Thứ Ba, 2024-11-05, 8:55 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 9 » Tư bản hay Xã hội? Quan trọng nhất là dân chủ
2:44 PM
Tư bản hay Xã hội? Quan trọng nhất là dân chủ

Ngô Nhân Dụng

Từ năm 1989 không còn ai đặt câu hỏi nên lựa chọn Chủ Nghĩa Tư Bản hay Chủ Nghĩa Xã Hội nữa. Cho tới mấy tuần nay, vấn đề đó lại được gợi lên. Nhưng, chúng ta sẽ thấy, đó là một vấn đề giả, một vấn đề giả từ cả trăm năm trước đây.

Nhưng nhiều người mới nêu lên vấn đề đó với lòng thành thật. Thế giới đang chứng kiến cảnh chao đảo của các thị trường chứng khoán và các ngân hàng. Trong hai ngày qua thị trường New York tụt mất hơn 10% giá trị. Quốc hội và chính phủ Mỹ đã đồng ý kế hoạch giải cứu tốn 700 tỷ đô la rồi mà vẫn chưa tạo lại được niềm tin vào thị trường. Nhiều người ở Âu Châu tuyên bố thời đại thống trị của chủ nghĩa tư bản, hoặc ít nhất là chủ nghĩa tư bản theo lối Anglo Saxon (Mỹ và Anh Quốc) đã chấm dứt. Ngay sau đó, các thị trường chứng khoán và ngân hàng ở Âu Châu cũng lung lay. Thị trường Nga đã tụt giảm từ đầu năm, giữa Tháng Chín chính phủ Nga đã phải trợ giúp 100 tỷ, hôm qua mới đưa thêm 37 tỷ cho các ngân hàng vay, với những điều kiện còn dễ dãi hơn chính phủ Mỹ đặt ra cho các ngân hàng của họ. Một nước thịnh vượng lên chỉ nhờ dầu lửa tất nhiên cơn khủng hoảng cũng gia tăng khi dầu xuống giá.

Chúng ta chứng kiến cảnh nhà nước can thiệp để cứu thị trường ở khắp thế giới! Ngày xưa Tổng Thống Reagan nổi tiếng với lời tuyên bố khi tranh cử: “Chính phủ không phải là lời giải đáp cho các vấn đề của nước Mỹ! Chính cái chính phủ đó là vấn đề cần giải quyết!” Ông là vị tổng thống mở cánh cửa cho chủ thuyết kinh tế tự do được hồi sinh trong 25 năm qua, lên mạnh nhất trong thời Tổng Thống Bush. Bây giờ chúng ta chứng kiến cảnh các nhà tư bản tới yêu cầu chính phủ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng của chính họ. Ngày Thứ Hai, ông cựu chủ tịch ngân hàng Lehman (đã phá sản hôm 15 Tháng Chín) được mời ra điều trần trước các dân biểu quốc hội, ông nói rằng mỗi đêm ông vẫn tự hỏi và cho đến khi chết ông sẽ còn tự hỏi không biết tại sao chính phủ Mỹ không giải cứu công ty của ông mà vài ngày sau lại cứu công ty bảo hiểm AIG!

Ở bên Anh, chính phủ đang dùng hàng trăm tỷ Mỹ kim cứu những ngân hàng lớn nhất nước, có ngân hàng gần như được quốc hữu hóa một phần. Nhưng các đại biểu quốc hội thuộc đảng Bảo Thủ đều đồng ý với các biện pháp của chính phủ thuộc đảng Lao Ðộng. Dù cánh tả hay cánh hữu, hai đảng lớn ở Anh đều coi việc chính phủ can thiệp để cứu thị trường là chuyện tự nhiên. Một nhà bình luận người Anh viết: Ở nước Anh bây giờ, ai cũng theo chủ nghĩa Dân Chủ Xã Hội.

Nhưng ở Mỹ thì còn nhiều cuộc tranh luận về chủ thuyết kinh tế. Những người rất bảo thủ và những người rất cấp tiến đều chống đạo luật giải cứu 700 tỷ của chính phủ Bush (một chính phủ được coi là bảo thủ), nhưng với những lý do khác nhau.

