Trần Hùng
Giữa 2 chế độ cộng sản Việt Nam và cộng sản Trung Hoa ngay từ khởi thủy
đã hình thành một mối tương quan cực kỳ bất bình đẳng: một bên là chư
hầu yếu kém, và bên kia là quan thầy đầy tham vọng. Chẳng những nhiều
tham vọng, họ lại còn hống hách và trịch thượng. Hình ảnh này thể hiện
rõ rệt trong mọi hành xử giữa đôi bên. Trước những vấn đề hệ trọng,
lãnh đạo CSVN đều phải thân hành đến Trung Nam Hải để nhận sự chỉ đạo.
CSVN cam chịu thân phận này một cách mặc nhiên, bất chấp quyền lợi đất
nước bị xâm phạm, hay niềm tự hào dân tộc bị tổn thương.Trong những ngày vừa qua, một câu chuyện xẩy ra ở Hà Nội đang làm cho
dư luận quan tâm theo dõi. Đầu tuần có tin cho biết thủ tướng CSVN
Nguyễn Tấn Dũng nhận được lệnh triệu hồi đến Bắc Kinh vào cuối tháng
10. Sau đó dư luận đồn đãi rằng, vì chính trị nội bộ Việt Nam đang diễn
biến phức tạp, "ông Dũng có thể cân nhắc việc đi thăm Trung Quốc".
Giữa lúc người ta đang chờ đợi tin chính thức từ nhà nước CSVN, thì đại
sứ Trung cộng tại Hà Nội Hồ Càn Văn đã lên tiếng cho biết "Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ chính thức thăm Trung Quốc vào cuối tháng Mười". Đồng thời, theo bản tin của BBC thì Hồ Văn Càn cũng "bác bỏ tin đồn về việc có đi hay không".
Người ta ngạc nhiên về sự mau mắn của viên đại sứ Trung
cộng. Hành động này trái với nguyên tắc ngoại giao thông thường. Bởi
vì, việc xác định "Nguyễn Tấn Dũng sẽ đi Trung quốc", hay "bác bỏ tin đồn về việc có đi hay không", là trách nhiệm của CSVN chứ không phải Trung cộng. Lời khẳng định của Hồ Càn Văn trong khi chính Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn đang "cân nhắc"
đã tước mất quyền quyết định của Nguyễn Tấn Dũng và đặt CSVN trước một
sự thể đã rồi, bắt buộc phải tuân hành, vì thế nó mang âm hưởng của một
mệnh lệnh, một lời chỉ thị.
Việc đại sứ Trung cộng tại Hà Nội có cung cách hành xử như một quan
thái thú càng ngày càng rõ nét trong thời gian gần đây. Người ta không
quên lòng người sôi sục khi Trung cộng ban hành quyết định thành lập
đơn vị hành chánh Tam Sa vào đầu tháng 12-2007, bao gồm cả 2 quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tuổi trẻ trong nước đã tập trung
biểu tình trước các cơ sở ngoại giao của Trung cộng ở Hà Nội và Sài
Gòn. Nhưng sau một lời trách mắng của viên đại sứ Trung cộng, CSVN đã
cho công an đàn áp thẳng tay phong trào yêu nước. Sau đó, đuốc Bắc Kinh
được ngang nhiên rước qua Sài Gòn trong niềm uất nghẹn của nhiều người.
Trong việc Hồ Càn Văn lên tiếng vừa qua, Trung cộng lại
muốn biểu dương uy quyền. Theo lịch trình, cuối tháng 10, CSVN sẽ phải
cử người đi Bắc Kinh để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Âu-Á (ASEM) lần
thứ 7 diễn ra trong 2 ngày 24 và 25 tại đây. Đây là hội nghị cấp cao
được tổ chức mỗi 2 năm, quy tụ nguyên thủ của hơn 30 nước Âu châu và Á
châu. ASEM 5 được tổ chức năm 2004 tại Hà Nội. ASEM 6 tổ chức tại
Helsinki Phần Lan năm 2006, Nguyễn Tấn Dũng là đại diện CSVN tham dự.
Như vậy, tại sao lần này lại có việc Nguyễn Tấn Dũng phải "cân nhắc"
xem có đi Bắc Kinh hay không, để Hồ Càn Văn phải nhúng tay giải quyết?
Đó là điều khiến dư luận thắc mắc!
Ngoài lời tuyên bố lên gân của đại sứ Hồ Càn Văn, dư
luận cũng đang tìm hiểu Hà Nội và Bắc Kinh sẽ thảo luận với nhau về
những vấn đề gì bên lề hội nghị ASEM 7?
Trước tiên là vấn đề kinh tế. Giao thương giữa 2 nước
đang trong chiều hướng có lợi cho Trung cộng. Nước này đứng đầu danh
sách các quốc gia xuất cảng hàng hoá vào Việt Nam, và đứng thứ 3 trong
số những nước mua hàng của Việt Nam. Con số đầu tư của Trung cộng vào
Việt Nam đã gia tăng gấp 10 lần trong gần một thập niên qua, và lên đến
1,2 tỷ đô la trong năm 2007. Trong 3 năm tới, con số đầu tư của riêng
tỉnh Quảng Đông dự trù sẽ lên đến gần 5 tỷ đô la.
Hàng hóa của Trung cộng nhập vào Việt Nam gồm nhiều
loại: đồ dùng điện tử, xe cộ, thực phẩm, hoa quả, quần áo và dầy dép.
