Thứ Bảy, 2024-04-20, 8:14 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 10 » VIỆT NAM: ÔNG NÓI GÀ, BÀ NÓI VỊT - Tham Nhũng, Mỗi Nơi Chống Một Kiểu
12:55 PM
VIỆT NAM: ÔNG NÓI GÀ, BÀ NÓI VỊT - Tham Nhũng, Mỗi Nơi Chống Một Kiểu

Phạm Trần

Hoa Thịnh Đốn.-  Sau 3 năm  thi hành, đảng Cộng sản Việt Nam đã  để cho Luật “Phòng, chống tham nhũng” của họ bị mốc meo, bụi phủ, rêu phong vì các  hành động ông nói gà, bà nói vịt.

Thông tín viên Anh Phương của Báo Sài Gòn Giải Phóng giải thích trong bài viết ngày 8-10 (2008) : “ Bàn về công tác PCTN (phòng, chống tham nhũng), nhiều ý kiến trong UBTVQH (Uûy ban Thường vụ Quốc hội) bày tỏ sự đồng tình với đánh giá của Ủy ban Tư pháp của QH trong báo cáo giám sát về vấn đề này.

Theo đó, nhìn chung, hiệu quả của công tác này chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân. Việc xây dựng thể chế về PCTN chậm, trong đó phải kể tới việc chưa hoàn thành chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2020, đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn... “Theo thống kê thì tình hình điều tra, truy tố tội phạm về tham nhũng giảm, trong khi đó Chính phủ đánh giá tình hình tham nhũng trong năm qua vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Đây là vấn đề cần làm rõ” - báo cáo giám sát viết.”

 “Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng phân vân về cơ chế trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng: “Nghị quyết của Trung ương, QH đã có, song phải được cụ thể hóa bằng quy chế. Những việc gì người đứng đầu sẽ phải chịu và chịu ở mức độ nào? Chỉ xử lý hành chính, kỷ luật Đảng hay xử lý hình sự? Đây là vấn đề phức tạp cần phải nghiên cứu, làm rõ”.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận tán đồng: “Một số vụ án liên quan tham nhũng lúc đầu rầm rộ khởi tố, sau đó cứ kéo dài, kéo dài mãi hoặc kết thúc “đầu voi đuôi chuột”. Cử tri hỏi chúng tôi chẳng biết trả lời sao, vì chính chúng tôi cũng không được biết rõ”.

Hai đại biểu trên cùng cho rằng, nạn hối lộ công chức, cán bộ để được việc đang diễn ra nghiêm trọng, thậm chí một thứ “văn hóa cảm ơn” bằng phong bì đang dần dần trở thành tất yếu!”

Tuy nhiên, theo bài viết  của Thu Hương thuộc hãng tin Chính phủ Thông Tấn Xã Việt Nam, thì nhà nước lại vẽ ra  đủ thứ hình ảnh tươi sáng, thành công của công tác PCTN : “ Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) từ tháng 10/ 2007 đến 8/2008, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào nêu rõ: Trong gần một năm qua, công tác PCTN tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, thể hiện rõ qua sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ.

Việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật về PCTN được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và toàn XH. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCTN đã hoàn thiện hơn, cơ bản đảm bảo hành lang pháp lý để chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật PCTN.  Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như công khai, minh bạch hoạt động, kê khai tài sản, thu nhập, xây dựng quy tắc ứng xử, trả lương qua tài khoản… được triển khai toàn diện và tích cực hơn; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được đẩy mạnh; qua đó đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng. Hợp tác quốc tế trong PCTN tiếp tục được đề cao và tăng cường.”

Nhưng những lời “tô son, vẽ phấn” của Lê Tiến Hào không che được con mắt  nghi ngờ  của Quốc hội, bởi vì Thu Hương còn tường thuật : “ Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Lê Thị Thu Ba nhận định: Báo cáo trên đã phản ánh khá toàn diện và cụ thể các mặt hoạt động và kết quả công tác PCTN. Tuy nhiên, UB Tư pháp QH cũng chỉ ra một số mặt tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Việc xây dựng thể chế về PCNT mặc dù có cố gắng nhưng vẫn còn chậm. Tổ chức bộ máy chỉ đạo về PCTN ở một số địa phương gặp lúng túng trong quá trình thành lập, nhìn chung hiệu quả hoạt động chưa cao. Việc phát hiện tham nhũng qua thanh tra, giái quyết khiếu nại tố cáo còn hạn chế, trong xử lý có biểu hiện hành chính hoá các vi phạm pháp luật hình sự.  Các vụ việc tham nhũng do cơ quan, tổ chức phát hiện rất hạn chế, phần lớn do các cơ quan chức năng, phương tiện thông tin đại chúng, quần chúng nhân dân phát hiện, yêu cầu xử lý.”

Bên cạnh tệ nạn Tham nhũng, Ủy ban Thường vụ còn được nghe Báo cáo về công tác thi hành Tiết kiệm chống Lãng phí (THTK,CLP) trong các cơ quan nhà nước.

Theo nhận xét của Ủy Ban Tài chính và Ngân sách của Quốc Hội thì : “ Hệ thống văn bản pháp luật lên quan đến THTK, CLP còn nhiều hạn chế, các quy định của pháp luật chưa tạo ra động lực để khuyến khích tự giác thực hiện, chế tài xử lý vi phạm quá nhẹ, chưa ngăn chặn được tình trạng lãng phí. Nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức và cá nhân chưa thực sự chuyển biến; một bộ phận cán bộ, công chức chưa gương mẫu thực hiện.”

