Thứ Năm, 2024-11-21, 11:23 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 10 » Chủ Nghĩa Mác – Giải Phóng Hay Nô Dịch?
5:21 PM
Chủ Nghĩa Mác – Giải Phóng Hay Nô Dịch?
Trần Quốc Hiên - ĐDCND
http://ddcnd.org/main/

“Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản”. Đó là nhận định của V.I. Lênin về vai trò của sách, về sự kế thừa và phát triển của tri thức xã hội.

Song, những bộ sách đồ sộ về Chủ nghĩa Lênin, tư tưởng Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh v.v… có phải là sự kế thừa tri thức xã hội, trong đó có Chủ nghĩa Tư bản và những tinh hoa tư tưởng của nó, và chúng có phải là tri thức xã hội tiên tiến mang tính cách mạng giải phóng loài người? Thực tiễn tại những nước “đi theo” CNXH có phải là “thiên đường” của loài người mà ở đó không còn áp bức, bóc lột?

Nếu CNXH là tri thức tiên tiến của xã hội, là con đường giải phóng loài người, thì nó không phải “tự vệ” bằng cách xác lập sự độc quyền và thiết lập chế độ kiểm duyệt hà khắc, qua đó CNXH quy chụp mọi trào lưu tư tưởng trái với nó đều là phản động?

Sự thật, Chủ nghĩa Mác từ khi ra đời đến nay, đã bị biến tướng, xuyên tạc thành Chủ nghĩa Đảng trị cực đoan; đặt lợi ích của Đảng và giai cấp cao hơn dân tộc, đánh đồng quốc gia dân tộc với lợi ích của Đảng và giai cấp. Chế độ độc Đảng toàn trị là một thứ Quyền lực “Ma quỷ”; sùng bái cá nhân, đề cao chuyên chế và bóp nghẹt Tự do – Dân chủ, trong đó những lãnh tụ Cộng sản như Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh v.v… chính là hiện thân của nó.

Loạt bài này sẽ góp phần phê phán Đảng CSVN, giải thích rõ Chủ nghĩa Mác là Giải Phóng hay Nô Dịch???


Bài 1:

Trí thức là ai ?

Trí thức là ai? Ai là Trí thức? Trước tiên phải đưa ra định nghĩa về Trí thức:

Theo nghĩa chữ Hán – Việt, thì chữ Trí trong Trí tuệ để chỉ năng lực làm việc trí óc, và chữ Thức trong Thức thời chỉ sự hiểu biết xã hội và thời cuộc. Do đó: “Trí Thức là những người lao động trí óc và sáng tạo, họ được đào tạo, học tập ở trình độ cao, có hiểu biết về xã hội, về thời cuộc và có chính kiến, tham gia phản biện, hướng dẫn và định hướng xã hội. Trí thức thực sự là tinh hoa của xã hội, có vai trò, ảnh hưởng và đóng góp quyết định đến năng suất lao động, đến sự phát triển xã hội.”

Theo Giáo sư Chu Hảo, từ “tầng lớp Trí thức” (intelligentsia) xuất hiện lần đầu tiên ở Nga vào nửa đầu thế kỷ 19, và sau đó là từ “người trí thức” (intellectuel) xuất hiện ở Pháp sau công xã Paris (1871); đó là những người không chỉ có học vấn hay trình độ chuyên môn cao, mà hơn hết phải là những người quan tâm và có chính kiến trước những vấn đề chính trị – xã hội nóng bỏng của thời cuộc. Người Trí thức ở đâu và bao giờ cũng là người có học vấn cao và có ý thức trách nhiệm sâu sắc đối với sự tiến bộ của xã hội.

Giáo sư Chu Hảo viết tiếp:" Mác đã coi Trí thức là những người quan tâm và có chính kiến riêng đối với các vấn đề của xã hội, nên họ phải là những người: “Phê phán không nhân nhượng những gì đang hiện hữu, không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước những quyết định độc đoán của chính quyền hoặc trước xung đột với chính quyền; bất cứ chính quyền nào”.