Nhiều dân biểu Hạ Viện Mỹ chống lại vì họ muốn bảo vệ nguyên tắc “chính phủ không can thiệp vào kinh tế; hãy để cho thị trường hoạt động tự do, lời ăn lỗ chịu!” Họ tố cáo đạo luật đó biến đang nước Mỹ thành một nước “xã hội chủ nghĩa!” Có người còn nói đây là một “hành động quốc hữu hóa” lớn nhất kể từ sau cuộc Cách Mạng Tháng Mười năm 1917 ở Nga! Nhiều dân biểu thiên tả chống, nhưng với lý do ngược lại: Các nhà tư bản đã được tự do nhiều quá nên làm bậy! Tại sao người dân đóng thuế phải đem tiền cứu họ khi chính họ gây ra mối họa mà cả nước phải gánh chịu?

Có thể nói cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008 đã làm sống lại cuộc tranh luận từ thế kỷ trước: Chủ Nghĩa Tư Bản hay Chủ Nghĩa Xã Hội?

Nhưng đây là một cách đặt vấn đề sai. Vì đặt căn bản trên những lý thuyết cực đoan mà bây giờ không còn ai tin nữa. Một là lý thuyết kinh tế tự do tuyệt đối. Hai là lý thuyết cộng sản, dùng nhà nước để điều hành tất cả mọi hoạt động kinh tế, từ đó nhà nước thành chủ nhân của cả xã hội, can thiệp vào mọi sinh hoạt không riêng gì lãnh vực kinh tế.

Bây giờ trên thế giới không còn ai muốn theo những đường lối đó, chắc chỉ còn trừ xứ Bắc Hàn vẫn theo chủ nghĩa cộng sản.

Nếu vấn đề trên là giả, thì đâu là sự lựa chọn thực sự? Từ hàng trăm năm nay, vẫn có một vấn đề cho mọi người chọn lựa, là làm sao cân bằng quyền lực giữa thị trường tự do với vai trò của nhà nước.

Chính phủ Mỹ đã nhiều lần can thiệp vào thị trường, lần lớn nhất là sau cuộc khủng hoảng năm 1929. Những đạo luật ra đời dưới thời Tổng Thống Franklin Roosevelt đã chấm dứt một thời kỳ “tư bản sơ khai” ở nước Mỹ, hệ thống tài chánh và ngân hàng được đặt trong vòng kỷ luật chặt chẽ hơn. Sau đó còn nhiều lần khác, gần đây nhất là năm 1989, khi chính phủ Bush (thân phụ ông Bush bây giờ) đứng ra giải cứu các ngân hàng tiết kiệm sau mấy năm khủng hoảng khiến hàng ngàn ngân hàng nhỏ sụp đổ. Ðó là chưa kể những vụ can thiệp lẻ tẻ vào năm 1998 khi một quỹ đầu tư lớn sập suýt nữa kéo theo cả thị trường New York, hay là hồi 1987 khi thị trường New York mất 22% giá trị trong một ngày Thứ Hai Ðen.

Ở nước Mỹ, cuộc cạnh tranh giữa “nhà nước” và “thị trường” không bao giờ ngừng. Có những người nhiệt liệt tin rằng cả guồng máy nhà nước chỉ là cái chướng ngại làm cho thị trường không phát huy được những khả năng giúp cho mọi người sống sung túc, thịnh vượng hơn. Cứ để yên cho nó tự do, thị trường sẽ tự điều chỉnh và tự giải quyết mọi khó khăn. Ngược lại, có những người tin tưởng triệt để là nhà nước không thể nào nhác mắt bỏ qua không giám sát các hoạt động của thị trường. Không những nhà nước đóng vai điều hòa quyền lợi của mọi tầng lớp trong xã hội, mà còn lo giúp các nhà tư bản hoạt động trong trật tự để bảo vệ chính họ.

Cuộc tranh luận giữa hai lối suy nghĩ đó đã bắt đầu từ hàng trăm năm, và có thể sẽ còn kéo dài trong hàng trăm năm nữa!

