhác, tóc dựng ngược, hai tay cầm hai
bu gà đang chạy hớt hải. Còn Đao Phủ thì thôi rồi, rất ấn tượng là một
ông hộ pháp mặt mũi bậm trợn, cởi trần trùng trục, một tay cầm dây
thừng, tay kia cầm thanh đao rõ sắc, hai chân dạng háng. Oai lắm. Thăm
được gấp kín lại, bỏ vào mũ. Mỗi người bốc ngẫu nhiên một lá thăm. Ai
có thăm Chỉ Điểm phải trình thăm ra đầu tiên, và nhiệm vụ là phải chỉ
ra bốn người kia ai là Ăn Cắp. Chỉ đúng không sao, thằng Ăn Cắp phải ra
tòa. Chỉ sai thì Chỉ Điểm phải ra tòa thay nó. Đoạn
này là vui ra phết, ai mới chơi mà bốc phải thăm Ăn Cắp là mặt mày xám
ngoét. Thằng Chỉ Điểm già đời nó đọc ra ngay. Sau đó là hoặc Chỉ Điểm
ra tòa nếu chỉ sai, hoặc Ăn Cắp ra tòa nếu chỉ đúng. Lúc này ai có thăm
Quan Tòa thì được phán: “Cho nó 5 cái búng tai“. Ai có thăm Luật Sư thì
có quyền phán tiếp: “Không, tha bổng cho nó, hoặc cho nó 2 cái búng tai
thôi”, hoặc “Không, cho nó 10 cái búng tai vì tội chỉ bậy v.v...” Nghĩa
là tùy Luật Sư, phán quyết cuối cùng là ở Luật Sư. Lúc này thằng nào có
thăm Đao Phủ là sướng nhất, được búng tai thằng khác theo đúng phán
quyết cuối cùng của Luật Sư. Búng tai xong là xong, gấp thăm như cũ, bỏ vào mũ, xóc lên, chơi lại. Vậy
đấy, trò chơi rất đơn giản, cũng không kém phần hồi hộp, cũng cãi cọ
nhau chí chóe: “Sao mày búng tao đau thế ? Ban nãy tao đâu có búng này
ác thế này, được rồi, để đấy, lần sau tao mà làm Đao Phủ mày biết tay
tao”. Hoặc “Ê, Luật Sư chơi gian quá, ván trước tao chỉ sai, mày tăng
lên 10 búng, ván này em mày chỉ bậy, mày tha bổng là sao“. Rồi cũng
oánh nhau ỏm tỏi. Nhưng không sao, mai rồi cũng chơi lại. Con nít là
vậy mà. Sao chốn công đường ở xã hội Việt
Nam thiếu vắng Luật Sư ? Mà có cũng chẳng mấy tác dụng gì. Đến giờ vẫn
vậy. Hoặc bộ máy hành pháp làm sai có chịu trách nhiệm gì đâu. Mà ở trò
chơi này vai trò Luật Sư được đề cao như thế và Chỉ Điểm phải ra tòa
thay cho Ăn Cắp… Khi tôi lớn lên, bố tôi mới giải thích cho tôi biết ý nghĩa của trò chơi. Nay tôi viết ra hầu quý vị đọc cho vui vậy. Trần Sơn
|