Người Bến Nghé Gửi đến BBC từ Sài Gòn
|
|
|
|
Dư luận trong và ngoài nước vẫn còn bàn thảo về các cuộc cầu nguyện của người Công giáo Hà Nội |
Công giáo Hà Nội dưới sự dẫn dắt của Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã tiến hành đòi đất như báo chí đã đưa tin, từ vụ 42 Nhà
Chung đến Giáo sứ Thái Hà ở 178 Nguyễn Lương Bằng.
Sự việc kéo dài nhiều ngày tháng bằng hình thức cầu nguyện dưới ảnh tượng Chúa của hàng trăm giáo dân, một hình thức đấu
tranh bất bạo động.
Và kết quả thì ai cũng biết rồi, hai công viên được nhà cầm quyền cho xây dựng cấp kỳ trên hai phần đất như đã nêu trên.
Về cách làm này của Công giáo, nó không khác mấy việc khiếu kiện đất đai của nông dân kéo dài đã nhiều năm qua.
Cả hai, Công giáo và nông dân đều dựa vào văn bản mình có về quyền sở hữu đất đai và có phần ỷ vào công trạng đã đóng góp
xương máu cho cuộc chiến tranh chống Mỹ vừa qua.
Việc
này, nông dân còn mạnh hơn Công giáo nhiều vì họ là giai cấp quan trọng
được chủ nghĩa xã hội cưng một thời, trong số những người đi biểu
tình từng nuôi dấu cán bô thời chiến tranh, có nhiều người có con là
liệt sĩ, thậm chí có người là đảng viên.
Vấn đề thời điểm
Thực
ra cách làm này đã từng được Hoà thượng Thích Trí Quang (có dư luận nói
là người của cộng sản) sử dụng trong vụ Phật giáo Miền Nam Việt Nam:
đưa bàn thờ xuống đường để chống lại anh em nhà Ngô Đình Diệm những năm
1962 - 1963.
Vậy thực chất của cuộc đòi đất của người Công giáo như thế nào? Có một số câu hỏi được đặt ra:
Công giáo VN có thiếu đất lắm không? Tại sao lại tiến hành đòi đất vào lúc này? Có biết làm như vậy sẽ chuốc lấy thất bại?
Biết mà tại sao vẫn làm? Thử trả lời dần những câu hỏi như trên, chúng ta sẽ thấy được vấn đề như sau:
|
Người Công giáo làm như thế vì biết cái mất thì đã mất từ lâu, cái được mới thực sự quan trọng.
|
Trước hết là đất đai để hành đạo. Công giáo phía bắc VN hiện nay đất không nhiều bằng thời còn là thuộc địa Pháp và hiện nay
vẫn ổn hơn thời từ 1954-1975. Công giáo phía Nam VN đất bây giờ ít hơn thời Việt Nam Cộng Hoà.
Tuy
nhiên vẫn hơn rất xa so với Trung Quốc. Trong một chuyến du lịch bốn
thành phố Bắc Kinh - Thượng Hải - Hàng Châu và Quảng Đông năm 2000, tôi
đã để ý tìm nhưng không hề thấy có một nhà thờ công giáo nào trên suốt
lộ trình tôi đi qua! Dù tất nhiên đây chưa phải là sự thật.
Kế đến là
chọn thời điểm để đòi đất. Đây là thời điểm tốt nhất so với trước kia:
Việt Nam đã gia nhập WTO và muốn hợp tác với các nước tư bản, Nhà nước
XHCN sau Đổi mới đã thừa nhận quyền tư hữu và thực hiện chính sách bồi
thường về giải toả đất đai.
Và đã có
nhiều cuộc khiếu kiện đất đai do nông dân tổ chức nhiều năm qua. . Một
lý do khác cũng rất quan trọng là Việt Nam muốn có sự bình thường hoá
với Vatican. Và sau cùng là dựa vào công tham gia vào cuộc chiến tranh
giải phóng Miền Nam của giáo dân phía Bắc, điều này giáo dân phía Nam
không nhiều người theo như vậy; đa phần theo họ đạo di cư vào Nam sau
khi Việt Minh thắng Pháp năm 1954.
Về câu hỏi
thứ ba, chắc chắn rằng ngài Ngô Quang Kiệt và hàng giáo phẩm Hà Nội
biết rất rõ là họ sẽ bị chính quyền Hà Nội thẳng thừng bác bỏ cái lý
đòi đất và sẽ làm mọi cách để chứng tỏ quyền quản lý đất đai của họ. Và
thực tế đã xảy ra.
Câu hỏi thứ
tư, biết là một chuyện, làm lại là một chuyên khác. Người Công giáo làm
như thế vì biết cái mất thì đã mất rồi, mất từ lâu, cái được mới thực
sự quan trọng, đó chính là ý nghĩa chính trị mà vụ đòi đất này đã mang
về một điểm son.