Như vậy, Mác không coi Trí thức là những người “thừa hành” của chính quyền, họ không phụng sự chính quyền, mà Trí thức có thiên chức: Tiếp thu và truyền bá tri thức, văn hóa; Sáng tạo các giá trị mới của nhân loại; Đề xuất, phản biện một cách độc lập các chủ trương chính sách và các vấn đề của xã hội; Dự báo và định hướng dư luận xã hội.

Theo Cụ Nguyễn Công Trứ, thì Kẻ Sĩ (Trí thức) phải là những người coi “vũ trụ giai ngô phận sự” (xem công việc trong trời đất là nhiệm vụ của mình), dẫu trong cảnh hàn vi mà chí vẫn không nguôi hướng tới sự nghiệp cứu dân, cứu đời.

Qua đó thấy rằng những người có học, được đào tạo bài bản và làm việc trí óc, thì chưa phải là Trí thức nếu họ chỉ biết “hành nghề” (đóng góp cho nghề nghiệp) một cách thụ động, thậm chí là bị động trước thời cuộc luôn đổi thay. Vậy những người lãnh đạo, cán bộ đảng viên, những người được coi là “lực lượng Tiền Phong” của giai cấp và dân tộc, họ có phải là Trí thức không?

Đặc điểm của Trí thức là làm việc trí óc: tư duy sáng tạo (phát minh, cải tiến), chứ không phải sao chép dập khuôn hay chỉ biết những lý thuyết giáo điều. Do đó, một người Nông dân phát minh ra cái máy cũng được coi là Trí thức (họ là những Trí thức tự đào tạo). Ngược lại, một vị Giáo sư nếu không có phát minh nào đáng kể, thì không được coi là Trí thức. Tương tự, một người lãnh đạo nếu không có đóng góp tích cực cho xã hội, thì không được coi là Trí thức.

Theo đó mà xét, thì chỉ khoảng 5% sinh viên Đại học ở Việt Nam được gọi là Trí thức. Các Giáo sư, Tiến sĩ, Kỹ sư, Văn Nghệ sĩ… thì không quá 20% được coi là Trí thức, còn về các Cán bộ Đảng viên có chức có quyền, thì số “Trí thức lãnh đạo” của Đảng CSVN chưa tới 10% ! Đó là những con số nhận định theo cảm tính, nhưng nó hoàn toàn có cơ sở. Cũng xuất phát từ thực tiễn đáng buồn ở nước ta, có thể khẳng định: Hiện nay, nước ta không có những Triết gia, hiểu theo đúng nghĩa là những người làm việc nghiên cứu và truyền bá Triết học, họ thực sự giữ vai trò quyết định đến sự phát triển xã hội.

Tuy nhiên ở Việt Nam , có rất nhiều các Giáo sư, Tiến sĩ và Thạc sĩ Triết học (Mác – Lênin), họ hình thành một đội ngũ hùng hậu những “Trí thức đỏ” làm công tác Tuyên giáo (Tuyên huấn: Tuyên truyền, Giáo huấn) của Đảng CSVN. Nhưng sự thật, họ chỉ là những cái “Máy nói” của Đảng, của Chính quyền Cộng sản mà thôi; họ chỉ được nghĩ và nói theo ý Đảng.

Sách giáo khoa “Giáo Trình CNXH Khoa Học” dùng trong các trường Đại học và Cao đẳng, được biên soạn theo sự đồng ý của Ban Tư tưởng – Văn hóa TW (Ban Tuyên giáo TW), đã định nghĩa: “Trí thức là những người lao động trí óc phức tạp và sáng tạo, có trình độ học vấn đủ để hoạt động trong lĩnh vực lao động của mình: Nghiên cứu, giảng dạy, ứng dụng khoa học, văn học, nghệ thuật, quản lý và lãnh đạo… Trí thức không có hệ tư tưởng riêng vì không có phương thức sản xuất riêng và địa vị kinh tế - xã hội độc lập. Vai trò và tư tưởng của họ phụ thuộc vào giai cấp thống trị xã hội.”

