Tội danh buôn bán thai nhi và đàn ông chưa có trong luật!
Trung bình mỗi ngày, có ít nhất hai phụ nữ, trẻ em Việt Nam bị mua bán
ra nước ngoài. “Việt Nam đang được xác định là điểm nóng của hoạt động
không những liên quan đến mua bán phụ nữ, trẻ em, bào thai, nội tạng...
ra nước ngoài, mà còn liên quan đến việc buôn bán đàn ông. Diễn biến
tội phạm này ngày càng phức tạp, nguy hiểm”. Đó là nhận định của ban
chỉ đạo 130/CP về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em tại sơ
kết sáu tháng đầu năm 2008.
Nạn nhân là trí thức gia tăng
Gần đây, một số trí thức là sinh viên, học viên các trường cao đẳng,
đại học, trung học chuyên nghiệp cũng bị tội phạm này nhắm tới, theo
ban chỉ đạo 130/CP. Tình hình học sinh, sinh viên bị lừa bán ra nước
ngoài đang có xu hướng gia tăng, từ 1% (giai đoạn 1998 – 2005, chỉ có
0,73% nạn nhân tội phạm buôn người là học sinh, sinh viên), tới 7,5%
tổng số nạn nhân, tăng gấp 10 lần.
Gần đây, các đối tượng buôn người nhắm vào đối tượng là sinh viên, do
lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với các đối tượng khác. Phần lớn sinh
viên bị lừa là các em vừa từ nông thôn ra thành thị theo học những năm
đầu đại học đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm để giải quyết khó khăn
tài chính. Thủ đoạn phạm tội của chúng thường núp dưới bóng trung tâm
tuyển, môi giới việc làm, nhận hồ sơ rồi yêu cầu các cô gái theo xe lên
biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh lấy hàng điện tử, điện máy về Hà Nội
bán... Khảo sát mới đây của lực lượng công an, bộ đội biên phòng và
chính quyền địa phương cho thấy, hiện có tới 7.192 phụ nữ, trẻ em không
rõ hiện đang ở đâu, hoặc họ có bị bọn buôn người bán ra nước ngoài hay
không.
Đàn ông cũng bị bán
Trong sáu tháng đầu năm 2008, các cơ quan chức năng đã điều tra, khám
phá 160 vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em; bắt giam 299 đối tượng, tiếp nhận
238 phụ nữ, trẻ em bị buôn bán trở về tái hoà nhập cộng đồng.
Theo ban chỉ đạo 130/CP, hành vi buôn bán đàn ông khá nghiêm trọng, tuy
không phức tạp như buôn bán phụ nữ, trẻ em, nhưng bước đầu đã hình
thành một vài đường dây. Đơn cử như vụ lừa năm người đàn ông bán cho
chủ lò gạch ở Tây Giang – Trung Quốc. Những người này bị dụ dỗ với mức
lương đóng gạch khá cao: 1.800 NDT (tương đương 3,6 triệu đồng tiền
Việt Nam). Đến Trung Quốc, họ mới biết mình đã bị lừa, và họ đã bị bán
cho chủ lò gạch với giá 8.500 NDT. Ông chủ lò gạch yêu cầu họ phải lao
động cho đủ số tiền mà ông chủ đã bỏ ra mua, mỗi tháng, mỗi người được
chủ trả lương là 200 NDT. Họ phải làm việc vất vả, cơm ăn không đủ no.
Nếu ai bỏ trốn, bị bắt lại, sẽ bị đòn roi.
Buôn bán thai nhi cũng là hành vi, thủ đoạn mới của bọn tội phạm buôn người.
Thành lập cảnh sát chống tội phạm buôn người
Theo thiếu tướng Triệu Văn Ðạt, phó tổng cục trưởng Cảnh sát, bộ luật
Hình sự của Việt Nam quy định chỉ có tội danh “Mua bán phụ nữ” theo
điều 119 và tội “Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em” theo điều
120. Do đó, các cơ quan chức năng sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung những
nội dung liên quan trong bộ luật Hình sự hiện hành cho phù hợp với thực
tế.
Trước mắt, ban chỉ đạo 130/CP đã giao bộ Công an chỉ đạo tổng cục Cảnh
sát phối hợp tổng cục Xây dựng lực lượng CAND nghiên cứu phương án
thành lập lực lượng chuyên trách chống tội phạm buôn người, trình Thủ
tướng Chính phủ xem xét, quyết định.