Thứ Sáu, 2024-03-29, 3:48 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 10 » VN chịu ảnh hưởng trực tiếp từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu
1:12 PM
VN chịu ảnh hưởng trực tiếp từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu
Ngày gởi đăng: 10/10/2008  

Một ngôi nhà ở California bị ngân hàng thu hồi để chờ bán
 Không chỉ tập trung ở khu vực tài chính và địa ốc, khủng hoảng đang mang tính toàn diện và toàn cầu.

Mỹ: Thị trường thương phiếu suy giảm trầm trọng

Báo Wall Street (WSJ) ngày 7.10 đưa tin, thị trường thương phiếu (commercial papers) đang giảm xuống trầm trọng vì các tác nhân mất niềm tin vào nhau và vào ngân hàng. Thương phiếu là giấy nợ ngắn hạn mà một công ty hay ngân hàng có uy tín bán ra thị trường để có tiền hoạt động, như mua thêm hàng tồn kho hay lấp vào khoản hàng đã bán nhưng chưa nhận được chi trả.  Nếu không có tín dụng ngắn hạn cho những khoản này, hoạt động sản xuất có thể dễ dàng ngưng đọng.

Theo tờ báo trên (trích nguồn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - FED), thị trường thương phiếu đã giảm 94,9 tỉ USD (so với tổng giá trị thương phiếu trên thị trường là 1.610 tỉ) tức là giảm gần 6% vào tuần lễ cuối tháng 9, và tuần trước đó đã giảm 60 tỉ, dù lãi suất đã tăng vọt từ 2% lên gần 6%.

Thị trường thương phiếu trên toàn thế giới cũng vì thế đang co cụm lại bởi các nhà đầu tư và ngân hàng không dám mua. Vì mất niềm tin, người đầu tư chuyển vào thị trường trái phiếu chính phủ, an toàn hơn. (Người ta không lấy gì làm ngạc nhiên khi thế giới lại đổ tiền vào mua trái phiếu chính phủ Mỹ, và vì thế giá trị USD lại đang lên).

Tiền bỏ vào ngân hàng, từ ký gửi đến các mua các thương phiếu ngân hàng giảm ở Mỹ và lan rộng trên toàn thế giới. Ngân hàng thiếu tiền, không dám cho vay, nhiều ngân hàng từ Anh, Pháp, Đức và kể cả Nhật đã mất khả năng chi trả và đang được nhà nước cứu vớt. Ở Mỹ, số xe hơi bán được đã giảm hẳn trong tháng 9 vừa qua: Hãng Ford giảm 34%, hãng Chrysler giảm 33%, GM giảm 16%, Toyota giảm 29%. Tín hiệu đầu tiên ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến sản xuất đã xuất hiện.

Thị trường chứng khoán dù suy giảm lớn khắp nơi, đã phản ứng tự nhiên và thật sự không còn là nơi cần quan tâm của các nhà làm chính sách. Các chính phủ đang phải tập trung nỗ lực nhằm bảo đảm các công ty sản xuất có tín dụng để sản xuất, và người bán bảo đảm sẽ thu lại được tiền bán hàng. 

Các thông tin này đã làm cho thị trường thế giới tin rằng, giải pháp 700 tỉ USD để lập công ty mua chứng khoán rác liên quan đến nhà ở là không đủ độ. FED đã phải giảm lãi suất mượn từ FED xuống 2%, và trả lãi cho tiền ngân hàng phải dự trữ tại FED (quyết định ngày 6.10).

Và sáng 7.10, FED tuyên bố sẽ lập một cơ quan riêng nhằm mua trực tiếp thương phiếu trên thị trường.  Theo nguồn tin từ báo WSJ, FED sửa soạn để sẵn sàng đẩy ra thị trường khoản vay gấp lên tới 900 tỉ USD (so với 150 tỉ USD đã chi ra trong hai tuần trước đó).

Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp

Với tình trạng kinh tế thế giới như hiện nay, kinh tế Việt Nam sẽ không chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp mà còn trực tiếp.

Với các công ty sản xuất tham gia chặt chẽ vào thị trường ngoại thương, hàng xuất khẩu từ Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thu hồi tiền bán (vừa từ phía người mua và từ phía ngân hàng cấp tín dụng). Ngược lại, việc nhập khẩu cũng sẽ khó khăn nếu không có tiền mặt, vì các công ty bán sẽ từ chối bán thông qua tín dụng ngắn hạn.

Để đối phó với tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Công Thương cần có nhóm công tác chỉ đạo linh hoạt và cấp tốc việc  chọn đối tác ngân hàng cấp tín dụng nước ngoài và cấp tín dụng ngắn hạn, bảo đảm tiến độ sản xuất phục vụ xuất - nhập khẩu của những công ty đáng tin cậy.

Về mặt tín dụng, NHNN cần xem xét kế hoạch tín dụng tương lai trong hệ thống ngân hàng, bảo đảm có thể đối phó với tình trạng thiếu tín dụng nói chung trước mắt và trong những năm tới, đặc biệt là tín dụng từ nước ngoài.
 
Mục đích chính của chương trình này là nhằm bảo đảm việc cung cấp tín dụng cho các hoạt động sản xuất mang tính thường xuyên hiện nay của nền kinh tế; và đặt xuống dưới hàng ưu tiên các dự án đầu tư - đặc biệt là đầu tư tốn kém, kể cả công và tư. Như thế, cần rà soát lại các đầu tư lớn từ nước ngoài và trong nước, đặc biệt là các đầu tư nước ngoài liên quan đến địa ốc như khu resort, khu làng đại học của Malaysia, sản xuất thép, vì những dự án này có thể cần đến tín dụng vay từ nước ngoài và đặc biệt là từ trong nước. 

Những dự án không thể triển khai không những chôn vốn mà còn cạnh tranh lấy phần vốn của những dự án cấp thiết đối với sản xuất. Nhiều dự án vừa qua đã dựa trên những tiên đoán là giá cả nguyên liệu như dầu, sắt thép, ximăng tiếp tục tăng. Tuy nhiên, với nền kinh tế thế giới đang bước vào suy thoái, có thể rất trầm trọng và có thể kéo dài nhiều năm, tiên đoán này có thể sai lớn; do đó, những dự án thiếu tính khả thi cần xem xét lại.

 
Vũ Quang Việt (New York)
Category: Kinh tế | Views: 917 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0