Những hàng hoá này có phẩm chất thấp và giá hạ, gây nhiều khó khăn cho
nền kinh tế Việt Nam. Thứ nhất, đường giây buôn lậu chằng chịt qua biên
giới làm thất thu nhiều trên lãnh vực thuế quan. Thứ hai, hàng hoá của
Trung cộng giá rẻ làm cho nhiều cơ sở sản xuất nội địa khốn đốn. Một
vấn nạn khác nữa là sản phẩm không an toàn, như vụ sơn có chất chì
trước kia hay sữa chứa độc tố Melamine hiện nay.
Người ta không tin là Nguyễn Tấn Dũng, một nhân vật vốn không được Bắc
Kinh tin tưởng, tìm được cách giảm bớt bất lợi cho nền kinh tế của Việt
Nam. Vì thế, mục tiêu chính trong cuộc gặp gỡ sắp tới giữa Nguyễn Tấn
Dũng và Ôn Gia Bảo, dường như lại là vấn đề khác, nằm ở biển Đông.
Trong mối tranh chấp chiến lược giữa các siêu cường hiện nay, cả Trung
cộng lẫn CSVN đều nhìn thấy ở biển Đông một vai trò quan trọng qua
những mỏ dầu dưới đáy biển và những hòn đảo trên mặt nước.
Sự tranh chấp trên biển Đông đã bắt nguồn từ nhiều thập
niên trước, cụ thể là 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Toàn bộ Hoàng
Sa và một phần Trường Sa đã rơi vào tay Trung cộng sau những cuộc hải
chiến đẫm máu vào thập niên 70 và 80. Từ đó cho đến nay, Hà Nội chưa
bao giờ lên tiếng chính thức trên các diễn đàn quốc tế để khẳng định
chủ quyền của Việt Nam, dù họ có nhiều cơ hội để làm việc đó. Với vai
trò thành viên (và vừa qua, chủ tịch luân phiên) của Hội Đồng Bảo An
Liên Hiệp Quốc, CSVN vẫn chỉ lợi dụng hình ảnh này để tuyên truyền đánh
bóng, chứ không có nỗ lực mang Hoàng Sa Trường Sa ra trước ánh sáng
công lý. Gần đây, Hà Nội mới dám mở miệng nói đến 2 tiếng "chủ quyền",
nhưng những âm thanh rụt rè này không thoát ra khỏi không gian chật hẹp
của Hà Nội, không thể hiện quyết tâm gìn giữ đất đai của tổ tiên, mà
chỉ là vang vọng của một tiếng nói từ phương xa.
Đại sứ CSVN tại Hoa Kỳ Lê Công Phụng, nguyên trưởng đoàn đàm phán về
biên giới, khi trả lời cuộc phỏng vấn của nhà báo hải ngoại Lý Kiến
Trúc vào cuối tháng 9 vừa qua về vấn đề biên giới và biển Đông cũng
không nói lên điều gì mới. Cũng chỉ là lời lẽ khẳng định qua quýt,
nhiều tính chất tuyên truyền hơn là dẫn chứng khoa học. Người nghe có
cảm tưởng ông ta giãi bầy mối uẩn ức cá nhân về tội bán nước, chứ không
phải bênh vực cho thái độ khiếp nhược của CSVN. Ông Phụng vẫn chỉ lập
đi lập lại cái mà CSVN vẫn gọi là "thái độ khôn ngoan đối với nước lớn",
nhưng không bào chữa được lý do tại sao Hà Nội vẫn dấu nhẹm những bản
đồ quan trọng liên quan đến các hiệp ước biên giới, tại sao nhà nước
không phủ nhận những tuyên bố bất lợi trước kia về biên giới, tại sao
những người phát biểu về vấn đề này lại bị bắt giữ, và tại sao công an
lại đàn áp những cuộc biểu dương lòng yêu nước của thanh niên sinh
viên?. Đài Á Châu Tự Do tường thuật về cuộc phỏng vấn này đã nói "những
tiết lộ của ông Lê Công Phụng có thể là cơ sở thông tin để những người
quan tâm đến chủ quyền lãnh thổ Việt Nam cùng đóng góp ý kiến và thậm
chí phản biện". Người Việt trong và ngoài nước đều quan tâm đến chủ
quyền lãnh thổ Việt Nam, nhưng trong khi mời gọi cộng đồng hải ngoại
tham gia thảo luận, tại sao nhà nước lại cấm đoán, ngăn chặn việc thảo
luận của đồng bào trong nước?
Những điều mâu thuẫn nêu trên khiến người ta khó có thể
tin tưởng vào một thái độ đứng đắn của CSVN trước bá quyền Trung cộng.
Trong khi đó vẫn có thêm nhiều tin tức về tư thế quỳ gối của chế độ
Việt cộng. Trong cuộc họp báo chiều 3/10 tại Hà Nội, Bí thư Trung ương
Đoàn Thanh Niên Cộng Sản cho biết, trước khi Nguyễn Tấn Dũng đến Bắc
Kinh, một cuộc gặp gỡ giữa thanh niên Việt Nam và Trung cộng sẽ diễn ra
vào giữa tháng 10. Trong lịch trình, "đoàn thanh niên Việt Nam sẽ đến chào lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc, và sẽ được thu xếp đưa đến thăm Trường Sa".
Bản tin này làm nhiều người phải kinh ngạc. Chấp nhận đóng vai trò con
rối, để Trung cộng đưa đi thăm Trường Sa nhằm khẳng định chủ quyền của
họ trên hòn đảo của cha ông để lại, còn từ ngữ nào thể hiện rõ hơn bản
chất của việc này ngoài 2 chữ "bán nước"?. Đoàn thanh
niên này xứng đáng mang danh hiệu là Đoàn Thanh Niên Lê Chiêu Thống. Và
với những hành động như thế, ai có thể tin rằng CSVN có khả năng bảo vệ
đất nước?....
Trần Hùng
|