Thứ Tư, 2024-12-25, 1:08 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười » 11 » CHÍNH TRỊ: VÙNG CẤM ĐỊA?
8:46 AM
CHÍNH TRỊ: VÙNG CẤM ĐỊA?

» Tác giả: Đỗ Thái Nhiên

1. CHÍNH TRỊ: VÙNG CẤM ĐỊA?

Dưới chế độ CSVN, tất cả hình thức làm báo của người dân đều bị nghiêm cấm. Làm báo hay nói tổng quát hơn, quyền tự do ngôn luận là một trong các nhân tính căn bản của con người. Vì vậy, mặc dầu bị ngăn cấm khắc nghiệt, người dân vẫn tìm mọi phương cách để vượt ra ngoài lệnh cấm vừa kể. Một trong những phương cách kia chính là người dân viết lên các loại suy nghĩ của họ trên hệ thống internet thông trang mạng cá nhân, goi tắt blog. Thời gian qua, giới viết blog đã cung cấp cho xã hội những tin tức CS bưng bít, những suy nghĩ không thuận lợi cho chế độ độc tài tham ô. Ngày 02/10/2008, cục Quản Lý Phát Thanh, Truyền Hình, và Thông Tin Điện Tử” trực thuộc bộ Thông Tin Truyền Thông của CSVN thông báo là họ đang soạn thảo văn bản nhằm “Quy định về quản lý blog cá nhân”. Nhân dịp này, ông thứ trưởng bộ Thông Tin Truyền Thông có cho báo chí biết rằng: “Blog có nội dung chính trị, kinh tế và văn hóa thì không thể gọi là blog”. Nói ngắn và gọn: CSVN đang toan tính dùng luật pháp độc tài để đàn áp những bloggers bước vào địa bàn chính trị. Chính trị là gì? Tại sao CSVN thường xuyên nổ lực ngăn cản người dân suy nghĩ về chính trị, hành động cho chính trị?


Theo ý nghĩa cội nguồn, tất cả tư tưởng và/hoặc hành động có liên hệ tới guồng máy quyền lực của quốc gia đều được qui chiếu vào hai chữ chính trị.


Có những người tìm đủ mọi ngõ ngách để có thể tham dự vào, hoặc nắm giữ được guồng máy quyền lực của quốc gia với chủ ý thỏa mãn lòng háo danh, vinh thân, phì gia, tham ô, buôn lậu, v.v... Số người này có mặt đông đảo tại bất kỳ quốc gia nào của thế giới. Đó là lý do giải thích tại sao thuật ngữ chính trị bị vấy bùn.


Muốn thấy rõ nội dung đích thực của chính trị, chúng ta không thể không tìm hiểu ý nghĩa căn bản của cách mạng. Đời sống của mỗi cá nhân cũng như sinh hoạt của xã hội bao giờ cũng là một cuộc xô đẩy lẫn nhau giữa thiện và ác, hạnh phúc và đau khổ, thương yêu và hận thù, chân thành và gian dối. Cách mạng là lời nói và việc làm nhằm giúp cho đời Người trở nên Người hơn, giúp cho thiện thắng ác, giúp cho yêu thương xóa bỏ hận thù. Tuy nhiên, muốn biến những điều được gọi là "giúp cho" vừa kể trở thành hiện thực, người làm cách mạng không thể không nghĩ tới guồng máy quyền lực của quốc gia. Guồng máy này chính là phương tiện giúp cho việc mang tư tưởng cách mạng đi vào đời sống xã hội. Từ đó người làm cách mạng phải làm chính trị. Cách mạng là bộ óc trong sáng đi kèm với quả tim nồng nàn yêu nước. Chính trị là đôi cánh tay rắn chắc và kiên cường của cách mạng. Chính trị trong khung cảnh cách mạng gọi là chính trị cách mạng hay chính trị chính danh. Điều đáng buồn là chính trị chính danh thường xuyên bị quấy nhiễu bởi chính trị lấm bùn, chính trị phản cách mạng, chính trị ngụy danh. Lịch sử chẳng là gì khác hơn là một cuộc đấu tranh triền miên giữa chính trị chính danh và chính trị ngụy danh. Lương tâm tự nhiên của con người hối thúc chúng ta phải hỗ trợ những người làm chính trị chính danh. Muốn như vậy, chúng ta phải có khả năng nhận định giữa cách mạng và phản cách mạng, giữa thiện và ác. Người làm chính trị chính danh là người vừa mang tấm lòng yêu nước tha thiết, vừa có được những hiểu biết sâu sắc đối với một mô thức xã hội mà họ tin là tốt đẹp nhất. Mô thức này chỉ ra rằng : giáo dục là linh hồn của chính trị. Giáo dục là khởi điểm, đồng thời cũng là chung điểm của chính trị. Giáo dục là con đường duy nhất sản sinh ra những người vừa là trí thức vừa là chuyên viên. Lực lượng trí thức chuyên viên là lực lượng nồng cốt có khả năng xây dựng và phát triển một xã hội mới thực sự hạnh phúc và thịnh vượng bền bĩ. Nói tóm lại, người làm chính-trị-chính-danh là người mang hoài bão làm cho xã hội thăng tiến cả về kinh tế lẫn đạo đức, lấy giáo dục làm công cụ chính yếu của công cuộc cách mạng xã hội. Ngược lại, người làm chính trị phản cách mạng, chính trị ngụy danh chỉ đam mê chạy theo quyền hành. Họ không hiểu biết gì hoặc chỉ nhìn thấy lơ mơ vai trò của giáo dục trong công cuộc hoàn thiện xã hội. Đó là điểm khác biệt rõ rệt nhất giữa chính trị chính danh và chính trị ngụy danh. Tấm lòng lương tri và ái quốc đòi hỏi mọi người phải có nghĩa vụ hỗ trợ cho những người làm chính- trị-chính-danh.