Định nghĩa trên đây về Trí thức mang đặc sắc Chủ nghĩa Lênin – Stalin, định nghĩa này đã đánh đồng Trí thức với những người lao động trí óc bình thường, đã xếp Trí thức vào một tầng lớp, đội ngũ “làm thuê” cho giai cấp thống trị, không có tư tưởng riêng, không có chính kiến, mất đi khả năng phản biện, hướng dẫn và định hướng xã hội. Trong chế độ độc Đảng toàn trị, Trí thức là những người “thừa hành”, “phụng sự trung thành” của tầng lớp lãnh đạo, họ mất đi cái quyền thiêng liêng, đó là quyền được tự do suy nghĩ và phát biểu chính kiến.

Trí thức Việt Nam thời nay có đặc điểm gì? Có thể khẳng định, họ là khuôn mẫu, là bản sao của các Nhà Nho thời phong kiến, thể hiện ở việc luôn theo đuổi mục đích “Học để làm Quan, để phục vụ Chính quyền”. Điều đó giải thích tại sao, ở Trung Quốc và Việt Nam, tầng lớp lãnh đạo của Đảng Cộng sản hầu hết đều xuất thân từ dân kỹ thuật; Con đường làm Quan hấp dẫn hơn con đường làm Khoa học !

Ngoài một bộ phận Trí thức được chính quyền trọng dụng, nhiều người đã vươn lên làm lãnh đạo. Còn lại đa số Trí thức Việt Nam đều rơi vào một tấn bi kịch, đó là họ “Tài năng bị lãng quên, mồm miệng bị trói buộc, ý chí bị thui chột…”
Có nhiều người cho rằng đó là tính cách “tùy thời”, là tính cách uyển chuyển: Điều kiện cho phép thì bung ra hoạt động; lúc khó khăn thì tạm ẩn dật chờ thời, có khi “tàng” (dấu mình) ngay trong lòng cường quyền, ác bá với tâm trạng “cấp lưu, dũng thoái” (trước giòng nước xiết, can đảm thoái lui). Cách giải thích đó chỉ đúng với một vài trường hợp cụ thể, một số người đặc biệt, đó không phải là đặc điểm chung của Trí thức Việt Nam . Hơn nữa, sứ mệnh của Trí thức là tạo ra thời cuộc, chứ không phải thời cuộc tạo ra Trí thức.

Giáo sư Chu Hảo viết: “Nhìn lại lịch sử đất nước, có thể nói rằng dưới các triều đại phong kiến ở nước ta, chưa bao giờ tồn tại một tầng lớp Trí thức theo cách hiểu đúng đắn của từ này. Các Sĩ phu là những người “có học”, có danh tiếng của các triều đại phong kiến, do vậy hầu hết cũng chỉ là các “quan văn” mang sứ mệnh “phò tá Triều đình” mà thôi - họ không hẳn là người Trí thức, hoặc tầng lớp Trí thức.

Đến giữa thế kỷ 19, cùng với sự suy yếu của Triều Nguyễn, sự xâm lược của quân Pháp và bước đầu tiếp cận với nền văn minh phương Tây, tầng lớp Nho sỹ ở nước ta đã phân hóa sâu sắc và bắt đầu xuất hiện những nhóm Sỹ phu tiến bộ có đầu óc canh tân, họ là tiền thân của nhóm Trí thức đầu tiên của nước ta nửa đầu thế kỷ 20. Hoàn cảnh lịch sử đã tạo ra cho một số người điều kiện có chỗ đứng khá độc lập với chính quyền, có thể sống bằng nghề lao động trí óc của mình, chứ không nhất thiết phải ra “làm quan”, và tiếng nói của họ ngày càng có uy tín trong xã hội. Họ phần đông là những người hành nghề tự do như bác sỹ, kỹ sư, luật sư, thầy giáo, nhà báo, nhà văn, họa sỹ, nhạc sỹ...

Những phần tử ưu tú trong số đó chính là tầng lớp Trí thức mới, đặt nền móng cho cuộc vận động giải phóng dân tộc vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, và nhiều người đã đóng vai trò nòng cốt trong các tổ chức hoạt động công khai, cho dù theo đường lối chống chính quyền cai trị như phong trào Cần vương (Phan Đình Phùng: 1844-1895), và Đông Du (Phan Bội Châu: 1867-1940); hay chủ trương tiến hành cuộc cách mạng văn hóa - giáo dục như phong trào Duy Tân (Phan Châu Trinh: 1872-1920) và Đông kinh nghĩa thục (Lương Văn Can: 1854-1927).”