Và đó chính
là thực chất của vấn đề giữa người Công giáo và Nhà nước xã hội chủ
nghĩa, mặc dù người Công giáo không trương bảng đòi tự do, dân chủ cho
đồng bào của họ, một dân tộc mà ông Hà Sĩ Phu đã nói trên diễn đàn
talwas.org là đã liệt kháng sau thời gian dài sống dưới chế độ xã hội
chủ nghĩa.
|
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam 1/10/2008 |
Nhưng người ta không thể dấu được ý nghĩa thật đằng sau việc cầu nguyện đêm ngày dưới ảnh tượng Chúa ở khu đất phố Nhà Chung
dể đòi lại Toà Khâm sứ của họ, làm sống lại quá khứ lâu dài xung đột giữa Công giáo và Cộng sản VN.
Chỉ có những người quá thơ ngây mới không thấy điều này, cộng sản là bậc thầy về nghi ngờ và đối phó với những kiểu đấu tranh
chống họ như vậy.
Tuy nhiên, dù sao biết lợi dụng tình hình nhà nước đang lúng túng trong thời kinh tế thị trường và hội nhập, các phong trào
đòi tự do dân chủ trong nước ngày một mạnh hơn.
Các
cuộc biểu tình khiếu kiện đòi đất của nông dân đã kéo dài từ nhiều năm
qua, các cuộc biểu tình đình công của công nhân đòi tăng lương thường
xuyên nổ ra tại các xí nghiệp, gần đây sinh viên và văn nghệ sĩ biểu
tình chống Trung Quốc xâm lược Trường sa và Hoàng sa,…
Người Công giáo chọn thời điểm như thế để hành động và hành động theo cách cầu nguyện là rất khôn ngoan.
Sẽ đi đến đâu?
|
Đức Tổng Giám Mục và các linh mục cộng sự của ông không thể dựa vào sức mạnh của Vatican.
|
Tất nhiên, sẽ không có điều gì tốt hơn cho họ và cho dân Việt sau đó. Vì sao?
Thứ nhất, nếu là làm chính trị thì thiếu tính minh bạch. Những hành động này chỉ là vì quyền lợi của Công giáo mà thôi, vì
thế nó không lôi kéo sự nhập cuộc của đám đông muốn có một thay đổi chính trị tốt hơn.
Thứ nhì, người Công giáo đã có hai cái “dớp” lịch sử, rất khó khi muốn có sự đoàn kết với các tôn giáo khác ở VN, nhất là
Phật giáo, một tôn giáo có số tín đồ khoảng 80% dân số.
Cái dớp đầu tiên là con đường truyền giáo của họ ít nhiều có dính với thực dân Pháp.
Cái
bất lợi thứ hai là thời Đệ nhất Cộng Hoà ở Miền Nam VN, cố Tổng Thống
Sài Gòn Ngô Đình Diệm và anh em ông ta đều là người Công giáo, đã đàn
áp Phật giáo một cách thô bạo, tạo cớ cho Mỹ bật đèn để tướng Dương Văn
Minh làm cuộc đảo chánh lật đổ vào tháng 11 năm 1963.
Thứ ba, cái
bất lợi này nó rất vô hình nhưng là một thực tế, Đức Tổng Giám Mục và
các linh mục cộng sự của ông không thể dựa vào sức mạnh của Vatican,
giống như những nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam cũng đừng hy vọng gì ở
chính phủ Mỹ.
Bây giờ khái niệm can thiệp quốc tế đã đổi thay. Trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, các nhà nước (Vatican cũng là một nhà nước)
là đối tác của nhau, quyền lợi của quốc gia họ là số một.
Các vị chỉ là những diễn viên của một sân khấu nhỏ, sẽ nhận được những quan tâm khích lệ của các chính khách quốc tế, các
tổ chức nhân quyền, mà cao nhất là giải Nobel Hoà bình.
|
|
Tổng Thống Ngô Đình Diệm của Việt Nam Cộng hòa là người Công giáo |
Bỏ tù quí vị thì nhà nước XHCN có vô số lý do mà pháp luật của họ đã dọn sẵn, bỏ tù ai hay không thuộc về quyền chọn lựa của
họ.
Những ai kỳ vọng vào Hoa Kỳ hãy nghĩ tới trường hợp lịch sử của chiến tranh Việt Nam, người Mỹ đã bỏ rơi Miền Nam mà không
cần biết đến thảm hoạ cho Việt Nam Cộng hòa mà họ là đồng minh lớn nhất.
Sau
cùng, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa đi một nước cờ độc khi tiếp các vị
trong Hội đồng Giám Mục Việt Nam để giải thích về luật pháp nhà nước
phải trên giáo luật, về luật quản lý đất đai hiên hành, và còn kèm theo
những lời khuyên bảo về những sai trái của ngài Tổng Giám Mục Ngô Quang
Kiệt.
Điều này cho thấy quí ngài lãnh đạo Công giáo vẫn còn quên bài. Và cứ như thế này thì quí ngài còn bại trận dài dài.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một trí thức hiện sống tại TP Hồ Chí Minh.
|