|
|
'Ở Việt Nam vẫn còn tình trạng đổ lỗi cho nhau' |
Hội nghị 8 của Ban chấp hành Trung ương ĐCS Việt Nam khóa X kết thúc trong khi các nhà quan sát cho rằng “nội dung thảo
luận kinh tế chưa đủ sâu”.
Theo báo chí trong nước, hội nghị lần này tại Hà Nội tập trung thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, giữa lúc kinh tế thế
giới có nhiều biến động.
Phát
biểu bế mạc hội nghị hôm 4/10, Tổng bí thư ĐCS Nông Đức Mạnh nói
rằng tình hình kinh tế Việt Nam “ngay từ đầu năm đã có những diễn biến
bất lợi, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển sản xuất và đời sống nhân
dân, đe dọa nghiêm trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô”.
“Kinh tế vẫn còn không ít hạn chế yếu kém: Lạm phát cao, nhập siêu lớn, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa vững chắc; nhịp độ
tăng trưởng kinh tế giảm...”
Ông Lê Hồng Hà, nhà quan sát chính trị trong nước, nói với BBC sáng 6/10: “Tôi thấy mừng vì hội nghị bàn về vấn đề lạm phát
và kinh tế, nhưng tôi chưa đánh giá cao nội dung”.
“Hội nghị chưa phân tích sâu về nguyên nhân chủ quan dẫn tới tình trạng lạm phát và kinh tế khó khăn của Việt Nam”.
“Đáng tiếc là hội nghị trung ương kỳ này chưa bàn việc chấn chỉnh các tập đoàn kinh tế nhà nước lớn, vốn chi tiêu ngân sách
nhiều nhưng tạo ra công ăn việc làm và năng suất kém”.
‘Không hiểu rõ kinh tế’
|
Hiện ở Việt Nam còn tình trạng đổ lỗi cho nhau, chưa có những tuyên bố mang tính trực diện
Nhà quan sát Lê Hồng Hà
|
Ngoài
những yếu kém, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh cũng nêu ra các “chuyển biến
tích cực”: “Việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đã đạt được
những kết quả bước đầu. Kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá
trong điều kiện lạm phát cao, an sinh xã hội được quan tâm”.
Về câu hỏi liệu việc đề cập tới hiện trạng của nền kinh tế của ông Mạnh có thể được coi là một sự thừa nhận gián tiếp về những
yếu kém trong quản lý ở cấp nhà nước, ông Hà cho rằng tuyên bố như vậy “không có gì mới và chưa đủ sâu sắc”.
Ông nói: “Người dân bình thường cũng có thể hiểu được tình trạng hiện thời. Những nhận định này như là khẩu hiệu tuyên truyền
nhiều hơn”.
“Hiện ở Việt Nam còn tình trạng đổ lỗi cho nhau, chưa có những tuyên bố mang tính trực diện”.
Nhà quan sát 82 tuổi từ Hà Nội đánh giá: “Cách đặt vấn đề của trung ương chưa rõ, chưa cụ thể, vì đa phần các ông trong Trung
ương và Bộ Chính trị không hiểu rõ về kinh tế lắm, mà các cơ quan tham mưu về kinh tế còn yếu”.
Ngoài kinh tế, ông Hà cũng cho rằng trung ương Đảng CS Việt Nam còn cần phải thảo luận các vấn đề sống còn trong xã hội, điển
hình là cuộc khủng hoảng giáo dục.
“Trung ương coi giáo dục như những vấn đề khác là không ổn. Các trí thức trong nước thấy giáo dục đang gặp khủng hoảng nghiêm
trọng".
"Trung ương thiếu sự đánh giá toàn diện để nêu ra những vấn đề bê bối nhất để có quyết sách cụ thể”.
Diễn ra trong thời gian từ 2/10 – 4/10, theo nhà quan sát Lê Hồng Hà, hội nghị Trung ương 8 được coi là "tình thế, cấp thời
và không nằm trong chương trình hàng năm của trung ương" trước thực trạng khó khăn của kinh tế trong nước.
|