Như vậy, Trí thức không phải là tầng lớp riêng biệt, họ thực sự là tinh hoa của xã hội. Chính những nhà sáng lập CNXH khoa học: Các Mác và Ăngghen đều là những Trí thức - Học giả lớn của thời họ sống, họ đã sáng tạo ra học thuyết làm nền tảng tư tưởng cho giai cấp và nhà nước vô sản, tiến tới làm cuộc cách mạng vô sản. Mác đã viết: “Cũng giống như Triết học thấy giai cấp vô sản (giai cấp Công nhân) là vũ khí vật chất của mình, giai cấp vô sản thấy Triết học là vũ khí tinh thần của mình…”

Hiển nhiên là giai cấp vô sản không sáng tạo ra Triết học, và vì vậy họ cần có những Trí thức để giúp họ làm điều đó; giúp họ phản biện, hướng dẫn và định hướng xã hội trong cuộc đấu tranh của mình, nghĩa là sáng tạo ra Triết học làm hệ tư tưởng của giai cấp vô sản, đó là Triết học Mác.

Triết học Mác truyền vào đến Việt Nam cũng được các Trí thức đón nhận, học tập nghiên cứu và giúp truyền bá rộng rãi, một bộ phận trong số họ trở thành những người lãnh đạo của Đảng CSVN. Nhưng khi dành được chính quyền, các Trí thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phần vì ấu trĩ, phần vì tư lợi đã xuyên tạc Triết học Mác, biến Triết học Mác thành một thứ Chủ nghĩa giáo điều, cứng nhắc và không có sức sống. Đặc biệt, bọn ấu trĩ Chủ nghĩa Mác nhờ có quyền hành trong tay đã biến Trí thức Việt Nam thành một đội ngũ, tầng lớp “làm thuê” cho giai cấp và chế độ toàn trị.

Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, và gần đây là vụ án Báo chí cũng như việc kỷ luật, trừng phạt đối với Báo chí trong nước là những minh chứng cho nhận định trên. Trí thức Việt Nam trở thành những kẻ “thừa hành” của chính quyền; Nếu họ có chính kiến khác (Bất đồng chính kiến) với tầng lớp lãnh đạo, thì ngay lập tức bị chụp mũ là Phản động và bị đàn áp không thương tiếc.

Song, chế độ kiểm duyệt truyền thông và báo chí của nhà nước Cộng sản chỉ có thể ngăn chặn trào lưu tư tưởng tiến bộ đến với tầng lớp bần cùng (Công nhân và Nông dân), nhưng không thể ngăn cản được những Trí thức luôn khát khao tìm đến ánh sáng văn minh, đi theo con đường Dân chủ hóa đất nước, theo trào lưu tiến bộ của thế giới. Chỉ những người nhận rõ bộ mặt phản bội của Đảng CSVN, có chính kiến rõ ràng về thời cuộc, về Tự do – Dân chủ, sẵn sàng đi Tiên Phong trong cuộc đấu tranh thực hiện Dân chủ hóa đất nước, thì họ mới thực sự là những Trí thức ưu tú cấp tiến, và một bộ phận trong số họ sẽ trở thành những người lãnh đạo mới của đất nước Việt Nam.

Quốc gia có hưng thịnh được hay không, chính là ở những nhân tài, trí thức của quốc gia đó. Xin dẫn lời của Giáo sư Chu Hảo để thay cho lời kết: "Đổi mới càng sâu sắc và toàn diện càng đòi hỏi phải đổi mới tư duy triệt để; muốn vậy phải có tầm trí tuệ rất cao. Tầm trí tuệ cao ấy phải có sự can dự của tầng lớp Trí thức ưu tú của dân tộc. Không ai nâng cao được vai trò của Trí thức ngoài chính họ! Không ai san sẻ trách nhiệm với Trí thức được; chỉ có Trí thức mới thi hành được thiên chức của mình; vinh quang và cay đắng gắn liền với thiên chức ấy cũng chỉ dành riêng cho giới Trí thức mà thôi!"

Việt Nam, ngày 10-10-2008
Views: 850 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 31
Khách: 31
Thành Viên: 0