Các nước Âu Châu, đặc biệt là các nước Bắc Âu cũng có những cuộc tranh luận như vậy, nhưng những nước có lịch sử lâu đời (hay gọi là già nua) này nghiêng về phía đề cao vai trò của nhà nước trong việc điều hòa quyền lợi giữa các tầng lớp dân chúng. Nhưng về mặt giám sát thị trường thì có những nước Âu Châu cũng không khác gì nước Mỹ. Anh Quốc là một thí dụ. Người Anh đều đồng ý phải để chính phủ lo vấn đề y tế, chính phủ phải lo vấn đề chuyên chở. Nhưng chính phủ Anh lại cho các xí nghiệp và ngân hàng được tự do không thua gì chính phủ Mỹ.

Cuộc chạy đua giữa thị trường và nhà nước diễn ra hàng ngày, mỗi bên đều cố giành thêm quyền cho mình. Hễ chính phủ làm thêm luật, là các nhà kinh doanh khó chịu và phản đối, dù đó là luật kiểm soát thực phẩm hay luật bắt các ngân hàng phải giữ số vốn dự trữ cao. Ngược lại, guồng máy hành chánh của nước nào, dưới chế độ nào cũng tìm cách mở rộng quyền hành của mình bằng cách đặt ra những luật mới!

Cho nên, sự lựa chọn của mỗi quốc gia sẽ khác nhau. Mỗi nước sẽ ấn định một thế quân bình giữa quyền giám sát của nhà nước và quyền tự do của thị trường. Bình thường, thì cuộc tranh đấu giữa hai bên diễn ra liên tục, không ngừng, mỗi bên đều tìm cơ hội giành lấy thêm quyền cho mình.

Ai đứng làm trọng tài cho cuộc chạy đua đó? Ở những quốc gia dân chủ tự do thì trọng tài cuối cùng vẫn là người dân. Chính các cử tri khi đi bỏ phiếu sẽ lựa chọn những đường lối kinh tế của vị tổng thống và của quốc hội sắp tới.

Nhưng người dân bình thường có đủ kiến thức để chọn một đường lối kinh tế tốt nhất hay không? Ðây cũng là một câu hỏi sai. Trong thế giới loài người không có cái gì là tối hảo! Người dân một nước chọn một đường lối là theo nhu cầu của họ, khi họ đi bỏ phiếu. Nếu họ chọn sai, họ sẽ gánh hậu quả. Dân chúng có quyền chọn sai, đó là bản chất của chế độ tự do dân chủ. Nhưng sau mấy năm, họ thấy sai họ có quyền sửa đổi bằng lá phiếu!

Người dân Mỹ vẫn làm công việc lựa chọn và thay đổi đó từ hơn 200 năm nay. Sau khi kinh tế nước Mỹ trì trệ trong thập niên 1970 chẳng hạn, Tổng Thống Reagan nhân cơ hội đó mở cửa cho giới kinh doanh được tự do hơn, kêu gọi giảm bớt luật lệ và guồng máy nhà nước thi hành luật. Lúc đó ông Reagan được dân Mỹ hoan nghênh, vì người bình thường không phải chủ xí nghiệp hay ngân hàng cũng cảm thấy đang khó thở muốn được cởi trói! Nhưng bây giờ, cuộc khủng hoảng tài chánh khiến cả nước Mỹ thấy những nhà tư bản đã tạo nghiệp mà cả nước phải chịu cảnh khốn đốn. Cho nên cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ năm nay đều kêu gọi phải xét lại, cần hạn chế quyền tự do của các nhà tư bản để họ bớt làm bậy. Tức là lại thêm luật lệ và thêm người lo việc thi hành luật!

Người ta thường nói sức mạnh của nước Mỹ là do hệ thống kinh tế tư bản. Không phải như vậy đâu. Nước này họ mạnh chính vì họ giữ được một chế độ tự do dân chủ hơn 200 năm qua.

Category: Chính trị | Views: 889 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 544
Khách: 544
Thành Viên: 0