Có hai phương cách hỗ trợ :


Hỗ trợ bằng hành động chính trị : Tức là dấn thân đi vào con đường hoạt động chính trị chính danh. Quyết tâm phục vụ quê hương Việt Nam thông qua lề lối chính-trị-cách-mạng. Nỗ lực tìm con đường tham dự vào guồng máy quyền lực của quốc gia nhằm thực thi lý tưởng cách mạng lấy tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc làm kim chỉ Nam.


Hỗ trợ bằng thái độ chính trị : Tức là sử dụng lá phiếu dân chủ, sử dụng quyền biểu tình, quyền trình bày quan điểm bằng lời nói hay ngòi bút với chủ ý gay gắt đả phá thành phần chính trị ngụy danh, phản cách mạng.


Như vậy, chẳng những không xa lánh chính trị theo đúng ý muốn của CSVN mà tất cả chúng ta đều có nghĩa vụ tham chính. Tham chính dưới hình thức hoạt động chính trị hoặc tham chính dưới hình thức biểu tỏ thái độ chính trị, lập trường chính trị. Nghĩa vụ tham chính được biện giải bởi các lý lẽ chi tiết như sau :


THAM CHÍNH LÀ HÀNH ĐỘNG NHÂN ÁI :


Tích cực tham chính tức là chúng ta tích cực không để cho chính quyền bị rơi vào tay những kẻ sâu dân mọt nước, những phần tử chính trị phản cách mạng. Từ đó, hạnh phúc và thịnh vượng sẽ đến với từng nhà, từng người. Hai chữ “Nhân ái” không thể im lìm nằm trên những trang sách viết về nhân ái. Nhân ái không thể đơn giản như một chén cơm trắng, một manh áo cũ dành tặng cho những người đói khổ. Nhân ái không thể chỉ là vài lời lẽ hời hợt cố làm cho ra vẻ ân cần được gửi đến những người gặp hoạn nạn. Nhân ái cụ thể nhất, nhân ái cao cấp nhất chính là hành động tham chính, dầu chỉ tham chính bằng quan điểm hay bằng các thái độ chính trị. Con đường tham chính là con đường hưu hiệu nhất giúp chúng ta có cơ hội tạo điều kiện để người người hạnh phúc, nhà nhà no ấm. Ấm no cả cơm áo lẫn ấm no tự do dân chủ. Sau cùng, nhân ái không nên được hiểu hẹp hòi theo sự liên hệ tình cảm giữa cá nhân với cá nhân. Nhân ái đích thực, nhân ái từ trời cao đổ xuống đất rộng phải là nhân ái dàn trải trên căn bản một người yêu thương mọi người và mọi người yêu thương một người. Muốn tìm thấy mối tương quan giữa "mọi" và "một" như vừa kể, chúng ta không thể không tham chính. Tham chính không phải chỉ là dấu hiệu của nhân ái. Tham chính chính là nhân ái.


