Main » 2008 » Tháng Mười » 11 » Dân chủ và Dân trí – Cái nào trước?
8:45 AM Dân chủ và Dân trí – Cái nào trước? |
Tạ Vũ
Cách đây đúng 4 năm, khó ai mường tượng ra được rằng nhân dân
Afghanistan có thể có một bước tiến dân chủ trọng đại là Tổng Tuyển Cử.
Thế rồi cuộc bầu cử đầy khó khăn thử thách đó tại Afghanistan cũng đã
diễn ra vào ngày thứ bảy 9 tháng 10 năm 2004. Hơn 10 triệu cử tri, đa
phần mù chữ và chỉ có thể bỏ phiếu bằng hình, đã vượt qua nỗi sợ hãi
bởi các lời đe dọa của những thành phần tàn dư Taliban, đã vượt qua
những đoạn đường đất vắt qua núi đồi trùng điệp, đã đi bộ qua hàng chục
cây số để đến nơi bỏ phiếu. Không khí hồ hởi hiện rõ trên cả nước.
Nhiều người dân Afghanistan trả lời các phái đoàn quốc tế đến giám sát
cuộc bầu cử bằng nụ cười rạng rỡ: "chúng tôi rất mong cuộc bầu cử này
sẽ đem lại hòa bình và an ninh". Những người bạo dạn hơn thì giải
thích: "chúng tôi mong có một tổng thống để khỏi phải sống dưới ách các
ông lãnh chúa và nhìn cảnh đổ máu triền miên".
Ngoại trừ một vài sự cố khiếu nại gian lận lẻ tẻ, hầu hết giới quan sát
đều khen ngợi thành quả vượt bậc của chính phủ chuyển tiếp dưới quyền
ông Hamid Karzai. Chỉ trong vòng 3 năm, đất nước này đã đi từ một chế
độ độc tài, cuồng tín và bệnh hoạn sang một thể chế dân chủ có cùng xu
hướng với thời đại. Dân chúng Afghanistan từ vị trí có thể bị đánh đập
bất cứ lúc nào trên đường phố không cần lý do đã chuyển sang vai trò
quyết định ai sẽ lãnh đạo đất nước.
Nhưng rồi cũng chính hiện tượng "đổi đời" này khiến người ta bật lên
câu hỏi: "Dân Afghanistan đã sẵn sàng cho thể chế dân chủ chưa?", hay
cụ thể hơn nữa: "Lá phiếu của những người còn mù chữ có mang giá trị gì
không?".
Đây không phải là câu hỏi riêng cho người dân Afghanistan, mà đã
từng được nêu ra trong thời khởi đầu của hầu hết các nền dân chủ vững
mạnh hiện nay. Cốt lõi của những câu hỏi đó là "Cần nâng cao Dân trí
trước thì mới có thể chuyển sang một nền Dân chủ đúng nghĩa, hay phải
có Dân chủ trước mới mong nâng Dân trí lên được ?".
Cuộc tranh luận này kéo dài hàng thế kỷ và bất phân thắng bại trên mặt
lý thuyết. Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả giữa hai chọn lựa kể trên
đã rõ như ngày và đêm. Cụ thể như tại Hoa Kỳ, không ai chối cãi là đã
có hiện tượng kéo dài nhiều năm trong đó những kẻ giàu có khuynh loát
hệ thống dân chủ để thao túng quyền hành cai trị trên một quần chúng
nhân dân thiếu học. Nhưng trong thể chế dân chủ không ai có thể ngăn
chặn quần chúng tiến lên bậc thang giáo dục hoặc độc quyền quyết định
các lãnh vực giáo dục. Và thế là với mỗi thế hệ dân chúng đạt đến trình
độ giáo dục cao hơn thì hệ thống dân chủ càng loại bỏ được những kẻ lạm
quyền và quyền quyết định càng thuộc về quần chúng nhân dân. Nhìn sang
các nước láng giềng của chúng ta, không ai chối cãi những cảnh đấm đá
ngay tại quốc hội Đài Loan, cảnh các thủ tướng Hàn Quốc bị còng tay dẫn
đi về tội tham nhũng, cảnh rối bời trong quốc hội Ấn Độ vì quá nhiều
đảng phái. Nhưng đến hôm nay thì cả thế giới công nhận ba thể chế dân
chủ đó đã trưởng thành và là nền tảng đẩy cả nền kinh tế lẫn mức độ dân
trí tăng vọt.
Ngược lại, tại Trung Quốc và Việt Nam ta, cả hai chính phủ đều nhân
danh trình độ dân trí thấp và nhu cầu ổn định, phát triển, để ngăn cấm
các sinh hoạt dân chủ.
Câu hỏi đầu tiên: Một chính phủ sau 50 năm không nâng nổi mức dân trí lên bằng các nước chung quanh, có đáng tiếp tục nắm quyền không?
Câu hỏi thứ hai: Một chính quyền độc tài có muốn nâng cao dân trí để rồi phải đối diện với các đòi hỏi dân chủ trong dân chúng không?
Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn khẳng định chế độ độc tài thực dân Pháp
chủ trương "ngu dân" để cai trị, còn chế độ độc tài độc đảng hiện nay
trên đất nước ta thì sao?
Kế đến, hàng trăm nước trên thế giới suốt từ thế chiến 2 đến nay đã
chứng minh ổn định xã hội lâu dài và phát triển kinh tế bền vững đòi
hỏi phải có một nền tảng dân chủ làm hạ tầng. Cách duy trì ổn định bằng
bộ máy công an trị chỉ là cách dấu đi những uất ức chờ ngày bùng nổ.
Đồng thời, cách phát triển kinh tế cùng lúc với chính sách giới hạn dân
trí chỉ dẫn đến nạn hủy hoại môi sinh, tăng tốc tham nhũng và băng hoại
xã hội. Tất cả những điều này đang diễn ra tại nước ta ngày hôm nay!
Tóm lại, Dân chủ không phải là phép lạ để cung cấp ngay một chính quyền
toàn vẹn, nhưng Dân chủ là phương tiện hữu hiệu để chuyển biến hệ thống
chính quyền ngày một tốt hơn mà không cần phải đổ máu.
Quá trình xây dựng chính quyền bằng thể chế dân chủ được khởi động càng
sớm, thì một Nhà nước đúng nghĩa càng chóng được đạt tới. Mọi lý lẽ
viện dẫn "vì Dân trí thấp” mà ngăn chặn Dân chủ đều là những ngụy biện
lạc hậu. Lạc hậu hơn cả đất nước Afghanistan dưới chế độ Taliban độc
tài, cuồng tín và bệnh hoạn.
Tạ Vũ
Nguồn: Blog Ðinh Tấn Lực
|
Category: Chính trị |
Views: 1227 |
Added by: danchu
| Rating: 0.0/0 |
|
Statistics
Đang online: 4 Khách: 4 Thành Viên: 0
|