 “Công tác tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chế độ trách nhiệm chưa được phân định rõ ràng, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nên còn tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành. Công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về tiết kiệm chống lãng phí, xây dựng ý thức tiết kiệm cho nhân dân chưa được quan tâm đúng mức; công tác giám sát của cơ quan dân cư chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều sai phạm, lãng phí được phát hiện nhưng chậm khắc phục, chưa xử lý nghiêm minh để răn đe chung.”

Như thế là tất cả những gì đảng nói hay, nói tốt về công tác chống quan liêu, tham nhũng, tiết kiệm và lãng phí từ trước tới nay đều là nước bọt cả.

TỰ VẠCH ÁO XEM LƯNG

Việc này cũng chẳng khác gì  việc  đảng CSVN vào tháng 7 năm 2006, đã  triệu tập  Hội nghị 3  chỉ để thảo luận về công tác  Phòng, chống Tham nhũng sau khi ban hành Luật  ngày 29 tháng 11 năm 2005.

Nghị quyết  4  ra đời sau Hội nghị 3 về  “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”  đã nhìn nhận : “ Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, hiệu quả  thấp. Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.”

Từ đó đến ngày 8-10 (2008) khi Nhà nước báo cáo tại Phiên họp 13 của  Ban Thường vụ Quốc hội thì tình hình được gọi là “đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” tệ hại hơn nhiều.

Hãy đọc Chu Ninh viết trên Báo Đại Đòan Kết ngày 19-08-2008 : “Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 04 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí - kết quả hoạt động của hệ thống các công cụ chức năng đã tỏ rõ sự khiêm tốn so với quyết tâm như tinh thần của một chủ trương đặc biệt quan trọng và bức thiết….”

 “… Cho đến thời điểm này, chưa thể nói kết quả ít vụ việc tham nhũng được xử lý trước pháp luật là dấu hiệu lạc quan trong công tác bài trừ “giặc nội xâm”, rằng tệ nạn những kẻ có quyền hành bòn rút của dân của nước đã được đẩy lùi căn bản. Trái lại, bức xúc gay gắt từ trong lòng đời sống xã hội tiếp tục chứng tỏ những hạn chế của hoạt động phòng, chống tham nhũng. Tham nhũng không chỉ xảy ra đối với những chủ thể gắn liền với đặc quyền quản lý vật chất tài sản công, mà nó xuất hiện ở mọi ngóc ngách có sự kết hợp giữa quyền lực và sự thiếu công khai minh bạch, vắng cơ chế cạnh tranh, giám sát hữu hiệu. Hiệu quả của công tác chống tham nhũng nhiều nơi chưa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân. Chính những cán bộ giữ trọng trách trong các cơ quan có trách nhiệm cũng băn khoăn về kết quả phát hiện xử lý tham nhũng thấp, chưa có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh cán bộ, đảng viên, dẫn đến tham nhũng không được ngăn chặn kịp thời…”

 “….Thực tiễn chống tham nhũng thời gian qua cho thấy sự bưng bít, câu kết để khỏa lấp sai phạm luôn là “lá khiên” che chắn vững chắc cho tham nhũng tồn tại ở nhiều nơi. Bởi phần lớn các vụ tiêu cực bị phát hiện, hoặc công luận và người dân cung cấp, hoặc do rò rỉ tố cáo chính từ nội bộ nơi có tham nhũng hoành hành. Đó là những trường hợp màng lưới che đậy tham nhũng bị đổ vỡ bất khả kháng, khi ấy các hành vi phạm pháp mới bị lọt vào quy trình giải quyết, thụ lý của các cơ quan pháp luật. Hiện tượng công cụ chức năng của các cơ quan, đơn vị, địa phương không tự phát hiện xử lý tham nhũng cho đến trước khi có sự phát giác sai phạm từ bên ngoài, thể hiện dấu hiệu cố kết bền chặt của những nhóm đối tượng đồng lợi ích phi pháp. Tham nhũng ngày sẽ càng tinh vi phức tạp và tiếp tục thách thức lớn hơn đối với quyết tâm phòng chống của toàn xã hội.”

Nhận xét của Chu Ninh không mới vì Nghị quyết 4 năm 2006 cũng đã viết ra nhiều nguyên nhân đưa đến thất bại, như :

 “ Nhiều tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của tệ tham nhũng, lãng phí, nên lãnh đạo không chặt chẽ, thiếu kiểm tra, đôn đốc, thậm chí còn nể nang, né tránh, dung túng, bao che cho tham nhũng, lãng phí; chưa thực sự dựa vào dân và chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.”

 “ Công tác cán bộ nói chung và việc quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức nói riêng còn nhiều yếu kém. Một bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ, công chức suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống. Không ít cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, kể cả cán bộ lãnh đạo cao cấp, còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức; chưa đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm.”

Như vậy thì liệu sau phiên họp 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa kết thúc ngày 8-10 (2008), các công tác “Phòng, chống tham nhũng” và “Thi hành tiết kiệm, Chống lãng phí” sẽ khá hơn không hay cũng chỉ là dịp để cho các Đại biểu dân có thêm cuộc vui “đánh trống bỏ dùi” như  họ đã từng làm trước đây ? -/-

Phạm Trần

Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 810 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0