THAM CHÍNH LÀ TRÌNH ĐỘ THĂNG HOA CỦA TRÍ THỨC :


Trí thức của mỗi người được xác định bởi hai chuẩn mực. Một là phải có nghề nghiệp chuyên môn để tạo đời sống độc lập về tài chính : phải là chuyên viên. Hai là phải chu toàn nghĩa vụ đối với bản thân, đối với gia đình, đối với Tổ quốc, đối với cộng đồng quốc tế : phải có lý tưởng sống và tích cực thể hiện lý tưởng đó. Như vậy, trí thức của mỗi người chẳng là gì khác hơn là sự cộng hưởng của hai yếu tố chuyên viên và lý tưởng sống. Yếu tố chuyên viên được ghi nhận bởi các loại văn bằng cao thấp khác nhau. Đặc biệt yếu tố lý tưởng chỉ có thể tìm thấy trong hành động sống cụ thể. Nói gãy gọn lý tưởng sống hối thúc con người thực thi một cách tròn đầy và sinh động nghĩa vụ làm người. Ông biện lý chỉ có thể thực thi nghĩa vụ bảo vệ an ninh và trật tự xã hội chừng nào vị thẩm phán công tố này có quyền ký lệnh bắt giam phạm nhân. Như vậy, quyền là phương tiện để thực thi nghĩa vụ. Từ đó, quyền và nghĩa vụ là hai mặt không thể tách rời của một bàn tay. Từ đó, nghĩa vụ làm người sản sinh ra quyền làm người. Nhân quyền mặc nhiên hàm ngụ nghĩa vụ làm người. Nhân quyền triệt để gắn bó với sinh mệnh của mỗi người. Lý luận cho rằng nhân quyền là một loại quyền do nhà cầm quyền tại mỗi quốc gia tùy nghi ban phát cho mỗi người dân là lý luận gian ác của những kẻ ôm tham vọng thống trị xã hội. Khởi hành từ nghĩa vụ làm người, bậc trí thức không thể không đối diện với vấn đề nhân quyền. Nói rõ hơn, người trí thức là người thường xuyên đấu tranh chống lại các thế lực chà đạp nhân quyền. Người trí thức là người thường xuyên quan tâm tới vấn đề nhân quyền trên căn bản “quyền làm người là công cụ giúp con người có thể thực thi nghiêm chỉnh nghĩa vụ làm người”.


Quyền tự do dân chủ là nhân quyền trọng yếu hàng đầu. Trong tự do dân chủ có tự do tín ngưỡng, tự do báo chí, tự do tổ chức hội đoàn, tự do tư hữu,... Nếu nghĩa vụ làm người được hình dung như cái cổng lớn của một ngôi nhà, thì nhân quyền là tấm thảm đỏ chạy dài từ cổng vào nhà. Tất cả các quyền tự do dân chủ khác là những loại vật liệu đã được sử dụng để xây dựng ngôi nhà kia. Bức tranh cổng nhà và "ngôi nhà tự do dân chủ" đã cho chúng ta một nhận thức rõ ràng và cụ thể về mối liên hệ quấn quyện giữa nghĩa vụ làm người, nhân quyền và các quyền tự do dân chủ. Mặt khác, chính bức tranh "ngôi nhà dân chủ" đó đã giải thích một cách khoa học và chính xác lý do tại sao người trí thức phải tham chính. Ít ra là tham chính bằng cách đưa ra quan điểm chính trị trước mỗi tình huống dân chủ, nhân quyền bị vi phạm. Thái độ tham chính vừa kể của người trí thức được dư luận đánh giá như trình độ trí thức đã thăng hoa.


THAM CHÍNH LÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SỐNG :


Như đã trình bày ở trên, nhân quyền là tính bẩm sinh của con người. Nó là bộ phận trội yếu của nhân tính. Tuy nhiên, con người sống giữa mọi người. Con người làm người giữa mọi người. Hai chữ "mọi người" hàm ý nói tới xã hội, nói tới môi trường sống. Vì vậy, nhân quyền không thể nằm im lìm trong Hiến Pháp hay trên biểu ngữ các loại. Nhân quyền phải được vui đùa, nhảy múa trong môi trường sống, trong một cấu trúc xã hội thích nghi. Vấn đề nhân quyền không thể ngưng lại ở hành động đòi hỏi tôn trọng nhân quyền. Vấn đề chính là làm thế nào để người dân có thể làm- chủ- xã- hội, ngõ hầu giúp cho nhân quyền trở thành một quyền sinh động trong môi trường xã hội. Một quyền có năng lực biến thiên sao cho ở vào mọi tình huống của lịch sử, quyền làm người vẫn được tôn trọng đúng mức. Làm chủ xã hội chính là làm chủ môi trường sống. Nói tới nhân quyền nhưng không quan tâm đến tự do dân chủ chẳng khác nào một người chỉ lo gìn giữ cái mũi tránh các thương tích, nhưng không hề nghĩ đến bầu không khí mà cái mũi kia hít thở. Người dân làm chủ môi trường sống bằng cách ứng cử vào các vị trí trong guồng máy quyền lực quốc gia để trực tiếp tổ chức và điều hành dân chủ. Người dân làm chủ môi trường sống bằng cách sử dụng lá phiếu để thuê mướn hoặc bãi nhiệm người lãnh đạo quốc gia. Người dân làm chủ xã hội bằng cách trình bày quan điểm chính trị trong trường hợp nhà cầm quyền đã không thực thi nghĩa vụ làm công bộc cho nhân dân. Nói một cách chung nhất, làm chủ xã hội tức là bảo vệ môi trường sống, tức là tham chính.


THAM CHÍNH LÀ BIỂU LỘ TINH THẦN THƯỢNG TÔN LUẬT PHÁP :


Xã hội loài người được thành hình căn cứ trên một qui ước bất thành văn. Đó là xã ước. Xã ước gồm hai điều khoản. Một là xã hội cung ứng cho con người mọi tiện ích tinh thần cũng như vật chất, những tiện ích này là sản phẩm của cuộc sống hợp quần. Hai là con người phải mẫn cán bảo vệ xã hội bằng cách nghiêm chỉnh tuân hành luật pháp. Luật pháp là công cụ tổ chức và điều hành xã hội. Một cách tổng quát nhất, luật pháp bao gồm hai loại điều luật. Loại điều luật thứ nhất là những điều khoản qui định những sự việc bị cấm hành động : cấm trộm cướp, cấm hiếp dâm, cấm lường gạt... Loại điều luật thứ hai là những điều khoản qui định những sự việc bị buộc phải hành động : phải tố cáo mọi dự mưu phạm pháp, phải nhanh chóng giúp đỡ những người gặp tai nạn... Mặc dầu luật pháp không buộc con người phải tham chính để bảo vệ quốc gia trong hoàn cảnh đất nước gặp khó khăn, tuy nhiên dưới mắt nhìn của môn triết học của luật pháp (triết pháp) : phòng bệnh là phương cách trị bệnh tốt nhất. Vì vậy, thay vì chờ cho đất nước lâm nguy mới ra tay cứu chữa, mỗi chúng ta phải tích cực tham chính nhằm giúp cho guồng máy dân chủ thường xuyên ổn định, xã hội thường xuyên hạnh phúc và thịnh vượng. Như vậy tham chính hiển nhiên là hành động bảo vệ xã hội mẫn cán hơn cả những đòi hỏi của luật pháp. Đó là chân ý nghĩa của tinh thần thượng tôn luật pháp.


Không còn nghi ngờ gì nữa : Tham chính là hành động nhân ái. Tham chính là sự thể hiện trình độ thăng hoa của trí thức. Tham chính là thái độ bảo vệ môi trường sống. Tham chính là dấu hiệu cụ thể của tinh thần thượng tôn luật pháp. Thế nhưng, tại sao lại có ý kiến kêu gọi chúng ta xa lánh chính trị ? Câu hỏi này khiến chúng ta liên tưởng tới một phương pháp xác định sự thực trong cổ luật La Mã. Phương pháp rằng : Mỗi khi đối diện với một hiện tượng mà xã hội chưa xác định được thủ phạm, người La Mã thường đặt câu hỏi "cui bono". Câu hỏi này có nghĩa rằng "ai là người có lợi". Tìm ra người được hưởng các loại lợi lộc chung quanh một sự việc tức là chúng ta đã tìm ra thủ phạm đã tạo thành sự việc đó.


Trở về với tình hình Việt Nam : Cộng sản Việt Nam là nhà cầm quyền độc tài và tham ô. Nếu mọi người đều xa lánh chính trị, mọi người đều bịt mắt bưng tai trước tệ nạn phản dân chủ nhân quyền, thì thành phần duy nhất được hưởng lợi chính là chế độ CSVN. Chế độ này hưởng lợi bằng cách tiếp tục cuộc sống đế vương trên độc tài và tham ô mà không một mảy may lo sợ bị người dân vận dụng kiến thức chính trị phối hợp với kỷ thuật chính trị nhằm đào thải triều đình Hà Nội.


Tham chính vừa là quyền hành, vừa là nghĩa vụ của mỗi công dân. Điều này đã được biện giải. Kêu gọi xa lánh chính trị rõ ràng là âm mưu ru ngủ quần chúng của CSVN. Điều này đã được chứng minh. Chúng ta hãy tích cực tham chính. Tham chính bằng hành dộng chính trị chính danh hoặc tham chính bằng quan điểm chính trị lấy dân làm gốc.Tham chính là ngọn đòn đánh thẳng vào xương sống quyền lực của chế độ CSVN độc tài, tham ô và ngu dốt. Sau cùng, tham chính là truyền thống bất khuất của nòi giống Tiên Rồng.


ĐỖ THÁI NHIÊN


2008-10-10 18:19:28

Category: Chính trị | Views: 969 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 8
Khách: 8
Thành Viên: 0